Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Singapore: Có thể thành lập cơ quan đại diện để đàm phán lợi ích cho tài xế công nghệ

Huy Văn: Thứ năm 17/08/2023, 15:48 (GMT+7)

Do đặc thù không phải hợp đồng lao động, các tài xế công nghệ hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách xã hội. Do đó, một số quốc gia như Singapore đang nỗ lực đưa ra các chính sách để bảo vệ quyền lợi cho các tài xế công nghệ.

Có thể nói, nghề tài xế công nghệ đang thực sự bùng nổ trong những năm gần đây. Nhưng sự gia tăng nhanh chóng về số lượng đang tạo ra một số hạn chế trong việc tiếp cận chính sách an sinh xã hội.

Đặc điểm chung của tài xế công nghệ là chỉ có “hợp đồng đối tác” với công ty cung cấp dịch vụ công nghệ, không phải hợp đồng lao động. Tại nhiều quốc gia, trong đó có cả Việt Nam, hiện chưa có chuẩn mực nghề nghiệp và khung pháp lý rõ ràng, quy định chế độ phúc lợi xã hội cho lực lượng này.

Do đó, khi có sự cố, rắc rối xảy ra, việc bảo đảm quyền lợi cho các tài xế công nghệ là chuyện không dễ dàng.

Hiện Singapore đang có khoảng 73 nghìn lao động làm việc trên các nền tảng, phần lớn trong số đó là các tài xế công nghệ và shipper giao đồ ăn. Ảnh: Strait Times

Hiện Singapore đang có khoảng 73 nghìn lao động làm việc trên các nền tảng, phần lớn trong số đó là các tài xế công nghệ và shipper giao đồ ăn. Ảnh: Strait Times

Theo đài CNA của Singapore, trong thời gian tới, những tài xế công nghệ tại quốc gia này, bao gồm cả taxi công nghệ hay shipper, có thể thành lập các cơ quan đại diện để đàm phán và tranh chấp các lợi ích với các nền tảng phổ biến như Grab, Lalamove hay Foodpanda.

Theo đó, một nhóm làm việc ba bên đã được thành lập để xem xét các lợi ích có thể đưa ra nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhóm tài xế công nghệ; đồng thời thảo luận cách thức để đạt được các lợi ích này. Cuối cùng, đã có 8 khuyến nghị được đưa ra và được Bộ Nhân lực Singapore chấp thuận vào ngày 12/7 vừa qua.

Nhìn chung, 8 khuyến nghị này được chia làm 3 nhóm vấn đề. Thứ nhất là làm thế nào để một cơ quan đại diện cho tài xế công nghệ có thể được thiết lập; thứ hai là những điều khoản nào có thể được đưa ra để đàm phán giữa cơ quan đại diện cho tài xế và các nhà điều hành nền tảng; và thứ ba là những bất đồng giữa các bên sẽ được giải quyết ra sao.

Hiện tại Singapore, một số tổ chức như Hiệp hội taxi, Hiệp hội tài xế công nghệ hay Hiệp hội người giao hàng đang đóng vai trò tiếng nói cho các nhóm người lao động tương ứng. Các hiệp hội này thu thập phản hồi, sau đó gửi tới các nhà điều hành nền tảng để đấu tranh đòi phúc lợi cho người lao động.

Tuy nhiên, các hiệp hội này không có quyền giống như các công đoàn, do đó họ phải đối mặt với nhiều thách thức trong đàm phán, giải quyết tranh chấp với các nền tảng khi đòi quyền lợi về những vấn đề như điều khoản thanh toán, phân bổ công việc và các chính sách xã hội cho các tài xế.

Ông Sim Gim Guan, Người đứng đầu Liên đoàn lao động Singapore chia sẻ: “Việc đàm phán chưa bao giờ là dễ dàng bởi các nền tảng luôn ưu tiên việc đảm bảo kinh doanh, lợi nhuận của họ hơn, cho dù là họ có cố gắng để lắng nghe và đáp ứng các nguyện vọng của người lao động. Do đó, những đề xuất mới nhằm để cải thiện vấn đề này”.

Hiện Singapore đang có khoảng 73 nghìn lao động làm việc trên các nền tảng, phần lớn trong số đó là các tài xế công nghệ và shipper giao đồ ăn. Như nhiều quốc gia khác, tài xế công nghệ là công việc đang thu hút nhiều lao động tại Singapore trong những năm gần đây.

Nhưng một khảo sát thực hiện với hơn 1 nghìn tài xế vào năm ngoái đã chỉ ra rằng, hầu hết những lao động này có mức thu nhập trung bình hoặc dưới trung bình, chỉ có khoảng 30% có mức thu nhập trên trung bình, và 3% có mức thu nhập cao, tương đương khoảng 5 nghìn đô-la Singapore trở lên.

Chưa kể việc các tài xế này do không phải hợp đồng lao động, bị coi là những người “tự kinh doanh” nên họ không được các nền tảng chi trả bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế như người làm toàn thời gian chính thức.

Việc thành lập các cơ quan đại diện có thể giúp các tài xế công nghệiếp cận các chính sách xã hội một cách dễ dàng hơn. Ảnh: AFP

Việc thành lập các cơ quan đại diện có thể giúp các tài xế công nghệiếp cận các chính sách xã hội một cách dễ dàng hơn. Ảnh: AFP

Do đó, chính phủ Singapore gần đây đã nỗ lực nhằm cải thiện môi trường lao động cũng như đảm bảo các lợi ích cần có cho nhóm lao động này. Vào cuối năm ngoái, tài xế của các nền tảng gọi xe và giao hàng được chi trả bảo hiểm tai nạn lao động và đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ Phòng xa trung ương (CPF), hệ thống an sinh xã hội dành cho tất cả công dân và người lao động thường trú tại Singapore.

Chính phủ Singapore cho phép tài xế công nghệ và các nền tảng đóng góp vào CPF với mức tăng dần theo lộ trình 5 năm, cho đến khi đạt các mức đóng góp phổ biến hiện nay là 20% thu nhập (đối với người lao động, và 17% thu nhập đối với doanh nghiệp). Tài xế công nghệ được hưởng gói bảo hiểm tai nạn lao động cơ bản này bất kể số giờ làm việc của họ là bao nhiêu và bất kể số nền tảng mà họ đang làm việc.

Anh Malcong Pang, một tài xế công nghệ chia sẻ: “Thật tốt khi tiếng nói của chúng tôi đã được cả nhà nước lắng nghe và thấu hiểu. Với các nền tảng cũng vậy, với những chính sách trong tương lai, họ sẽ có thể đưa ra các chính sách phù hợp hơn nhằm đảm bảo lợi ích cho cả đôi bên”.

Trở lại với Việt Nam, theo thống kê từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến năm 2022, cả nước có khoảng 200.000 lái xe công nghệ bao gồm mô tô, ô tô cung cấp dịch vụ chở người hoặc vận chuyển thức ăn, hàng hóa được điều hành trên nền tảng công nghệ. Trong đó có gần 50% lái xe công nghệ đang hành nghề tại Hà Nội và TP.HCM.

Có 2/3 các lái xe công nghệ đã có gia đình và 60% đang phải làm kiếm tiền để nuôi dưỡng từ 2 người trở lên. Trong khi đó, thu nhập từ nguồn lái xe công nghệ khá thấp. Bình quân lái xe máy là 318.000 đồng/ngày và 7 triệu đồng/tháng. Còn lái xe ô tô là 564.000 đồng/ngày và 12 triệu đồng/tháng đã trừ phí, xăng. Ngoài thu nhập trên, các loại thưởng, trợ cấp, chương trình hỗ trợ từ công ty cung ứng dịch vụ với mức khá thấp và không thường xuyên. Thu nhập không cao nhưng nhìn chung lái xe công nghệ phải làm việc trong điều kiện vất vả, căng thẳng.

Do đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị cơ quan bảo hiểm xã hội nên nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ nền tảng hỗ trợ các lái xe công nghệ tiếp cận, tham gia vào quá trình phát triển hệ thống an sinh.

 

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn