Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Sẽ có "Ngày cây xanh Việt Nam"

Minh Hiếu: Thứ hai 19/05/2025, 15:08 (GMT+7)

Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về quản lý công viên, cây xanh, mặt nước, với kỳ vọng tăng diện tích không gian xanh công cộng, góp phần nâng cao chất lượng môi trường và cuộc sống người dân...

Dự thảo Nghị định về quản lý công viên, cây xanh, mặt nước gồm 5 chương, 48 điều: Những quy định chung; Quản lý công viên; Quản lý cây xanh; Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng công viên, cây xanh do nhà nước đầu tư, quản lý; Tổ chức thực hiện.

Một trong những nội dung nổi bật của dự thảo Nghị định là cho phép khai thác, kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng công viên, cây xanh theo cơ chế thị trường. Cụ thể, tại Điều 35, dự thảo phân định rõ ràng giữa hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng công viên, cây xanh và hoạt động khai thác, kinh doanh của đơn vị khai thác tài sản kết cấu hạ tầng công viên.

Về quản lý tài sản, dự thảo Nghị định nhấn mạnh mọi tài sản kết cấu hạ tầng công viên, cây xanh do Nhà nước đầu tư đều phải được thống kê, kiểm kê, lập hồ sơ đầy đủ và tổ chức bảo trì theo quy định.

Cơ chế tài chính bền vững cho lĩnh vực hạ tầng xanh được quy định tại Điều 43. Theo đó, số tiền thu được từ khai thác và xử lý tài sản công viên, cây xanh (bao gồm cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác, tiền bảo hiểm…) sẽ do Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng.

Về tổ chức thực hiện, Điều 44 dự thảo Nghị định về quản lý công viên, cây xanh, mặt nước đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, phù hợp yêu cầu trong thời đại số hóa để quản lý tốt hơn, đồng thời thu hút sự tham gia giám sát của người dân.

Bên cạnh đó, dự thảo đưa ra yêu cầu về lập Đề án phát triển công viên, cây xanh, mặt nước đô thị cho các thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có nội dung về bảo tồn mặt nước hiện hữu và phát triển mặt nước nhân tạo ở các khu vực ngập úng hoặc thiếu nước.

Các tiêu chí lựa chọn loài cây trồng công cộng được đề cập tại Điều 23 và Điều 27, yêu cầu ưu tiên cây bản địa và thân thiện với môi trường, đồng thời khuyến cáo tránh trồng các loài cây nguy hiểm, gây hại.

Trách nhiệm duy tu, chăm sóc, cắt tỉa, chặt hạ, dịch chuyển cây xanh sử dụng công cộng được phân cấp rõ ràng. Đặc biệt, việc chặt hạ cây xanh sẽ phải xin phép trong nhiều trường hợp, đồng thời có quy định về trồng bù thay thế và trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu gây ảnh hưởng người và tài sản.

Cơ chế hợp đồng dịch vụ quản lý công viên, cây xanh được cụ thể hóa tại Điều 22 và Điều 24. Các đề xuất mới mở rộng quyền tự chủ cho đơn vị thực hiện dịch vụ, đồng thời quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và phương thức nghiệm thu, thanh toán để minh bạch việc xã hội hóa dịch vụ công.

Dự thảo Nghị định về quản lý công viên, cây xanh, mặt nước đang được Bộ Xây dựng tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Công viên, cây xanh, mặt nước có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì chất lượng môi trường sống, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu (Ảnh: Minh Hiếu)

Công viên, cây xanh, mặt nước có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì chất lượng môi trường sống, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu (Ảnh: Minh Hiếu)

HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC  ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CÂY XANH, MẶT NƯỚC

Vì sao Bộ Xây dựng đề xuất nhiều quy định mới về quản lý công viên, cây xanh và mặt nước? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với bà Đặng Anh Thư, Phó Cục trưởng Cục Kết cấu hạ tầng xây dựng, Bộ Xây dựng - đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định.

PV: Xin bà cho biết về sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị định này?

Bà Đặng Anh Thư: Công viên, cây xanh, mặt nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý không gian công cộng để phục vụ người dân. Hiện nay, biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường có tác động rất lớn đến chất lượng không khí. Do đó, vai trò của công viên, cây xanh, mặt nước phục vụ cho dân cư đô thị hay nông thôn là rất quan trọng để duy trì chất lượng môi trường sống, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu.

Về các cơ sở ban hành nghị định quản lý công viên, cây xanh, mặt nước, cơ sở chính trị thì Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị đã khẳng định vai trò của cây xanh đô thị, trong đó đặt ra các mục tiêu diện tích cây xanh đô thị trên mỗi người dân đô thị năm 2030 đạt khoảng 8 - 10m2/người. Để đạt được chỉ tiêu ấy, trước hết chúng ta cần có công cụ pháp lý tạo cơ chế, chính sách, quy định để khuyến khích sự tham gia của xã hội trong việc phát triển công viên, cây xanh, mặt nước.

Tại các văn bản pháp luật hiện nay, như Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn vừa ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, đã giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý công viên, cây xanh, mặt nước đô thị và nông thôn, cũng như một loạt văn bản quy phạm pháp luật khác.

Về cơ sở thực tiễn, việc quản lý công viên, cây xanh đô thị đã có Nghị định 64 đã được ban hành khá lâu, từ năm 2010, không còn phù hợp với tình hình quản lý thực tiễn, đặc biệt là thiếu quy định về quản lý công viên, mặt nước. Vì vậy, việc xây dựng nghị định quản lý công viên, cây xanh, mặt nước là rất quan trọng và cần thiết.

PV: Ban soạn thảo kỳ vọng gì vào dự thảo Nghị định nếu được ban hành?

Bà Đặng Anh Thư (thứ ba từ trái sang), Phó cục trưởng Cục Kết cấu hạ tầng xây dựng, Bộ Xây dựng (Ảnh: Bộ Xây dựng)

Bà Đặng Anh Thư (thứ ba từ trái sang), Phó cục trưởng Cục Kết cấu hạ tầng xây dựng, Bộ Xây dựng (Ảnh: Bộ Xây dựng)

Bà Đặng Anh Thư: Trước hết, chúng ta thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý để điều chỉnh hoạt động quản lý, phát triển công viên, cây xanh, mặt nước.

Chúng tôi đã phân định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể có hoạt động liên quan quản lý, phát triển công viên, cây xanh, mặt nước. Nhất là trong bối cảnh mới, chúng ta đang thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư và các văn bản của Đảng, Nhà nước về việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho địa phương.

Nghị định này được ban hành cũng góp phần nâng cao khả năng huy động các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển cây xanh, mặt nước, nhằm tăng diện tích cây xanh và đảm bảo chất lượng môi trường tại các đô thị cũng như khu vực nông thôn, tạo cảnh quan cho đô thị.

PV: Xin cảm ơn bà!

ĐÔ THỊ KHÁ CỤ THỂ, NÔNG THÔN  ÍT ĐƯỢC ĐỀ CẬP

Những đề xuất quản lý công viên, cây xanh và mặt nước được đề cập trong dự thảo Nghị định liệu có phù hợp hay cần chỉnh sửa, bổ sung gì? PV VOV Giao thông phỏng vấn PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến - Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng về nội dung này.

PV: Ông có đánh giá thế nào về các nội dung quản lý cây xanh, công viên, mặt nước được đề cập trong dự thảo Nghị định?

PGS. TS. Nguyễn Hồng Tiến: Xem toàn bộ kết cấu của dự thảo Nghị định lần thứ ba, tôi cho rằng là khá phù hợp. Có thể kể đến một số nội dung mới như phạm vi điều chỉnh khá rộng và đầy đủ theo nhiệm vụ đặt ra của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Thứ hai, khẳng định thêm Ngày cây xanh Việt Nam là ngày 1/11 hàng năm. Tôi cho rằng có ý nghĩa rất lớn, tôn vinh những người làm công tác về cây xanh, công viên, mặt nước - những khu vực tạo nên bản sắc, góp phần tạo nên chất lượng sống của người dân tốt hơn. Nhưng rất tiếc là nội dung này không hề giao nhiệm vụ cho ai để tổ chức triển khai một cách trang trọng để từ đó thúc đẩy hiệu ứng.

Thứ ba, bổ sung quản lý các công trình ngầm được xây dựng trong công viên, khu vực công cộng; quy định cụ thể hơn về quản lý các loại cây trồng trong đô thị: cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh hạn chế, cây xanh bảo tồn. Từ trước đến nay chúng ta cũng nói nhiều rồi nhưng chưa có những quy định cụ thể.

Tiếp đó là quản lý tài sản về cây xanh và công viên; tín chỉ carbon từ việc chúng ta phát triển cây xanh, công viên, mặt nước. Cuối cùng là phân công, phân cấp trách nhiệm về quản lý rõ ràng hơn để thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Mặc dù dự thảo này khá chi tiết và cụ thể, nhưng một số nội dung cần phải được làm rõ hơn.

Thứ nhất là căn cứ pháp luật để xây dựng Nghị định này, ví dụ: Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia. Những luật này không liên quan gì đến nội dung của Nghị định nhưng vẫn đưa vào phần căn cứ pháp luật. Tôi cho rằng cái này nên rà soát và bỏ.

Thứ hai là phạm vi, khu vực đô thị thì khá cụ thể, nhưng khu dân cư nông thôn tập trung thì hầu như ít được đề cập. Quản lý cây xanh, mặt nước trong khu dân cư nông thôn tập trung có tính đặc thù, khác hẳn so với khu vực đô thị. Ví dụ như việc chặt hạ, di chuyển cây xanh, khu vực nông thôn phải có quy định mềm dẻo và linh hoạt hơn, chứ không cứng nhắc như khu vực đô thị.

Một điều nữa trong phạm vi là mặt nước. Không gian mặt nước trong đô thị được quản lý, khai thác như thế nào, ngoài việc làm nhiệm vụ của một hồ điều hòa? Hay nó làm nhiệm vụ của nơi lưu trữ nước? Cây xanh, công viên, mặt nước tham gia vào việc thoát nước mưa của đô thị như thế nào?

Như nhiều nước trên thế giới, họ tận dụng, sử dụng vào việc chống ngập úng đô thị rất hiệu quả. Bình thường, khu vực cây xanh, công viên, mặt nước là khu vực vui chơi giải trí, nhưng khi cần nó có thể tham gia tích nước, trữ nước tạm thời khi có mưa lớn. Khi hết mưa, nó tiếp tục thẩm thấu, tăng bổ cập cho nước ngầm, mặt khác có thể được bơm ra những hệ thống thoát nước đô thị. Vai trò này rất là quan trọng nhưng dự thảo không đề cập.

Một điều nữa là quản lý về tài sản kết cấu hạ tầng của cây xanh, công viên, mặt nước, nó có tính đặc thù và sẽ khác so với những công trình mà tài sản mang tính độc lập. Ví dụ, quản lý tài sản là cây xanh đang sống khác với quản lý một cái nhà, không thể cứ tuân thủ một cách cứng nhắc Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được.

PV: Theo ông, nếu dự thảo Nghị định này được ban hành thì sẽ có những tác động xã hội nào?

PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến: Đầu tiên là nâng cao được nhận thức của người dân, nâng cao được vai trò, vị trí của cây xanh, công viên, mặt nước, người ta sẽ tham gia tích cực hơn trong việc bảo vệ và góp phần thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.

Nghị định này cũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của người dân, đơn vị quản lý vận hành, trách nhiệm của chính quyền. Khi cây xanh đổ do bất cả kháng (biến đổi khí hậu, mưa bão,…) thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Chứ như trước đây, những vụ cây xanh đổ gây tai nạn chết người hay là gây ra thiệt hại về cơ sở vật chất thì chúng ta chưa có những quy định cụ thể để có thể xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Một điều nữa là nếu thực hiện tốt việc quản lý thì chúng ta sẽ giảm thiểu được tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng đảo nhiệt trong đô thị.

Nó cũng có một tác động ngược lại, vậy thì nguồn tài chính cho hoạt động này như thế nào? Thu lợi từ hoạt động này phân bổ lại như thế nào? Nghị định này cũng đã nêu lên một vài giải pháp, tuy nhiên, nó cũng phụ thuộc rất nhiều yếu tố: sự quan tâm của chính quyền, sự quan tâm của người dân, sự quan tâm của các tổ chức quốc tế… Tôi cho rằng cần phải làm rõ, cụ thể hơn thì chúng ta mới huy động được các nguồn lực này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, khiến hệ thống cây xanh, công viên và mặt nước tại nhiều thành phố lớn đang thiếu hụt nghiêm trọng. Công viên công cộng khan hiếm, mặt nước dần bị san lấp, mất dần vai trò thoát nước mưa và điều hòa. Cùng với đó, biến đổi khí hậu khiến thời tiết cực đoan gia tăng, gây thiệt hại cho hạ tầng và đe dọa an toàn cộng đồng. Tuy nhiên, việc quản lý công viên, cây xanh, mặt nước hiện nay còn nhiều bất cập, chưa có cơ sở dữ liệu thống nhất; quy trình chăm sóc, cắt tỉa, chặt hạ cây và duy tu công viên chưa rõ ràng; cơ chế khai thác và duy tu còn nhiều lúng túng,…

Vì vậy, việc ban hành Nghị định về quản lý công viên, cây xanh, mặt nước là cần thiết để thiết lập khung pháp lý thống nhất, minh bạch, nhằm bảo vệ, phát triển hiệu quả không gian xanh - yếu tố sống còn trong chiến lược phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bạn kỳ vọng gì vào dự thảo Nghị định này? Nếu dự thảo Nghị định được ban hành thì sẽ có những tác động xã hội như thế nào? Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho dự thảo qua hotline: 024.37.91.91.91, fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

----

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” trong khung giờ “FM 91 chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần trên VOV Giao thông FM 91 MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcasts dành cho di động.

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hàng loạt xe bị chặn đăng kiểm do lỗi từ nhiều năm trước, xử lý ra sao?

Hàng loạt xe bị chặn đăng kiểm do lỗi từ nhiều năm trước, xử lý ra sao?

Như VOV Giao thông đã thông tin, thời gian qua, nhiều tài xế phản ánh, họ bị chặn đăng kiểm do bị lỗi phạt nguội từ nhiều năm trước. Đáng chú ý, các lỗi này không hề được phát hiện và phương tiện cũng đã nhiều lần đăng kiểm thành công. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Hà Nội chính thức khởi công cầu Tứ Liên nối Tây Hồ với Đông Anh

Hà Nội chính thức khởi công cầu Tứ Liên nối Tây Hồ với Đông Anh

Sáng nay (19/5), UBND TP Hà Nội chính thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa).

Chở sắt quá dài, đi vào đường cấm: Tài xế và chủ xe bị phạt hơn 40 triệu đồng

Chở sắt quá dài, đi vào đường cấm: Tài xế và chủ xe bị phạt hơn 40 triệu đồng

Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ số 1 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) vừa xử lý, lập biên bản vi phạm đối với lái xe và chủ phương tiện chở sắt làm rơi hàng xuống đường, gây mất an toàn giao thông.

Việc khó bỏ… cho dân?

Việc khó bỏ… cho dân?

Việc tiếp tục đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông của một đại biểu Quốc hội những ngày qua lại dấy lên những ý kiến trái chiều. Nhưng khác với những lần tăng trước, lần này, chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại vấn đề này…

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cầu Tứ Liên phải thi công trong vòng 24 tháng

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cầu Tứ Liên phải thi công trong vòng 24 tháng

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các nhà thầu thi công dự án cầu Tứ Liên phải thi công trong vòng 24 tháng, mặt bằng thi công dự án không nhiều chỉ hơn 5km, cần tăng ca tăng kíp, vận dụng tất cả những gì hiện đại nhất trong ngành xây dựng để rút ngắn thời gian thi công...

Kiến thức học chậm không sao, nhưng kỹ năng sinh tồn không thể chậm

Kiến thức học chậm không sao, nhưng kỹ năng sinh tồn không thể chậm

Chỉ vài tuần nữa là học sinh bước vào kỳ nghỉ hè nhưng đã liên tiếp xảy ra một số vụ đuối nước thương tâm, tai nạn giao thông liên quan đến học sinh. Bởi vậy, cần chú trọng đến dạy các kỹ năng đảm bảo an toàn cho trẻ:

Bó sắt di động, “hung thần” trên đường phố

Bó sắt di động, “hung thần” trên đường phố

Sáng 19/5, tại vòng xoay cầu Chương Dương, một bó sắt dài 12 mét, nặng khoảng ba tấn đã bất ngờ đổ xuống mặt đường khiến giao thông ùn ứ và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao.