Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thiên lý hữu tình

Thành phố mùa Xuân

Tú Nhân - Duy Thanh: Chủ nhật 11/02/2024, 10:08 (GMT+7)

Chẳng có gì tuyệt vời hơn khi chúng ta mở đầu cho thanh âm của thành phố mùa xuân bằng những chia sẻ ấm áp đến từ các thính giả của Thành Phố bình minh, đã lặng thầm theo dõi, cảm nhận những giá trị tử tế mà chúng tôi đã trao gửi trong suốt những năm vừa qua

Tết Nguyên Đán - Tết Âm lịch của Việt Nam, là khoảng thời gian dành cho những buổi đoàn viên hạnh phúc, những phong tục tập quán lâu đời và hướng tới hành trình tràn đầy hy vọng cho một năm sắp tới. Đây cũng là dịp người Việt Nam trở về quê hương đoàn tụ với những người thân yêu.

Trong vài năm trở lại đây, chuyện “ăn Tết” đã được nhiều gia đình giảm bớt và thay vào đó là “chơi Tết”. Xuất phát từ tâm lý đó, trước thềm Tết Nguyên Đán, Booking.com - trang du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới đã chia sẻ một số góc nhìn chuyên gia về các điểm đến nổi tiếng trong nước và quốc tế thu hút du khách Việt Nam trong dịp Tết sắp tới.

Theo “Dự đoán Du lịch 2024” của Booking.com, 82% người được hỏi cho biết năm nay họ quan tâm đến dạng kỳ nghỉ tập trung vào các hoạt động liên quan đến nước. Nhu cầu này được phản ánh qua top 10 điểm đến trong nước được du khách Việt Nam tìm kiếm nhiều nhất với 6 trên 10 là các địa danh có biển như Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Phú Quốc, Mũi Né và Hội An.

Bên cạnh những bãi biển, du khách Việt cũng tìm đến các thành phố nhộn nhịp như Hồ Chí Minh, Hà Nội, nơi nổi tiếng với những gánh hàng rong bán các món ăn Tết truyền thống, phố cổ Hội An được trang hoàng bởi hàng nghìn chiếc đèn lồng hay vùng núi Sapa cùng những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ.


Theo đó, 10 điểm đến trong nước được tìm kiếm nhiều nhất bởi du khách Việt Nam từ ngày 8 đến 14 tháng 2 năm 2024 bao gồm: Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu , Phú Quốc, Thành phố Hồ Chí Minh, Mũi Né , Hà Nội, Sapa, Hội An

Top 10 điểm đến ngoài nước được tìm kiếm nhiều nhất bởi du khách Việt Nam từ ngày 8 đến 14 tháng 2 năm 2024 bao gồm: Tokyo, Nhật Bản; Bangkok, Thái Lan; Sydney, Australia; Osaka, Nhật Bản; Seoul, Hàn Quốc; Taipei, Đài Loan (TQ); Melbourne, Australia; Hongkong, Trung Quốc; Kyoto, Nhật Bản; Singapore.

Từ nay đến ngày 29-2 tại Làng Văn hóa -Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây) sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024.

“Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” có nhiều hoạt động tổ chức theo chủ đề như: Hội tung còn ngày xuân của đồng bào Thái, Lào, Khơ Mú, chương trình giao lưu “Hoa xuân Tây Bắc” với chương trình nghệ thuật và trò chơi dân gian truyền thống ngày xuân của đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú, Lào, chương trình dân ca dân vũ “Buôn làng khi mùa xuân về” giới thiệu âm nhạc dân gian các dụng cụ từ tre nứa của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên, lễ hạ nêu với ý nghĩa đem đến may mắn cho mọi người, tái hiện Lễ hội lồng tồng của dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên, chương trình giao lưu “Sắc chàm hương xuân” giới thiệu nghệ thuật hát then của dân tộc Tày, Nùng, trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng của tỉnh Thái Nguyên như không gian văn hóa trà...

Chương trình nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam và góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mang đến phong vị Tết truyền thống cho du khách những ngày đầu xuân.

Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ảnh: VGP)

Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ảnh: VGP)

Đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong dịp này, du khách sẽ được hoà mình vào các hoạt động như: Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Ném pao vui Xuân", tái hiện Lễ cúng bến nước dân tộc Ba Na, trưng bày ảnh với chủ đề “Lễ hội truyền thống tại Ngôi nhà chung”, giới thiệu các nghi thức đón Tết của đồng bào các dân tộc theo truyền thống vùng, miền, các hoạt động lễ hội, âm nhạc đầu năm mới, giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu mang âm sắc mùa xuân như múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa, tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống mùa xuân như ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến…

Lễ hội Khai Ấn đền Trần xuân Giáp Thìn 2024 tại Nam Định sẽ diễn ra từ ngày 20/2 - 25/2/2024 với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc. Ban tổ chức dự kiến phát hành hơn 30 vạn bản ấn đến nhân dân và du khách thập phương.

Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2024 với nhiều hoạt động nghi lễ đặc sắc như Lễ rước kiệu Ngọc Lộ vào ngày 20/2; Lễ rước Nước, tế Cá ngày 21/2.

Từ ngày 23/2, du khách thập phương và nhân dân vào lễ đầu năm tại đền Trần. Từ 21 giờ -21 giờ 30 phút, du khách và người không có nhiệm vụ sẽ di chuyển ra bên ngoài khuôn viên đền Trần để Ban tổ chức làm công tác chuẩn bị nghi lễ dâng hương, rước kiệu Ấn và khai Ấn. Từ 22 giờ 15 phút -22 giờ 40 phút, UBND TP Nam Định sẽ chủ trì các hoạt động dâng hương tại Đền Thiên Trường.

Trong thời gian làm Lễ Khai ấn, Ban tổ chức đóng cửa Đền Thiên Trường để đảm bảo sự tôn nghiêm của nghi lễ truyền thống. Từ 5 giờ ngày 24/2 sẽ tổ chức phát Ấn cho nhân dân và du khách thập phương tại 3 nhà Giải Vũ, nhà trưng bày, Đền Trùng Hoa. Ngày 25/2 tiếp tục phát Ấn cho nhân dân và du khách tại các nhà Giải Vũ từ 7 giờ hàng ngày.

Lễ khai Ấn đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại đền Trần, phường Lộc Vượng, TP Nam Định là một tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (phủ Thiên Trường xưa) với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc Ấn của đền Trần “Tích phúc vô cương”, mọi người bước vào năm mới mạnh khỏe, lao động hăng say, học tập, công tác tốt.

Năm Giáp Thìn (còn gọi là năm con Rồng) 2024 sẽ bắt đầu từ ngày 10/2/2024 và kết thúc vào ngày 28/1/2025 (theo dương lịch). Trong 12 con giáp, Rồng có lẽ là con giáp đặc biệt nhất vì nó là sản phẩm từ trí tưởng tượng của con người, khác hẳn 11 con vật còn lại là những con vật có thật.

Theo quan niệm của tử vi phương Đông, Rồng là con vật tượng trưng cho sức mạnh, sự cao quý, vận may và thành công. Do đó, những người sinh ra trong năm Rồng cũng sẽ ít nhiều mang những đặc điểm của nó.

Từ góc độ tử vi học, người sinh năm Thìn thường tỏa sáng bằng một thần thái thanh cao và kiêu hãnh. Họ luôn đề cao tiêu chuẩn và lý tưởng, đôi khi đến mức tự đặt ra cho mình và người khác những yêu cầu cao quá mức, khiến họ đôi lúc gây ra những áp lực nhất định cho những đối tác trong công việc hay bạn đời của họ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, người tuổi Thìn cũng có sự thu hút tự nhiên, cuốn hút, giúp họ dễ dàng gây ấn tượng và chiếm lĩnh sự chú ý từ đối phương. Sự thông minh, sáng tạo và dũng cảm, không dễ bị nghịch cảnh khuất phục cũng giúp họ gặt hái được nhiều thành tựu trong sự nghiệp.

Mâm cỗ Tết miền Bắc đa dạng, nhiều màu sắc (Ảnh: Bùi Thủy/VnExpress)

Mâm cỗ Tết miền Bắc đa dạng, nhiều màu sắc (Ảnh: Bùi Thủy/VnExpress)

Nhân đây cũng chia sẻ để cho quý thính giả của Thành phố mùa xuân tham khảo nhé! Mâm cỗ Tết truyền thống với thịt gà luộc, bánh chưng, giò chả... khiến nhiều người "quen đến ngán". Bạn có thể tận dụng chế biến món mới từ những nguyên liệu có sẵn này.

Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, hầu hết gia đình thường mua nhiều thực phẩm để dự trữ. Bánh chưng, gà luộc, giò chả, trái cây... là loạt thực phẩm phổ biến, dư nhiều nhất sau mỗi dịp Tết.

Các món ăn thừa thay vì nấu lại sẽ dẫn đến sự chán ăn của các thành viên trong gia đình. Dưới đây là một số cách giúp xử lý gọn đồ ăn thừa trong tủ lạnh, đồng thời mang đến hương vị mới, thơm ngon, giải ngán.

Bánh chưng nên được bảo quản lạnh. Nếu đã ngán với những chiếc bánh chưng truyền thống, bạn có thể cắt bánh thành miếng nhỏ, chiên vàng giòn và thưởng thức kèm dưa chua, củ kiệu. Muốn bánh đậm đà hơn, sau khi chiên bạn có thể rim cùng mắm.

Sau Tết Giáp Thìn, nhiều nơi trên cả nước vẫn có những đợt không khí lạnh. Cháo bánh chưng là một gợi ý lý tưởng để bạn trổ tài chiêu đãi người thân giữa thời tiết này.

Bạn chỉ cần cắt bánh chưng thành lát nhỏ rồi cho vào nồi nước (hoặc nước luộc gà), vừa đun sôi vừa dầm nhuyễn, đun nhỏ lửa tới khi sánh sệt rồi nêm cho vừa khẩu vị. Thành phẩm món ăn sẽ càng hấp dẫn khi có thêm thịt gà xé, một ít hành lá, rau mùi thái nhỏ, tiêu, bột ớt, hành phi thơm...

Kimbap bánh chưng với phần nhân phiên bản ''vét tủ lạnh'' cũng góp phần mang đến hương vị giòn dẻo, lạ miệng. Để thực hiện món ăn, bạn cần cắt mỏng bánh chưng, dầm nhuyễn rồi rán bằng nước. Khi bánh chưng se mặt thì tắt bếp, không nên rán vàng giòn sẽ khó cuộn.

Đặt tấm rong biển lên mặt phẳng, dàn đều bánh chưng tạo độ kết dính rồi đặt các nhân có sẵn hoặc còn tồn đọng sau Tết như giò, xúc xích thái sợi dài, rau củ, trứng rán... vào và cuộn lại thật chặt tay. Dùng dao sắc nhúng nước nóng hoặc thoa chút dầu ăn rồi cắt kimbap thành các miếng vừa ăn. Thưởng thức chấm cùng sốt mayonnaise pha lẫn tương ớt, tương cà tùy khẩu vị.

Thịt gà nên được bảo quản sạch sẽ trong tủ lạnh, bọc màng thực phẩm cẩn thận. Những miếng gà để lâu thường khô, khi chế biến lại bạn có thể chiên qua sau đó đảo với mắm pha tỏi, ớt, đường để món ăn hấp dẫn hơn.

Ngoài cách chiên mắm tỏi, bạn có thể tẩm bột chiên, chế biến những miếng gà giòn thơm bắt mắt. Gà tẩm ngũ vị hương, nướng trong lò cũng là gợi ý cho cách chế biến thịt gà còn sau Tết. Sau những ngày Tết ăn uống thừa chất, bạn tận dụng phần xương và thịt trắng nấu súp hoặc cháo đổi vị cho cả nhà.

Với gà luộc còn dư, bạn còn có cơ hội làm nộm gà xé phay chua ngọt để chống ngấy. Nguyên liệu trộn cho món này khá đơn giản, gồm hành tây (có thể thay thế bằng bắp cải, rau càng cua, bắp chuối, cà rốt…), rau mùi và các loại gia vị tỏi, ớt, tiêu, đường, nước mắm, chanh (hay giấm).

Một công thức khác được nhiều chị em nội trợ áp dụng xử lý thịt gà là làm món khô gà lá chanh. Bạn xé nhỏ thịt gà thành sợi vừa ăn, ướp với nước mắm, đường, bột ớt trong 30 phút cho thấm. Cho gà đã ướp lên chảo chống dính, thêm lá chanh, ớt, nước cốt gà, nêm nếm gia vị cho vừa ăn, đảo đến khi thịt săn lại. Cuối cùng, sấy gà trong nồi chiên không dầu ít nhất 60 phút.

Giò chả là một món được ưa chuộng trong ngày Tết của cả 3 miền. Với phần giò chả còn thừa, bạn hãy tận dụng thái sợi, kết hợp thịt gà xé nhỏ để cho vào các món bún, miến, phở dùng trong bữa sáng.Ngoài ra, bạn có thể cắt giò chả thành hạt lựu làm nguyên liệu cho món cơm chiên dương châu. Một cách tận dụng giò chả khác là thái giò thành các miếng mỏng, chiên qua trong dầu ăn, sau đó rim mắm hoặc sốt cà chua. Món này thích hợp ăn với cơm nóng.

Nhiều loại hoa quả ngày Tết nếu chưa kịp ăn hết có thể được làm sinh tố, thạch rau câu ăn lạnh hoặc dùng với trà sữa, trộn sữa chua... Các cách này giúp bạn có những món tráng miệng vừa thơm ngon, bổ dưỡng; lại cân bằng vị giác.

Ngày Tết, nhiều gia đình cũng thường chọn chuối xanh để bày biện được lâu. Tuy nhiên, sau Tết lại thừa nhiều. Bạn có thể đem phần chuối xanh nấu món ốc om chuối đậu. Với phần chuối đã chín, người đam mê nấu nướng làm bánh tráng chuối, chuối hấp, kem chuối hay sinh tố đều ngon.

Nói chung là cứ chuẩn bị các công thức trước để biết cách xử lý thực phẩm cho hài hoà.

Chiếu dời đô - Lí Công Uẩn (Ảnh: Vietnamnet)

Chiếu dời đô - Lí Công Uẩn (Ảnh: Vietnamnet)

Những cành đào, cành mai đã khoe sắc báo tin xuân khắp mọi miền đất nước. Xuân mới, thắng lợi mới, mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới, Ngày này xuân xưa dành một chút thời gian  bồi hồi nhớ về những mùa xuân lịch sử.

Đó là mùa xuân năm 40, cả dân tộc vùng lên dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, thắng lợi thu về:

Đô kì đóng cõi Mê Linh

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta

Năm 544, dân ta không cam đời nô lệ đã theo Lí Bí khởi nghĩa đánh thắng giặc Lương, lập nên nước Vạn Xuân với mong ước xây nền độc lập, tự chủ thịnh vượng muôn đời.

Mùa xuân năm 1010, tiếp nối khát vọng cha ông, phản ánh khí phách của dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh, Lí Công Uẩn dời đô về Thăng Long để từ đó đến nay đất Thăng Long ngàn năm văn hiến vẫn là trái tim của cả nước “Ở vào nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi.

Đã đúng ngôi nam bắc đông tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa.

Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời. 

“Chiếu dời đô” - Lí Công Uẩn

Mùa xuân năm 1077, viết tiếp bài ca yêu nước và tự hào dân tộc, quân dân nhà Lí dưới sự chỉ huy của Lí Thường Kiệt đã đánh tan giặc Tống, giữ vững chủ quyền quốc gia. Bài thơ Thần của Lí Thường Kiệt vang lên trên phòng tuyến sông Như Nguyệt giống như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc:

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành đã định tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Xuân 1288, một mùa xuân đáng nhớ trong lịch sử dân tộc khi “Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng nước Bạch Đằng”. Đội quân Sát Thát của nhà Trần với hào khí Đông A đã lập nên kì tích đại phá giặc Nguyên Mông lần thứ ba, giữ vững bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc. Tinh thần quyết chiến quyết thắng mọi kẻ thù xâm lược vẫn sáng mãi muôn đời.

Cuối 1427, đầu năm 1428, trải qua hai mươi năm dưới ách đô hộ và sự giày xéo của giặc Minh, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của nhân dân ta đã hoàn thành thắng lợi. Trong niềm vui hân hoan ngày chiến thắng, trong không khí mùa xuân tưng bừng, Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô đại cáo”, bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc:

Xã tắc từ đây vững bền

Giang sơn từ đây đổi mới

… Muôn thưở nền thái bình vững chắc

Ngàn thu vết nhục nhã sạch làu.

Mấy trăm năm sau, mùa xuân năm 1789, vẫn đoàn quân áo vải cờ đào “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo” dưới sự chỉ huy của thiên tài quân sự Quang Trung_ Nguyễn Huệ đã làm cuộc hành quân thần tốc ra Thăng Long, phá tan 28 vạn quân Thanh xâm lược, thu giang sơn về một mối. Đại quân  sau chiến thắng Ngọc Hồi_ Đống Đa vang dội đã đi trong màu hoa đào về tụ hội ở kinh thành Thăng Long đúng ngày mồng 5 tết Nguyên đán.

Trong thế kỉ XX đầy bi tráng, thời kỳ lịch sử “khổ nhục nhưng vĩ đại” (Phạm Văn Đồng) của dân tộc, giữa cái lúc “tối trời tối đất nhất” (Nguyễn Tuân) thì Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03-2-1930) đem ánh sáng mùa xuân đến cho dân tộc “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng, một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi.

Đảng đã đem về mùa xuân cho nước non, vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời” (Lời bài hát “Đảng là mùa xuân”). Dưới lá cờ Đảng quang vinh, dưới bàn tay chèo lái của lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại, con thuyền Cách mạng Việt Nam đã vượt qua bao khó khăn thử thách để cập bến thành công:

Thác bao nhiêu thác cũng qua

Thênh thênh là chiếc thuyền ta trên đời

(Tố Hữu)

Cách mạng tháng Tám thành công (1945), kháng chiến chống Pháp thắng lợi (1954) và đại thắng mùa xuân 1975 kết thúc hơn 20 năm chống Mĩ gian khổ.

Hôm nay, lịch sử đã sang trang, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã dựng xây đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, thực hiện đúng như lời Di chúc của Bác Hồ:

Còn non, còn nước, còn người

Thắng giặc Mĩ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.

Mỗi khi Tết đến xuân về, lòng dân Việt Nam vẫn rưng rưng nhớ bài thơ chúc tết của Bác trước lúc Người đi xa:

Mừng xuân 1969

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào

Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn

Hơn nửa thế kỉ qua, mỗi khi dân tộc ta trải qua một bước ngoặt lịch sử, lời Bác lại dìu dắt, chỉ bảo cho con đường đi đến thắng lợi:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” (“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”_Hồ Chí Minh), “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (“Tuyên ngôn độc lập”- Hồ Chí Minh)

Những lời kêu gọi của Bác cũng là những lời hịch bất tử truyền sức mạnh tới đồng bào và chiến sĩ ta lập nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những lời giản dị, ấm áp của Người “thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước” vẫn còn mãi cùng nước non:

Mùa xuân là tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

“Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng”, con người, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người luôn là tấm gương đạo đức sáng ngời cho toàn Đảng, toàn dân ta học tập và làm theo.

Một mùa xuân mới lại đến với đất nước ta, vận hội mới đồng thời cũng là thách thức mới đang mở ra. Những trang sử hào hùng của cha ông, những lời Bác dặn dò mong ước luôn đồng hành với chúng ta ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài, viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc..

 

Giao lộc đầu năm (Ảnh minh hoạ: Lao Động)

Giao lộc đầu năm (Ảnh minh hoạ: Lao Động)

Toàn bộ nội dung chào mừng năm mới Giáp thìn trên VOV Giao thông năm 2024 đều hướng đến Giá trị cùa lòng can đảm và sự tử tế. Vậy nên chẳng có gì thích hợp hơn khi trong khoảng thời gian đẹp nhất của đất trời, sáng xuân trong lành cùng VOV Giao thông Gieo lộc đầu năm, tản mạn về giá trị của lòng dũng cảm và sự tử tế

Trong cuộc sống hẳn nó không hề phẳng lặng như mặt hồ mà nó lại chính là một cuộc hành trình mà trên đó con người sẽ gặp nhiều khó khăn, gặp rất nhiều gian khổ. Những khó khăn có thể kể ra được như những khó khăn trong việc chiếm lĩnh tri thức, khó ở việc xử lí các mối quan hệ,… chính vì thế mỗi người phải tự rèn luyện cho mình có ý chí vươn lên và hơn nữa đó chính là lòng dũng cảm.

Đầu tiên ta phải biết được dũng cảm nghĩa là gì? Dũng cảm được hiểu là có dũng khí vươn lên, sẵn sàng đối đầu với nguy hiểm, khó khăn để làm những việc có ích cho cuộc sống của chính mình, cũng như cho xã hội nữa. Mỗi người chúng ta cũng có thể nhận thấy những người dũng cảm có ở mọi lúc mọi nơi, có ở mọi hoàn cảnh.

Dũng cảm cũng là việc chúng ta phải biết đương đầu với hoàn cảnh, ý chí, nghị lực và hơn hết chính lòng dũng cảm sẽ làm nên những điều giá trị. Thực tế cuộc sống sự dũng cảm còn biểu hiện ở rất nhiều phương diện khác nhau.

Có thể là lòng dũng cảm thể hiện ở trong sự lựa chọn con đường đi cho mình, dù biết rằng con đường đó gian nan và vất vả những vẫn cố gắng theo đuổi vì kết quả của nó ngọt ngào. Chúng ta cần phải có lòng tin vào chính mình để có thể có định hướng tốt, hành động tốt và thêm lòng dũng cảm để thực hiện hành động đó.

Có rất nhiều tấm gương dũng cảm chúng ta có thể thấy được họ cũng đã luôn phấn đấu để trở thành những người tốt trong xã hội khi cơ thể có nhiều khiếm khuyết. Chính họ dường như đã dũng cảm vượt lên số phận của mình để có thể hòa nhập với cuộc sống xã hội.

Thực tế có rất nhiều thanh niên sau khi học ở thành phố đã quyết định được đi lên những vùng khó khăn để làm kinh tế. Chúng ta vẫn thấy được hình ảnh những cô giáo chịu bỏ lại cuộc sống đầy đủ của mình ở nơi đô thị phồn hoa để gánh cái chữ lên non mong được dạy cho các em vùng cao.

Trong bối cảnh đất nước có rất nhiều những tệ nạn thì sự dũng cảm đấu tranh những việc làm sai trái này cũng phải có người đứng ra làm rõ. Nhưng đáng buồn là người ta sợ ảnh hưởng đến mình nên đã lãnh đạm, thờ ơ bỏ qua. Thực tế thì vẫn có con người dám đứng lên nói lên sự thật và họ thật dũng cảm, họ xứng đáng được tôn vinh.

Bạn biết không? Dũng cảm không là những gì xa xôi, nó ở ngay trong chính mỗi người, và chính điều quan trọng là phải thể hiện và rèn luyện nó ra sao mà thôi. Có thể thấy được sự dũng cảm sẽ giúp ích cho ta có thể nâng được giá trị của bản thân, khẳng định sức mạnh của mình.

Trong cuộc sống thì lòng dũng cảm màn giá trị lớn lao. Không sai chút nào khi nói ở đâu có dũng cảm thì nơi đó cái xấu sẽ không có cơ hội xuất hiện. Bản thân mỗi chúng ta hãy học tập rèn luyện và như thế để hình thành nhân cách tốt, chấp nhận đương đầu với khó khăn để chạm đến “giao lộ hạnh phúc” đời mình.

Còn sự tử tế, Giá trị của sự tử tế” mang đến một cái nhìn gần gũi về khả năng chữa lành tổn thương và vươn lên sống hạnh phúc của con người. Trong quyển sách Giá trị của sự tử tế chia sẻ những câu chuyện về việc tìm kiếm ánh sáng trong mỗi người được chọn lọc từ quá trình điều trị tâm lý cho nhiều bệnh nhân của tác giả Piero Ferrucci.

Sau nhiều năm làm việc và nghiên cứu, ông đã nhận ra trong mỗi người đều có tố chất của một nhà trị liệu. Theo ông, bạn mang bao nhiêu vết thương trong tâm hồn, cũng luôn có một phần khác nơi sâu thẳm của chính bạn mang ánh sáng của sự chữa lành. Nếu mỗi người có thể nhận thức được điều đó, họ sẽ tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của mình.

Ông đã tìm ra một điều quan trọng: Phương pháp chữa lành tổn thương hiệu quả nhất là sự tử tế. Giữa tất cả bóng tối của tâm lý con người, điều ấy giống như tia sáng đem đến hy vọng.

Để truyền tải thông điệp ấy, tác giả dẫn dắt người đọc qua từng chương sách, với mỗi chương trình bày một phẩm chất cần có để nuôi dưỡng và lan tỏa sự tử tế của con người.Những phẩm chất đó gồm: Trung thực, không làm hại người khác, sự ấm áp, sự tha thứ, sự tiếp xúc, cảm giác được thuộc về, lòng tin, tỉnh thức, thấu cảm, khiêm nhường, kiên nhẫn, hào phóng, tôn trọng, sự linh hoạt, ký ức, lòng trung thành, lòng biết ơn, hết mình, niềm vui.

Một vấn đề quan trọng cũng được đặt ra trong sách Giá trị của sự tử tế là ý nghĩa của lòng tốt. Chúng ta thường nghĩ, lòng tốt là sự cảm thông hay thương xót với nỗi đau của người khác. Nhưng Piero chỉ ra rằng lòng tốt không chỉ là sự thương hại.

Lòng tốt là tinh thần lạc quan, biết trân trọng chính mình và người khác. Nó tạo ra khả năng đánh thức những điều tốt đẹp nơi mỗi người. Thêm nữa, lòng tốt còn là sự hướng dẫn giúp con người cách biết chữa lành tổn thương, hướng họ đến giá trị cao thượng hơn. Theo tác giả, đó mới là lòng tốt chân chính và là biểu hiện của sự tử tế.

Để cùng thành phố bình minh lan tỏa những điều tử tế đến người khác mỗi ngày, hãy gửi ý tưởng về điều tử tế của bạn, gửi trải nghiệm của bạn với điều tử tế, hoặc chỉ đơn giản là thả cho chương trình một trái tim ảo tại fanpage của chương trình hoặc tại website ngaytute.com

Click tại fanpage Thành Phố Bình Minh của chương trình để đánh dấu hoàn thành việc tử tế của ngày hôm nay. Đừng quên chia sẻ với mọi người hoặc cmt để lại những thắc mắc và ý kiến của bạn.

Bạn có ý tưởng mới cho ngày mai? Hãy đóng góp cho chúng tôi trực tiếp trên fanpage hoặc gửi email trực tiếp đến [email protected].

Trái tim là ảo, nhưng điều tử tế chúng ta tặng nhau là thật.

Chúng tôi và cả bạn sẽ thấy rất ấm áp.

 

Tú Nhân - Duy Thanh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Diện mạo mới của cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật

Diện mạo mới của cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật

Cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khoác áo mới lung linh ánh sáng, kết hợp với các tác phẩm nghệ thuật giống như một đường "hầm thủy cung".

Hà Nội: Đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp lễ 30/4-1/5

Hà Nội: Đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp lễ 30/4-1/5

Đến thời điểm này các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã sẵn sàng các phương án, kế hoạch để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 đầu tiên tại Việt Nam sẽ ra đời vào tháng 9

Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 đầu tiên tại Việt Nam sẽ ra đời vào tháng 9

Đây là sản phẩm được ra đời từ quá trình hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với Diễn đàn Kinh tế thế giới và sẽ là trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 thứ 19 trên toàn thế giới

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Những bất cập trong các thủ tục bàn giao lẫn việc thanh toán chi phí quản lý vận hành cho đơn vị phụ trách đã khiến tuyến đường này gặp nhiều khúc mắt khi bị cắt điện tại các nút giao lớn hay nghiêm trọng hơn là đứng trước nguy cơ không có đơn vị quản lý vận hành, bảo trì bảo dưỡng.

Đường lên Tây Bắc: Từ những chiếc xe đạp thồ đến máy bay A321

Đường lên Tây Bắc: Từ những chiếc xe đạp thồ đến máy bay A321

21 nghìn chiếc xe đạp thồ, hơn 3 vạn lượt dân công hỏa tuyến- trong số 26 vạn dân công cả nước, đã cùng với phương tiện vận tải cơ giới, vượt núi cao, vực sâu, đưa 25 nghìn tấn vũ khí, lương thực thực phẩm vào phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Làm đường sắt đô thị trên làn BRT, có hợp lý?

Làm đường sắt đô thị trên làn BRT, có hợp lý?

Thông tin Hà Nội sẽ thay buýt nhanh BRT bằng đường sắt đô thị đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Liệu Hà Nội có nên “khai tử” buýt nhanh BRT ở thời điểm hiện tại? Ai chịu trách nhiệm khi xóa bỏ dự án nghìn tỷ này? Lựa chọn lần này của Thành phố là đường sắt đô thị sẽ đi về đâu?

Hà Nội làm gì để đẩy tiến độ cải tạo chung cư nguy hiểm cấp D?

Hà Nội làm gì để đẩy tiến độ cải tạo chung cư nguy hiểm cấp D?

Gần đây VOV Giao thông liên tiếp nhận được phản ánh của người dân Hà Nội về việc họ sẵn sàng di dời khỏi các chung cư cũ để cải tạo, xây mới, tuy nhiên điều khiến họ lo ngại nhất là thời gian xây dựng thường kéo dài, gây phiền hà và đảo lộn cuộc sống.