Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Ứng phó với sự cố môi trường: Khi nào mới có thể chủ động?

Hải Hà: Thứ năm 17/08/2023, 10:50 (GMT+7)

Sự cố vỡ hồ chứa nước thải nhà máy tuyển quặng đồng Tả Phời, Lào Cai hôm 8/8 khiến hàng nghìn m3 bùn thải quặng đồng tràn xuống khu dân cư đã ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, gây ô nhiễm đất, nước.

Mặc dù, các cơ quan chức năng đã thực hiện quan trắc môi trường nhưng vẫn cho thấy sự lúng túng và thiếu sự chuẩn bị của đơn vị, chính quyền địa phương, chưa có những kịch bản dự phòng.

Điều này đặt ra câu hỏi về sự nghiêm túc khi thực hiện đánh giá tác động môi trường của các công trình, và những kịch bản ứng phó khi xảy ra sự cố?

Clip: Hiện trường sự cố vỡ cống thoát nước xả tràn của hồ thải quặng đuôi Nhà máy tuyển đồng Tả Phời, thuộc Công ty cổ phần đồng Tả Phời (Vinacomin) Lào Cai

Một tuần sau sự cố vỡ cống thoát nước xả tràn của hồ thải quặng đuôi Nhà máy tuyển đồng Tả Phời, thuộc Công ty cổ phần đồng Tả Phời (Vinacomin) Lào Cai, cuộc sống của hàng trăm người dân ở thôn Phời 3 vẫn chưa thể ổn định.

Mặc dù, lực lượng chức năng đã huy động nhân viên công ty Cổ phần đồng Tả Phời dùng máy móc nạo vét bùn đất ở trên đường giao thông nhưng hiện nay, bùn đất xung quanh các suối, cánh đồng vẫn phủ kín. Những ngày nắng nóng, bùn đất bốc mùi khó chịu.

Bà La Thị Xuyến, người dân sống tại thôn Phời 3 cho biết, so với sự cố hồ thải quặng năm 2020, sự cố lần này có mức độ nghiêm trọng hơn: "Bùn đấy đọng lại dày khoảng 60-70 cm, trong khi đó người dân ở đấy và với gia đình sống trực tiếp ngay bên bờ suối, rất là mùi luôn, mùi hôi, mùi quặng rất khó chịu, nhức đầu. Hiện tượng tiêu chảy, một số trẻ em nghịch nguồn nước thải, có dấu hiệu như bị thủy đậu. Đóng cửa cũng có mùi, đi ngủ cũng có mùi, không ăn, không uống được".

Theo phản ánh của một số người dân thôn Phời 3, sự cố vỡ hồ thải quặng không chỉ gây thiệt hại về tài sản của hàng chục hộ dân, 9 gia đình bắt buộc phải di dời, mà còn khiến toàn bộ cánh đồng lúa của thôn bị bùn đất phủ trắng xóa, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng, nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm nhưng đa phần người dân vẫn buộc phải sử dụng.

Mặc dù, từ ngày 15/8, một nguồn nước sạch khác đã được cung cấp tại trụ sở UBND của thôn nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện đi lấy nước về sử dụng.

Điều mà nhiều người dân lo ngại nhất là đến thời điểm này, họ vẫn chưa nhận  được kết quả quan trắc đất và nước, cũng như thông tin chính thức về các hóa chất có trong bùn đất và những khuyến cáo cụ thể để người dân có những biện pháp để phòng tránh.

Một người dân cho biết: "Loa phát thanh thông báo phòng chống về các dịch bệnh mùa mưa lũ, chưa có thông báo về các chất độc hại để di dời toàn bộ người dân ở trong vùng đó đi đâu. Chỉ có 9 hộ bị ảnh hưởng nặng nề mới di chuyển ăn ngủ nghỉ sinh hoạt ở nhà văn hóa xã. Còn lại không có cảnh báo, khuyến cáo mọi người về mức độ nguy hiểm nên hiện tại người dân vẫn sinh sống ở đó. Dân trí ở đấy, mọi người vẫn không hiểu là bùn đất đó ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe đâu. Cán bộ vẫn tuyên truyền là do lũ, đi lại cẩn thận, không ai nói có độc hay không".

Sự cố vỡ hồ chứa nước thải nhà máy tuyển quặng đồng Tả Phời, Lào Cai hôm 8/8 vừa qua với hàng nghìn m3 bùn thải quặng đồng tràn xuống khu dân cư đã ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, gây ô nhiễm đất, nước.

Sự cố vỡ hồ chứa nước thải nhà máy tuyển quặng đồng Tả Phời, Lào Cai hôm 8/8 vừa qua với hàng nghìn m3 bùn thải quặng đồng tràn xuống khu dân cư đã ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, gây ô nhiễm đất, nước.

Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam đã có mặt trực tiếp khảo sát hiện trường ở thôn Phới 3 cho rằng, dù các đơn vị chức năng đã nỗ lực dọn dẹp lượng bùn đất thải trên bề mặt nhưng mới chỉ giải quyết được phần nhỏ mức độ ảnh hưởng.

Sự cố này tiếp tục gây ảnh hưởng trong tương lai, chưa biết khi nào mới kết thúc và người dân quay trở lại cuộc sống an toàn. Bởi trong nước thải, bùn thải có chứa hóa chất đã ngấm vào trong tường, trong nền nhà, thẩm thấu xuống dưới lòng đất và trôi ra các sông, hồ, chảy xuống phía dưới hạ lưu sông Hồng.

Cũng theo ông Sơn, mặc dù chưa được tiếp cận báo cáo Đánh giá tác động môi trường và quy trình công nghệ xử lý của hoạt động khai thác tuyển quặng đồng, song theo quan sát của ông Sơn, hồ chứa chất bùn thải đã được lưu cữu từ rất lâu, các chất thải không hề được xử lý.

Việc chờ kết quả phân tích môi trường đất, nước không phải vấn đề mấu chốt, mà cơ quan chức năng, công ty cần sớm công bố các loại hóa chất được sử dụng trong quá trình tuyển quặng đồng và tồn dư ở bể chứa chất bùn thải. Bởi quặng đuôi là vật liệu được thải ra trong quá trình tuyển khoáng và trong quá trình luyện kim nói chung và luyện đồng nói riêng, nhiều phụ gia hóa chất cũng được thải ra trong bùn đất và đọng lại ở hồ thải quặng.

Ông Sơn phân tích: "Điều nguy hiểm nhất là đây không phải là chúng ta đợi một cái kết quả quan trắc môi trường, phân tích mẫu nước, mẫu đất để chúng ta đánh giá tác động có nguy hại hay không. Người dân nói rằng nhà máy này được xây dựng và hoạt động từ năm 2015. Chúng ta chỉ làm một phép tính đơn giản, từ năm 2015 cho đến năm 2023, bao nhiêu một loại hóa chất được sử dụng cho vấn đề tuyển quặng, chúng ta sẽ hình dung ra là bể này chứa bao nhiêu lượng hóa chất và hóa chất gì. Bởi vì chất thải này không hề có vấn đề xử lý, và nước thải thực tế là cái hồ chứa tự nhiên như vậy".

Theo GS Hoàng Xuân Cơ, Giảng viên cao cấp trường Đại học khoa học Tư nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội, sự cố môi trường là sự cố không ai mong muốn và có thể để lại mức độ ảnh hưởng lâu dài. Thời điểm hiện tại, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và công ty cần tập trung tìm các giải pháp để khắc phục sự cố.

GS Hoàng Xuân Cơ nhấn mạnh: "Sự cố là điều không mong muốn, hiếm, xảy ra với tần suất thấp nhưng không phải là không thể xảy ra. Chỉ có điều là ta ứng xử với nó như thế nào. Ở góc độ chuyên gia nghiên cứu môi trường, khi xảy ra sự cố điều đầu tiên phải tìm các biện pháp nguồn lực để khắc phục sự cố. Trước hết là phải huy động nguồn lực để giải quyết sự cố đó và từng bước tìm hiểu xem nguyên nhân tại đâu. Lúc đó mới lần từ Đánh giá tác động môi trường (ĐTM), quá trình xây dựng hệ thống xử lý đấy mới ra được kết quả".

Toàn cảnh sự cố vỡ hồ chứa nước thải nhà máy tuyển quặng đồng Tả Phời, Lào Cai hôm 8/8.

Toàn cảnh sự cố vỡ hồ chứa nước thải nhà máy tuyển quặng đồng Tả Phời, Lào Cai hôm 8/8.

TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục môi trường, Bộ Tài Nguyên môi trường cho biết, hiện Việt Nam đã có những tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể đối với việc vận hành, khai thác các công trình khai thác khoáng sản nói chung và hồ chứa quặng đuôi nói riêng. Các công trình bắt buộc phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, đề ra những biện pháp để bảo vệ môi trường và ứng phó khi xảy ra sự cố.

Tuy nhiên, quy định là vậy, còn thực tế đã có không ít các doanh nghiệp xây dựng các phương án đánh giá tác động môi trường và những giải pháp ứng phó với sự cố mang tính qua loa, nên khi xảy ra sự cố gặp nhiều lúng túng trong việc ứng phó.

Ngay sau sự cố vỡ hồ chứa quặng đuôi xảy ra ở Lào Cai, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã cử đoàn thanh tra, UBND tỉnh Lào Cai đã có chỉ đạo đối với Sở Tài Nguyên môi trường và các cơ quan liên quan tập trung ứng phó sự cố. Tuy nhiên, theo ông Tùng, nếu như có phương án phòng ngừa sự cố,và duy trì hoạt động kiểm tra chất lượng hồ chứa thường xuyên có thể hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng và công tác ứng phó có thể chủ động hơn:

"Sự cố lần này là không ai mong muốn nếu chúng ta có những phương án cụ thể rõ ràng sẽ giảm thiệt hại của nhân dân, cũng như cảnh báo cho dân những nguy cơ có thể xảy ra. Nếu mà chúng ta có phương án phòng ngừa sự cố, chúng ta mới có thể tương đối chủ động hơn. Ví dụ như, nếu có phương án thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể công bố  trong hồ có những hóa chất gì, nguy cơ ô nhiễm ra sao, phòng ngừa như thế nào", ông Tùng cho biết.

Được biết, UBND tỉnh Lào Cai đã ra quyết định thành lập tổ công tác thu thập hồ sơ, tài liệu kỹ thuật để xác định nguyên nhân xảy ra sự cố vỡ cống thoát nước hồ chứa bùn thải quặng đuôi Nhà máy tuyển đồng Tả Phời (Công ty cổ phần đồng Tả Phời – Vinacomin).

Nhiều người dân ở thôn Phời 3 bày tỏ mong muốn, Công ty cổ phần đồng Tả Phời đẩy nhanh hoạt động nạo vét bùn thải đuôi quặng trôi xuống nhà dân, đồng ruộng và đường giao thông sớm nhất, đồng thời có phương án hỗ trợ, đền bù cho người dân chi phí khám sức khỏe, thiệt hại về tài sản, hoa màu… để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, người dân cũng mong muốn Cơ quan chức năng sớm công bố kết quả quan trắc môi trường, thông tin về các hóa chất có trong bùn thải, đưa ra những hướng dẫn người dân ứng phó với các chất độc hại, các giải pháp giải quyết sự cố, phương án di dân nếu cần thiết...để đảm bảo an toàn.

03 Su co Lao Cai

Khai thác khoáng sản, tuyển quặng mang lại nhiều giá trị kinh tế cho địa phương, cho đất nước nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Việc xây dựng phương án ứng phó khi xảy ra sự cố môi trường của từng dự án có thể giúp làm giảm nguy cơ xảy ra sự cố, cũng như giúp địa phương, các đơn vị, người dân có thể chủ động ứng phó, nhằm hạn chế mức thiệt hại về kinh tế, môi trường.

Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOVGT qua bài bình luận "Xây dựng phương án ứng phó sự cố môi trường: Đừng chỉ làm qua loa"

Sự cố vỡ ống cống thoát nước xả tràn của hồ thải quặng đuôi Nhà máy tuyển đồng Tả Phời, tỉnh Lào Cai theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nó không giống như sự cố lũ lụt do thời tiết thông thường mà là một sự cố môi trường nghiêm trọng.

Bởi trong chất thải có chứa nhiều hóa chất, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của hàng chục hộ dân sống ở khu vực gần hồ chứa mà còn có thể làm ô nhiễm nguồn nước, đất, hệ thực vật ở những nơi mà dòng chất thải chảy qua.

Tới thời điểm này, hơn một tuần sau sự cố, kết quả quan trắc môi trường vẫn chưa được công bố, người dân địa phương cũng chưa có bất cứ thông tin về những loại hóa chất có trong hồ thải quặng đuôi.

Trong cuộc đối thoại người dân mới đây, đại diện Công ty cổ phần đồng Tả Phới cho rằng không có độc tố trong nước thải, chất thải từ hồ chứa (?!), chưa có bất cứ khuyến cáo nào từ phía chính quyền địa phương và công ty, trong việc hướng dẫn người dân có phương án bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa những ảnh hưởng do hóa chất mang lại.

Đến chiều ngày 14/8, Đoàn công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai đã tiến hành lấy mẫu nước sạch tại một số bể chứa nước giếng của một số hộ dân sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại một số điểm tại xã Tả Phời.

Điều này cho thấy sự lúng túng và thiếu sự chuẩn bị về phương án dự phòng khi sự cố xảy ra, cũng như đặt ra câu hỏi về sự nghiêm túc khi thực hiện đánh giá tác động môi trường của các công trình, và những kịch bản ứng phó khi xảy ra sự cố?

Điều 109 Nghị định 08/2022 quy định, chủ dự án, chủ đầu tư cơ sở, Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, huyện thực hiện ban hành kế hoạch ứng phó với sự môi trường.

Tại Điều 108 Nghị định này quy định kế hoạch ứng phó sự cố môi trường được hiểu là tài liệu để xác định các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, dự kiến kịch bản xảy ra sự cố môi trường kèm theo các phương án ứng phó tương ứng để bảo đảm sẵn sàng, kịp thời ứng phó khi sự cố môi trường xảy ra trên thực tế.

Đồng thời, đề ra các phương án bố trí trang thiết bị, vật tư phương tiện đảm bảo cho hoạt động ứng phó, phân công lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm ứng phó; tổ chức tập huấn, diễn tập về ứng phó sự cố môi trường hàng năm; Quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, phương thức thông báo, báo động về sự cố môi trường và cơ chế huy động nguồn nhân lực, trang thiết bị để ứng phó theo mức độ sự cố môi trường.

Trước đó, Luật Tài nguyên môi trường 2014, Nghị định số 19/2015 cũng đã quy định các chủ đầu tư phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, trong đó yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố, thường xuyên tập dượt để ứng phó khi xảy ra sự cố.

Sự cố vỡ hồ thải quặng ngày 8/8 mới đây không phải là lần đầu tiên, trước đó đã từng xảy ra vào năm 2020 với mức độ ít nghiêm trọng hơn.

Một số chuyên gia cho rằng, nếu như Công ty Cổ phần đồng Tà Phời thực hiện đúng các quy định của Luật Tài Nguyên và Môi trường năm 2014, Nghị định số 19/2015 và Nghị định 08/2022, nghiêm túc xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố môi trường với các kịch bản, quy trình cụ thể một cách nghiêm túc và thực hiện tập huấn, diễn tập khi sự cố xảy ra, thì có thể chủ động hơn trong việc ứng phó khi sự cố xảy ra.

Và nếu như sau sự cố năm 2020, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, quản lý, giám sát quá trình thực hiện, tập huấn kế hoạch ứng phó sự cố, Công ty Cổ phần Tả Phời nghiêm túc thực hiện quy trình kế hoạch ứng phó sự cố, chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, trang thiết bị… thì rất có thể phòng ngừa hoặc giảm được những thiệt hại về sự cố môi trường không mong muốn, cũng như có thể chủ động hơn trong việc ứng phó sự cố.

Khai thác mỏ đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho địa phương và quốc gia. Do vậy, để ngăn chặn và hạn chế những sự cố môi trường tương tự xảy ra trong thời gian tới, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý môi trường, cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện của các chủ đầu tư, chủ dự án trong việc xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố.

Nếu sự cố xảy ra mà các đơn vị không có kịch bản ứng phó hoặc ứng phó không đúng kịch bản, cần xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan và có biện pháp xử lý.

Từ sự việc lần này, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý môi trường nơi có các mỏ, các nhà máy luyện kim cần nhanh chóng thực hiện rà soát và quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với các phương án ứng phó môi trường của hàng loạt các dự án, tránh để bị động như sự cố vừa qua.

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Khởi tố vụ mâu thuẫn ở quán bia, phóng hỏa quán cafe làm 11 người chết

Hà Nội: Khởi tố vụ mâu thuẫn ở quán bia, phóng hỏa quán cafe làm 11 người chết

Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án Giết người và khởi tố bị can C.V.H. (trú huyện Đông Anh, Hà Nội), bị tình nghi đốt quán cà phê làm 11 người chết tại quận Bắc Từ Liêm vào đêm 18/12

Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên): 100% nhân viên tự tin vận hành an toàn và tốt nhất

Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên): 100% nhân viên tự tin vận hành an toàn và tốt nhất

Chỉ vài ngày nữa, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được đưa vào khai thác. Đây không chỉ là cột mốc đánh dấu bước chuyển mình về hạ tầng giao thông công cộng của TP.HCM trong cải thiện chất lượng sống cho người dân, góp phần giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm và hướng đến một đô thị xanh, bền vững.

TP.HCM: Người dân sử dụng tuyến buýt nào để đến các nhà ga metro?

TP.HCM: Người dân sử dụng tuyến buýt nào để đến các nhà ga metro?

Để tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, việc tổ chức kết nối các phương tiện giao thông, đặc biệt là các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có các tuyến xe buýt, đóng vai trò rất quan trọng.

Đẩy lùi lãng phí trong giao thông, bắt đầu từ đâu?

Đẩy lùi lãng phí trong giao thông, bắt đầu từ đâu?

Tiền tỷ đổ vào cầu đường, vào phân làn, vào lát đá, và rất nhiều hoạt động khác trong giao thông, không phải lúc nào cũng phát huy hiệu quả như mong đợi. Có những lãng phí nhìn thấy ngay, có những lãng phí nhiều năm sau mới “hiện hình”.

Bến cóc, xe dù hoạt động mạnh dịp cận Tết

Bến cóc, xe dù hoạt động mạnh dịp cận Tết

Trong thời gian qua, đường dây nóng Kênh VOV Giao thông liên tục nhận được nhiều phản ánh của người dân về tình hình gần khu vực bến xe miền Đông cũ xuất hiện nhiều bến cóc, xe dù hoạt động mạnh trong thời gian gần Tết dương lịch.

Thí điểm xe khách Giáp Bát - Sapa: Có cần giữ quy định hướng tuyến?

Thí điểm xe khách Giáp Bát - Sapa: Có cần giữ quy định hướng tuyến?

Lâu nay vận tải hành khách trên địa bàn Hà Nội được quy định theo hướng tuyến, nghĩa là các xe từ hướng nào về Hà Nội sẽ vào các bến thuộc hướng tuyến đó, để tránh việc xe khách chạy xuyên tâm, gây ùn tắc và TNGT.

Người dân trong vùng phát thải thấp chuẩn bị ra sao?

Người dân trong vùng phát thải thấp chuẩn bị ra sao?

Vào ngày 12/12, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ) ở TP Hà Nội. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030 sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.