Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Diễn đàn

Số hóa dữ liệu cá nhân: Chỉ dịch chuyển khi người dân thấy lợi

Kênh VOV Giao thông: Thứ bảy 07/01/2023, 14:08 (GMT+7)

Vì sao nhiều người dân chưa mặn mà với việc cấp mã định danh và xác thực điện tử? Cần làm gì để đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu cá nhân?

Theo Bộ Công an, công dân thực hiện mã định danh và xác thực điện tử sẽ được hưởng nhiều tiện ích, như: dùng tài khoản định danh điện tử thực hiện dịch vụ công; thay thẻ bảo hiểm xã hội; thay thẻ ATM…

Thậm chí tới đây, Bộ Công an sẽ cung cấp toàn bộ 227 dịch vụ công trực tuyến để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trên môi trường điện tử.

Tuy vậy, đến nay hệ thống định danh điện tử mới cấp được hơn 10 triệu tài khoản. Vì sao nhiều người dân chưa mặn mà với việc cấp mã định danh và xác thực điện tử? Cần làm gì để đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu cá nhân? 

Câu trả lời sẽ có trong Diễn đàn 91 với chủ đề: “Số hóa dữ liệu cá nhân: Chỉ dịch chuyển khi người dân thấy lợi" trên VOVGT FM91 MHz, 16h đến 17h thứ Bảy, ngày 07/01/2023.

Với sự tham gia của các khách mời: ông Nguyễn Phong Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; và ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và phát triển truyền thông.

Người dân thờ ơ, chính quyền… chờ máy móc

Đi khám tại Bệnh viện Đức Giang, chị Nguyễn Thị Phước mang theo cả tập giấy tờ vì không biết thẻ căn cước công dân gắn chíp có thể thay thế thẻ bảo hiểm y tế:

"Thẻ căn cước của chị đã tích hợp rồi, nhưng chị đi thì cứ mang theo cả thẻ bảo hiểm, bệnh viện có xem cả hai, chứ còn số định danh chị chưa nghe nói".

Trao đổi với phóng viên, đại diện Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết, đã triển khai việc sử dụng thẻ căn cước thay thế thẻ bảo hiểm y tế, song người thực hiện chưa nhiều, còn tài khoản định danh điện tử gần như chưa có, do bệnh nhân chủ yếu là người lớn tuổi.

Luôn mang theo nhiều loại giấy tờ cũng là thực tế với người đi xe ô tô. Chị Đỗ Thị Nga, ở Nam Từ Liêm, khá thất vọng vì chưa thể sử dụng căn cước thay GPLX do chưa có quyết định cụ thể của cơ quan có thẩm quyền:

"Tích hợp các loại giấy tờ thì rất là tốt, nhưng trong thực tế vẫn phải đem tất cả giấy tờ đi. Vấn đề là cơ quan chức năng bên giao thông họ có đồng ý đâu. Nó phải đồng bộ chứ không thì rất khó. Nhiều khi mình chủ quan không cầm đi, hoặc quên, thì mình vẫn là người mắc lỗi".

Mặc dù đã triển khai việc sử dụng thẻ căn cước thay thế thẻ bảo hiểm y tế, song người thực hiện chưa nhiều, còn tài khoản định danh điện tử gần như chưa có, do bệnh nhân chủ yếu là người lớn tuổi (Ảnh: Báo Quảng Nam)

Mặc dù đã triển khai việc sử dụng thẻ căn cước thay thế thẻ bảo hiểm y tế, song người thực hiện chưa nhiều, còn tài khoản định danh điện tử gần như chưa có, do bệnh nhân chủ yếu là người lớn tuổi (Ảnh: Báo Quảng Nam)

Tương tự, việc sử dụng căn cước hay tài khoản định danh trong thủ tục ở bộ phận “một cửa” cũng xa lạ với người dân. Từ 1/1/2023, người dân không phải xuất trình sổ hộ khẩu khi thực hiện các thủ hành chính, song anh Đinh Ngọc Thiện, ở Long Biên, vẫn phải mang theo cuốn sổ này để làm giấy khai sinh cho con. Anh “toát mồ hôi” với tài khoản công trực tuyến liên tục bị lỗi xác thực:

"Ngày xưa chỉ cần giấy tờ mang đi thôi thì mình có thể xác nhận các thủ tục được. Nhưng bây giờ cứ mỗi dịch vụ lại sinh ra một cái mật khẩu. Các thủ tục này có thể rất ít khi làm, cho nên khi làm lại có thể quên mật khẩu, là phải đăng ký lại. Nếu đã có tài khoản rồi thì phát sinh vấn đề nữa là thủ tục hành chính thì làm ở UBND phường, nhưng xử lý các vấn đề tài khoản lại phải sang một đơn vị khác".

Đến nay, hệ thống định danh điện tử mới cấp được hơn 10 triệu tài khoản. Một lãnh đạo UBND phường cho biết, không chỉ hệ thống thiếu dữ liệu để triển khai thực hiện, mà đơn vị cũng chưa được cấp đủ máy móc, như thiết bị đọc chíp.

Người dân làm thủ tục ở phường phải đến cơ quan công an xin giấy xác nhận thường trú thay thế sổ hộ khẩu đã không còn giá trị.

Kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia (Ảnh: VGP)

Kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia (Ảnh: VGP)

12 Bộ, ngành, 45 tỉnh đã kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư

Liên quan đến vấn đề kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với vấn Thiếu tá Hoàng Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an.

PV: Đến thời điểm này việc xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử đã đạt kết quả ra sao?

Thiếu tá Hoàng Văn Dũng: Hiện nay, dưới sự nỗ lực của công an các cấp Bộ Công an đã chỉ đạo để tiến hành thu nhận hơn 20 triệu hồ sơ đăng ký tài khoản điện tử và thực hiện phê duyệt cấp hơn 18 triệu tài khoản, hơn 5 triệu thông tin thẻ bảo hiểm y tế, 1,5 triệu thông tin giấy phép lái xe.

Công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để hiển thị các thông tin của thẻ căn cước công dân, bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe và các giấy tờ khác phục vụ cho việc thực hiện các thủ tục hành chính của mình.

Đối với từng lĩnh vực xã hội sẽ có các lợi ích riêng biệt, chẳng hạn đối với lĩnh vực y tế, thông tin người có bảo hiểm y tế sẽ là chính xác và duy nhất, tránh thất thoát thì bị trục lợi về các hoạt động về bảo hiểm.

Tất cả các nội dung liên quan đến các giao dịch, thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước thì rõ ràng là minh bạch, rõ ràng nhất theo chỉ tiêu 4 “không”: không gặp gỡ, không tiếp xúc, không giấy tờ và không dùng tiền mặt.

Cá nhân thì cũng chỉ khai báo một lần duy nhất và có thể thực hiện nhiều thủ tục hành chính khác nhau, mà không phải kê khai lại các thông tin.

PV: Thực tế thì khi đến các thủ tục hành chính công, đôi khi người dân vẫn phải xuất trình giấy tờ cá nhân hoặc phải kê khai vào những tờ giấy do cơ quan hành chính đưa ra. Vậy trong thời gian tới mình làm thế nào để có thể giảm thiểu những thủ tục này?

Thiếu tá Hoàng Văn Dũng: Bộ Công an đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc triển khai hệ thống định danh điện tử. Có 12 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp Nhà nước, 45 đơn vị địa phương đã kết nối với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các cấp tỉnh, cùng với hệ thống cơ sở quốc gia dân cư, cũng như hệ thống định danh điện tử để thực hiện tích hợp thông tin tài khoản này, để có thể là xác thực thông tin của công dân.

Đối với việc thống nhất về dữ liệu này thì chúng tôi cũng đang yêu cầu UBND cấp tỉnh còn lại, phải khẩn trương thực hiện các biện pháp về an ninh an toàn thông tin theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, sau đó sẽ thực hiện kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như hệ thống định danh điện tử, để thực hiện xác thực thông tin tài khoản, cũng như xác thực thông tin của công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Quan trọng hơn cả khi mà thực hiện triển khai này cần có sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân, cùng với phía Bộ Công an cũng như các đơn vị triển khai kết nối thực hiện các thủ tục hành chính và đăng ký tài khoản định danh điện tử trong quá trình thực hiện này.

PV: Xin cảm ơn Thiếu tá!

Ảnh: Bộ Công an

Ảnh: Bộ Công an

Cần khai thác hiệu quả dữ liệu đã cập nhật

Nhấn mạnh giá trị của việc số hóa dữ liệu cá nhân là hướng vào phục vụ nhân dân, PGS. TS Ngô Thanh Can, Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia HCM cho rằng, tiến trình cấp mã số định danh và xác thực điện tử phải đảm bảo an ninh, an toàn về thông tin. Đây là vấn đề mấu chốt, tác động đến niềm tin của người dân khi cập nhật, số hóa dữ liệu cá nhân.

Đặc biệt, PGS Ngô Thành Can cho rằng, để đồng bộ hóa dữ liệu cá nhân, ngoài việc hoàn thiện thế chế, chính sách liên kết giữa các đơn vị, tổ chức sử dụng dữ liệu cá nhân, còn phải đào tạo đội ngũ cán bộ để khai thác hiệu quả dữ liệu đó trên môi trường mạng:

"Những người cán bộ công chức viên chức ấy phải thấu hiểu, nắm được vấn đề và làm việc với thái độ phục vụ tốt thì nó quay ngược lại, lại là thể chế tốt và hai việc ấy đều phải tập trung làm, các văn bản quy phạm pháp luật, cái hướng dẫn và cả những vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ những người thực thi này".

Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Nguyên ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến người dân còn băn khoăn khi thực hiện các thủ tục cấp mã định danh và xác thực điện tử là do chưa nhận thấy những lợi ích thiết thực của việc này, nên chưa tự giác thực hiện.

Để cải thiện điều này, Luật sư Nguyễn Văn Chiến cho rằng, thời gian tới, cơ quan chức năng thẩm quyền cần tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện của mỗi một giai đoạn, từ đó đưa ra những nguyên nhân khiến kết quả chưa được như mong đợi.

Thêm vào đó, cần sớm đồng bộ hóa những dữ liệu đã thu thập được, để những dữ liệu này phát huy tác dụng, qua đó thúc đẩy người dân thực hiện các thủ tục cấp mã định danh và xác thực điện tử:

"Giải pháp mà chúng tôi cho rằng nó cần phải phải giải quyết căn cơ, đó chính là chúng ta phải sớm đồng bộ hóa, tránh lãng phí dữ liệu mà đã được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Chúng ta cập nhật rất nhiều rồi, nhưng mà nó chưa phát huy tác dụng, thì cái đó là vấn đề chúng ta phải tìm giải pháp, dữ liệu đã được đổ bộ rồi thì nó phải được thực thi trong đời sống. Khi người ta hoàn tưởng, lúc đó, người ta sẽ tự giác".

PGS. TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội cũng cho rằng, nên có khảo sát, đánh giá mức độ tiếp nhận của người dân để biết mức độ tiếp cận của người dân như thế nào.

Bên cạnh đó, với các hoạt động hành chính công, nên có sự ưu tiên thực hành đối với những người đã được cấp mã định danh, để người dân thấy được những lợi ích khi được cấp mã định danh và xác thực điện tử, từ đó sẽ tham gia.

Đặc biệt, PGS Nguyễn Đức Lộc cũng đề xuất việc đồng bộ hóa dữ liệu từ các Bộ, ngành khác:

"Khâu đó rất quan trọng, vì khi đã đồng bộ thì người dân đỡ bị phiền toái, bởi vì dữ liệu này đâu chỉ có dừng lại trong câu chuyện giải quyết giấy tờ hành chính, mà nó còn liên quan đến các hoạt động khác, thì nó sẽ giảm được những thao tác mà người ta phải lặp lại, ví dụ như điền form này kia…"

Ý kiến của bạn
TP.HCM: Nhà 4 tầng bất ngờ sập đổ, 5 nạn nhân nhập viện

TP.HCM: Nhà 4 tầng bất ngờ sập đổ, 5 nạn nhân nhập viện

Đến 14 giờ ngày 24/09 lực lượng cứu nạn vẫn đang triển khai tìm kiếm 2 nạn nhân mắc kẹt sau vụ sập nhà cao tầng tại hẻm 133 đường Bình Quới, phường 27, quận Bình Thạnh (TP.HCM).

Chăm sóc bệnh nhân ‘sa sút trí tuệ’ sớm để giám gánh nặng xã hội

Chăm sóc bệnh nhân ‘sa sút trí tuệ’ sớm để giám gánh nặng xã hội

Sáng 24/9, tại Bệnh viện 30/4 (TP.HCM) –Bộ công An đã tổ chức Hội thảo “Cập nhật chẩn đoán và điều trị sa sút trí tuệ” nhân chào mừng tháng Alzheimer thế giới. Chương trình được hợp tác giữa bệnh viện và Trung tâm Nghiên cứu bệnh thoái hóa thần kinh Đại học Y Rostock, CHLB Đức.

Hà Nội: Thí điểm cấm phương tiện rẽ trái từ Chùa Bộc vào Học viện Ngân hàng

Hà Nội: Thí điểm cấm phương tiện rẽ trái từ Chùa Bộc vào Học viện Ngân hàng

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa có thông báo về việc thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông, đảm bảo an toàn và giảm ùn tắc khu vực nút giao Chùa Bộc – Học viện Ngân hàng trên địa bàn Q. Đống Đa (Hà Nội).

TP.HCM: 2 nạn nhân chấn thương nặng trong vụ sập nhà 4 tầng

TP.HCM: 2 nạn nhân chấn thương nặng trong vụ sập nhà 4 tầng

Liên quan đến vụ việc sập căn nhà 4 tầng tại hẻm 133 đường Bình Quới, phường 27, quận Bình Thạnh (TP.HCM), Bệnh viện Nhân Dân Gia Định tiếp nhận và tập trung cứu chữa 2 nạn nhân trong trường hợp chấn thương nặng.

Hãng xe MG ra mắt sản phẩm mới

Hãng xe MG ra mắt sản phẩm mới

Ngày 23/9, tại TP.HCM, hãng xe Morris Garages (MG) ra mắt thị trường 2 mẫu xe phân khúc mới với công nghệ hiện đại, an toàn và mức giá phổ thông.

7 Sở GTVT bị phê bình vì chậm giải ngân vốn bảo trì đường bộ

7 Sở GTVT bị phê bình vì chậm giải ngân vốn bảo trì đường bộ

Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi các Khu quản lý đường bộ, các Sở GTVT quản lý ủy thác quốc lộ, các Ban QLDA trực thuộc yêu cầu đẩy nhanh giải ngân kinh phí quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2023.

Không nóng vội để quy hoạch cho có

Không nóng vội để quy hoạch cho có

Một siêu đô thị như TP.HCM đang loay hoay giải quyết bài toán về tắc đường, kẹt xe chưa có lối ra như hiện nay; việc đề xuất làm đường sắt xuyên tâm qua các khu vực sầm uất từ ga Bình Triệu - ga Sài Gòn nối Tân Kiên, huyện Bình Chánh của đơn vị tư vấn là một đề xuất táo bạo.