Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

TP.HCM: Trường hợp nào không cần cấp phép, không thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè

Hồng Lĩnh: Thứ tư 02/08/2023, 10:05 (GMT+7)

Chiều rộng hè phố dành cho người đi bộ phải duy trì tối thiểu 1,5m, khi đáp ứng được điều kiện thì phần hè phố còn lại mới có thể phục vụ trông giữ xe hoặc ngoài mục đích giao thông.

UBND TP.HCM vừa ban hành quy định về Quản lý, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố, có hiệu lực từ 01/9. Theo đó, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận.

PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM.   

PV: Thưa ông, quyết định mới của UBND TPHCM về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn có những điểm mới nào so với quyết định trước đây?

Ông Ngô Hải Đường: Quyết định này có một số điểm mới như sau: UBND TP.HCM phân cấp UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện, Sở GTVT ban hành danh mục các tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện tổ chức điểm kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hoá, điểm để xe hai bánh không thu tiền giữ xe (Các hoạt động này trước đây do UBND TP.HCM ban hành).

Dự thảo đề án của Sở GTVT đang xây dựng đưa ra mức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh là 20.000 - 100.000 đồng/m2/tháng và mức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe là 50.000 - 350.000 đồng/m2/tháng, tùy vị trí các tuyến đường.

Sở GTVT TP.HCM thống kê toàn TP.HCM có 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5m trở lên với chiều dài 1.716km và 929 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3m trở lên với chiều dài 673,31km.

Song song đó, triển khai các giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn cho người đi bộ trên hè phố tại các giao lộ có lượng người đi bộ cao; bố trí các công trình tiện ích phục vụ giao thông công cộng, tạo điều kiện và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thôg công cộng; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong công ác quản lý, điều hành, đầu tư, xây dựng, khai thác, cho thuê, thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố..

Ngoài ra, một số quy định về sử dụng tạm vỉa hè không cần cấp phép như tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang, điểm bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng, lắp công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên vỉa hè, điểm kinh doanh dịch vụ,  mua bán hàng hoá, điểm để xe hai bánh không thu tiền giữ xe....

Tuy nhiên, người dân khi tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang phải thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú để được hỗ trợ giải quyết.

UBND xã, phường, thị trấn hướng dẫn, giám sát việc thực hiện và tạo điều kiện, hỗ trợ hộ gia đình các biện pháp về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

Về tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hoá, để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ trông, giữ xe tạm thời trên vỉa hè chỉ được thực hiện trên phạm vi và danh mục các tuyến đường đủ điều kiện do UBND TP Thủ Đức, quận, huyện ban hành.

Riêng các điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng, lắp đặt các công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên vỉa hè, dải phân cách, đảo giao thông, bố trí đường dành cho xe đạp do Sở GTVT xem xét, chấp thuận.

Các hoạt động sử dụng tạm hè phố phải cấp phép bao gồm tổ chức các hoạt động văn hoá (thể thao, diễu hành, lễ hội), tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước (ngoại trừ sự kiện tổ chức theo kế hoạch cụ thể được UBND TPHCM ban hành); điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hoá; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình; điểm trông, giữ xe có thu phí.

Bên cạnh đó, các tổ chức cá nhân cần lưu ý nguyên tắc chung của quyết định này đó là chiều rộng hè phố dành cho người đi bộ phải duy trì tối thiểu 1,5m, khi đáp ứng được điều kiện thì phần hè phố còn lại mới có thể phục vụ trông giữ xe hoặc ngoài mục đích giao thông.

Bán hàng rong

 

PV: Quyết định này có hướng giải quyết những vấn đề gì còn tồn tại trong quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.HCM?

Ông Ngô Hải Đường: Một số quy định trong sử dụng lòng đường, hè phố thời gian vừa qua chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Việc ban hành quy định mới sẽ tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị quản lý nhà nước, cụ thể là các UBND cấp xã, phường, quận huyện có thể triển khai thực hiện theo quy định. Bên cạnh đó, việc phân định trách nhiệm cho các đơn vị quản lý cũng rõ ràng hơn.

Quy định mới cũng giúp dễ dàng nhận biết được hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố khi sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè nằm ngoài danh mục, cấp phép, từ đó xác định trách nhiệm quản lý của các cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ.

PV: Sở GTVT sẽ thực hiện như thế nào để đảm bảo tính minh bạch, công khai trong quản lý lòng đường, vỉa hè?

Ông Ngô Hải Đường: Đối với quyết định 32, có 2 điều mà Sở Giao thông Vận tải phải tổ chức hướng dẫn cho các đơn vị triển khai với các đơn vị là điều 16 và điều 21. Cụ thể đó là hướng dẫn các đơn vị lập danh mục các tuyến đường được phép kinh doanh, buôn bán; đưa ra một số tiêu chí để sử dụng lòng đường, hè phố (ngoài mục đích giao thông) và sắp xếp các tuyến đường nào được phép đỗ xe, lắp đặt công trình tạm, v.v...

Sở Giao thông cũng đã thành lập tổ của Sở để triển khai hướng dẫn thực hiện quyết định 32 này.

Việc phối hợp giữa Sở Giao thông Vận tải và UBND các quận, huyện và các đơn vị khác như Sở Công thương, Sở Xây dựng, Ban An toàn Giao thông TP, Công an TP trong việc triển khai hướng dẫn này cũng đã được quy định cụ thể.

Các đơn vị sẽ thực hiện trách nhiệm của mình, đồng thời phối hợp để xác định rõ tuyến đường nào sẽ được phép kinh doanh, buôn bán; tuyến đường nào được phép đỗ xe, tập kết vật liệu. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để đảm bảo triển khai thuận lợi trước khi quyết định có hiệu lực.

PV: Về cơ sở xác định mức thu phí, các khu vực thu phí thì sao, thưa ông?

Ông Ngô Hải Đường: Hiện một số cơ quan truyền thông đang diễn đạt chưa đúng, gây nhầm lẫn giữa quy định mới về quản lý sử dụng lòng đường, hè phố (Quyết định 32) và việc thu phí sử dụng lòng đường, hè phố.

Việc thu phí chưa có pháp lý nên phải chờ phương án về mức phí, sau khi có mức phí mới xây dựng phương án thu phí. Thời gian tới, các quận, huyện rà soát cụ thể tuyến đường nào được phép thu phí, xây dựng phương án, kế hoạch triển khai chi tiết cụ thể về công tác quản lý, đảm bảo nguồn lực về con người, tài chính... trên cơ sở đó, HĐND thông qua đề án thu phí mới áp dụng triển khai.

Người dân chỉ được kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hoá trong phạm vi vỉa hè được UBND TP Thủ Đức, quận, huyện ban hành và phải nộp phí (như Dự thảo đề án thu phí Sở GTVT đang xây dựng). Tuy nhiên, việc triển khai thu phí sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể, chi tiết trước khi áp dụng.

Trường hợp kinh doanh không nộp phí sẽ có chế tài xử lý như quản lý đô thị, quản lý về nhân khẩu, quản lý về phương tiện, quản lý mã định danh, điện, nước....

Để triển khai thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè, Sở đang hoàn chỉnh Đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè để trình UBND TPHCM báo cáo HĐND TP xem xét theo quy định tại Luật phí và Lệ phí năm 2015. Theo đó, HĐND sẽ ban hành mức phí và quy định cụ thể các trường hợp thu, miễn thu phí khi sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè. Sau đó UBND TPHCM sẽ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Ý kiến của bạn
Giáo viên bị xử phạt vì không nhắc học viên nhường đường cho xe ưu tiên

Giáo viên bị xử phạt vì không nhắc học viên nhường đường cho xe ưu tiên

Giáo viên Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo lái xe khai nhận, bản thân có nghe tín hiệu còi đèn ưu tiên từ lực lượng CSGT, nhưng nghĩ sắp đến đoạn rẽ trái phía trước nên đã không nhắc nhở học viên nhường đường cho xe ưu tiên.

3 trường hợp khai nhận là phóng viên và 7 công chức khi vi phạm nồng độ cồn

3 trường hợp khai nhận là phóng viên và 7 công chức khi vi phạm nồng độ cồn

Trong ngày 23/9, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 199 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Đáng chú ý, trong các trường hợp vi phạm có nhiều trường hợp khai nhận là phóng viên, nhà báo và nhiều cán bộ công chức.

Đề xuất phí sử dụng Vành đai 4 là 1.900 đồng/ km

Đề xuất phí sử dụng Vành đai 4 là 1.900 đồng/ km

UBND TP. Hà Nội vừa báo cáo bổ sung với HĐND thành phố về việc ý kiến tác động thực hiện Dự án thành phần 3 (PPP) thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.

TP. Thủ Đức: Đường chi chít 'ổ gà, ổ voi' gây mất  ATGT

TP. Thủ Đức: Đường chi chít "ổ gà, ổ voi" gây mất ATGT

Hơn 3 năm qua, đường Bưng Ông Thoàn đoạn từ giao lộ Đình Phong Phú đến cầu Vàm Xuồng thuộc địa bàn phường Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức, TP.HCM trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng khiến người đi đường và các hộ kinh doanh, buôn bán gặp nhiều khó khăn.

Du lịch đêm Hà Nội đang thiếu 'màu'

Du lịch đêm Hà Nội đang thiếu "màu"

Lượng khách đến Thủ đô Hà Nội 8 tháng vừa qua được thống kê đang có mức tăng trưởng tốt, với 16,9 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,79 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, mức chi tiêu của khách du lịch dành phần lớn cho các dịch vụ ăn uống, đi lại, lưu trú đang tăng chậm.

Dự thảo Nghị định Luật hợp tác xã: Quy định điều kiện tạm ngừng, chấm dứt cho vay nội bộ

Dự thảo Nghị định Luật hợp tác xã: Quy định điều kiện tạm ngừng, chấm dứt cho vay nội bộ

Một trong những điểm mới đáng chú ý tại hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2023 là hợp tác xã nếu có số nợ quá hạn vượt quá 5% tổng dư nợ sẽ buộc phải tạm ngừng, chấm dứt cho vay nội bộ.

TP.HCM: 2 nạn nhân nặng nhất trong vụ sập nhà giờ ra sao?

TP.HCM: 2 nạn nhân nặng nhất trong vụ sập nhà giờ ra sao?

Đến khuya ngày 24/09, các bác sĩ mới phẫu thuật xong và truyền máu giúp 2 nạn nhân sập căn nhà 4 tầng tại hẻm 133 đường Bình Quới, phường 27, quận Bình Thạnh, TP.HCM, tạm thời qua cơn nguy kịch.