Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Góc Nhìn

Tăng tuổi nghỉ hưu của sỹ quan, hạ sỹ quan để tận dụng nguồn nhân lực?

Quách Đồng: Thứ hai 08/05/2023, 14:31 (GMT+7)

Hiện Bộ Công an đang hoàn thiện dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi. Đáng chú ý, tại dự thảo lần này, bên cạnh việc đề xuất tăng số lượng cấp tướng cho lực lượng công an, Bộ Công an cũng đề xuất tăng tuổi phục vụ đối với sỹ quan, hạ sỹ quan công an nhân dân.

Dự thảo Luật Công an nhân dân (CAND) sửa đổi do Bộ Công an soạn thảo có 2 Điều, gồm: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND và Hiệu lực thi hành…

Cụ thể, dự thảo Luật CAND sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định sĩ quan CAND được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác. Trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định.

Ảnh minh hoạ: CAND

Ảnh minh hoạ: CAND

Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung quy định, như sau: Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác.

Bên cạnh đó, tại dự thảo Luật CAND sửa đổi, Bộ Công an cũng đề xuất bổ sung 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong CAND, gồm: 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng và 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; Bổ sung quy định Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Trung đoàn trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá.

Đặc biệt, dự thảo Luật CAND sửa đổi cũng bổ sung quy định và tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an (trong đó nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan. Riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi. Thời gian tăng tuổi theo lộ trình: Mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Riêng sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì tăng ngay 2 tuổi, không theo lộ trình nêu trên.

Dự thảo Luật CAND sửa đổi cũng đề xuất giao Chính phủ quy định cụ thể lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an cho phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.

Dự thảo Luật CAND sửa đổi đang được Bộ Công an lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan và lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Dự kiến dự thảo Luật sẽ được trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào tháng 5 năm nay.

VÌ SAO ĐỀ XUẤT TĂNG TUỔI PHỤC VỤ?

Vì sao Bộ Công an đề xuất tăng tuổi phục vụ đối với sỹ quan, hạ sỹ quan CAND? Nếu được ban hành, chất lượng nguồn nhân lực CAND sẽ có sự thay đổi ra sao? PV VOVGT đã có cuộc phỏng vấn thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế (Bộ Công an) – đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi:

PV: Thưa ông, vì sao Ban soạn thảo đề xuất tăng số lượng cấp tướng cho lực lượng công an?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Trong dự thảo Luật sửa đổi lần này thì Ban soạn thảo, tổ biên tập chúng tôi đã tham mưu là sẽ quy định tăng số lượng cấp tướng trong lực lượng công nhân dân, để cho nó phù hợp với quy định và thực tế hiện hành.

Thứ 2 nữa là chúng ta thực hiện chính quyền đô thị ở một vài địa phương, thì có những đơn vị mới được hình thành, ví dụ Thành phố trực thuộc Thành phố, trực thuộc trung ương. Việc có những đơn vị hành chính mới được hình thành cũng sẽ tác động tới phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật Công an nhân dân hiện hành.

Nhiều vị trí, nhiều đơn vị mới có đủ điều kiện thì chưa được quy định trong Luật công an nhân dân hiện hành và có cấp tướng, cho nên việc tăng số lượng cấp tướng theo quy định hiện nay, để một là đảm bảo tính đồng bộ, hai là phù hợp và đáp ứng từ thực tiễn, cũng như quy định chung của pháp luật.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế (Bộ Công an)

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế (Bộ Công an)

PV: Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Luật là việc Ban soạn thảo đề xuất tăng tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sỹ quan. Vì sao Ban soạn thảo có đề xuất này?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Nội dung mà trong dự thảo chúng tôi đang đề xuất là tăng tuổi hạn phục vụ đối với cả sỹ quan, hạ sĩ quan quân nhân dân, thứ nhất là phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi.

Hiện nay mức tuổi lao động tối đa là 62 thì được nghỉ chế độ theo quy định của Nhà nước và Bộ Công an cũng xây dựng chính sách đối với hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan theo hướng này, một là đảm bảo nguồn nhân lực.

Thứ hai nữa là chúng ta không lãng phí đối với nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ đào tạo hoặc kinh nghiệm chiến đấu, thực tiễn công tác, rồi sức khỏe của cán bộ đều đáp ứng được và chúng tôi cũng điều chỉnh hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan theo hướng nó phù hợp với các quy định hiện hành của Bộ Luật Lao động.

PV: Nếu những quy định này thành hiện thực, theo ông sẽ có tác động xã hội như thế nào?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Chúng tôi cũng đã rà soát, đánh giá, nếu quy định này được thông qua luật có hiệu lực nó sẽ đem lại những hiệu quả rất lớn đối với cả lực lượng công an nhân dân nói riêng và đối với cả xã hội nói chung.

Một là chúng ta sẽ giảm được rất nhiều thời gian cũng như chi phí về đào tạo nguồn nhân lực.

Thứ hai là chúng ta có thể tận dụng và phát huy được sức khỏe, sự cống hiến, trình độ, kinh nghiệm của đội ngũ sĩ quan, hạ sỹ quan trong công an nhân dân.

Thứ ba nữa là chúng ta cũng làm giảm được quỹ lương hưu và giảm chi phí, cũng như tính ổn định được đảm bảo hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ảnh minh hoạ: Thanh niên

Ảnh minh hoạ: Thanh niên

SẼ CÓ TÁC ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?

Việc tăng tuổi nghỉ hưu của sỹ quan, hạ sỹ quan CAND sẽ có những tác động xã hội như thế nào? PV VOVGT đã có cuộc phỏng vấn thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội:

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết của dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Lần này Chính phủ trình sửa đổi một số chính sách của Luật Công an nhân dân là cần thiết. Những nội dung sửa đổi lần này cũng nhiều khoản không lớn, mà tập trung chủ yếu vào mấy chính sách, một là chính sách về độ tuổi phục vụ trong lực lượng CAND.

Thứ 2 là sửa đổi một số quy định liên quan đến phong cấp bậc, hàm trong lực lượng CAND. Đấy là 2 Điều cần thiết phải sửa đổi, làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện, nâng cao chất lượng công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

PV: Với những quy định tại dự thảo, theo ông đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết đó hay chưa và cần bổ sung những gì?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Về cơ bản những sửa đổi lần này đã đáp ứng được sự cần thiết đặt ra. Tuy nhiên, Luật CAND tần suất sửa đổi tương đối dày, cho nên chúng ta cần đưa vào các chính sách đảm bảo tính ổn định cao, đồng thời đảm bảo sự linh hoạt trong việc thực hiện.

Chính vì thế, việc sửa đổi lần này cần tập trung vào những gì mang tính nguyên tắc, nhất là những quy định về phong thăng cấp bậc hàm, về biên chế, tổ chức, để rồi sau này cần thiết sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ có quy định chi tiết hoặc sửa đổi trong trường hợp cần thiết.

PV: Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo luật là tăng tuổi phục vụ của sỹ quan, hạ sỹ quan CAND. Với nội dung này thì Bộ Công an cho rằng sẽ tận dụng được nguồn nhân lực có chất lượng, có trình độ hoặc kinh nghiệm chiến đấu. Quan điểm của ông về đề xuất này như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Hiện nay trong một số lĩnh vực trong bộ máy Nhà nước cũng đặt ra là tranh thủ nguồn nhân lực có kinh nghiệm, có hiểu biết sâu về một số lĩnh vực, tôi thấy là cần thiết. Nhưng đặt vấn đề mang tính chất đại trà thì cần phải xem xét lại.

Bởi vì sẽ liên quan đến cơ cấu biên chế, về đầu vào của lực lượng gắn với chức danh, chức vụ, cho nên phải cân nhắc kỹ vấn đề này. Nếu không đưa ra các tiêu chí cụ thể, đặt ra trong một số lĩnh vực cụ thể, dễ dẫn tới lạm dụng chính sách này.

Cho nên lý lẽ về câu chuyện chúng ta tận dụng nguồn nhân lực có kinh nghiệm này, có bề dày, hiểu biết sâu sắc, nắm vững địa bàn này… như tờ trình Chính phủ nêu thì cần phải đánh giá kỹ về việc này, phải có định tính, định lượng ra để áp dụng.

PV: Theo ông, nếu những quy định này thành hiện thực, sẽ có tác động xã hội như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Thật ra những cái này sửa đổi không lớn, phạm vi tác động của nó không trực diện đối với các mối quan hệ xã hội khác.

Tuy nhiên, việc sửa đổi những quy định này nó đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, làm cơ sở pháp lý cho việc vận dụng. Nó cũng sẽ tác động đến ngân sách, biên chế.

Thứ 2, nếu chúng ta kéo dài độ tuổi không hợp lý thì nó có thể tạo ra sức ì trong hoạt động của bộ máy. Thứ 3, rõ ràng tính chất hoạt động của lực lượng CAND đòi hỏi tiêu chuẩn về mặt sức khỏe rất cao, cho nên chúng ta kéo dài độ tuổi kèm theo để đảm bảo nhiệm vụ công tác cũng là vấn đề cần được đánh giá rất kỹ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Bộ Công an, hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an được quy định trên cơ sở điều kiện, môi trường, tính chất công việc và đặc thù về tổ chức bộ máy của lực lượng CAND, đồng thời luôn bảo đảm tương quan với tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại Bộ luật Lao động.

Tuy nhiên, với quy định điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành thì khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa cán bộ, chiến sĩ CAND với người lao động ngày càng tăng lên.

Do vậy, tại dự thảo Luật CAND sửa đổi, Bộ Công an đã đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với sỹ quan, hạ sỹ quan CAND nhằm khắc phục những bất cập này.

Bạn kỳ vọng gì vào dự luật này? Nếu được ban hành, các quy định mới của dự luật sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an.

-- 

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư, thứ Bảy hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast và Google Podcast.

 

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn