Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Chuyện trò trên phố

Xe đạp công cộng sau 1 năm và cảm giác “thiếu thiếu”…

Chu Đức: Thứ ba 15/10/2024, 17:13 (GMT+7)

Đã 1 năm kể từ khi xe đạp công cộng xuất hiện ở Hà Nội. Người đi làm hàng ngày bằng việc thuê xe đạp công cộng có đánh giá thế nào về loại hình phương tiện này? Nó có điểm tích cực gì và cần cải thiện về mặt nào?

Mời quý vị thính giả cùng VOV Giao thông đến với cuộc trò chuyện ngay sau đây với chị Nguyễn Hồ Thanh Hải, người đi làm hàng ngày bằng tàu điện từ Văn Phú, Hà Đông lên ga Cát Linh, rồi đạp xe đến chỗ làm trên phố Lê Duẩn.

Tôi đang có mặt cạnh chị Nguyễn Hồ Thanh Hải tại khu vực trả xe trên công viên Lê Nin (quận Ba Đình, Hà Nội).

Chào chị, chị đi xe đạp công cộng lâu chưa? Chị lựa chọn xe có trợ lực hay bằng cơ?

Tôi đi phương tiện này là tháng thứ hai rồi. Tôi đi loại cơ thôi, không thích loại có điện. Vì thực ra với tốc độ đạp của mình mà xe đông thì không kiểm soát được hết. Nếu không quen thì đi không tốt. Với lại, tôi đi theo hướng tập thể dục nữa.

Trạm cho thuê xe đạp điện trên phố Trần Huy Liệu, Giảng Võ. Ảnh: Hải Hà

Trạm cho thuê xe đạp điện trên phố Trần Huy Liệu, Giảng Võ. Ảnh: Hải Hà

Tôi cũng thấy chị có mồ hôi trên trán rồi. Vậy chị thấy mật độ trạm xe và khả năng đáp ứng hiện nay thế nào?

Thực ra mật độ xe ở ga Cát Linh nếu buổi sáng mà không đi sớm thì không còn xe. Còn ga Cát Linh không có thì tôi phải đi trạm khác. Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, tỉ lệ hết xe rất sớm, tầm 8h10 từ tàu điện xuống đã không còn. Phải đi từ 8h cơ.

Buổi tối xe ở các điểm về gửi, còn để tràn hết vỉa hè. Ở các điểm khác thì tùy. Nếu chỗ nào nhu cầu sử dụng nhiều thì công ty nên bổ sung thêm xe. Ví dụ xung quanh đây có nhiều điểm, chủ yếu tập trung khu vực trung tâm, nhưng mạng lưới khác về Hà Đông, ngoại ô lại ít hơn. 

Hà Nội đã mở tuyến đường dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp, nhưng chủ yếu người đạp xe vẫn phải đạp trên đường hỗn hợp. Trải nghiệm của chị thì sao?

Mật độ xe thì bao giờ cũng đông. Mình đi xe máy nhiều rồi, giờ đi xe đạp thì tem tém lại thôi. Nếu có đường riêng cho xe đạp thì tốt, an toàn, thuận tiện hơn.

Trong quá trình thuê và sử dụng, chị có điều gì muốn xe đạp công cộng cải thiện?

Bình thường mình hay bị lỗi khóa xe, trả xe nhiều khi không nhận. Mình thường phải gọi lên tổng đài, sau đó các bạn mới hỗ trợ khóa xe và trả được. Tỉ lệ đó tương đối cao, chắc do gọi nhiều nên gần đây việc khắc phục cũng nhanh hơn.

Chỉ mong các bạn bảo dưỡng xe nhiều hơn, nhiều điểm hơn. Có thể thu phí cao hơn cũng được. Hiện trong chương trình khuyến mại, có 200 nghìn đồng trong tài khoản thì chi phí thuê mỗi tháng là 20 nghìn đồng. Thực ra chi phí đó là quá ít để vận hành và bảo dưỡng.

Bên cạnh việc đi xe đạp, tôi nghĩ chị sẽ phải đi bộ khá nhiều để đến các điểm đến, trạm xe. Chị tiếp cận với phương tiện công cộng có thuận tiện?

Vỉa hè hiện nay, mình thấy đang sử dụng cho dịch vụ gửi xe, hàng quán quá nhiều. Nên không có đủ không gian cho các dịch vụ công cộng.

Đứng chờ xe buýt toàn phải đứng ở dưới đường, lấy xe đạp công cộng cũng vậy, thực ra, ban đầu mình đi dưới lòng đường, hiện nay phải đi vào khu vực họ để xe trên vỉa hè, sau đó mới len ra. Hơi bất tiện. Thực ra hạ tầng của mình từ trước đến nay đã khó rồi. Mong là mọi người đóng góp để cải thiện dần dần.

Cảm ơn chia sẻ của chị.

Chị Nguyễn Hồ Thanh Hải đi làm hàng ngày bằng xe đạp kết hợp tàu điện vì tiện lộ trình. Theo chị, về tổng thể xe đạp công cộng vẫn 'thiếu thiếu', chưa thực sự kết nối tốt với các hệ thống, hạ tầng đường bộ

Chị Nguyễn Hồ Thanh Hải đi làm hàng ngày bằng xe đạp kết hợp tàu điện vì tiện lộ trình. Theo chị, về tổng thể xe đạp công cộng vẫn 'thiếu thiếu', chưa thực sự kết nối tốt với các hệ thống, hạ tầng đường bộ

Theo công bố từ công ty vận hành, sau 1 năm thí điểm, Hà Nội có hơn 700 xe đạp công cộng đặt tại 88 điểm với gần 340 nghìn chuyến đi được thực hiện.

Con số này khá khiêm tốn nếu đặt bên cạnh sự kỳ vọng xe đạp công cộng là giải pháp hữu hiệu khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng trong một đô thị có 8 triệu phương tiện cá nhân.

Việc “ế khách” không hẳn do người dân thiếu mặn mà, mà bởi xe đạp công cộng có những điểm hạn chế như thiếu đồng bộ hạ tầng đường bộ với hệ thống xe đạp; chưa có phương án tích hợp kỹ thuật cho xe đạp với xe buýt, tàu điện; thiếu quỹ đất, chưa thực sự ưu tiên vỉa hè cho người đi bộ, cho việc bố trí trạm đặt xe tại vị trí thuận tiện…

Thực tế này là bài toán các nhà quản lý giao thông đô thị cần giải để từng bước hoàn thiện, tăng khả năng kết nối, tiếp cận hệ thống giao thông công cộng.

Chu Đức/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn