Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Xác định cấp độ phòng thủ: Phải dựa vào hậu quả, nguy cơ và sức ảnh hưởng

Hoàng Hà: Thứ hai 12/12/2022, 15:37 (GMT+7)

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự do Bộ Quốc phòng xây dựng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo thính giả, giới chuyên gia. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đa số đại biểu tán thành với những nội dung cơ bản của dự thảo luật.

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự hiện hành gồm 7 chương, 71 điều, giảm 13 điều so với dự thảo lần đầu.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo lần này đã phân định rõ hơn. Cụ thể, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự chỉ điều chỉnh về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục đối với thảm họa và sự cố có nguy cơ dẫn đến thảm họa. Việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố và những loại hình thiên tai, dịch bệnh thông thường được thực hiện theo quy định của các luật hiện hành.

Dự thảo luật cũng quy định cụ thể các dạng thảm họa, sự cố và từng cấp độ phòng thủ dân sự, nhằm tạo cơ sở cho việc triển khai các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp. Theo đó, dự luật quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của sự cố và các cấp độ phòng thủ dân sự, cũng như các biện pháp tương ứng với từng cấp độ phòng thủ dân sự.

Các tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố gồm: Phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng của thảm hoạ, sự cố; đặc điểm địa lý tự nhiên, kinh tế xã hội của địa bàn chịu ảnh hưởng của thảm họa, sự cố; diễn biến, khả năng gây thiệt hại của thảm họa, sự cố; khả năng ứng phó với thảm họa, sự cố của chính quyền địa phương và lực lượng tham gia.

Dự thảo luật cũng đã quy định rõ 9 hành vi bị nghiêm cấm, đặc biệt là nghiêm cấm hành vi chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; từ chối tham gia tìm kiếm cứu nạn trong trường hợp điều kiện thực tế cho phép.

Về Quỹ phòng thủ dân sự, Điều 44 dự thảo luật quy định rõ, quỹ phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh, huy động các nguồn lực xã hội nhằm hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự. Quỹ phòng thủ dân sự được hình thành trên cơ sở sáp nhập Quỹ phòng chống thiên tai, Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch.

Liên quan đến bảo hiểm rủi ro do thảm họa, sự cố, Điều 47 dự thảo luật quy định, kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của thảm họa, sự cố được bảo đảm từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và từ Quỹ phòng thủ dân sự.

Chính sách hỗ trợ này được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, thông qua việc hỗ trợ phí bảo hiểm cho một số tổ chức, cá nhân tại khu vực thường xuyên xảy ra thảm họa, sự cố nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội theo quy định của Chính phủ.

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự sẽ tiếp tục hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023.

QH thảo luận về Dự thảo Luật phòng thủ dân sự

QH thảo luận về Dự thảo Luật phòng thủ dân sự

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã quy định khá cụ thể về phạm vi điều chỉnh và các dạng thảm họa, sự cố. Tuy nhiên một số ý kiến còn băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của dự luật cũng như ranh giới giữa sự cố và thảm họa. PV VOV Giao thông phỏng vấn ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện xung quanh nội dung này.

PV: Thưa ông, một số ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự luật này đang chồng chéo với các luật chuyên ngành hiện hành, quan điểm của ông thế nào?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự quy định từ vấn đề chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh... Theo tôi cần hết sức lưu ý về phạm vi điều chỉnh của luật, làm sao đảm bảo tính bao quát, tất cả các vấn đề liên quan đã được quy định trong các luật khác phải tích hợp hợp lại, để nó trở thành vấn đề hệ thống có tính nguyên tắc, chứ luật này không điều chỉnh những vấn đề cụ thể của các luật chuyên ngành.

Thế nhưng nó sẽ là một luật pháp điển để tích hợp tất cả những vấn đề có liên quan đến sự cố và thảm họa với con người và với kinh tế, để có những biện pháp và giải pháp cụ thể nhằm phòng, ứng phó và giải quyết hậu quả, tránh những thảm họa có thể tiếp nối.

Và chúng ta phải hiểu rằng phòng thủ dân sự là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tài sản của nhân dân và nhà nước. Vì thế khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội phải lồng ghép luôn những vấn đề về phòng thủ dân sự.

