Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Xử lý chất thải chăn nuôi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Thanh Phê: Thứ sáu 29/09/2023, 21:08 (GMT+7)

Mỗi năm ngành chăn nuôi thải ra môi trường khoảng 61 triệu tấn chất thải rắn và trên 304 triệu m3 nước thải, nhưng trong đó chỉ có 20% được xử lý, tái sử dụng. Vậy làm thế nào để xử lý chất thải trong chăn nuôi để vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo yếu tố môi trường?

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm khối lượng nguồn thải từ chăn nuôi ra môi trường khoảng 84,5 triệu tấn/năm, nhưng chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trồng, cho cá ăn…) còn lại 80% lượng chất thải chăn nuôi đã bị lãng phí và phần lớn thải ra môi trường gây nên ô nhiễm.

Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây nên chủ yếu từ các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, tiếng ồn, xác gia súc, gia cầm chết chôn lấp, tiêu hủy không đúng kỹ thuật. Đối với các cơ sở chăn nuôi, các chất thải gây ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, làm giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, năng suất bị giảm, tăng các chi phí phòng trị bệnh, hiệu quả kinh tế của chăn nuôi không cao,... Sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm sút sẽ là nguy cơ gây nên bùng phát dịch bệnh.

1 (1)

Chất thải chăn nuôi không được xử lý đúng cách từ lâu luôn là nỗi ám ảnh của người dân xung quanh khu vực chăn nuôi. Thế nhưng, đi thì không được mà ở cũng không xong.

Một người dân cho biết: "Chăn nuôi ô nhiễm môi trường hết trơn. Ô nhiễm nguồn nước người ta hết làm ăn được, thúi lắm. Bởi vậy mình thấy nguồn nước dơ vậy mình đâu có dám dùng nước sông. Mùa mưa người ta hứng nước mưa xài."

Trước thực tế này, để chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững vừa giải được bài toán ô nhiễm môi trường thì việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong đó có ngành chăn nuôi đã và đang được quan tâm thực hiện. Tại ĐBSCL, trong đó có Hậu Giang nhiều doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn để xử lý triệt để chất thải và tái sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Dù mới đưa vào vận hành từ tháng 3 năm nay nhưng mô hình của anh Đoàn Mạnh Giỏi ở thị xã Long Mỹ đã cho thấy hiệu quả. Với 4 trại nuôi vịt, mỗi trại rộng khoảng 2.000m2. Cứ 2 tháng, vịt được xuất trại một lần với số lượng 60.000 con. Tất cả vịt được nuôi trong nhà lạnh, sàn nhựa. Toàn bộ chất thải được xử lý thành phân bón hữu cơ và đưa vào hầm ủ biogas nên không ô nhiễm môi trường.

Bắt đầu với mô hình kinh tế tuần hoàn, từ đầu năm 2022, ông Huỳnh Văn Tấn ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy chọn đối tượng nuôi trồng là ốc bươu đen, dê, sầu riêng và mít. Chất thải từ chăn nuôi dê được anh xử lý triệt để vừa bảo vệ môi trường.

Anh Tấn, bộc bạch: "Hiện tại với mô hình của em thì đối với con dê có 2 phụ phẩm, thứ nhất phân dê và nước thải của dê. Đối với phân dê em sẽ đưa vào bồn để ủ lại, làm phân hữu cơ bón cho sầu riêng và mít còn nước thải của dê em sẽ đưa xuống ao lớn thì dưới ao lớn em sẽ làm vèo lớn để nuôi bèo cám. Bèo cám là nguồn thức ăn để nuôi ốc bưu đen của mình."

Có thể thấy, các mô hình kinh tế tuần hoàn đã hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường, góp phần cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện cam kết tại COP26 về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050.

Thanh Phê/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn