Video ghi lại vụ TNGT hi hữu trên địa bàn huyện Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình)
Ngày 30/5, Công an huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình thông tin, đang củng cố hồ sơ xử lý lái xe ô tô đâm vào rạp dựng tổ chức đám tang ven đường và gia đình mắc rạp lấn chiếm lòng đường.
Theo đó, khoảng 21h44 tối ngày 29/5, trên Quốc lộ 38B đoạn qua địa phận phố Thiên Sơn, Thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông khi chiếc ô tô con lao vào rạp đám ma ven đường.
Vào thời điểm trên, ô tô con mang BKS: 35A – 165.32 do tài xế Dương Ngọc Cương điều khiển bất ngờ lao vào rạp đám ma của một nhà dân trên phố Thiên Sơn, ủi đi một số bàn ghế trong rạp.
Đúng lúc này, bên trong rạp lại có nhiều người đang ngồi uống nước. Hậu quả, vụ TNGT khiến 3 người bị thương nhẹ.
Ngay sau khi tiếp nhận vụ việc, lực lượng Công an huyện Hoa Lư đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để khám nghiệm và trích xuất camera mời tài xế ô tô đến cơ quan Công an làm việc. Đồng thời, tiến hành xác minh, lấy lời khai tài xế và những người liên quan đến vụ TNGT này.
Bước đầu điều tra, lực lượng chức xác định ô tô trong vụ tai nạn mang BKS: 35A – 165.32, nhãn hiệu Huyndai, được đăng ký lần đầu vào năm 2019. Chủ phương tiện là Dương Ngọc Cương (ngụ ở Tràng An, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).
Cũng theo Công an huyện Hoa Lư, cơ quan chức năng đã nhiều lần khuyến cáo người dân sống ven đường không nên dựng rạp, phơi lúa… lấn chiếm lòng đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn vi phạm và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Thực trạng hiện nay ở hầu hết tại các địa phương trong cả nước, do tập quán sinh hoạt, nhu cầu tổ chức đám cưới, đám tang và các sự kiện vui chơi khác, nhiều hộ dân đã dựng lều, che trại lấn chiếm lề đường gây trở ngại giao thông, mất mỹ quan đô thị.
Không những vậy, hành vi này còn thường kèm với việc ca hát, mở nhạc, dùng loa, chiêng, trống, còi,... gây ồn ào ảnh hưởng đến những hộ dân xung quanh. Những hành vi này đã được quy định xử phạt với các hình thức và mức phạt xử như sau:
Tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ như sau:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ (điểm a khoản 5 Điều 12).
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi dựng rạp, lều quán, công trình khác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ, gầm cầu vượt (điểm đ khoản 6 Điều 12).
Ngoài bị xử phạt hành chính, cá nhân, tổ chức còn buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép (không có giấy phép hoặc không đúng với giấy phép) và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp cho phép, việc sử dụng đường phố sẽ không bị xử phạt nếu thuộc trường hợp sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông, việc sử dụng phần hè phố sẽ không bị xử phạt nếu thuộc các trường hợp sau:
Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ (điểm b Khoản 2 Điều 25a);
Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ (điểm c khoản 2 Điều 25a);
Những vị trí hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:
Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét (điểm a khoản 3 Điều 25a);
Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời (điểm b khoản 3 Điều 25a).
Đối với các trường hợp sử dụng hè phố quy định nêu trên, hộ gia đình phải thông báo với Ủy ban nhân phường, xã sở tại trước khi sử dụng tạm thời một phần hè phố.