Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Va chạm trên đường băng: Sai lầm trong giao tiếp giữa không lưu và phi công

Huy Văn: Thứ sáu 19/01/2024, 10:08 (GMT+7)

Sự cố xảy ra tại sân bay Haneda, Tokyo, Nhật Bản hôm 2/1 vừa qua, bên cạnh cuộc sơ tán ngoạn mục, thì vẫn còn đó nốt trầm 5 người thiệt mạng trên chiếc máy bay cứu hộ của Lực lượng tuần duyên Nhật Bản. Điều tra sau đó cho thấy vụ việc đã bộc lộ nhiều sai sót do con người.

Chiều 2/1, chuyến bay số hiệu 516 của hãng hàng không Japan Airlines đã bốc cháy khi hạ cánh tại sân bay Haneda, Tokyo, Nhật Bản sau khi va chạm với máy bay cứu hộ của lực lượng tuần duyên Nhật Bản. Dù toàn bộ 379 hành khách trên chuyến bay của Japan Airlines đã được giải cứu thành công, nhưng vụ va chạm đã khiến 5 trên 6 thành viên của máy bay cứu hộ thiệt mạng. Vụ việc cũng khiến nhiều chuyến bay tới và rời sân bay Haneda buộc phải huỷ bỏ.

Video do đài NHK công bố ngày 4/1 cho thấy máy bay của Lực lượng tuần duyên Nhật Bản di chuyển vào đường băng, dừng lại và bật đèn hiệu trong khoảng 40 giây để chuẩn bị cất cánh. Máy bay chở khách của Japan Airlines sau đó hạ cánh, va chạm với máy bay tuần duyên và ngọn lửa bùng lên sau đó.

Máy bay Airbus của Japan Airlines cháy rụi sau va chạm. Ảnh: Guardian

Máy bay Airbus của Japan Airlines cháy rụi sau va chạm. Ảnh: Guardian

Hãng tin Reuters dẫn nội dung trao đổi của trạm kiểm soát không lưu cho thấy máy bay của lực lượng tuần duyên đã được yêu cầu chờ tại một điểm gần đường băng trong lúc chiếc Airbus 350 của Japan Airlines hạ cánh. Một quan chức của Cơ quan hàng không dân dụng Nhật Bản cũng xác nhận rằng không có thông tin nào trong nội dung trao đổi đó cho thấy máy bay của lực lượng tuần duyên được phép cất cánh. Phi công của máy bay Japan Airlines cũng cho biết ông đã không phát hiện ra chiếc máy bay tuần duyên khi bắt đầu hạ cánh.

Ông Desmond Ross, giám đốc điều hành công ty tư vấn hàng không và vận tải hàng không Ireland Pegasus Aviation Advisors cho biết: “Đài kiểm soát không lưu có vai trò rất quan trọng trong những vụ việc kiểu như thế này. Đáng nhẽ ra họ phải phát hiện vụ việc từ sớm, sau đó yêu cầu máy bay tuần duyên không tiến vào đường băng, hoặc bảo máy bay của Japan Airlines bay vòng quanh cho tới khi chiếc máy bay tuần duyên hoàn thành việc cất cánh”.

Theo Nikkei Asia, điều tra sau đó cho thấy các nhân viên tại đài kiểm soát không lưu Haneda đã không có liên lạc thêm giữa họ và máy bay của lực lượng tuần tuyên sau khi họ chỉ dẫn cho máy bay này. Các nhân viên cũng thừa nhận họ đã không nhìn thấy chiếc máy bay tuần duyên tiến vào đường băng khi vụ va chạm xảy ra.

Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, các kiểm soát viên không lưu không bắt buộc phải xác nhận trực quan chuyển động của máy bay sau khi đưa ra hướng dẫn. Mỗi đường băng và đường lăn có một nhân viên kiểm soát không lưu được giao phụ trách, cùng với một nhân viên kiểm soát khác giám sát tình hình.

Những sai lầm trong giao tiếp là nguyên nhân gây ra vụ việc. Ảnh: AFP

Những sai lầm trong giao tiếp là nguyên nhân gây ra vụ việc. Ảnh: AFP

Bên cạnh đó, còn có hệ thống giám sát bằng đèn tín hiệu để cảnh báo khi có máy bay tiến vào đường băng trong khi một máy bay khác đang hạ cánh. Được biết, hệ thống giám sát đường băng hoạt động bình thường vào thời điểm xảy ra tai nạn, nhưng các nhân viên kiểm soát không lưu dường như không nhận thấy đèn báo nhấp nháy.

Một nguyên nhân khác gây nên vụ việc, đó là trong giao tiếp giữa đài kiểm soát không lưu và máy bay tuần duyên, nhân viên đài không lưu đã thông báo thứ tự xếp hàng chờ cất cánh của máy bay tuần duyên là “xếp thứ nhất”, nghĩa là họ vẫn phải chờ. Cơ trưởng của máy bay tuần duyên cho biết khi tiếp nhận thông tin này, ông đã hiểu nhầm đó là tín hiệu cho phép máy bay của mình tiến vào đường băng, dẫn tới tai nạn.

Sau vụ việc, ngày 10/1 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ thắt chặt quy trình kiểm soát không lưu. Theo đó, các nhân viên kiểm soát không lưu được yêu cầu phải liên tục theo dõi hệ thống đèn tín hiệu cảnh báo để tránh xảy ra sự qua như vừa qua. Đồng thời, đài không lưu cũng bỏ việc thông báo thứ tự xếp hàng vào đường băng để tránh gây ra hiểu nhầm.

Theo tờ báo Asahi của Nhật Bản, trong vòng một thập kỷ trở lại đây tại quốc gia này, đã có 23 vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại các đường băng sân bay. Trong đó, có 5 vụ có nguyên nhân xuất phát từ những sai sót của đài kiểm soát không lưu. Ngoài ra, theo Reuters, Japan Airlines ước tính vụ việc vừa qua đã gây thiệt hại trị giá khoảng 104 triệu USD cho hãng.

Mới đây, trong cuộc họp báo diễn ra vào hôm 17/1, Tư lệnh Cảnh sát biển Nhật Bản Shohei Ishi cam kết sẽ ngăn chặn sự việc tái diễn. Ông Ishi cho biết Cảnh sát biển Nhật Bản đã áp dụng những biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn trên mặt đất, cũng như kiểm tra tài liệu hướng dẫn hoạt động. Các phi công được yêu cầu thảo luận về quy trình hoạt động, phân chia công việc trước và sau mỗi chuyến bay để cải thiện khả năng giao tiếp, cũng như chủ động thông báo những dấu hiệu bất thường trong khi bay.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn