Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

TP.HCM: Nâng cao năng lực xử lý chất thải rắn

Trọng Nghĩa: Thứ tư 14/08/2024, 14:39 (GMT+7)

Hiện nay mỗi ngày trên địa bàn TpHCM phát sinh khoảng 9.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt, tuy nhiên hơn 60% lượng rác trên được chôn lấp. Khi các bãi chôn lấp rác thải đã quá tải, đồng thời nhiều lò đốt công nghệ cũ với nguy cơ gây ô nhiễm “ngược” ra môi trường.

Trước thực tế trên, TpHCM đã có những giải pháp gì để việc xử lý rác được hiệu quả hơn trong thời gian tới? 

Hiện nay mỗi ngày đô thị này phát sinh khoảng 9.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Tất cả đều được thu gom, vận chuyển về các nhà máy xử lý tập trung của thành phố. Tuy nhiên, chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt, sản xuất phân compost, tái chế chiếm tỷ lệ 35%, còn lại 67% sẽ được chôn lấp. Sau khoảng thời gian dài, những bãi rác này ngày một phình to và tác động ngược trở lại môi trường sống của người dân. 

Đã có nhiều giải pháp được đưa ra trong đó có việc ứng dụng công nghệ đốt rác phát điện được xem là cứu cánh cho thực trạng xử lý rác thải hiện nay của thành phố. Vào năm 2019, Công ty cổ phần Vietstar (Công ty Vietstar) đã khởi công nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên tại huyện Củ Chi (TP.HCM) với tổng vốn đầu tư 400 triệu USD.

Nhà máy dự kiến vận hành giai đoạn I vào năm 2020, xử lý 2.000 tấn rác/ngày; đến năm 2021, công suất xử lý đạt 4.000 tấn/ngày. Thế nhưng sau 5 năm khởi công, đến nay, dự án này vẫn chưa thể tiến hành xây dựng vì vướng thủ tục pháp lý.

Chia sẻ về vấn đề này ông Ngô Như Hùng Việt -  Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vietstar cho biết: "Vấn đề bây giờ chỉ là thời gian thôi, và vấn đề quan trọng hơn là ưu tiên, nếu thành phố ưu tiên thực sự thì sẽ giải quyết được."

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Với mục tiêu đưa nhà máy đốt rác phát điện Vietstar đi vào hoạt động trước ngày 31/12/2026 như đã cam kết với UBND Thành phố, nhà đầu tư sau khi hoàn thiện hồ sơ đã kiến nghị Sở xây dựng hỗ trợ cấp giấy phép xây dựng trong thời gian sớm nhất.

Trong khi đó, mới đây thành phố đã vận dụng nghị quyết 98 của Quốc hội và Nghị quyết 28 của Hội đồng nhân dân, nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa đã chính thức khởi công xây dựng giai đoạn 1 tại xã Thái Mỹ Huyện Củ Chi TP.HCM.

Dự kiến đưa vào khai thác vào cuối năm 2025. Chia sẻ về năng lực xử lý chất thải sau khi hoàn thành, ông Phạm Minh Tuấn -  Phó chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Bamboo Capital (chủ đầu tư dự án) cho biết: "Chúng tôi lựa chọn công nghệ tiên tiến nhất tại thời điểm hiện tại. nó cho phép xử lý rác triệt để không có chất thải nguy hại ra môi trường. Nước thải thì cũng đã được xử lý triệt để tuần hoàn ở trong hệ thống cũng như khí thải cũng được đảm bảo các tiêu chuẩn khắc khe nhất về môi trường của Châu Âu."

Bên cạnh việc tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đốt rác phát điện trên địa bàn, Thành phố hiện đang kêu gọi đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt mới với công suất 2000 tấn/ngày theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Ông Nguyễn Huy Phương-  Trưởng phòng quản lý chất thải rắn, Sở Tài Nguyên môi trường TpHCM cho biết: "Hiện nay thành phố đang tập trung vào 2 giải pháp để nâng cao xử lý chất thải trên địa bàn thành phố. Thứ nhất là thành phố tập trung chuyển đổi công nghệ xử lý tại các nhà máy hiện hữu sang áp dụng các công nghệ mới tiên tiến. Ngoài ra UBND Thành phố đã có sự quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong việc chuyển đổi công nghệ. Giải pháp thứ 2 là kêu gọi đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt mới với công suất 2000 tấn/ngày."

Với những tiến triển trong việc xử lý rác vừa qua, hy vọng mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt thông qua công nghệ đốt rác phát điện đạt ít nhất 80% và tăng lên 100% vào năm 2030 sẽ trở thành hiện thực như những gì thành phố kỳ vọng.

Trọng Nghĩa/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn