Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Thu phí khí thải, cần thiết để bảo vệ môi trường

Minh Hiếu: Thứ hai 18/09/2023, 15:08 (GMT+7)

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với Dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí và của toàn xã hội.

Dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải do Bộ Tài chính soạn thảo gồm 3 chương, 10 điều, quy định đối tượng chịu phí, tổ chức thu phí, phương pháp tính phí, quản lý và sử dụng phí, trách nhiệm của các cơ quan tại địa phương.

Dự thảo đề xuất, đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định này là bụi, khí thải xả ra môi trường của các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại Nghị định số 08 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và được cấp giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần (gọi chung là cơ sở xả khí thải).

Về tổ chức thu phí, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của các cơ sở xả khí thải trên địa bàn quản lý.

Về phương pháp tính phí, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải được tính theo công thức: F = f + C. Trong đó, F là tổng số phí phải nộp trong kỳ nộp phí (quý hoặc năm). f là phí cố định đối với các cơ sở xả khí thải (3.000.000 đồng/năm). C là phí biến đổi.

Phí biến đổi của cơ sở xả khí thải là tổng số phí biến đổi được xác định tại mỗi điểm xả khí thải. Tổng khối lượng khí thải phát sinh và hàm lượng từng chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải phát sinh xác định căn cứ vào số liệu quan trắc theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Mức phí đối với các chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải từ 500 - 800 đồng/tấn tùy loại chất gây ô nhiễm môi trường như: bụi, CO, SO, NO,...

Việc nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải theo quy định tại Nghị định này không là căn cứ xác nhận việc xả thải hợp pháp của cơ sở xả khí thải. Cơ sở xả khí thải vi phạm các quy định pháp luật về môi trường sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định pháp luật về môi trường.

Dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải đang được ban soạn thảo lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ các cơ quan, ban, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân.

Việt Nam có gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, khoảng 110.000 doanh nghiệp xây dựng, phát sinh khối lượng lớn khí thải công nghiệp, bụi thải, tác động xấu đến môi trường (Ảnh minh họa)

Việt Nam có gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, khoảng 110.000 doanh nghiệp xây dựng, phát sinh khối lượng lớn khí thải công nghiệp, bụi thải, tác động xấu đến môi trường (Ảnh minh họa)

DOANH NGHIỆP PHẢI NGHĨ CÁCH DÙNG NĂNG LƯỢNG SẠCH

Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải có tầm quan trọng và tính cấp thiết như thế nào? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học Công  nghệ và Môi trường của Quốc hội.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc thu phí bảo vệ môi trường với khí thải?

Ông Nguyễn Quang Huân: Nó quan trọng từ nhiều góc nhìn. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 là chúng ta phải làm. Thứ hai là theo tinh thần tuyên bố của Hội nghị COP 26, chúng ta sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Nếu chúng ta không thu phí, không có chế tài thì theo kịch bản phát triển thông thường, đến năm 2050, chúng ta sẽ thải ra 1,4 tỷ tấn CO2. Thứ ba là liên quan phát triển kinh tế, phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Chẳng hạn, bây giờ chúng ta đang xả ra khoảng 1,4kg CO2 tương đương/1 USD GDP, trong khi các nước như Mỹ chỉ có 0,02. Các nước Liên minh Châu Âu (EU) bắt đầu từ năm 2024 áp dụng đại trà, các nước tiêu thụ cacbon lớn trên dòng sản phẩm xuất khẩu thì họ đánh thuế, và như vậy, hàng xuất khẩu của chúng ta vào thị trường này sẽ bị tăng giá, cao lên và không còn cạnh tranh như các nước sản xuất theo công nghệ xanh, công nghệ sạch.

Chúng ta đánh thuế để buộc doanh nghiệp phải nghĩ cách dùng các năng lượng sạch hoặc đổi mới công nghệ để tiêu thụ ít nhiên liệu.

Ông Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Ông Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

PV: Theo ông, nên giao cơ quan nào thực hiện đánh giá mức độ ô nhiễm để làm căn cứ xác định mức phí?

Ông Nguyễn Quang Huân: Phải có nghiên cứu, đánh giá đa chiều, đơn vị nào nên làm thì Chính phủ nghiên cứu. Có thể là Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, có thể là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng,…

Có thể nghiên cứu giao cho cho một cơ quan tư nhân đánh giá, cơ quan Nhà nước chỉ là nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thôi, đấy là một ví dụ. Các mô hình hiện nay chưa được đưa ra, nhưng tôi nghĩ là cần hết sức cân nhắc, học tập kinh nghiệm nước ngoài, tiến hành các hội thảo đánh giá trong nước.

PV: Nếu dự thảo nghị định được ban hành, sẽ có thể có những tác động xã hội như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Huân: Trước hết, chúng ta sẽ nâng cao được ý thức của người dân, doanh nghiệp. Thứ hai, chúng ta bổ sung được nguồn vốn cho tín dụng xanh, vì hiện nay tín dụng xanh của chúng ta phụ thuộc vốn của Nhà nước, đang trông chờ thôi chứ chưa có dòng tín dụng xanh từ nước ngoài.

Còn một nguồn chúng ta có thể tự lực được chính là các loại phí này. Nếu chúng ta đưa ra một mức là phát thải 1 tấn khí nhà kính, cacbon tương đương thì Nhà nước thu 50 hay 100 USD hay bao nhiêu đấy, chúng ta phải đánh giá xem sức chịu đựng của doanh nghiệp trong nước như thế nào, hay người ta phải đóng cửa, thì lại thiệt hại cho nền kinh tế.

Cho nên, đây là “bài toán” phải đánh giá đa chiều và suy tính rất cẩn thận. Chủ trương thì hoàn toàn đúng nhưng vấn đề là chúng ta thực hiện như thế nào, thời gian thế nào thì chúng ta cần phải xem xét cụ thể.

PV: Xin cảm ơn ông!

NÊN GIẢI TRÌNH THÊM VỀ MỨC THU PHÍ

Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải được tính toán ra sao và sẽ có tác động xã hội như thế nào? Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam.

PV: Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết của dự thảo này?

TS. Hoàng Dương Tùng: Luật Bảo vệ môi trường quy định nhiều chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị giảm phát thải khí, trong đó có các quy định về phí khí thải, nhưng cũng có những khuyến khích nhất định khi giảm nồng độ, lưu lượng phát thải.

Dự thảo nghị định này rất quan trọng và kịp thời, cương quyết thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020.

PV: Ông có đánh giá thế nào về đối tượng chịu phí, mức thu phí, việc tổ chức thu phí, quản lý và sử dụng phí được đề cập trong dự thảo này?

TS. Hoàng Dương Tùng: Đây là bản dự thảo lần thứ nhất, có rất nhiều điểm tôi nghĩ là hay, công thức dễ áp dụng, có những chính sách như giảm mức phí nếu giảm mức phát thải. Nhưng tôi cũng muốn làm thế nào đấy để nghị định này ra đời và đi vào cuộc sống tốt hơn nữa.

Thứ nhất là đối tượng, tất cả cơ sở sản xuất phải có giấy phép, có quan trắc môi trường khí thải thì đều phải nộp phí khí thải, cũng cả những cơ sở không có quan trắc nữa. Như thế tôi nghĩ là rộng quá, tôi xin đề xuất áp dụng cho những hộ phát thải chính, sau đó chúng ta áp dụng dần dần, tập trung nguồn lực để thu cho tốt và có kinh nghiệm.

Thứ hai là mức thu phí, cũng nên có giải trình thêm: Tại sao chỉ lấy 4 thông số đấy thôi? Tại sao lại lấy 800 đồng một tấn, 700 đồng, 500 đồng,…? Những người thực hiện sẽ thấy rõ ràng hơn, minh bạch hơn. Mức đấy rất quan trọng, vì theo kinh nghiệm của các nước, nếu nó ít quá thì không có tác dụng gì cả, nộp cho xong chứ người ta không nghĩ đến việc giảm khí thải. Nhiều quá thì không được, không khuyến khích sản xuất. Xét cho cùng, phí khí thải không phải để tăng nguồn thu mà để các doanh nghiệp giảm phát thải khí.

Điều nữa là mức cố định. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta tập trung vào những cái chính rồi thì nên bỏ mức cố định.

Điều nữa, chúng ta phải khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tốt nhất để làm giảm thiểu các loại khí thải. Người ta có thể không đạt mức 30%, 50% trong dự thảo đâu, nhưng như thế vẫn là tốt, nên có những chính sách khuyến khích.

TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam

TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam

Điều nữa là các đối tượng công ích được giảm phí so với không công ích. Tôi nghĩ là nên công bằng, phải trả như những người khác nếu người ta cũng thải khí thải như thế.

Còn cách sử dụng như thế nào, ở trong dự thảo tôi thấy nộp vào ngân sách nhà nước. Để hiệu quả hơn thì tôi nghĩ nên lấy cái đấy đầu tư lại cho phần cải thiện chất lượng không khí như các nước đã làm.

Theo bản giải trình, một năm chúng ta thu được khoảng 1.200 tỷ đồng. Trong khi đó, tại các địa phương hiện nay, việc quản lý chất lượng không khí khó khăn một phần vì thiếu kinh phí, một phần vì thiếu năng lực. Để kiểm soát tốt tất cả nguồn thải, các thiết bị quan trắc, những công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo để ước lượng, tính toán, v…v…, nên chăng có cơ chế để có nhiều kinh phí hơn, để nâng cao năng lực của mình, cả về con người và thiết bị vật chất. Như vậy thì tôi nghĩ nó đúng với tinh thần của phí khí thải.

PV: Theo ông, nếu những quy định này thành hiện thực thì sẽ có tác động xã hội như thế nào?

TS. Hoàng Dương Tùng: Tôi nghĩ rằng nếu thực hiện được thì đương nhiên các doanh nghiệp phải tính toán, làm thế nào đấy bảo vệ môi trường.

Đây cũng là công cụ để giảm thiểu phát thải, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới. Như vậy sẽ có tác dụng kép, khuyến khích doanh nghiệp giảm thiểu phát thải và tham gia tốt hơn nữa vào công cuộc bảo vệ môi trường không khí.

PV: Xin cảm ơn ông.

Dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí và của toàn xã hội (ảnh minh họa)

Dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí và của toàn xã hội (ảnh minh họa)

Hiện cả nước có khoảng 5,1 triệu ô tô cùng một lượng lớn xe máy lưu hành; hàng chục khu tổ hợp, liên hợp, nhiều dự án, loại hình sản xuất bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực đang hoạt động.

Ngoài ra, Việt Nam có gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó 138 đơn vị gây ô nhiễm nghiêm trọng; khoảng 110.000 doanh nghiệp xây dựng. Các cơ sở này phát sinh khối lượng lớn khí thải công nghiệp, bụi thải, tác động xấu đến môi trường.

Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Chính phủ, kiện toàn hệ thống pháp luật phí, phù hợp với đòi hỏi từ thực tiễn và nhằm từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân xả thải và toàn xã hội.

Bạn kỳ vọng gì vào dự thảo nghị định này? Nếu được ban hành thì các quy định mới của dự thảo sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho dự thảo qua hotline: 024.37.91.91.91, fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với Dự thảo trên tay trong khung giờ FM91 chiều, thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần trên VOV Giao thông FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng Podcasts dành cho di động: Spotify, Apple Podcasts và Google Podcasts.

 

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Long An: Giải pháp nào cho ùn tắc trước khi có đường vành đai?

Long An: Giải pháp nào cho ùn tắc trước khi có đường vành đai?

Tỉnh Long An là cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết nối chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ. Địa phương này đang phải đối mặt với nhiều thách thức về giao thông do sự phát triển nhanh chóng của các khu vực lân cận, đặc biệt là TP.HCM.

Kiểm định khí thải xe máy : Quan trọng là thuận tiện, không gây phiền hà

Kiểm định khí thải xe máy : Quan trọng là thuận tiện, không gây phiền hà

Xe mô tô, xe gắn máy có tuổi đời từ 5 đến 12 năm phải kiểm định hai năm một lần, xe trên 12 năm phải kiểm định hàng năm. Đó nội dung đáng chú ý trong Thông tư 47 năm 2024 của Bộ GTVT vừa được ban hành.

Xu hướng cất ô tô ở nhà vì ngại ùn tắc, mất thời gian tìm chỗ đỗ

Xu hướng cất ô tô ở nhà vì ngại ùn tắc, mất thời gian tìm chỗ đỗ

Những ngày cuối năm, lưu lượng giao thông tăng cao, cùng với đó là hàng loạt công trình thi công, các dự án cải tạo, chỉnh trang hè phố diễn ra, khiến việc tự lái xe hơi vào nội đô trở nên một lựa chọn khó khăn.

Về xóm đạo quận 8 nghe chuyện tháng năm

Về xóm đạo quận 8 nghe chuyện tháng năm

Xóm đạo Phạm Thế Hiển, quận 8 là xóm đạo lớn nhất ở TP.HCM, dịp Giáng sinh thường trang hoàng lộng lẫy đẹp mắt. Khoảng năm 1954 nhiều người ở khu vực phía Bắc di cư vào đây và lập nên xóm đạo.

Khai màn ngày hội Viettel 5G Day 2024

Khai màn ngày hội Viettel 5G Day 2024

Rất nhiều ông lớn trong lĩnh vực công nghệ thế giới đã trình diễn nhiều sản phẩm ấn tượng nhất tại ngày hội 5G quy mô nhất hiện nay.

Nhà sản xuất pin lớn nhất phá sản, giáng mạnh vào tham vọng xe điện của Châu Âu

Nhà sản xuất pin lớn nhất phá sản, giáng mạnh vào tham vọng xe điện của Châu Âu

Việc phát triển công nghệ liên quan tới pin xe điện đóng vai trò quan trọng không kém gì việc ra đời những thế hệ xe điện mới. Nhưng mới đây, ngành xe điện Châu Âu đã phải đón nhận tin buồn khi hãng pin xe điện lớn nhất khu vực, Northvolt, mới đây đã nộp đơn xin phá sản.

Bảo vệ trẻ em trên mạng, cần sự đột phá của người lớn

Bảo vệ trẻ em trên mạng, cần sự đột phá của người lớn

Theo một số thống kế, Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia có số lượng người dùng internet, chơi game nhiều nhất thế giới. Trong đó, 70 - 80% số trẻ từ 10 - 15 tuổi thích game online, khoảng 10 - 15% trong số này bị nghiện game.