Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Tỉnh táo trước “ma trận” trại hè

Hoàng Anh - 23/05/2022 | 6:20 (GTM + 7)

Chỉ còn chưa đến nửa tháng nữa, học sinh sẽ bước vào kỳ nghỉ hè sau một năm học bị ảnh hưởng lớn bởi COVID-19. Ngay lúc này, các bậc phụ huynh đã tìm hiểu về các trại hè nhằm tạo cho con một kỳ nghỉ thú vị.Tuy nhiên, việc nở rộ mô hình này cũng đi kèm với những bất cập về chất lượng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Nhiều năm nay, cứ đến hè là chị Bảo Thanh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại cho hai con tham dự các khóa trại hè, tăng cơ hội gặp gỡ, giao lưu với bạn bè và những trải nghiệm bên ngoài cánh cổng trường.

“Sau khi các con tôi được tham dự một khóa trại hè liên quan đến đoàn đội, được trải nghiệm sống xa gia đình trong hai tuần, tự ăn, tắm giặt, được học, được truyền cảm hứng, tôi thấy cháu thay đổi theo hướng tích cực. Yêu gia đình hơn, trân trọng những thứ mình đang đang có, còn có thêm các kỹ năng mới như giao tiếp, tự phục vụ bản thân. Nói chúng tôi rất thích”, chị Thanh chia sẻ.

Thế nhưng, không phải tất cả các trại hè mà các con chị tham gia đều mang lại cảm giác hài lòng. Con chị từng xảy ra xích mích, thậm chí suýt xô xát với bạn tại một trại hè, cách giải quyết mâu thuẫn của đơn vị tổ chức khiến gia đình chị không đồng tình: “Con nhà tôi tham gia nhiều trại hè lắm rồi. Nhưng không phải khóa nào cũng ưng ý. Có một trại hè ở một công ty, nó chưa xứng tầm so với những gì mà gia đình kỳ vọng và số tiền bỏ ra. Cái này là do người tổ chức và người thực hiện”.

Một khóa trại hè quân đội của trẻ. Ảnh: Báo Gia Lai

Một khóa trại hè quân đội của trẻ. Ảnh: Báo Gia Lai

Theo khảo sát của VOV Giao thông, những năm gần đây, hàng loạt các khóa học hè thiếu nhi được mở ra với đủ các hình thức như học kì quân đội, học kì lính cứu hỏa, trại hè tiếng Anh, trại hè thể thao, khóa tu trong chùa, trại hè nghệ thuật…

Tại Cung thiếu nhi Hà Nội, các câu lạc bộ võ thuật, aerobic, cờ tướng, vẽ, thời trang,…bắt đầu chiêu sinh với mức phí dao động từ 50.000 đồng – 100.000 đồng/buổi, lớp nâng cao sẽ có giá cao hơn khoảng gần 200.000 đồng/buổi. Dự tính sẽ có khoảng trên 70 câu lạc bộ hoạt động trong dịp hè này.

Trong khi đó, với các trại hè do các trường tư thục, trường quốc tế hay trung tâm giáo dục tổ chức, đặc biệt là các khóa học dài ngày bao gồm cả ăn ở thì mức phí cao hơn rất nhiều.

Điển hình như trại hè ở Làng Háo hức giúp trẻ trải nghiệm cuộc sống và văn hóa làng quê có giá từ 4.000.000 đồng (3 ngày 2 đêm) tới 13.000.000 đồng (15 ngày 14 đêm) hay Ecocamp – Trại hè kỹ năng, hướng nghiệp tổ chức ở Đồ Sơn, Hải Phòng trong 10 ngày có giá 12.800.000 đồng.

Trẻ được học nhiều kỹ năng khi tham gia trại hè sinh tồn tại Maya Camping.

Trẻ được học nhiều kỹ năng khi tham gia trại hè sinh tồn tại Maya Camping.

Anh Đạo Trần, huấn luyện viên trưởng tại Maya Camping, một trong những đơn vị tổ chức hoạt động trại hè chuyên nghiệp tại Hà Hội, cho biết về các hoạt động được tổ chức năm nay: “Năm nay. Maya Camping có 3 khóa học hè cơ bản với 3 chủ đề khác nhau. Chủ đề thứ nhất là chủ đề sinh tồn với các hoạt động bên hồ, bên suối trong rừng thưa và bơi lộ. Chủ đề thứ hai mà Maya lựa chọn chủ đề về thủ công Chủ đề thứ ba là Stem và chế tạo robot với mức học phí khoảng 5.500.000 đồng/tuần học”.

Mặc dù có giá tiền triệu thế nhưng không phải trại hè nào cũng “đáng tiền”, có nơi khâu tổ chức xuề xòa, lộn xộn, chương trình thiếu thực tế, không chặt chẽ, gây thất vọng và mệt mỏi cho trẻ. Giữa muôn hình vạn trạng các trại hè, không ít phụ huynh bị “ngợp” và lúng túng không biết làm cách nào để lựa chọn một trại hè chất lượng và phù hợp với con mình.

Bày tỏ quan điểm, Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh – người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tổ chức trại hè cho rằng: Trại hè không đơn thuần là “nơi trông trẻ” khi cha mẹ không tự tin có thể trông con trong mấy tháng hè và muốn tìm cho con một “học kỳ thứ 3”. Đây còn là cơ hội để con gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, chia sẻ câu chuyện của bản thân, có thêm nhiều kỷ niệm đẹp. Do đó, khi lựa chọn trại hè cho con, cha mẹ nên lưu ý một số điểm.

“Trước hết, nên phải tham khảo kinh nghiệm của các bậc phụ huynh những năm trước đó, bởi vì có rất nhiều trại hè đã có một thời gian hoạt động nhất định rồi.

Thứ hai là chúng ta lưu ý đến đội ngũ điều hành trại, tìm hiểu và thậm chí gặp mặt, phỏng vấn kỹ lưỡng.  Cách họ nhìn đứa trẻ là đã thấy ngay được tinh thần của trại rồi ứng xử nói năng, cách xử lý tất cả những vấn đề mâu thuẫn như thế nào.

Thứ ba, tôi cho là bố mẹ cần lựa chọn phương án phù hợp với tài chính của gia đình mình để chuyến trải nghiệm của các con không trở thành gánh nặng của gia đình”, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh cho biết.

Trên thực tế, ngoài những điểm tích cực, cũng có một số trường hợp trẻ gặp khó khăn với các trại hè. Không ít trẻ “ngột ngạt” với trải nghiệm sống ở nông thôn khi thiếu vắng chiếc điều hòa nhiệt độ, ti vi, hay khóc ròng khi tham gia hoạt động leo đồi, cho dê uống sữa, ăn cỏ vì mỏi chân và… chê dê quá hôi.

truong_hoc_tren_doi_zing_74 (1)

Theo nhà giáo Nguyễn Đức Quang, nhà sáng lập và điều hành Trường Đồi-Spring Hill, ngôi trường cách trung tâm Hà Nội hơn 40km, có rất nhiều em sau khóa học cảm thấy tự tin, hứng thú với cuộc sống khi được gần gũi với thiên nhiên, được tự mình khám phá và trải nghiệm, nhưng cũng có những em bị sốc, sợ hãi khi ra khỏi “vòng an toàn” của bản thân. Các bậc phụ huynh cần thận trọng khi lựa chọn trại hè.

“Cần phải tổ chức những buổi cho họ đi tiền trạm, tổ chức những buổi sinh hoạt ngoài trời để cho bố mẹ và con tham gia. Sau một ngày đấy, thì bố mẹ và con sẽ ngồi thống nhất với nhau là mình có phù hợp hay không, có tham gia hay không.

Chúng tôi không chèo kéo, thuyết phục mà để phụ huynh trải nghiệm, hình dung thực tế, trại hè sẽ phải đi lại xa thế nào, phải đối diện với thiên nhiên, có nề nếp, kỷ luật như thế nào từ đó đưa ra quyết định”, thầy Nguyễn Đức Quang chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ, cần thêm những bộ lọc nữa để giám sát chất lượng các đơn vị tổ chức khóa học, trại hè. Bởi không phải phụ huynh nào cũng có thể tìm hiểu kỹ càng và đủ kiến thức để “chấm điểm” các trung tâm, cơ sở giáo dục. Trong khi nhiều nơi có thể vay mượn giáo trình từ nước ngoài về, được dán nhãn quốc tế, nhưng chất lượng nhân lực giáo viên, người hướng dẫn lại thả nổi.

“Tất cả trung tâm đó, bên cạnh việc giám sát của cơ quan chức năng nhà nước, chúng ta cần có sự giám sát chuyên môn của các hiệp hội nghề nghiệp. Ví dụ, với những nơi có khóa học dạy kỹ năng, tâm lý thì ở nước ngoài luôn có giám sát của hiệp hội xem những người hành nghề đó có vi phạm đạo đức, có nguy cơ gây hại gì cho cộng đồng hay không”, PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý.

Các chuyên gia đều thống nhất ý kiến: Các bậc phụ huynh cần tìm hiểu cặn kẽ về các cơ sở giáo dục, trung tâm, không chỉ riêng việc tổ chức các khóa trại hè, mà cả quá trình hoạt động và các nội dung khác họ đã hoặc đang tiến hành. Kênh tham khảo hữu ích có thể qua những người quen có kinh nghiệm trong ngành giáo dục, các giáo viên hoặc cộng đồng đã trải qua dịch vụ của các trung tâm này.

Trại hè tại trường đồi Spring Hill giúp trẻ cơ hội gần gũi với thiên nhiên, tìm hiểu về cuộc sống nông thôn.

Trại hè tại trường đồi Spring Hill giúp trẻ cơ hội gần gũi với thiên nhiên, tìm hiểu về cuộc sống nông thôn.

Cùng đến với góc nhìn của VOV Giao thông: “Đâu cần tìm xa xôi, trại hè trong mỗi gia đình”.

Nhiều người cho rằng, chỉ những gia đình có điều kiện mới gửi con đến các trại hè, nơi được quảng cáo là đầy ắp các hoạt động trải nghiệm, khám phá. Nhưng có lẽ, chính những đối tượng này mới là những người ít có điều kiện hơn cả.

Thực tế, sự xuất hiện của các trại hè dài ngày dành cho trẻ em phản ánh xu thế tất yếu của xã hội hiện đại, nơi cha mẹ có ít thời gian hơn dành cho con cái, ít có cơ hội hơn để làm bạn cùng con. Họ chấp nhận điều đó và bù đắp con em mình bằng những hoạt động ngoại khóa.

Trại hè thực chất không nên được nghĩ là “nơi trông trẻ” để cha mẹ trao quyền đồng hành, chăm lo con cái cho những người khác, trại hè cũng không phải là “ngôi trường thứ hai” để buộc con cái phải có thành tích, phải học được điều gì đó khi trở về nhà. Cha mẹ hãy coi việc cho con đi trại hè là mang đến cho con cơ hội được trải nghiệm, được vẫy vùng thỏa thích ở mội môi trường rộng lớn hơn, gặp gỡ nhiều bạn bè sau những ngày dài ngồi bên sách vở.

Có lẽ, người thực sự có điều kiện sẽ tự mình đưa con đi khám phá trên những vùng đất mới, có thể là cắm trại, picnic, câu cá hoặc đi thăm quan các thắng cảnh. Người có điều kiện sẽ có thời gian đích thân trải nghiệm cùng con, bồi đắp cho con các kỹ năng mềm, khả năng ứng phó với những tình huống ngoài sách vở.

Bằng cách này hay cách khác, các bậc phụ huynh hãy cố gắng dành thời gian và sự ưu tiên cho con cái bởi những kỹ năng và khả năng thích ứng thì không thể trải qua vài khóa học là có. Nó được hình thành, thẩm thấu bởi chính cuộc sống hàng ngày của các em.

Các bậc phụ huynh vốn quanh năm suốt tháng đầu tắt mặt tối kiếm ăn từng bữa cũng hoàn toàn có thể cho con những trải nghiệm thú vị tương tự trại hè, mà không phải vào bằng được các khóa học vốn cần chi phí không nhỏ. Miễn là họ thực sự muốn.

Sự xuất hiện của các trại hè nên được nhìn dưới góc độ là một mô hình tham khảo, sự nhắc nhở cho các bậc phụ huynh về việc quan tâm hơn tới nhu cầu giao tiếp, trải nghiệm của con.

Không nhất thiết phải đi đâu xa, chính mỗi gia đình cũng có thể là một trại hè, là một sân chơi bổ ích và không kém phần hấp dẫn. Chính cha mẹ cũng có thể là người hướng dẫn. Nhiều nhóm gia đình là các anh chị em, bạn bè thân thiết đã họp lại và thành lập các câu lạc bộ liên gia đình. Trong thời gian nghỉ hè, cách tuần sẽ giao cho một nhà phụ trách các trẻ của tất cả nhà khác.

Những sinh hoạt tập thể, rèn luyện tính kỷ luật, xếp hàng, nhường nhịn và các trò chơi đòi hỏi làm việc nhóm hứa hẹn sẽ giúp các em nhỏ cảm thấy thích thú, đồng thời, quan sát và học hỏi được lẫn nhau.

Hoặc những thử thách nho nhỏ nhưng mới lạ như trồng cây, nuôi thú cưng, tập thể dục giảm cân, học vẽ, âm nhạc, tập bóng đá mà có sự tham gia của đầy đủ thành viên cả nhà… cũng giúp gia đình trở thành một sân chơi sinh động trong mắt trẻ thơ.

Trại hè tốt nhất với trẻ em là trại hè ở đó, các em được trải nghiệm cùng những người thân yêu./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

// //