PV. Thưa ông, một vấn đề nữa cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn là khái niệm giữa sự cố và thảm họa, theo ông nên hiểu thế nào về sự cố và thảm họa?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Sự cố là một vấn đề thông thường, nhưng có thể từ một sự cố nhỏ dẫn đến một thảm họa lớn. Ví dụ sự cố về tràn dầu, sự cố về đắm tàu có thể gây nên thảm họa cho cả một khu vực, cả một vùng biển, thậm chí nhiều nước trên thế giới. Hoặc một sự cố về chập cháy có thể dẫn đến một thảm họa lớn cho cả một khu vực của thành phố.

Cho nên cần có sự phân biệt rạch ròi giữa thảm họa và sự cố, đi tìm mối liên hệ giữa sự cố và các thảm họa để có biện pháp phòng tránh. Vì thế một trong những nhiệm vụ chính của đạo luật này là phải hoàn thiện hóa một cách chặt chẽ nhất, khoa học nhất tất cả các khái niệm có liên quan đến phòng thủ dân sự.

PV: Theo ông đại dịch Covid 19 xảy ra gần 3 năm qua có được coi là thảm họa y tế hay không và cần được quy định cụ thể thế nào trong dự thảo Luật Phòng thủ dân sự?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Theo tôi đó thực sự là một thảm họa, dịch COVID-19 vừa qua chúng ta đã mất đi hàng vạn người, đây là một sự đau xót vô cùng của đất nước ta. Dịch COVID-19 không còn là vấn đề của riêng Việt Nam mà là thảm họa toàn cầu và người ta gọi là đại dịch. Đại dịch này xảy ra trên toàn cầu và để lại hậu quả vô cùng to lớn, không chỉ về người mà còn về kinh tế của tất cả các nước bị kiệt quệ.

Và từ thảm họa về dịch bệnh có thể dẫn tới thảm họa về con người, về sản xuất kinh doanh, về quan hệ quốc tế...có thể nói đây là một đại thảm họa của cả thế giới. Cho nên luật này làm sao phải đảm bảo cho người dân và các chủ thể khác phải thường xuyên chủ động và kịp thời để xử lý các vấn đề, mà thậm chí phải đi trước, chứ không chờ thảm họa xảy ra rồi mới làm.

Như vậy cần phải chuẩn bị nguồn lực, chiến lược, kế hoạch, giải pháp và biện pháp áp dụng, kể cả khoa học công nghệ và sức người để chủ động và kịp thời

PV: Xin cảm ơn ông!

Các đại biểu QH thảo luận về Dự thảo Luật phòng thủ dân sự

Các đại biểu QH thảo luận về Dự thảo Luật phòng thủ dân sự

Như ông Lưu Bình Nhưỡng vừa khẳng định, đại dịch covid 19 là một dạng thảm họa trong y tế. Vậy nên hay không nên tích hợp các thảm họa y tế trong dự luật Phòng thủ dân sự? Phóng viên VOV Giao thông phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội xung quanh nội dung này.

PV: Thưa ông, trong dự thảo Luật Phòng thủ dân sự có nên tích hợp các vấn đề về thảm họa trong y tế hay không, nếu có cần quy định cụ thể thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Mai: Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự quy định những nguyên tắc chung liên quan đến dịch bệnh. Trong đó chủ yếu quy định về thẩm quyền, trách nhiệm và các biện pháp hành chính có thể áp dụng trong phòng ngừa, xử lý các thảm họa liên quan đến dịch bệnh. Để ứng phó với một đại dịch như COVID-19 thì chắc chắn Luật Phòng thủ dân sự không thể quy định đầy đủ được.

Chúng ta đã biết bên cạnh dự luật này còn có các luật khác liên quan, ví dụ như Luật Phòng chống thiên tai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm...các biện pháp cụ thể để xử lý các vấn đề liên quan đến dịch bệnh thì Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định đầy đủ.

Từ kinh nghiệm phòng chống covid thời gian qua thấy rằng có một số biện pháp đặc thù, đặc cách khi dịch bệnh xảy ra ở tất cả các tỉnh thành phố thì lúc đó Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30. Trong đó giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ có thể ban hành các biện pháp mà luật hiện chưa có hoặc quy định khác với luật hiện hành để xử lý trong tình huống cụ thể.

Do đó một số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng còn băn khoăn khi trình ra dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, bởi phạm vi điều chỉnh trùng với một số luật khác có liên quan.

PV: Dự thảo luật Phòng thủ dân sự hiện đang quy định có 4 cấp độ phòng thủ dân sự, theo ông với những đại dịch như Covid 19 vừa qua thì quy định này đã phù hợp hay chưa?

