Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Tái lập đường Lê Lợi - "Vùng di sản” cần một sinh khí mới

Trọng Điển - Hồng Lĩnh: Thứ tư 14/09/2022, 14:03 (GMT+7)

Sau 8 năm làm nhà ga ngầm Metro, mới đây, các rào chắn trên đường Lê Lợi giữa quận 1- trung tâm của TP.HCM đã được tháo dỡ. Gần một thập kỷ, đời sống, việc kinh doanh của người dân ảnh hưởng nghiêm trọng. Giờ đây, ngắm nhìn con đường đang được chỉnh trang, tái lập, người dân Sài Gòn-TP.HCM chất chứa nhiều cảm xúc.

Nhưng những việc cần làm phía trước vẫn còn ngổn ngang, bởi đằng sau câu chuyện một con đường - còn là câu chuyện của một “vùng di sản” cần được tái lập và tạo sinh khí mới.

Ngày 31/8, khoảnh khắc thông đường Lê Lợi tái lập sau 8 năm đã mang đến nhiều niềm hứng khởi cho người dân quận 1:

"Hôm nọ đi thấy đường chật hẹp, bụi bặm mà hôm nay đi thấy bất ngờ quá".

"Rất vui mừng, tại vì đã rào chắn khoảng 8 năm nay, giờ dỡ ra bà con ở chung cư 88 Lê Lợi rất phấn khởi".

"Bà con tiểu thương và nhất là các cửa hàng buôn bán ở đây đã ngưng kinh doanh trong thời gian mà giờ mở lô cốt rất vui mừng, chuẩn bị cửa hàng để buôn bán lại".

Đoạn đường dài hơn 500m từ Pasteur đến Phan Bội Châu đã được tháo dỡ hàng rào và chính thức thông xe.Là người theo sát công trình và chứng kiến sự hồi sinh của đường Lê Lợi, ông Vũ Hoàng Hải, kỹ sư phụ trách gói thầu CP1a (thuộc tuyến Metro số 1) của nhà thầu Sumitomo Mitsu-Cienco 6 chia sẻ:

"Tôi thấy nhẹ nhõm vì cảm giác như đã hoàn thiện được một phần công việc của mình. Tuy nhiên, công việc vẫn còn dang dở và chúng tôi vẫn phải hoàn thiện nốt tuyến Metro này.

Việc mở đường Lê Lợi đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình hoàn thiện tuyến Metro số 1, cụ thể là ở gói thầu 1a.

Hiện tại, chúng tôi đã hoàn thiện hầu hết tất cả các công tác liên quan đến các biển chỉ dẫn an toàn cũng như là sơn đường bộ và hệ thống đường bộ, còn một số các hạng mục tồn tại liên quan đến dải phân cách hay là về phía mảng xanh thì chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng hoàn thiện trong tháng 9 này và ban giao lại cho cơ quan chức năng".

---

---

 2 tuần sau khi chính thức thông tuyến đường Lê Lợi, nơi từng là những rào chắn công trình dựng đứng án ngữ, xe cộ đã qua lại tấp nập, du khách đổ về đông đúc hơn, hàng quán tất bật, trang hoàng.

Một số hộ dân ngụ tại chung cư số 88 Lê Lợi - di tích lịch sử cấp quốc gia gắn với sự kiện Hội nghị thành lập Kỳ bộ Nam kỳ của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội mong chờ sẽ có những cải tạo về cảnh quan để thay đổi bộ mặt tuyến phố.

Ông Phạm Văn Quang đề xuất: "Mở ra đường rộng rãi, các hộ kinh doanh ở dưới cũng phấn khởi lắm. Nhưng tuyến Lê Lợi thiếu cây xanh nhiều quá, nhất là dãy bên chợ Bến Thành, thành ra đường nóng. Thứ hai là vệ sinh nữa, chỗ mấy thùng rác nhỏ quá.

Các hộ chung cư bỏ rác ra ngoài. Bên công ích bố trí mấy thùng rác lớn chút cho lịch sự. Còn đường thoát nước thì hiện tại đã được hướng dẫn sửa, nên tạm thời cũng đã ổn rồi".

Dưới góc nhìn quy hoạch, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM nhấn mạnh rằng, việc tái lập đường Lê Lợi khiến cho không gian đô thị được “vỡ oà”, thông thoáng và trở lại như nó vốn có.

"Về vấn đề quy hoạch phố đi bộ cho Lê Lợi thì đã có từ lâu. Trong quy hoạch đã định hình ra ba tuyến chính  là Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Hàm Nghi với công năng, chức năng khác nhau.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ dành cho các sự kiện, những ngày lễ lớn; phố đi bộ Lê Lợi là phố đi  bộ thương mại; và Hàm Nghi là phố đi bộ dịch vụ.

Tuyến phố Lê Lợi với chức năng là phố đi bộ thương mại kết hợp với hệ thống thương mại ngầm nằm ở tuyến Metro để không gian và các dây chuyền kết nối thương mại phía trên và phía dưới sẽ tạo ra khu trung tâm sầm uất, hợp lý đối với một thành phố đông dân nhất nước", kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu nói.  

---

---

Là một người dân TP, nhà nghiên cứu đô thị Trần Hữu Phúc Tiến, Uỷ viên BCH Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam và TP.HCM tâm tư, 8 năm nay, khi TP xây dựng Metro, phố đi bộ Nguyễn Huệ, hay phá bỏ nhiều công trình cũ ở trục giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ, người dân đã chứng kiến sự thay đổi của cảnh quan ngay trung tâm của TP, bởi vậy, việc phục hồi và tái lập mặt đường để người dân đi lại, giao thương thuận lợi là cần thiết, nhưng chưa đủ.

"Có rất nhiều bạn trẻ cũng như người dân bây giờ phải nhớ lại nguyên đại lộ Lê Lợi từ Nhà hát Lớn đến Chợ Bến Thành, cảnh quan đã thay đổi qua 50 năm, nên gây nên sự xúc động. Nhưng việc đầu tiên là cần phải xác định những cảnh quan nào truyền thống có thể dựng lại được thì nên dựng lại.

UBND TP đã có quyết định hay - tái lập lại bùng binh Cây Liễu, đó chính là hồ nước ngay giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ. Nhưng điều quan trọng là vẫn chưa tái lập được giao lộ vì xe cộ vẫn chưa lưu thông xung quanh hồ nước. Kế đến, hai hàng cây trên đường Lê Lợi cũng cần phải được khôi phục lại. Nhiều hàng cây có tuổi đời cả trăm năm đã biến mất", nhà nghiên cứu đô thị Trần Hữu Phúc Tiến cho biết.

Ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Huệ từ lâu là khu vực sinh hoạt trung tâm khá sầm uất của Sài Gòn xưa. Bên cạnh đó, tuyến đường Lê Lợi là một thành phần quan trọng của tam giác Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Hàm Nghi, trong đó trục Lê Lợi là dịch vụ, thương mại và hàng hoá; trục Nguyễn Huệ là hành chính và trục Hàm Nghi là kinh tế - tài chính - ngân hàng.

Bởi vậy, theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, khi chỉnh trang tuyến phố cần lưu ý phố Lê Lợi là khu vực bản lề giữa khu trung tâm di sản và khu trung tâm mới.

"Hơn 300 năm phát triển, khu trung tâm lịch sử của TP.HCM tạm gọi là khu vực tập trung khá nhiều công trình di sản nằm trong tứ giác Lê Lợi - Nguyễn Thị Minh Khai - Nhiêu Lộc Thị Nghè - Cách mạng Tháng Tám.

Vị trí của đường Lê Lợi có giá trị khá đặc biệt. Và rất hy vọng khi tái lập lại hoạt động sầm uất trong tuyến đường này, vừa có ý nghĩa về di sản, vừa có ý nghĩa trong tương lai", Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết. 

Đường Lê Lợi sau khi hoàn trả mặt bằng được đề xuất tổ chức phố đi bộ.

Đường Lê Lợi sau khi hoàn trả mặt bằng được đề xuất tổ chức phố đi bộ.

Đường Lê Lợi có chiều dài gần 800m, bắt đầu từ Nhà hát Thành phố đến chợ Bến Thành. Hiện TP đã giao cho các đơn vị tư vấn nghiên cứu đề xuất tái lập cảnh quan làm sao để vẫn giữ được hồn cốt của tuyến phố xưa, và phù hợp với tuyến Metro trong tương lai. T

rước đó, UBND quận 1 đã gửi đề xuất với UBND TP về việc nghiên cứu phương án đầu tư, xây dựng tuyến đường Lê Lợi thành phố đi bộ, nhằm tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch.

Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOV Giao thông qua bài bình luận: “Tái lập không khí văn hoá “vùng di sản”.

Tôi có anh bạn ở một tỉnh miền Tây kể, do có công việc nên anh ghé Sài Gòn - TP .HCM thường xuyên. Cũng như nhiều du khách khác, anh thường thích tản bộ trên những con đường rợp bóng cây xanh ở quận 1 như đường Trương Định, Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Khi ăn uống anh lại hay đến các con hẻm nhỏ,kê vài chiếc bàn đơn sơn, bán một số đồ ăn đặc trưng của Nam bộ như hủ tíu, mì hoành thánh; nhấm nháp ly cà phê vợt vào mỗi buổi sớm.

Dạo quanh các di tích như nhà thờ Đức Bà, Bưu Điện thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ. Mới đây khi hay tin, đường Lê Lợi chính thức mở rào chắn, anh nói rất mừng, vì tạo ra một không gian văn hóa thoáng rộng để du khách có thể hiểu thêm về Sài Gòn qua từng con đường, hàng cây.

Nói điều này để thấy, sau 8 năm chờ đợi, không chỉ người dân sống dọc đường Lê Lợi có niềm vui mà cả du khách và người dân thành phố đều mừng khi con đường một thời không xa được mệnh danh là đại lộ đã được hoàn trả mặt bằng, thênh thang trở lại.

Lui về quá khứ cả trăm năm, đường Lê Lợi và đường Nguyễn Huệ vốn là những con kênh đào để tàu thuyền chuyên chở hàng hóa vào trung tâm Bến Nghé, Sài Gòn được nhanh hơn. Sau đó vì nhu cầu đi lại nó đã được lấp lại làm những con đường to rộng, bậc nhất Sài Gòn cách đây không lâu.

Đường Lê Lợi ghi dấu ấn lịch sử đặc biệt khi có dãy nhà từng là nơi hội họp của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội; nơi có bùng binh giao cắt với với đường Nguyễn Huệ rất ấn tượng. Ở đó có một vòng xoay phun nước, trồng nhiều câu liễu rủ xuống, gọi là bùng binh cây liễu. Đặc biệt một đầu đường là nhà hát thành phố, đầu kia là chợ Bến Thành.

Ngoài ra còn có nhà thương chú Hỏa,do một thương nhân góp tiền ra xây cách đây cũng cả trăm năm. Giờ là bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Đường Lê Lợi  trước kia cũng rợp bóng cây xanh nhưng vì làm nhà ga cho tuyến metro nên phải chặt hạ cũng là một điều đáng tiếc.

Hiện nay, đường Lê Lợi như được khoác lại chiếc áo ngày nào, tuy chưa rạng rỡ nhưng hứa hẹn nhiều hân hoan. Khi một số tòa cao ốc đã mọc lên; nhà ga metro khi đưa vào sử dụng, người lên xuống sẽ tập nập. Lê Lợi phối hợp với các tuyến phố trung tâm của quận 1 sẽ thành các trục liên hoàn cho phép du khách tản bộ hàng chục km; đủ thời gian để chiêm ngưỡng một đô thị đầy nắng gió sông nước từ hướng bến Bạch Đằng thổi vào; đi vào các con hẻm nhỏ để thấy một Sài Gòn xưa với nhiều ngành nghề thủ công và một đời sống hiện sinh phương Nam.

Vấn đề lúc này là đường Lê Lợi phải nhanh chóng được phủ bóng cây xanh, tái hiện lại các không gian xưa cũ, nhất là những di tích, dãy nhà còn lưu dấu trăm năm của một Sài Gòn đô hội bậc nhất phương Nam. Kể cả các quán cà phê cũng tồn tại cả thế kỷ.

Bên cạnh đó, khi bên dưới lòng đất là các tầng ngầm của nhà ga metro, mặt đường là điểm đi điểm đến. Nên ở các vị trí thuận tiện về lâu dài cũng hình thành các khu đô thị hiện đại, văn minh, bề thế. Để hành khách không chỉ đi lại mà còn mua sắm, nghỉ ngơi, sinh hoạt ngay trung tâm thành phố.

Một không gian văn hóa đậm chất di sản vừa cổ kính lại hiện đại trên đường Lê Lợi, kết hợp với phố hàng chính đường Nguyễn Huệ, phố tài chính ngân hàng đường Hàm Nghi và quần thể sông nước bến Bạch Đằng nhìn qua khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ tạo ra những điểm nhấn khác biệt mang đặc trưng của Sài Gòn- TP .HCM mà không phải nơi nào cũng có được.

Và để các con đường, tuyến phố Lê Lợi nói riêng và nhiều tuyến phố ở trung tâm thành phố nói chung cất lên tiếng nói giá trị văn hóa lịch sử, thương mại; gấy ấn tượng mạnh cho du khách thì vai trò của người dân vực rất quan trọng. Họ phải được tham gia, góp ý và xây dựng nên những tuyến phố ấy để vừa giữ được hồn cốt của những con phố có bề dày trăm năm và làm ăn, sinh sống ấm no qua nhiều thế hệ từ nơi ấy.

Tái lập đường Lê Lợi chính là tái lập không gian văn hoá “vùng di sản”.

Trọng Điển - Hồng Lĩnh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Theo ghi nhận của VOV Giao thông, vào khoảng 9h30 sáng ngày 19/4 tại nút giao Mai Dịch (Hà Nội), hiện 2 cây cầu vượt thép tại đây đã thi công xong nhưng chưa được thông xe. Đáng chú ý, tại khu vực 2 đầu cầu vượt thép chưa thông xe này có rất đông xe ôm đứng chờ đón khách.

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Theo lý giải của người dân địa phương, “lung” là vùng đất trũng tự nhiên rộng lớn, hoang sơ, nước ngập quanh năm. Lung Ngọc Hoàng là “lung của ông trời” hay “lung trời sanh” vì rộng lớn và có nhiều câu chuyện kỳ bí truyền từ đời này sang đời khác.

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

Mới đây TP.Thủ Đức đã tổ chức sự kiện thu hút đầu tư theo hình thức PPP và trao chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng.

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

Hình ảnh ‘giếng làng’ xưa gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Ngày ấy, nguồn nước trong mát của giếng làng là nguồn nước sạch chính được người dân khắp xóm gánh về đun nước, nấu ăn.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.