Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Thách thức trong quy hoạch, quản lý bảo vệ môi trường

Hồng Lĩnh: Thứ sáu 26/08/2022, 17:27 (GMT+7)

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, môi trường nước ta vẫn đã và đang chịu áp lực lớn từ các nguồn ô nhiễm môi trường gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động. Do đó quy hoạch môi trường mang ý nghĩa và vai trò quan trọng và phải đi trước một bước để từ đó định hướng.

 

Theo số liệu thống kê năm 2020 của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là 25 triệu tấn. Trong đó, chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp.

Ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Trên thế giới bây giờ người ta cho chuyện chôn lấp là quá lạc hậu. Chôn lấp như thế nào, quy hoạch phải có. Nhưng nhiều địa phương coi chuyện rác là chuyện không quan trọng lắm."

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Thiếu quy hoạch, thiếu khu xử lý, công nghệ nghèo nàn, không phân loại rác thải …, vô hình chung đã tạo áp lực trong vấn đề quản lý chất thải rắn. “Rác thải sẽ được thu gom, đưa đi đâu và xử lý ra sao?” là những câu hỏi mà nhiều địa phương trên cả nước đang “loay hoay” tìm câu trả lời.

Ông Đỗ Thanh Bái, Chuyên gia môi trường cho rằng: "Vấn đề gay cấn nhất trong quản lý môi trường hiện nay, đó chính là vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã và đang là thách thức lớn. Cơ sở hạ tầng và công nghệ quản lý chất thải rắn cũng là thách thức không nhỏ."

Kết quả cuộc tổng rà soát, điều tra năm 2019 của Tổng cục Môi trường (Bộ TN & MT) tại các khu xử lý rác thải sinh hoạt, các bãi rác của 63 tỉnh thành trên cả nước cho thấy, sự không phù hợp với quy hoạch của các tỉnh là một tồn tại ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đưa ra bài toán xử lý rác thải.

Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích: "Tiếp cận hiện nay của quy hoạch khu xử lý chất thải tiếp cận theo hai hướng, hướng thứ nhất là bám theo vùng kinh tế trọng điểm, thứ hai là theo lưu vực sông, và thứ ba là theo địa bàn tỉnh, thành phố. Qua phân tích thấy rằng việc bám theo lưu vực sông để quy hoạch khu xử lý chất thải là chưa phù hợp nên có đề xuất rà soát lại cách tiếp cận hiện nay, và quy hoạch sắp tới bám theo vùng quy hoạch kinh tế trọng điểm.

Tại sao như vậy? vì nơi đó tập trung các đô thị, các hoạt động kinh tế, trong đó bao gồm cả chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp... Chính vì thế cần có chỉ tiêu quy hoạch cho vùng kinh tế trọng điểm bám theo địa bàn tỉnh, thành phố."

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Hiện nay tại Việt Nam có rất nhiều loại hình quy hoạch, tuy nhiên sự khớp nối giữa các quy hoạch như thế nào đảm bảo phục vụ phát triển bền vững chưa thực sự tốt.

Chính vì vậy quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia ra đời sẽ sắp xếp, định hướng phân bố không gian, sử dụng các thành phần môi trường và các yếu tố tài nguyên phù hợp với chức năng môi trường và điều kiện thiên nhiên, kinh tế- xã hội của vùng lãnh thổ theo định hướng phát triển bền vững, bao gồm việc phân vùng quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc và cảnh báo môi trường.

Ông Hoàng Dương Tùng, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT nhấn  mạnh: "Trong việc xây dựng quy hoạch và quy hoạch khoa học, thực hiện quy hoạch là việc vô cùng cần thiết. Khó khăn nhất là sự phối hợp giữa các cơ quan. Hiện nay vẫn còn sự cát cứ thông tin, nông nghiệp theo nông nghiệp, giao thông theo giao thông, không có ý nghĩa với  nhau."

Việc lập quy hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) hướng tới bảo vệ, duy trì và phục hồi các chức năng, giá trị sống còn các hệ sinh thái quan trọng, các loài sinh vật đặc hữu, các dạng tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa - lịch sử; cải thiện chất lượng và nâng cao mức độ an toàn môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất các mâu thuẫn giữa các ngành, các địa phương trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội gắn với các yêu cầu về BVMT, ứng phó BĐKH; tăng cường khả năng chủ động ứng phó với BĐKH giảm phát thải khí nhà kính; nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT, góp phần tạo môi trường trong lành, giữ cân bằng sinh thái cho sự phát triển bền vững.

Hồng Lĩnh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn