Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản – Lợi bất cập hại

Thanh Phê: Thứ sáu 01/09/2023, 11:03 (GMT+7)

Trong nuôi trồng thủy sản hiện đại, việc sử dụng thuốc kháng sinh là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp người nuôi dùng kháng sinh nhưng không đúng kỹ thuật hoặc vượt quá liều lượng cho phép có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng như gây độc, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng và không đạt tiêu chuẩn.

Để có nguồn nguyên liệu ổn định, ngoài 3ha tự có, HTX Kỳ Như, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang còn liên kết với các hộ nuôi trong vùng sản xuất theo chuỗi giá trị với diện tích 12ha. Trung bình mỗi năm, đơn vị thu mua và chế biến hơn 500 tấn cá thát lát nguyên liệu.

Chị Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như cho biết, hiện vẫn còn tình trạng nông dân ở một số địa phương dùng những kháng sinh cấm, bừa bãi trong nuôi trồng thủy sản: "Người dân mình không hiểu dùng những sản phẩm, khi con cá bệnh thì mình chỉ nghĩ dùng những sản phẩm cấm sẽ nhanh hết bệnh nhưng mà ngược lại, những hóa chất đó tồn dư trong đất, trong nước lâu và nó sẽ thải ra môi trường và nó sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước thì nên khuyến cáo bà con mình từ đây về sau, tỉnh Hậu Giang mình, ai ai, nhà nhà ai cũng ý thức không nên sử dụng thuốc cấm để cho nguồn nước sạch, bảo đảm nuôi trồng hiệu quả và chất lượng để đáp ứng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới."

Sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản là điều không tránh khỏi. Ảnh minh hoạ

Sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản là điều không tránh khỏi. Ảnh minh hoạ

Trải qua nhiều thăng trầm với con cá tra, ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX cá tra Thới An, ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, cho biết, nhiều năm nay, người nuôi phải chật vật vì giá cả bấp bênh. Theo ông Hải, để theo được nghề, bà con cần có tài chính và kinh nghiệm:

"Người nuôi cá chuyên nghiệp thì hãy nuôi. Đó là ngành đặc thù, phải có chuyên môn, cá phải nuôi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chứ đâu có phải dễ dãi, không an toàn, người ta đâu có lấy được. Tức là con cá mình giá trị xuất khẩu cao thì bây giờ nên đầu tư quy mô cho nó bài bản."

Là tỉnh nằm giữa sông Tiền và sông Hậu nên diện tích nuôi thủy sản của Vĩnh Long khá lớn với trên 800ha. Hiện, địa phương triển khai thực hiện các vùng nuôi, cấp các chứng nhận để thực hiện chuỗi theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp trong khâu nuôi cá tra để hạn chế dịch bệnh, trong dịch bệnh này thì chung tôi sẽ đảm bảo làm sao để người nuôi quản lý tốt về môi trường, đặc biệt là hạn chế sử dụng các loại thuốc cấm để điều trị, nhất là kháng sinh. Thứ 2 là tổ chức sản xuất theo chuỗi sản xuất gắn kết chặt chẽ với vùng nuôi cũng như khâu thu mua chế biến của các doanh nghiệp để phục vụ xuất khẩu, thứ 3 là chúng tôi sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các vùng nuôi áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến như ViepGap, globalgap…"

Các chuyên gia cho rằng, khi lạm dụng kháng sinh sẽ làm xáo trộn sự cân bằng vốn rất mong manh của môi trường thủy sinh. Việc sử dụng kháng sinh không đúng sẽ gây ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một chuỗi sản xuất an toàn thực phẩm hoàn chỉnh phải từ con giống, cho đến nuôi trồng, thu hoạch, sơ chế, chế biến, xuất khẩu.

Do vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp phối hợp lại xây dựng chuỗi, gắn với vùng nuôi, ao nuôi, theo tổ chức HTX, hay là tổ hợp tác với doanh nghiệp, để xây dựng một chuỗi kiểm soát được an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn cung, đảm bảo môi trường.  

Thanh Phê/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn