Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Xử lý ô tô hết niên hạn thế nào để tái chế và bảo vệ môi trường?

Huy Văn: Thứ tư 24/08/2022, 18:19 (GMT+7)

Như nhiều thiết bị điện tử khác, những chiếc xe ô tô, hay xe máy cũng có niên hạn sử dụng. Việc xe hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông là mối nguy cơ tiềm tàng gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Vấn đề này đang khiến một số quốc gia “đau đầu".

Theo dữ liệu được công bố bởi Bộ GTVT Malaysia, tính đến tháng 5/2022, hiện quốc gia này có tổng cộng 33 triệu phương tiện giao thông được đăng ký, với khoảng 19 triệu trong số đó đã có tuổi đời ít nhất 1 thập kỷ, đồng thời có khoảng hơn 11 triệu phương tiện không được sử dụng.

Những phương tiện như xe máy, ô tô hết niên hạn sử dụng chính là những “thủ phạm” gây ra ô nhiễm môi trường, chủ yếu từ khói và khí thải của những phương tiện này. Không chỉ vậy, xe hết niên hạn còn gây mất mỹ quan và hơn nữa là tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Do đó, hiện Chính phủ Malaysia đang tìm kiếm cách tiếp cận phù hợp để đưa chính sách quản lý phương tiện hết niên hạn vào thực thi, bắt đầu từ năm 2025. Ưu tiên hàng đầu đó là phải đảm bảo các thành phần và vật liệu có thể tái sử dụng của xe hết niên hạn sẽ được tận dụng hiệu quả.

Hiện Malaysia đang cân nhắc học hỏi mô hình quản lý từ Singapore hoặc Nhật Bản.

Malaysia đặt mục tiêu bắt đầu áp dụng quy trình xử lý xe hết niên hạn từ năm 2025. Ảnh: Thestar.com.my

Malaysia đặt mục tiêu bắt đầu áp dụng quy trình xử lý xe hết niên hạn từ năm 2025. Ảnh: Thestar.com.my

Nhật Bản đang nằm trong top 30 quốc gia hàng đầu thế giới về tỷ lệ sở hữu ô tô; cứ 1,6 người thì có 1 ô tô vào năm 2020; trong khi con số trung bình toàn thế giới là 7,18 người thì có 1 xe. Do đó, việc quản lý xe hết niên hạn đã được quốc gia này sớm triển khai từ cách đây 20 năm.

Hiện trung bình mỗi năm tại Nhật Bản có khoảng 3 triệu xe hết niên hạn bị thải bỏ. Trong khi một số lượng nhỏ xe được xuất khẩu dưới dạng xe cũ, thì số lượng còn lại được đem tới các công ty tháo dỡ để xử lý.

Ông Takayuki Kondo giám đốc công ty tháo dỡ Kaiho Industry chia sẻ: “Công việc của chúng tôi là cẩn thận kiểm tra và phân loại các bộ phận có thể tái sử dụng của ô tô để đưa tới người dùng với mức giá hợp lý. Chúng tôi có quy trình thẩm định riêng và vô cùng nghiêm ngặt để đảm bảo chỉ có linh kiện tốt mới được tái sử dụng. Hiện công ty đã xuất khẩu các linh kiện tái sử dụng tới 90 quốc gia. Những linh kiện không được xuất khẩu sẽ được phân loại cẩn thận để bán hoặc xử lý ngay tại Nhật Bản.”

Trong quá trình tái chế, những người tháo dỡ ô tô trước tiên sẽ thu hồi các bộ phận động cơ, thành phần thân xe và các thành phần điện, chiếm khoảng 20 đến 30% trọng lượng của mỗi chiếc xe và tái sử dụng chúng. Khoảng 50 đến 55% các bộ phận trên mỗi chiếc xe là không thể tái sử dụng, bao gồm một số thành phần động cơ cũng như chất xúc tác, kim loại màu và lốp xe sẽ được tái chế làm nguyên liệu thô. Nhìn chung, khoảng 75 đến 80% các bộ phận của mỗi chiếc xe được tái sử dụng hoặc tái chế. Phần còn lại sẽ được cắt nhỏ và chôn lấp.

Tuy nhiên, theo thời gian, các bãi chôn lấp chất thải công nghiệp sẽ càng phải chịu nhiều áp lực. Nên từ năm 2005, Nhật Bản đã ban hành Luật tái chế các phương tiện hết niên hạn, tập trung vào đảm bảo việc tái chế đúng cách và tăng cường phối hợp giữa các công ty tháo dỡ. Một hệ thống theo dõi và quản lý các quy trình cũng được lập ra để đảm bảo các giai đoạn tái chế không xảy ra sai phạm.

Bên cạnh đó, phí tái chế phương tiện sẽ phải do chủ xe chi trả, hoặc từ lúc mua xe, kiểm định lần đầu hoặc khi đưa đến các công ty tháo dỡ. Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ và có điều chỉnh để đảm bảo mức phí này không trở thành gánh nặng cho chủ xe.

Một kho chứa bộ phận ô tô cũ tại Nhật. Ảnh: japsspares.com

Một kho chứa bộ phận ô tô cũ tại Nhật. Ảnh: japsspares.com

Ngoài ra, một số công ty, cá nhân cũng có những ý tưởng để tận dụng những bộ phận vốn phải chôn lấp. Ông Kamimura Masanori chủ một xưởng tháo dỡ ô tô tại tỉnh Gunma, đã nảy ra ý tưởng tận dụng dây đai an toàn và túi khí của ô tô, những bộ phận vốn không được phép tái chế vì lí do an toàn, trở thành những vận dụng có ích. Ông biến chúng thành những chiếc túi xách thông qua việc may và nối các dây đai an toàn thành vỏ bên ngoài, và dùng các túi khí làm lớp lót bên trong.

Ông Masanori chia sẻ: “Chỉ đơn giản tháo dỡ những chiếc ô tô với tôi là chưa đủ. Tôi tận dụng cả nhiều bộ phận khác để làm nên những vật dụng có ích, cố gắng để không bỏ sót thứ gì”.

Trở lại với Việt Nam, tại dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu ô tô, xe máy phải cam kết tỷ lệ tái chế sản phẩm thải bỏ, đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường…

Còn tại Thông tư số 15/2022 của Bộ Công an, quy trình giải quyết thủ tục thu hồi, nộp giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe ô tô hết niên hạn sử dụng được bổ sung hình thức trực tuyến.

Thực tế, việc thu hồi và xử lý xe hết niên hạn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bởi nhiều xe hết niên hạn có thể được bán đi hoặc đem sử dụng tại các vùng núi, vùng hẻo lánh.

Ô tô, xe máy dù hết hạn sử dụng vẫn là phương tiện, tài sản của người dân. Để thu hồi loại phương tiện này, các ngành chức năng cần có lộ trình cụ thể, ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế thực hiện phù hợp với pháp luật; đồng thời, nâng cao công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành tốt hơn.

Còn theo chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy, quy định về niên hạn sử dụng phương tiện tại Việt Nam nên có điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn: “Như ở Nhật, Mỹ, phương tiện người ta quy định 10-15 năm do mức sống cao, người ta đòi hỏi sự tiện nghi, cao cấp.

Nhưng mức sống của người dân ta còn thấp, nên việc quy định niên hạn phải phù hợp hơn, nên tăng 15-20%, thậm chí 30% so với niên hạn của các nước.

Nếu ta làm đúng, hợp lý, phù hợp với điều kiện của người dân Việt Nam, thì theo tôi là nên dựa theo số km chạy được, chứ không chỉ căn cứ theo thời gian.”

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn