Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Người cũ cảnh xưa

Về lại U Minh

Nhóm PV: Chủ nhật 23/10/2022, 15:11 (GMT+7)

Trong tâm thức người xưa, khi nhắc đến U Minh là nhắc đến một thời kỳ khai sơn phá thạch của vùng đất xa xôi tận cùng phía Tây Nam tổ quốc. Những câu chuyện tiếu lâm của Bác Ba Phi, những giai thoại về ổ cá đồng giữa rừng U Minh ngày ấy chưa bao giờ thôi hấp dẫn với hậu thế…

 “U Minh xứ sở lạ kỳ

Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng kinh”

Trong tâm thức người xưa, khi nhắc đến U Minh là nhắc đến một thời kỳ khai sơn phá thạch của vùng đất xa xôi tận cùng phía Tây Nam tổ quốc, là cái xứ mà “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”.

Từ thuở khai hoang mở đất, thiên nhiên vừa hoang dã, khắc nghiệt, vừa trù phú, hào sảng đã dệt nên nhiều giai thoại về “kỳ hoa dị thảo” cho vùng đất này.

Giữa chốn “rừng thiêng nước độc”, với sự mưu trí và tài hoa, để sống với rừng, người U Minh đã sản sinh ra những nghề chỉ có một không hai, như: nghề “săn sấu”, nghề “bắt cọp”, nghề “ăn ong”, nghề “thầy đìa”.

Những câu chuyện tiếu lâm của Bác Ba Phi, những giai thoại về ổ cá đồng giữa rừng U Minh ngày ấy chưa bao giờ thôi hấp dẫn với hậu thế… 

Một góc Vườn Quốc Gia U Minh Hạ nhìn từ trên cao

Một góc Vườn Quốc Gia U Minh Hạ nhìn từ trên cao

Mỗi lần nói tới rừng U Minh, người ta sẽ nhớ đến ngay nhà văn Sơn Nam. Đây là quê hương tuổi thơ, quê hương văn học của ông, là nguồn cảm hứng vô tận để nhà Nam bộ học dựng nên nhiều sáng tác văn chương, những biên khảo giá trị về vùng đất phương Nam thuở hồng hoang khai phá.

Nhắc về U Minh, trong hồi ký “Từ U Minh đến Cần Thơ” của mình, nhà văn Sơn Nam từng miêu tả: “Chung quanh nhà, nơi tôi chào đời, đầy lau sậy, luôn luôn có muỗi lại còn ong rừng. Hừng sáng, trẻ con dễ đói bụng, thường đi tìm đám lau sậy hoặc cây tạp là gặp tổ ong mật”.

Hay “Bờ biển là bãi bùn hàng ki-lô-mét, đầy cây mắm, cây giá, muỗi mòng bay ào ào ngày như đêm, bước xuống thì lún ngang đầu gối. Rừng cũng vậy, mãn năm sình lầy, dưới bùn lố nhố những gốc cây đã chết”. Đó là khi ông nói về nơi ông sinh ra - làng Đông Thái ở rừng U Minh, nay thuộc huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Những nét phác họa từ hồi ức của nhà Nam Bộ học đã cho người ta hình dung về một U Minh của những ngày khẩn hoang lập ấp.

Theo nhà văn Sơn Nam, U Minh nghĩa là cõi âm, tối và mờ, u u minh minh. Xa xưa, khi người Việt đi mở cõi đến vùng đất này thấy quang cảnh âm u, vắng lặng, rừng cây rậm rạp, quanh năm “cỏ cây che khuất mặt trời” nên cất tiếng gọi U Minh.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc khai thác vùng đất U Minh rầm rộ phải kể đến đầu thế kỷ thứ 20, sau khi thực dân Pháp đào con kinh xáng Chắc Băng và kinh xáng Xẻo Rô, tổ chức khai thác rừng tràm và mở đất làm ruộng. Nhiều người có tiền bạc và thế lực xin khẩn đất, chiêu mộ tá điền, đồng thời cũng không ít dân nghèo ở các tỉnh phía trên sông Tiền, sông Hậu xuống tự phá rừng để sản xuất nông nghiệp. Từ “miệt U Minh” cũng ra đời từ đó.

Rừng U Minh ngày nay chia thành 2 khu vực rõ rệt: U Minh Thượng và U Minh Hạ, chia cắt bởi dòng sông Trẹm. Tiền thân của rừng U Minh Thượng là rừng úng phèn U Minh, vốn được người bản địa đặt tên là “Hồ rừng”.

Toàn bộ rừng U Minh hạ là một “kho nguyên liệu” khổng lồ để ong làm mật - đó là hoa tràm. Mật ong được làm từ hoa tràm được xem là thứ mật tốt nhất so với các loại mật ong được làm từ các loại hoa khác. Nghề “ăn ong” ngày nay cũng bắt đầu từ vùng đất này:

"Đời ông nội tới đời cha, đời chú, chú ở trong rừng từ năm 13 tuổi tới giờ chú 58 tuổi rồi đó. Cái cảnh sống trong rừng thì nói thẳng ra nó khó trăm ngàn lần ở ngoài, khổ cực, khó khăn, muốn lấy đồng tiền cực lắm, không có như ở ngoài mua bán này kia. Mình cứ mần mùa này rồi mùa kia mình lấy tiền. Cái nghề ông cha để lại nên nó có cái niềm vui như vậy đó, ra xóm mình bực bội lắm, rồi mình phải về rừng".

Cái nghề “ăn ong” nói tưởng đơn giản nhưng nếu không có lòng yêu nghề, không gan dạ thì sẽ không thành nghề, không làm được. Bởi từng khâu lựa kèo, chọn trảng, gác kèo, nhắm hướng mặt trời, đón hướng gió để ong về làm tổ đều cần có kinh nghiệm và bí quyết riêng của mỗi người:

"Cái mùi, cái vị của mật ong sẽ khác từng thời điểm. Ví dụ đầu mùa thì khoảng tháng 10-11 âm lịch, bắt đầu mùa khô tới, lúc đó hoa tràm bắt đầu trổ, mùi của mật ong sẽ rất là thơm luôn, nhưng cái vị nó sẽ chua nhẹ, vì lúc đó đầu mùa nó hơi loãng chút xíu vì nó chưa đủ nắng. Đến giữa mùa tới cuối mùa, tức là khoảng tháng 12 đến tháng 3- tháng 4 năm sau, thì mùi nó không thơm bằng lúc đầu mùa".

Cùng với nghề “ăn ong”, đồng đất U Minh Hạ được xem là nơi trù phú, thiên nhiên ban tặng nhiều loại đặc sản có giá trị kinh tế cao. Thời khai hoang mở đất, cư dân tứ xứ đến đây sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác cá đồng. Chính nghề này đã giúp những lưu dân nghèo khổ gầy dựng nên cơ nghiệp. Để rồi từ đó sản sinh ra một cái nghề mà nghe tên thôi cũng khiến người ta đoán mò đoán non đủ kiểu: nghề thầy đìa!

Thật ra, thầy đìa là những người có khả năng đặc biệt. Họ chỉ cần thò chân xuống nước, hoặc áp tai lên miệng đìa là có thể biết được dưới đìa có nhiều hay ít cá. Thú vị hơn, các thầy đìa còn rình nghe tiếng cá ngớp, ục, táp mồi, quẫy đuôi hay thở. Nhiều người cẩn thận, họ phải thọc tay xuống mé đìa tìm dấu cá cọ mình, hay lặn xuống để xem có đụng nhiều cá hay không. Sau khi xác định cá nhiều hay ít, thầy đìa ra giá cuối cùng để thầu đoạn kênh rồi dùng lưới chụp.

Anh Nguyễn Hữu Duyên – một trong những người hiếm hoi theo nghề này cho biết: "Ba tôi đi làm nghề đìa này rất là lâu, truyền lại cho tui, đời thứ ba. Coi đìa, mua đìa để mình mua không bị lỗ… Mình lại mình quan sát con cá trắng, con cá sặc, cá bổi. Xem nó có nhiều hay không… Mình xem tương đối rồi thì mình đi với chủ nhà, rồi muốn biết cho chính xác thì phải lội xuống đìa…"

Bởi những điều đặc biệt như thế nên người dân xứ này hay gọi nghề thầy đìa là nghề “nghe cá thở”. Cái nghề tưởng dễ, nhưng cũng lắm nhọc nhằn. Sau mùa chụp cá, mỗi gia đình có thể thu về cả chục triệu, có người còn trúng đậm hàng trăm triệu. Tuy nhiên, nghề này cũng khiến một số thầy đìa thua lỗ, phải bỏ xứ đi tìm việc khác kiếm tiền về trả nợ.

Rời U Minh Hạ, chiếc vỏ lãi xé nước đưa chúng tôi trở lại rừng U Minh Thượng vào những ngày tháng 10 khi bưng đồng no nước. Xuôi dòng kênh lớn, chúng tôi bắt đầu hành trình rẽ vào các rạch nhỏ hai bên bờ. Nghe tiếng xuồng máy nổ giòn giã trên con kênh, lũ chim nhiều màu sắc bay túa ra, kêu rộn ràng. Có những con dạn dĩ còn bay theo chiếc xuồng như thể chào mừng đã ghé thăm.

Gọi U Minh Thượng là mảnh đất lành không sai, vì đời sống của hệ cư dân diễn ra nhẹ tênh. Chất lượng của con cá, cọng rau không khiến người ta dè chừng phân thuốc. Người dân đi rừng như đi giữa mùa sản vật, vài bước tiện chân, vài cái tiện tay là có ngay bữa cơm đồng ngon đúng điệu.

Ông Huỳnh Văn Triệu, U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang cho hay: "Từng năm chục thước là lên được mẻ cá cả tấn cá không, cá lóc con khoảng 2 đến 3kg".

U Minh Thượng là vườn quốc gia với hệ sinh thái phong phú. Ảnh: Vietnambooking

U Minh Thượng là vườn quốc gia với hệ sinh thái phong phú. Ảnh: Vietnambooking

U Minh Thượng – nơi thiên nhiên và con người chỉ cách nhau mỏng manh bằng lớp nước màu đỏ loang loáng. Chiếc vỏ lãi đi đến đâu thì mặt nước gợn đỏ lên đến đó như xới tung từng lớp vỏ thực vật còn đang ẩn mình dưới lớp bùn than.

Theo cách lý giải của ông Bành Văn Đởm (ông Mười Đởm) – Nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng, nước đỏ được tạo nên bởi mỗi mùa lá tràm rụng, tích tụ lại thành tầng, thành lớp dưới lòng sông, thay phiên nhau phôi ra thứ diệp lục làm dòng nước đỏ au một cách tự nhiên chứ không vẩn lên đục ngầu như những con sông nặng màu phù sa của miền châu thổ. Lá tràm đã tạo cho những con kênh, rạch chằng chịt trong khu rừng U Minh Thượng một thứ nước kì diệu để bao đời cha truyền con nối đều lặn ngụp dưới làn nước này:

"Màu đỏ là nước rừng U Minh do quá trình phân hủy của thực vật, của than bùn lâu năm thành ra đỏ hồng vậy đó. Nó có mấy lợi thế như này, khi tôi khoanh vùng cắt con kênh, khi mà mưa mình xả ra chia cho các vùng đệm vì nước đó mang cả phù sa, nước đó rất có lợi lắm. Vừa mang cá vừa mang phù sa. Hồi xưa lúc chiến tranh, anh em từ miền Bắc ra đây tập kết, thấy nước đỏ này không dám uống. Tôi cứ kêu mấy ảnh uống đi này như nước tràm, nấu cơm cũng nước tràm, tắm giặt cũng nước tràm", ông Mười Đởm cho biết.

Hiểu về U Minh Thượng, chắc có lẽ không ai qua được ông Mười Đởm – người được mệnh danh là “vua rừng U Minh Thượng”, là kho tài liệu sống về đất rừng nơi đây. Cuộc đời ông dường như gắn trọn với mảnh đất này. Ông Mười kể, cách đây mấy mươi năm, cánh rừng U Minh vẫn giữ nét nguyên bản như buổi đầu con người tìm đến khai phá. Sông nước mênh mông, sản vật phong phú, đất đai phì nhiêu đến độ chỉ cần con dao cùn và mảnh đá lửa là có thể nuôi sống cả gia đình vượt qua cơn khốn khó. Ở đây dây choại có rất nhiều từ thời khai khẩn cho đến tận hôm nay. Đọt choại góp phần làm nên ẩm thực của vùng miệt thứ, ăn sống hoặc nhúng lẩu, người dân nơi đây ăn tất cả những gì thuộc về rừng:

Băng: Cái này gắn với người dân từ thời chiến tranh để ăn chống đói, người ta cũng bứt dây troại để bện rào cá, rào chăn nuôi.

Màu nước ở rừng U Minh có màu đỏ thẫm đặc trưng. Ảnh: Vietnambooking

Màu nước ở rừng U Minh có màu đỏ thẫm đặc trưng. Ảnh: Vietnambooking

Ông Mười Đởm có thể nói cả ngày về rừng như nói về chính cuộc đời mình với bao thăng trầm, buồn vui, day dứt. Một con người cả đời gắn bó, giữ gìn từng gốc cây, ngọn cỏ U Minh, xem sự tồn vong của rừng còn quý hơn mạng sống bản thân, lúc cuối đời lại phải nhận án kỷ luật vì để xảy ra vụ cháy rừng lịch sử năm 2002. Nhớ lại quá khứ đau thương của rừng, đôi mắt ông chợt ầng ậc nước.

Trưa ngày 24/3/2002, tại tiểu khu 138, quản lý khu này phát hiện một đám cháy nhỏ, nên huy động các thành viên dập lửa. Đến 2h sáng hôm sau, đám cháy cơ bản được khoanh vùng. Bất ngờ đến gần trưa, đám cháy lại bùng lên dữ dội. Bất chấp sức người, sức của đã trút cạn để ngăn lửa, nhưng suốt gần 20 ngày đêm, đám cháy cứ thế len lỏi khắp các cánh rừng. 4000 người ngày đêm tham gia chữa cháy vẫn không ngăn nổi ngọn lửa đã thiêu rụi khoảng 3000 hecta rừng nguyên sinh.

Hai mươi năm trôi qua, chưa một ngày nào ông Mười Đởm thôi day dứt: "Năm 2001 khô hạn lớn thì tình trạng cháy mình lo âu lắm mà vốn đầu tư mình không có nhiều. Nhưng mà mình bảo vệ thoát không khỏi cái cháy thì cháy lớn. Tôi chia ra từng ô giữ triệt để cho động vật nó ở. Có bữa tôi đi kiểm tra, cò chim nó chạy xoay xoay theo tôi như đang hỏi hội tội mình, nó không còn chỗ ở. Tôi thấy đau đớn khổ sở khi nó chạy loanh quanh theo mình lúc cháy. Cảm giác mình khổ sở, lương tâm mình khó chịu".

Hôm nay, về lại U Minh, diện mạo của vùng đất đã từng là nỗi buồn của những nàng dâu miệt thứ, nơi “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lền tựa bánh canh”, nơi “rừng thiêng nước độc” đã khác. Đường vào những vùng sâu, vùng xa của miệt thứ U Minh đã không còn những con đê bùn lầy, đi bộ té lên, té xuống; đã thôi bớt đi những cây cầu khỉ chông chênh bắc qua hàng tá con kinh dày đặt mà không phải ai cũng nhớ nổi.

Nhưng chắc chắn một điều người ta không thể quên khi đến U Minh là tràm xanh, nước đỏ, là tình đất, tình người, là những giai thoại lạ kỳ cứ ngỡ chỉ có trong cổ tích…

Nhóm PV/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Diện mạo mới của cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật

Diện mạo mới của cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật

Cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khoác áo mới lung linh ánh sáng, kết hợp với các tác phẩm nghệ thuật giống như một đường "hầm thủy cung".

Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 đầu tiên tại Việt Nam sẽ ra đời vào tháng 9

Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 đầu tiên tại Việt Nam sẽ ra đời vào tháng 9

Đây là sản phẩm được ra đời từ quá trình hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với Diễn đàn Kinh tế thế giới và sẽ là trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 thứ 19 trên toàn thế giới

Hà Nội: Đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp lễ 30/4-1/5

Hà Nội: Đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp lễ 30/4-1/5

Đến thời điểm này các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã sẵn sàng các phương án, kế hoạch để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Những bất cập trong các thủ tục bàn giao lẫn việc thanh toán chi phí quản lý vận hành cho đơn vị phụ trách đã khiến tuyến đường này gặp nhiều khúc mắt khi bị cắt điện tại các nút giao lớn hay nghiêm trọng hơn là đứng trước nguy cơ không có đơn vị quản lý vận hành, bảo trì bảo dưỡng.

Đường lên Tây Bắc: Từ những chiếc xe đạp thồ đến máy bay A321

Đường lên Tây Bắc: Từ những chiếc xe đạp thồ đến máy bay A321

21 nghìn chiếc xe đạp thồ, hơn 3 vạn lượt dân công hỏa tuyến- trong số 26 vạn dân công cả nước, đã cùng với phương tiện vận tải cơ giới, vượt núi cao, vực sâu, đưa 25 nghìn tấn vũ khí, lương thực thực phẩm vào phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Làm đường sắt đô thị trên làn BRT, có hợp lý?

Làm đường sắt đô thị trên làn BRT, có hợp lý?

Thông tin Hà Nội sẽ thay buýt nhanh BRT bằng đường sắt đô thị đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Liệu Hà Nội có nên “khai tử” buýt nhanh BRT ở thời điểm hiện tại? Ai chịu trách nhiệm khi xóa bỏ dự án nghìn tỷ này? Lựa chọn lần này của Thành phố là đường sắt đô thị sẽ đi về đâu?

Hà Nội làm gì để đẩy tiến độ cải tạo chung cư nguy hiểm cấp D?

Hà Nội làm gì để đẩy tiến độ cải tạo chung cư nguy hiểm cấp D?

Gần đây VOV Giao thông liên tiếp nhận được phản ánh của người dân Hà Nội về việc họ sẵn sàng di dời khỏi các chung cư cũ để cải tạo, xây mới, tuy nhiên điều khiến họ lo ngại nhất là thời gian xây dựng thường kéo dài, gây phiền hà và đảo lộn cuộc sống.