Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Trông giữ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường có phải dịch vụ phúc lợi?

Chu Đức - Hải Bằng - 04/07/2022 | 5:45 (GTM + 7)

Những ngày qua, việc phải bù lỗ tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội và công tác thu phí đỗ xe dưới lòng đường ở TP.HCM chắc hẳn đã gợi nhiều suy tư trong lòng công chúng và các nhà quản lý.

Ở câu chuyện đường sắt đô thị, có thể hiểu được phần nào vì đó là phương tiện giao thông công cộng. Nhưng các bãi giữ xe dưới lòng đường, trên vỉa hè, phải chăng chúng đang bị hiểu nhầm là một dịch vụ phúc lợi, nhà nước phải bỏ tiền ra để phục vụ nhóm đi xe cá nhân?

Cách hiểu này đang khiến giao thông đô thị trả giá như thế nào? Cần nhìn nhận lại vấn đề ra sao để cứu vãn tình thế?

Trên địa bàn Hà Nội hiện các bãi trông giữ xe tận dụng một phần diện tích lòng đường, vỉa hè hoạt động theo mô hình giao khoán

Trên địa bàn Hà Nội hiện các bãi trông giữ xe tận dụng một phần diện tích lòng đường, vỉa hè hoạt động theo mô hình giao khoán

Chỉ thu cũng lỗ, đó là câu chuyện xảy ra ở các bãi giữ xe dưới lòng đường ở Tp.HCM. Trao đổi với VOV Giao thông, ông Lưu Tiến Huy, cư dân sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nơi cũng chịu cảnh lòng đường, vỉa hè phải nhường diện tích cho việc đỗ xe cố gắng lý giải:

“Không nhất thiết phải lấy vỉa hè, lòng đường ở đấy mà chính nhà nước bỏ tiền ra, tức là lấy tiền của dân để làm bãi xe. Mà đến đỗ xong, tôi thấy là cứ trả tiền, mà tiền thì không có vé, thế cái tiền đấy đi đâu, không có vé tức là nhà nước thất thu”.

Được biết, trên địa bàn Hà Nội hiện các bãi trông giữ xe tận dụng một phần diện tích lòng đường, vỉa hè hoạt động theo mô hình giao khoán. Tức là hàng tháng, các đơn vị được giao trông xe (không qua đấu thầu) sẽ phải nộp một khoản tiền nhất định, gồm tiền thuê và tiền thuế tính trên số doanh thu.

Nếu như trước đây, doanh nghiệp không bắt buộc lập và giao hóa đơn vé lẻ trị giá dưới 200 nghìn đồng, việc xác định số thuế phải nộp phụ thuộc rất lớn vào tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, thì hiện nay, cách tính thuế đã phần nào khắc phục được kẽ hở này.

Cụ thể, Nghị định 123 năm 2020 của Chính phủ quy định, từ 1/7/2022, người bán hàng bắt buộc áp dụng lập hóa đơn điện tử cho người mua. Trong khi đó, từ tháng 11/2021, Hà Nội cũng là một trong 6 địa phương đã áp dụng triển khai hóa đơn điện tử theo Quyết định của Bộ Tài chính.

Bản thân một vị cán bộ phụ trách công tác thu phí trông xe dưới lòng đường ở TP.HCM cũng thừa nhận việc này không đặt nặng doanh thu mà chủ yếu để giảm ùn tắc ở khu trung tâm.

Mặc dù vậy, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc thu phí bãi giữ xe chỉ có lãi, không thể lỗ. Vấn đề là sự sâu sát, quy trình để tránh gây thất thoát: 

“Lượng tiền thu được không lớn và rõ ràng đi vào ngân sách, nhưng vỉa hè hoặc bãi đỗ khi bị hư hỏng thì lập tức người đứng ra chịu trách nhiệm lại là công ty quản lý vỉa hè, đô thị.

Rõ ràng chi phí bảo trì, bảo dưỡng lại là của ngân sách TP. Đối với việc hồi phục vỉa hè hay xử lý các con đường đang trở thành bãi đỗ xe”.

Empty

Ông Đinh Trọng Thịnh khẳng định, bãi giữ xe trên hè phố chỉ là một giải pháp tạm thời mang tính “giật gấu vá vai”, là cơ hội cho các đối tượng trục lợi từ tài sản công, khi giá cho thuê rẻ hơn hàng nghìn lần giá trị trường. Về lâu dài, các thành phố cần quy hoạch khả thi, toàn diện, thúc đẩy các bãi đỗ xe hiện đại, quy củ.

Đồng quan điểm, kiến trúc sư Trần Huy Ánh nhận định, việc chỉ thu tiền thôi cũng lỗ cho thấy, chính quyền đô thị Hà Nội, TP.HCM không quản nổi nhu cầu trông giữ xe. Thay vào đó, xã hội ngầm đang điều hành hệ thống này thông qua các bãi trông giữ xe cả hợp pháp và bất hợp pháp.

Theo ông Ánh, đã đến lúc cần nhìn nhận lại sự tồn tại của các bãi trông giữ xe tạm thời trên hè phố, liệu đây có phải một dịch vụ phúc lợi không vì mục đích kiếm tiền? Tại sao cả cộng đồng phải hy sinh lòng đường, vỉa hè phục vụ một nhóm nhỏ người lái ô tô cá nhân?

“Con số bằng cộng trừ nhân chia cấp một có thể thấy rằng trông giữ xe trên hè phố chỉ là con số hình thức, không có giá trị gì.

Chúng ta chỉ cần thay đổi quan điểm, việc đỗ xe là một dịch vụ được cung cấp, chứ không phải phúc lợi xã hội phải cung cấp. Khi đó, chính thị trường bãi đỗ xe sẽ đưa ra sáng kiến đưa ra những vị trí đỗ xe đầu tư hợp lý, chi phí cao, làm dòng xe cộ vào thành phố được điều tiết hài hòa, đồng bộ với chính sách hạn chế đỗ xe, cũng như cung cấp bãi đỗ xe đúng giá trị với suất đầu tư”, kiến trúc sư Trần Huy Ánh phân tích.

Có thể ngầm hiểu các cơ quan quản lý vẫn đang cố tình “vừa đá bóng vừa thổi còi”, làm lệch lạc chính sách, thị trường

Có thể ngầm hiểu các cơ quan quản lý vẫn đang cố tình “vừa đá bóng vừa thổi còi”, làm lệch lạc chính sách, thị trường

Bãi xe trên hè phố: Biểu tượng thất bại của giao thông đô thị

Ở các đô thị lớn trên thế giới, nơi hạ tầng giao thông, phương tiện công cộng dù rất phát triển vẫn không đuổi kịp sự tăng trưởng của xe cá nhân, thì tự lái ô tô vào vùng lõi ăn uống, mua sắm, giải trí được coi là một việc xa xỉ.

Thị dân có ý định này sẽ gặp rất nhiều rào cản: mất thời gian vì ùn tắc, chi phí đắt đỏ về cầu đường, giá gửi xe, phiếu xử phạt dừng đỗ xe không đúng quy định. Họ thường tìm đến giao thông công cộng hoặc taxi công nghệ.

Mặc dù vậy, vẫn có những ngoại lệ, như Hà Nội hay TP.HCM. Người dân ở những thành phố này không quá ngại việc lái ô tô vào nội đô. Họ có thể thoải mái đỗ dưới lòng đường, trên vỉa hè sát điểm cần đến. Chưa đầy 5 giây sau khi dừng bánh, sẽ có người tận tình chỉ bảo đánh xe vào nơi có thể đỗ, với mức giá trung bình 30 nghìn-50 nghìn trên mỗi 2 tiếng.

Đôi khi họ may mắn tìm được bãi trông xe hợp pháp vẫn còn chỗ. Nhưng cứ 10 người thì chỉ có 1 người có được may mắn đó. Vì các điểm, bãi trông giữ xe chính thức chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu. Còn lại phần lớn sẽ chấp nhận thanh toán cho các đối tượng lạ mặt cốt để yên tâm. Họ hiểu rằng, những bãi xe không phép này sẽ đảm bảo xe họ không bị xử phạt.

Việc các bãi trông giữ xe “lậu” hòa lẫn vào các bãi giữ xe hợp pháp (Giá như nhau, đều không ghi vé) đã tạo nên một hệ thống ngầm đáp ứng nhu cầu khổng lồ về đỗ xe.

Để hiểu ngọn ngành vấn đề, cần nhìn vào chính sách cho phép các địa phương cho thuê một phần lòng đường, vỉa hè đủ điều kiện để lập các bãi trông giữ xe tạm thời. Nhưng theo thời gian, việc quản lý, giám sát lỏng lẻo của chính quyền đô thị đã dẫn tới nhiều vỉa hè bị đánh cắp, người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường, thậm chí có nơi xuống cũng không thể đi vì lòng đường cũng bị trưng dụng đỗ xe.

Những bãi xe có đăng ký thì thường xuyên ăn gian, lấn chiếm diện tích, các bãi xe lậu lại lợi dụng sự loạn lạc, được dịp “tát nước theo mưa” quây kín mặt các trung tâm thương mại, bệnh viện, công sở, trường học, nhà hàng. Chúng bóp nghẹt phần không gian công cộng hiếm hoi sót lại trên các vỉa hè.

Nếu tỉnh táo suy xét, có thể thấy, việc theo đuổi chính sách bãi đỗ xe tạm thời đang dung dưỡng cho ý muốn lái xe vào nội đô, gieo vào suy nghĩ người dân rằng “kiểu gì cũng có chỗ đỗ”.

Nó đi ngược hàng loạt chính sách khác mà Hà Nội, TP.HCM đang theo đuổi: Hạn chế xe cá nhân vào vùng lõi, giành lại vỉa hè thông thoáng, khuyến khích người dân đi bộ đến nhà ga, điểm chờ giao thông công cộng, và đặc biệt, nó triệt tiêu sự cạnh tranh công bằng trong việc ưu tiên phát triển các bãi đỗ xe ngầm, thông minh.

Sẽ ít nhà đầu tư dám mạo hiểm bỏ hàng trăm, nghìn tỷ đồng vào các dự án bãi đỗ xe tối tân, hiện đại nhưng mất hàng thập kỷ để thu hồi vốn khi mà trước mắt họ là hấp lực đặc biệt, khó cưỡng từ bãi giữ xe vỉa hè, lòng đường ít tốn kém hoặc không tốn chi phí.

Sẽ rất khó để thu hút doanh nghiệp nghiêm chỉnh làm “núi” thủ tục, giấy phép đấu thầu xây bãi xe theo quy hoạch, khi họ phải cạnh tranh với những doanh nghiệp “thân hữu” được giao khoán lập bãi trông xe, hoặc các cá nhân được bảo kê đứng ra chiếm đường, chiếm đất cầm 1 lọ sơn, 1 cuộn dây kẻ vạch thu tiền.

Câu chuyện cả năm các bãi xe dưới lòng đường ở TP.HCM chỉ thu được 2 tỷ, phải bù lỗ 8 tỷ, hay chuyện các bãi trông giữ xe trên vỉa hè ở Hà Nội thu được nhiều nhất cũng chỉ khoảng 25 tỷ đồng/năm, không bằng 1/3 số tiền lát lại đá hồ Hoàn Kiếm – Những thống kê này cho thấy sự thiếu hiệu quả về kinh tế, lẫn sự tai hại về chính sách. Chúng đã đủ khiến các nhà quản trị đô thị giật mình xem xét lại vấn đề?

Liệu trông giữ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường có phải dịch vụ phúc lợi mà nhà nước buộc phải bỏ đất, bỏ người, bỏ tiền ra để phục vụ một nhóm nhỏ người lái xe cá nhân? Hay bức tranh lớn hơn cần được nhìn nhận như một nền kinh tế trông giữ phương tiện?

Nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước lẽ ra phải quản lý thật chặt công sản, gồm các ô, thửa đất trong quy hoạch bến bãi đỗ xe, giữ thông thoáng các diện tích công cộng từ vỉa hè đến lòng đường, không để thất thoát tài nguyên quốc gia chảy vào túi lợi ích nhóm thông qua những điều chỉnh quy hoạch bãi xe thành trung tâm thương mại, chung cư; cho thuê vỉa hè, lòng đường với giá rẻ mạt không đấu thầu.

Khi chúng ta sử dụng công sản đúng mục đích trong một môi trường thượng tôn pháp luật, tạo được sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, không còn cảnh chạy chọt, bảo kê, sân sau, lúc đó thị trường sẽ tự điều tiết và một nền kinh tế trông giữ phương tiện sẽ hình thành. Khi ấy, nguồn lợi chảy vào ngân sách sẽ không phải là vài chục tỷ, mà là hàng chục nghìn tỷ đồng!

Ngược lại, nếu còn tiếp tục tư duy và hành xử với công sản như hiện tại, khư khư giữ các bãi trông giữ xe tạm thời trên hè phố với lý do “chữa cháy”, “tình thế”, có thể ngầm hiểu các cơ quan quản lý vẫn đang cố tình “vừa đá bóng vừa thổi còi”, làm lệch lạc chính sách, thị trường.

Chúng chính là biểu tượng cho lợi ích nhóm, cho sự thất bại của nền giao thông đô thị.

Ý kiến của bạn
TP.HCM: Tình hình sức khỏe của các nạn nhân trong vụ cháy ở quận Tân Bình

TP.HCM: Tình hình sức khỏe của các nạn nhân trong vụ cháy ở quận Tân Bình

13 nạn nhân trong vụ cháy ở đường Xuân Hồng (quận Tân Bình, TP.HCM) được đưa vào bệnh viện cấp cứu, trong đó có 3 người phải thở máy.

TP.HCM: Danh tính 2 nạn nhân tử vong trong vụ cháy nhà 4 tầng ở quận Tân Bình

TP.HCM: Danh tính 2 nạn nhân tử vong trong vụ cháy nhà 4 tầng ở quận Tân Bình

Bước đầu, 2 người được xác định tử vong tại tầng 3 của căn nhà…

TP.HCM: Cháy nhà 4 tầng, 2 người tử vong

TP.HCM: Cháy nhà 4 tầng, 2 người tử vong

Căn nhà 4 tầng ở mặt tiền được ngăn thành hơn chục phòng cho thuê bất ngờ bốc cháy dữ dội khiến ít nhất 2 người tử vong, nhiều người bị thương.

TP.HCM: 17 tuyến buýt đưa đón khách đi metro số 1 chính thức hoạt động

TP.HCM: 17 tuyến buýt đưa đón khách đi metro số 1 chính thức hoạt động

Sau 1 thời gian chuẩn bị, 150 chiếc xe buýt thuần điện sẽ đi vào hoạt động trên 17 tuyến kết nối với metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên kể từ ngày 22/12/2024 tới đây.

Mặt bằng TP.HCM 'ngủ đông': Nỗi buồn cuối năm

Mặt bằng TP.HCM "ngủ đông": Nỗi buồn cuối năm

Không khí mua sắm những ngày cuối năm đang rộn ràng khắp các con phố Sài Gòn. Thế nhưng, trái ngược với sự nhộn nhịp thường thấy, nhiều tuyến đường trung tâm thành phố lại đang "ngủ đông" với hàng loạt mặt bằng đóng cửa im lìm, treo biển cho thuê.

Học sinh vi phạm luật giao thông: Đừng chỉ trông chờ vào lực lượng chức năng

Học sinh vi phạm luật giao thông: Đừng chỉ trông chờ vào lực lượng chức năng

2.220 là số trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông đường bộ bị lực lượng CSGT Hà Nội xử lý trong 1 tháng vừa qua; đồng thời, phạt tiền hơn 1,2 tỷ đồng và tạm giữ 1.027 phương tiện.

TP.HCM: Nỗ lực điều trị cứu sống các nạn nhân trong vụ cháy ở quận Tân Bình

TP.HCM: Nỗ lực điều trị cứu sống các nạn nhân trong vụ cháy ở quận Tân Bình

Vụ cháy nhà xảy ra rạng sáng ngày 20/12 tại căn nhà 1 trệt 3 lầu trên đường Xuân Hồng, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM khiến 2 người chết, 13 người bị ngạt khói phải nhập viện, cho thấy câu chuyện phòng cháy chữa cháy dịp cuối năm cần phải cảnh giác cao độ.

// //