Ông Nguyễn Hoàng Mai: Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự quy định 4 cấp độ dịch, từ cấp 1 đến cấp 4, nếu xảy ra tại một địa điểm nhất định ở cấp độ huyện thì cấp độ dịch là cấp 1. Thế nhưng điều quan trọng là biện pháp ứng phó với thảm họa sự cố, chắc chắn có nhiều thảm họa, sự cố cần huy động nhiều lực lượng từ nơi khác đến, chứ không hẳn là chỉ xác định theo địa điểm.

Vì thế cấp độ dịch phải xác định dựa theo hậu quả, nguy cơ có thể xảy ra, gây ảnh hưởng đến con người, môi trường...mới có thể xác định mức độ được. Hiện nay thực ra cấp độ 4 đã có Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp để xử lý, sau này nên điều chỉnh thành Luật về tình trạng khẩn cấp.

Trong dự luật này tôi thấy còn khá nhiều nội dung cần phải tiếp tục chỉnh lý mới phù hợp được.

PV:Xin cảm ơn ông!

Thảo luận về Dự thảo luật phòng thủ dân sự tại Quốc hội

Thảo luận về Dự thảo luật phòng thủ dân sự tại Quốc hội

Nước ta hàng năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu cũng như nhiều sự cố thiên tai và dịch bệnh. Vì thế đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác phòng thủ dân sự, đòi hỏi phải hoàn thiện cơ sở pháp lý để tích cực chủ động phòng chống, ứng phó có hiệu quả các sự cố, thảm họa góp phần bảo đảm an ninh, an toàn cho người và tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nền kinh tế. Chính vì vậy, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là hết sức cần thiết.

Bạn kỳ vọng gì vào Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự? Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc 15h30 đến 15h50, thứ Hai hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng Podcast dành cho di động: Spotify, Aple podcast và Google Podcast.

Hoàng Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Cầu thông, giao thương thông

Cầu thông, giao thương thông

TP.HCM và các tỉnh phía Nam có mạng lưới sông, kênh rạch dày đặc. Do vậy, hạ tầng giao thông, đặc biệt là những cây cầu kết nối với các địa phương rất quan trọng trong việc lưu thông, giao thương hàng hóa, giúp phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người dân thoát cảnh qua sông phải lụy đò.

Việt Nam – Kỷ nguyên vươn mình: Kết nối trái tim yêu nước, vận mệnh trong giai đoạn mới

Việt Nam – Kỷ nguyên vươn mình: Kết nối trái tim yêu nước, vận mệnh trong giai đoạn mới

Chiều 02/10, Đài Tiếng nói Việt Nam ra mắt Chương trình chính luận đa loại hình, đa phương tiện “Việt Nam - Kỷ nguyên vươn mình”, nhằm góp phần khơi dậy hào khí dân tộc, khơi dậy khát vọng dựng xây đất nước mạnh giàu.

Cảnh báo nguy hiểm từ sớm

Cảnh báo nguy hiểm từ sớm

Là một đất nước có bờ biển dài, chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu, và là điểm đến thường xuyên của những cơn bão, thì việc cảnh báo sớm đến người dân những tín hiệu mất an toàn là điều vô cùng cần thiết ở Việt Nam.

Truyền cảm hứng cho người dân hiến kế xây dựng  “Việt Nam – kỷ nguyên vươn mình”

Truyền cảm hứng cho người dân hiến kế xây dựng “Việt Nam – kỷ nguyên vươn mình”

Chiều nay 02/10/2024, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức ra mắt chương trình: “Việt Nam - kỷ nguyên vươn mình”, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, số 58, Quán Sứ, Hà Nội.

Thanh toán điện tử trong giao thông: Người dân hưởng lợi gì?

Thanh toán điện tử trong giao thông: Người dân hưởng lợi gì?

Từ 01/10, Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực. Vậy, người dân sẽ được hưởng lợi gì từ việc triển khai hệ thống thanh toán điện tử trong giao thông đường bộ?

Cuộc dạo chơi lung linh

Cuộc dạo chơi lung linh

Một trong những yếu tố làm nên sức hấp dẫn khi trời tối chính là ánh sáng. Đặc biệt, nguồn ánh sáng nơi phố thị còn trở nên hấp dẫn hơn nhiều khi được phản chiếu và hội tụ trên mặt hồ lung linh.

Trật tự đô thị phố cổ Hà Nội, cần chú trọng an sinh xã hội

Trật tự đô thị phố cổ Hà Nội, cần chú trọng an sinh xã hội

Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh và trông giữ phương tiện trái phép là một trong các vấn đề nhức nhối trên địa bàn TP Hà Nội.