Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Nguồn nước ĐBSCL (Bài 3): Bên cạnh chiến lược quốc gia cần hợp tác quốc tế

Phóng viên - 10/03/2020 | 21:04 (GTM + 7)

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình hạn mặn năm nay tại ĐBSCL khiến cho nguồn nước dần suy kiệt, chính quyền địa phương và người dân đã cùng chung tay ứng phó để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất cho bà con. Tuy nhiên, đó chỉ là những

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

Nhiều kênh rạch ở ĐBSCLđã cạn nước (Ảnh: Hòa Hội)

Đi tìm lời giải cho bài toán xâm nhập mặn

Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chịu đợt xâm mặn sâu nhất kể từ đầu mua khô 2020 đến nay, trong đó, mức độ nặng nhất từ ngày 9 đến 13/3 này. Cụ thể, chiều sâu mặn xâm nhập lớn nhất với ranh 4g/lít trong thời kỳ này tại các cửa sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) có thể tới 100-110 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 3-5 km.

Trên sông cửa Tiểu, cửa Đại, phạm vi ảnh hưởng của mặn sâu nhất khoảng 60 km, sâu hơn khoảng 8-10 km so với mức sâu nhất năm 2016. Ở Sông Hàm Luông, phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 78 km, sâu hơn khoảng 5 km so với mức sâu nhất năm 2016...Trên sông Hậu, mặn sẽ lấn sâu nhất khoảng 70 km, sâu hơn khoảng 10 km so với mức sâu nhất năm 2016. Còn sông Cái Lớn mặn lấn sâu khoảng 65 km, tương đương so với cùng kỳ năm 2016. 

Để ứng phó với tình hình hạn mặn gay gắt, những ngày qua, nhiều địa phương tại ĐBSCL đã ban bố tình trạng khẩn cấp và chủ động đưa ra các phương án để ứng phó, nhằm giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất cũng như ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp mang tính cấp bách để giải quyết tình huống trước mắt, còn về lâu dài, để đảm bảo an ninh nguồn nước cần có giải pháp tổng thể.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, đầu tiên, cần phân biệt năm cực đoan và tình hình chung, không nên vội vã “bi đát hóa” rằng ĐBSCL ngày càng cạn kiệt nguồn nước và cho rằng đây là tình chung trong tương lai rồi hốt hoảng, từ đó lấy những năm cực đoan như năm nay và năm 2016 làm chuẩn cho chiến lược lâu dài.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, những sự kiện cực đoan sẽ diễn ra với tần suất cao hơn, nhưng dù sao những năm cực đoan cũng không phải là tình hình chung cho tất cả các năm.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh, trong bối cảnh này, Nghị quyết 120 của Chính phủ chính là lời giải cho chiến lược lâu dài ở ĐBSCL, cần kèm theo dự phòng tình huống cực đoan, trong đó chú ý đặc biệt đến nhu cầu nước sinh hoạt vùng ven biển: 

“Chìa khóa trung tâm của vấn đề ĐBSCL là chuyển hóa nền nông nghiệp ĐBSCL theo tinh thần NQ120 từ thuần túy sản xuất chạy theo số lượng sang tập trung vào chất lượng. Số lượng ít hơn nhưng sạch hơn, giá trị cao hơn, đa dạng hơn. Chúng ta đã thoát đói từ lâu, nay muốn làm giàu thì cách làm phải khác hồi thời thiếu lương thực. Nếu chỉ miệt mài tăng sản lượng sản phẩm thô, giá rẻ thì không thể tiến đi đâu xa được”.

Mô hình nuôi cá lồng bè trên biển đem lại lợi nhuận cao cho ngư dân xã Hòn Thơm, huyện Phú Quốc. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Giải pháp lâu dài

Về lâu dài, để thích nghi với biến đổi khí hậu, hạn, mặn, trước hết cần tiếp cận linh hoạt đối với quy hoạch sử dụng đất. Ưu tiên đầu tư vào vùng lõi lúa gạo của ĐBSCL ở tứ giác Long Xuyên và lưu vực phù sa sông Tiền, sông Hậu. Phân biệt khu vực trồng lúa trọng yếu và không trọng yếu, dựa trên sự phù hợp về sinh thái nông nghiệp, năng suất, tác động của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, cần áp dụng phân vùng theo không gian, có chính sách hỗ trợ khác nhau ở vùng lõi, vành đai và các khu vực trồng lúa bình thường khác. Bên cạnh nước ngọt, cần xem nước mặn, lợ cũng là tài nguyên phát triển kinh tế biển, ven biển. Tránh ngăn mặn bằng cách can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Chú trọng phát triển vùng duyên hải, vùng đặc quyền kinh tế, phát huy vị trí địa - kinh tế, chính trị của đồng bằng.

Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, cụ thể về lâu dài, cần giảm bớt một vụ lúa ở vùng đầu nguồn để hấp thu nước lũ, kèm theo là phù sa và tôm cá, vào ruộng đồng để cải thiện đất đai, tăng lượng nước để cân bằng mặn-ngọt trong mùa khô. Với vùng ven biển thì nên chuyển dần sang canh tác theo mặn theo mùa, phù hợp với quy luật thiên nhiên. Song song đó, cần tăng cường các giải pháp về nước sinh hoạt.

Ông Nguyễn Hữu Thiện cũng cho biết thêm: 

“Để chuyển đổi được thì Chính phủ cần có hẳn một chương trình chuyển hóa nền nông nghiệp, giúp người dân về mặt tổ chức, kỹ thuật, tài chính, chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị, tìm kiếm thị trường cao cấp hơn. Thị trường trong nước bây giờ cũng đòi hỏi chất lượng sản phẩm nông nghiệp cao hơn. Chương trình hỗ trợ này của Chính phủ là rất cần thiết vì dù người dân sáng tạo, giàu ý tưởng nhưng thiếu nguồn lực, đặc biệt là các nông hộ nhỏ lẻ”.

Bản phác họa đập thủy điện Luang Prabang công suất 1400 MW xây dựng trên dòng chính của sông Mekong ở Lào. Ảnh: Reuters.

Khai thác sông Mekong, cần sự đồng thuận từ bạn bè quốc tế

Để ứng phó với thách thức an ninh nguồn nước ở ĐBSCL, bên cạnh những chiến lược mang tầm quốc gia thì những giải pháp mang tính quốc tế là không thể thiếu. Lưu vực sông Mekong (không kể Trung Quốc và Mianma) có khoảng 65 triệu người, trong đó 85% dân số phụ thuộc vào nguồn nước Mekong.

Vì thế, cùng khai thác dòng Mekong phục vụ phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia ven sông, trong đó có Việt Nam cần đạt được sự đồng thuận lâu dài và thực chất, với tinh thần “vì sự phát triển bền vững”. 

Báo cáo của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam năm 2019 cho biết: Lưu vực sông Mê Công hiện đang phải đối mặt với 5 thách thức to lớn. Thứ nhất là, việc phát triển thủy điện khi các quốc gia ven sông đã khai thác gần 50% tiềm năng, trong đó Trung Quốc hoàn thành gần 70% tiềm năng và Lào cũng đang đẩy mạnh phát triển thủy điện dòng chính.

Thứ hai là tình trạng chuyển nước ra ngoài lưu vực đang có chiều hướng tăng. Thứ ba là các quốc gia đều gia tăng nhu cầu sử dụng nước, nhất là mùa khô, nhu cầu nước cho đô thị và công nghiệp cũng tăng theo. Thứ tư là, tình trạng phá rừng, nạo vét lòng sông, khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp khó kiểm soát; Và thứ năm là biến đổi khí hậu đã trở nên ngày càng rõ nét, tiến triển nhanh hơn dự báo, đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng.

Chuyên gia kinh tế - TS Trần Hữu Hiệp cho rằng, trước 5 thách thức vừa nêu, Việt Nam cần kiên trì, thực hiện linh hoạt cơ chế “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” theo cam kết của Hiệp định Mê Công năm 1995 giữa Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan:

“Thứ nhất là phải tận dụng và phát huy vai trò của Ủy hội sông Mê Công trong đó VN chúng ta cũng là thành viên. Cái thứ hai nữa là lợi ích nó phải được gắn bó trên cơ sở sự hợp tác và cái gì là chúng ta đang làm có lợi thế? Cái gì chúng ta đang hạn chế so với các nước khác? Cho nên cần tận dụng và phát huy tối đa cơ chế hợp tác của Ủy hội sông Mê Công. Cần tăng cường vừa đấu tranh vừa hợp tác kể cả tận dụng dư luận quốc tế, các tổ chức quốc tế”. 

Các chuyên gia ước tính, thế kỷ XXI sẽ có khoảng 40% dân số thế giới sống trong các khu vực khan hiếm nước và khoảng một phần tư GDP của thế giới được sử dụng để giải quyết bài toán này. Vì vậy thách thức an ninh nguồn nước trở thành vấn đề lớn mà mỗi quốc gia phải đối mặt.

“Hợp tác đảm bảo an ninh nguồn nước cho ĐBSCL: Cần sự phối hợp, phụ thuộc để phát triển” (bình luận của Nhà báo Bùi Trọng Điển – Phó Giám đốc Kênh VOVGT) 

Rõ ràng trong điều kiện hạn mặn đang diễn ra khốc liệt, gay gắt hiện nay, ĐBSCL của Việt Nam đang đứng trước những thách thức vô vùng lớn, liên quan đến sự an nguy của vùng cả trước mắt và lâu dài.

Vấn đề là ngoài việc nhận diện thách thức để có điều chỉnh nội tại trong vùng, còn là cơ chế vừa hợp tác vừa đấu tranh trong tổng thể bài toán an ninh nguồn nước mang tính quốc tế giữa các nước lưu vực sông Mekong.

Trên thực tế hàng chục năm năm qua, nhận thức rõ tầm quan trọng của an ninh nguồn nước, các nước tiểu vùng sông Mekong đã thành lập Ủy Hội sông Mekong với sự tham gia của các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia. Các nước  cũng đã tiến hành ký kết “Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững sông Mê Công”.

Mục tiêu chính của Ủy hội sông Mê Công là thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong sử dụng, phát triển và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan một cách bền vững, vì lợi ích chung của các quốc gia thành viên và phúc lợi của người dân trong lưu vực. Các hoạt động cam kết trong việc điều phối và sử dụng nguồn nước một cách có hiệu quả.

Theo đó, các hội nghị, hội thảo, các thỏa thuận đã được ghi nhớ; các hành động đã được triển khai. Qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển ở các quốc gia thành viên, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên và mở rộng hợp tác với hai nước thượng lưu là Trung Quốc, Mianma và nhiều đối tác quốc tế khác. 

Trong các khuôn khổ hợp tác về lưu vực sông Mê Công, Ủy hội là tổ chức duy nhất có chức năng xây dựng các khuôn khổ pháp lý, trong đó có những quy chế ràng buộc đối với các quốc gia thành viên về chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước và cùng nhau bảo vệ môi trường sinh thái lưu vực sông cũng như thúc đẩy các dự án phát triển chung.

Hoạt động của Ủy hội không những có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường của khu vực mà còn góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên thực tế hiện nay, cùng với lợi ích hợp tác chung, do lợi ích của mỗi quốc gia còn có sự khác nhau nên trên sông Mekong có gần 100 thủy điện nằm ở thượng nguồn và hạ nguồn, trong đó có các đập rất lớn của Trung Quốc.

Các đập thủy điện này, do góp phần quan trọng vào quá trình cung cấp nguồn điện lớn và đảm bảo an ninh năng lượng cho nhiều quốc gia; nên nhiều nước tiếp tục lên phương án xây dựng thêm các thủy điện mới trên dòng Mekong trong nay mai.

Theo tính toán, mỗi đập thủy điện chỉ cần tích lũy một số lượng nước nhất định để cho các nhà máy điện hoạt động, nước về cuối nguồn của sông Mekong sẽ bị cạn kiệt nghiêm trọng.

Đây là một thách thức rất lớn vì Việt Nam mà cụ thể là ĐBSCL do nằm ở hạ nguồn nên khi thượng nguồn bị cạn kiệt hay chặn dòng, ĐBSCL sẽ khốn đốn.

Do đó cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến thỏa thuận quốc tế trong sử dụng nguồn nước sông Mekong vừa mang tính cấp bách vừa lâu dài đối với Việt Nam khi muốn đảm bảo cho ĐBSCL phát triển bền vững

Năm 2016, khi ĐBSCL bị tác động kép là nước mặn xâm nhập sâu và hạn hán, thiệt hại lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, ngoài nguyên nhân do biến đổi khí hậu còn có nguyên nhân là các nhà máy điện trên thượng nguồn tích nước để hoạt động.

Trung Quốc khi đó cũng đã thừa nhận vấn đề này và đã đồng ý xả nước ở các nhà máy điện để cứu hạn cho các nước hạ nguồn trên cơ sở đề xuất của Việt Nam và các nước lưu vực sông Mekong.

Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị bộ trưởng ngoại giao Mê Kông - Lan Thương lần thứ 5, Ngoại trưởng Trung Quốc một lần nữa thông báo về việc chấp nhận xả đập thủy điện để giúp các nước lưu vực sông Mê Kông đối phó khô hạn đang diễn ra khốc liệt.

Phải khẳng định, ĐBSCL và các nước lưu vực sông Mekong không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực, cung cấp bừa ăn hàng ngày cho châu Á mà thế giới, trong đó có Trung Quốc.

Cụ thể là chỉ tính riêng Trung Quốc, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông thủy hải sản của Việt Nam sang Trung Quốc đã đạt hơn 7 tỷ đô la Mỹ; Thái Lan gần 5 tỷ đô la. Điều này cho thấy tính phụ  thuộc, đan xen lợi ích từ quốc gia có chung dòng Mekong là rõ nét và cần các hoạt động thực chất.

Do vậy, Việt Nam với vai trò trong Ủy Hội sông Mekong và Asean sẽ tiếp tục lên tiếng trong việc bảo đảm nguồn nước ổn định cho con sông này bằng các cơ chế linh hoạt và hiệu quả. Trong đó có cả việc lên tiếng khi các thủy điện được xây dựng trên dòng sông này.

Mới đây nhất Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng Việt Nam cho biết: Là một quốc gia ở hạ du, Việt Nam rất quan tâm đến thủy điện Luang Prabang và tất cả các thủy điện khác trên sông Mê Kông. Theo đó, các nước phải có trách nhiệm đối với việc bảo vệ nguồn nước của sông Mê Kông, việc xây dựng thủy điện trên sông phải không gây tác động tiêu cực đến các nước trong lưu vực, nhất khu vực hạ nguồn, theo thông lệ quốc tế và quy định của Ủy hội Sông Mê Kông.

Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng các nước ven sông Mê Kông hợp tác để hài hòa lợi ích của các quốc gia và không làm tác động xấu đến dòng sông và đời sống của người dân trong khu vực.

Rõ ràng đảm bảo an ninh nguồn nước ổn định cho ĐBSCL phát triển ngoài sự tự lực cánh sinh, giải quyết các bất cập trong nội tại đã nhiều lần đề cập, Việt Nam sẽ tiếp tục phải đưa ra các yêu cầu, đề nghị hợp tác với các quốc gia có chung lợi ích từ dòng Mekong trên cơ sở tuân thủ các quy định của Liên hiệp quốc cũng như các thỏa thuận của Ủy hội sông Mekong với các bên liên qua. Có làm được như vậy, mới đảm bảo vượt qua các thách thức, nhất là vấn đề hạn mặn mà ĐBSCL đang đối diện. 
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi Luật Giá được Quốc hội thông qua, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện Nghị định thi hành Luật Giá nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, quy định liên quan tới kê khai giá trong Nghị định này đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi có điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

Hôm nay (22/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng.

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Số liệu Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc tuần giao dịch 15 – 21/4, mặc dù giá hàng hoá biến động rất mạnh nhưng các mức tăng, giảm trái chiều khiến chỉ số MXV-Index chỉ nhích nhẹ 0,05% so với tuần trước đó, lên mức 2.329 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng đỉnh trong 7 tháng qua.

Gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Việc chăm lo giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

// //