Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Nhịp cầu giao thông

Tiềm ẩn tai nạn do học sinh đi xe điện: Cần sự giám sát từ gia đình

Hồng Hạnh: Chủ nhật 02/04/2023, 05:41 (GMT+7)

Không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện trên đường phố Hà Nội. Và không thiếu trường hợp không đội mũ bảo hiểm, đi xe sai làn, thậm chí lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu, tạt đầu xe khác, không chỉ gây nguy hiểm cho những phương tiện khác mà cho chính bản thân các em.

“Nhiều lúc đi đường bị các bạn ấy tạt đầu. Đáng nhẽ các bạn giảm 1 nhịp đi rồi rẽ vào, nhưng bạn ấy lại vọt lên rồi tạt đầu. Đấy là không có kỹ năng. Nếu va chạm thì 2 bên đều thiệt.”

Đó là chia sẻ của tài xế Nguyễn Văn Minh, quận Ba Đình, Hà Nội tới chuyên mục Đường dây nóng thính giả về thực trạng học sinh sử dụng xe máy điện, xe đạp điện hiện nay.

Anh Minh cho biết, mặc dù đã lái xe nhiều năm, nhưng anh vẫn lo lắng mỗi khi thấy những chiếc áo đồng phục cấp 2, cấp 3 điều khiển xe đạp điện, xe máy điện lưu thông trên đường.

Còn với tài xế Trần Văn Thanh, trú tại quận Nam Từ Liêm, anh không ít lần thót tim vì những chiếc xe điện do các bạn trẻ mới chỉ 15-16 tuổi điều khiển:  “Nhiều khi thấy các em học sinh là bọn anh phải nhường, phải ưu tiên. Đi không có hàng lối gì. Nhất là học sinh cấp 3, mũ không đội, kẹp 2 kẹp 3, đi hàng 2 hàng 3 lượn lách. Không chỉ con trai mà kể cả con gái. Mà va chạm thì cái tầm tuổi dở dở ương ương, rất mệt mỏi. Thậm chí mình xuống mềm mỏng có khi nó lại khiêu khích.”

Xe đạp điện, xe máy điện đang rất phổ biến với lứa tuổi học sinh cấp 2, cấp 3

Xe đạp điện, xe máy điện đang rất phổ biến với lứa tuổi học sinh cấp 2, cấp 3

Có mặt tại một số điểm trường cấp 2, cấp 3 trên địa bàn TP. Hà Nội vào giờ tan tầm, phóng viên VOV Giao thông ghi nhận không ít trường hợp học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện nhưng không đảm bảo các quy định an toàn giao thông. Có những em vừa ra khỏi trường thì bỏ mũ bảo hiểm, điều khiển xe không gương chiếu hậu, đèo 2, đèo 3 đi nhanh trên đường.

Khi được hỏi, phần lớn các em đều khá mù mờ về kiến thức khi tham gia giao thông, hoặc biết nhưng không tuân thủ:

“Em cũng đọc qua một số, nhưng có nhiều cái cũng không chắc chắn. Đi nếu có chở người đằng sau thì cho người ngồi sau đội mũ để tránh bị bắt”.

“Gương thì em không lắp. Còn mũ thì khi đi xe đạp điện thường người ta cũng không đội. Đội mũ thì an toàn hơn nhưng em thấy nó hơi bất tiện nên em không dùng. Với cả nhà em cũng ở gần đây nên đi về chắc không sao.”

Khảo sát cho thấy, có tới hơn 50% học sinh THPT đến trường bằng xe đạp điện, xe máy điện. Đa số các em sử dụng những loại xe đạp điện, xe máy điện có công suất phổ biến dưới 4 kilowatt, với vận tốc thiết kế dưới 50 km/h để “né” quy định về giấy phép lái xe hạng A1.

Tuy nhiên, do chưa được đào tạo, sát hạch để được cấp Giấy phép lái xe, nên các kỹ năng lái xe an toàn cũng như hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ của các em học sinh là rất hạn chế.

Trong khi đó, điều đáng lo ngại là có những bậc phụ huynh cho rằng, học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện an toàn hơn so với xe gắn máy. Vì vậy, sau khi yêu cầu con em cam kết tham gia giao thông an toàn, bố mẹ đã yên tâm giao xe cho con mà thiếu sát sao trong khâu giám sát: 

“Nếu thông thường thì các bạn một là đi xe bus, hai là sẽ phải đi xe đạp. Đi xe đạp rất mất sức, rất mệt cho các bạn. Còn nếu mà đi xe máy phân khối nhỏ thì các bạn sẽ dễ dàng để mà di chuyển hơn. Nhiều khi các bạn phải đi học thêm nữa mà bố mẹ thì cũng bận không thể nào mà có thể đưa đón các bạn ấy được”

“Giám sát thì cũng không thể nào giám sát 100% được. Chỉ khi ngồi với nhau thì mới bảo kiến thức về đường đi. Chứ làm sao mình sát sao với các con suốt được.”

Tuy nhiên nhiều học sinh chưa có ý thức về ATGT cho bản thân cũng như những người xung quanh

Tuy nhiên nhiều học sinh chưa có ý thức về ATGT cho bản thân cũng như những người xung quanh

Thực tế, với vận tốc tối đa có thế lên tới 40 - 50km/h, mức độ nguy hiểm của xe đạp điện, xe máy điện với xe gắn máy là như nhau. Trong khi đó, xe đạp điện và xe máy điện gần như không phát ra tiếng động nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn khi lưu thông với tốc độ cao. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, có đến 90% số vụ TNGT của trẻ em có liên quan đến học sinh ở độ tuổi từ 16 - dưới 18.

Do đó, để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông khi học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, rất cần sự phối hợp của gia đình - nhà trường. Về phía nhà trường cần làm tốt hơn việc triển khai phổ biến về luật an toàn giao thông, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, mời đại diện CSGT, các chuyên gia giao thông tuyên truyền luật ATGT, đồng thời có hình thức xử phạt khi phát hiện học sinh vi phạm luật giao thông .

Về phía gia đình, các bậc phụ huynh cần có trách nhiệm với con em mình hơn. Chỉ cung cấp xe khi thấy các con đã thực sự nắm rõ và chấp hành nghiêm chỉnh luật an toàn giao thông, song song với việc nhắc nhở, giám sát để các em hình thành ý thức tham gia giao thông an toàn. Chỉ khi đó mới có thể giảm thiểu nguy cơ tai nạn đối với các em, mang lại bình yên cho những con đường đến trường.

Hồng Hạnh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn