Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Triều cường và ẩn họa trên đường

Kim Loan: Chủ nhật 06/11/2022, 19:18 (GMT+7)

Chưa năm nào, cuộc sống của người dân TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung phải bị xáo trộn nặng nề như năm nay. Chỉ trong 1 tháng mà có đến 2 đợt triều cường lớn, kéo dài nhiều ngày, gây ngập phố phường, nhà cửa, vườn cây ăn trái.

Sau khi triều rút thì để lại vô vàn những ẩn họa, nhất là tình trạng hư hỏng các tuyến đường giao thông, khiến việc đi lại của người dân khó khăn, tiềm ẩn tai nạn.

Đoạn đầu tuyến đường Hoàng Quốc Việt giao với Đường tỉnh 923 (thuộc quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) bị ngập ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như cuộc sống sinh hoạt của người dân. Ảnh: Th.N/Báo Lao động

Đoạn đầu tuyến đường Hoàng Quốc Việt giao với Đường tỉnh 923 (thuộc quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) bị ngập ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như cuộc sống sinh hoạt của người dân. Ảnh: Th.N/Báo Lao động

Đường tỉnh (ĐT) 923 là tuyến huyết mạch mối quận Ninh Kiều với huyện Phong Điền và quận Ô Môn, dài 30km. Trên tuyến có rất nhiều điểm du lịch, vựa trái cây lớn. Nhưng trong đợt triều cường tháng 9 Âm lịch vượt mức báo III vừa qua, nhiều đoạn trên tuyến đã bị ngập sâu, xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi giữa tâm đường làm phương tiện chạy trong nước đã sụp ổ gà, loạng choạng, chực chờ té ngã.

Chỉ khi nào nước rút mới thấy rõ các điểm hư hỏng trên mặt đường. Nay nước hoàn toàn rút thì con đường “trơ thân” dưới nắng với hàng loạt ổ gà, đá mi vương vãi. Nếu chạy nhanh thì “sập bẫy”, thắng gấp thì cũng trượt bánh “nằm dài”.

Tương tự, các tuyến đường nội ô TP Cần Thơ cũng bị “nát vụn” vì triều cường. Điển hình như đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, đường Trương Vĩnh Nguyên, Nguyễn Văn Linh, Tôn Thất Tùng, Cách Mạng Tháng 8… đây là những tuyến đường có mật độ giao thông lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Ông Phạm Hậu – ngụ tại phường An Thới, quận Bình Thủy phản ánh: "Sau khi nước rút nó tạo thành cái hố, đất cát lỡ, đá lổn nhổn. Đã có 1-2 phụ huynh chờ con đi trên con đường này bị té. Cũng mong là sữa chữa sớm để đi lại dễ dàng."

Theo thống kê, sau đợt triều cường vừa qua, toàn Cần Thơ có ít nhất 20 tuyến đường xuống cấp, bong tróc mặt đường. Hiện Sở GTVT Cần Thơ đã có văn bản yêu cầu các địa phương, các cơ quan quản lý các tuyến đường quốc lộ (thuộc TP Cần Thơ) khắc phục ngay những hư hỏng sau đợt triều cường vừa qua.

Ông Võ Thành Năng – Phó trưởng phòng quản lí đô thị quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cho biết: "Phòng đô thị sẽ phối hợp với các phòng ban chuyên môn và đơn vị tư vấn để khảo sát khối lượng và lên kế hoạch duy tu dặm vá."

Không riêng thành phố Cần Thơ, báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cũng cho thấy, triều cường Rằm tháng 9 ước tính thiệt hại 2,065 tỷ đồng, trong đó do sạt lở là 1 tỷ 565 triệu, thiệt hại về thủy sản 500 triệu.

Trung tuần tháng 10/2022, tại tỉnh Đồng Tháp, mưa lũ kết hợp triều cường gây ngập 3.161 hecta diện tích đất sản xuất nông nghiệp, thiệt hại 115 hecta. Tại xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, mưa lũ kết hợp triều cường làm hỏng 6,5 hecta cây ăn trái và 7 hecta hoa kiểng.

Khắc phục đoạn lộ đal do triều cường làm sụp trên địa bàn xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Ảnh: Thúy Liễu/Báo Sóc Trăng

Khắc phục đoạn lộ đal do triều cường làm sụp trên địa bàn xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Ảnh: Thúy Liễu/Báo Sóc Trăng

Huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng bị ảnh hưởng 15 đoạn đê, đường giao thông nông thôn, trên 1.500m bờ bao cùng hơn 70 hecta hoa màu của người dân. Trà Vinh cũng thiệt hại nặng nề, 600 hecta cây ăn trái ở tuyến ven sông Hậu cùng nhà cửa của người dân bị ngập.

Liên tiếp trong 3 ngày (từ 16 đến 18/10) tại huyện Duyên Hải, triều cường dâng cao kết hợp sóng biển dữ dội làm sạt lở khoảng 1,2km đê biển quốc phòng ở khu vực Cồn Nhàn.

Theo chuyên gia khí tượng thủy văn, triều cường ở Nam bộ vừa qua lên cao không chỉ ở miền Tây, mà ngay cả trạm Phú An ở huyện Nhà Bè trên sông Sài Gòn cũng vượt mức báo động 3. Thế nhưng, chỉ có trên sông Tiền, sông Hậu ở miền Tây vượt mức lịch sử vì các sông ở ĐBSCL có thêm yếu tố nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Năm nay, lượng nước về vượt báo động 1 xấp xỉ trung bình nhiều năm và cao hơn nhiều so với vài năm gần đây.

Bên cạnh đó còn có yếu tố sụt lún mặt đất do khai thác nước ngầm, vì mức độ đô thị hóa cao làm thiếu không gian cho tiêu thoát nước khi gặp tình trạng ngập kết hợp với mưa... Không có không gian, nước dồn về các trung tâm, đô thị ven biển.

Khu trung tâm nội ô TP.Cần Thơ và các tỉnh miền Tây có hai bài toán cần phải giải ngập là giảm khai thác nước ngầm nhằm hạn chế sụt lún, tạo không gian cho nước lan tỏa.

Nhưng trước mắt, cấp bách là phải đẩy nhanh tiến độ sữa chữa, duy tu lại các tuyến đường giao thông. Để công việc giao thương, đi lại của người dân an toàn.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn