Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Sau hàng dừa nước mái nhà ai...

Kim Loan: Thứ tư 01/01/2025, 15:55 (GMT+7)

Người ta nói biểu tượng của làng quê Việt Nam là lũy tre làng, nhưng với cư dân miệt châu thổ Cửu Long thì biểu tượng lại là một rặng dừa nước ven sông. Miền Tây là “thủ phủ” sinh sôi của cây dừa nước, ven những triền sông hay con rạch, đâu đâu cũng có bóng dáng của loại cây này.

Dừa nước rất giản dị nhưng có vai trò rất lớn trong đời sống vật chất và tinh thần của biết bao con người ở đây. Người miền Tây xem cây dừa nước là bạn đồng hành trong nhiều hoàn cảnh sống khác nhau, dừa nước cũng che gió chắn bão, giữ bình yên cho từng mái nhà. Nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Nhâm Hùng cho biết:

“Sông Cái Lớn là “vương quốc” của dừa nước, từ đó trải dài qua tận Kiên Giang, Bạc Liêu toàn là dừa nước. Có những con kinh bạt ngàn dừa nước, có cô gái chèo ghe giữa hai hàng lá dừa de ra, nhìn đẹp lắm. Ngày xưa, mỗi một khu chợ đều có ít nhất vài ba nhà vựa lá. Các ghe lá ở Cà Mau, Long Mỹ chở lên bổ lại cho vựa và bán cho các thương hồ vì ngày xưa lợp nhà chỉ có một loại lá bằng dừa nước thôi”.

Một buồng dừa nước có thể chi chít đến cả trăm trái

Một buồng dừa nước có thể chi chít đến cả trăm trái

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng, cái tên dừa nước đã thể hiện đặc tính của chính loại cây này là sống ở vùng ngập nước mà nhiều nhất là các bãi bồi ven sông. Bất chấp nước ngọt, mặn hay lợ thì dừa cũng dư sức vươn mình sinh sôi. Thân cây mọc ngang dưới lòng đất, lá vươn thẳng lên trời cao để đón nhận ánh nắng mặt trời. Tuy bám rễ vào sình lầy nhưng rất vững vàng trong bão táp, phong ba. Dừa nước không bao giờ chịu sống đơn lẻ mà sống từng cụm từng dãy chạy dọc theo con sông quê bao bọc lấy xóm thôn. Nó cũng thuộc loài tự sinh trưởng, khi một quài dừa già đi, trái của nó sẽ bị cuốn trôi theo dòng nước đến một bãi bồi nào đó mọc mầm lên cây và tiếp tục hành trình sinh sôi phát triển. Cây dừa nước ngày ngày âm thầm đóng góp cho người dân quê trong nhiều công việc.

Từ thời chiến tranh, dừa nước từng che chở cho những người giải phóng quân vùng Cửu Long thoát khỏi mưa bom bão đạn của kẻ thù. Thân dừa dù cháy sém, lụi tàn vẫn kịp giao nhiệm vụ lại cho lứa con sau tiếp tục bám đất bám làng.

“Dừa nước trong chiến trang có ý nghĩa rất lớn, giặc càng quét ở đâu nhưng khi đến khu vực vừa nước là không dám lội vào, sợ sa lầy. Thuốc khai hoang đổ xuống cái gì cũng chết, dừa nước cũng chết, nhưng nó héo lá rồi con nó lại tiếp tục đâm chồi sống lại. Khả năng sinh tồn của cây dừa nước ghê gớm lắm”.

Với cư dân miệt châu thổ Cửu Long thì rặng dừa nước ven sông là biểu tượng của làng quê

Với cư dân miệt châu thổ Cửu Long thì rặng dừa nước ven sông là biểu tượng của làng quê

Sau giải phóng, đời sống kinh tế vô cùng khó khăn, dừa vẫn đảm bảo cho biết bao nhiêu người mái ấm vững vàng trong mưa bão. Từ phần lá và phần cọng dừa nước, người xưa đã đan thành tấm lợp rất gọn gàng và sắc sảo. Rồi những tấm lá ấy được chở trên những chiếc ghe, rong ruổi khắp nơi trên các con sông để bán cho hàng triệu gia đình miền Nam dùng vào việc lợp nhà. Lá lợp nhà cũng có nhiều loại, mỗi loại lại có một giá trị khác nhau về kinh tế, độ bền. Lá dừa nước để nguyên tàu, xé ra làm đôi theo chiều dọc gọi là “lá xé” lợp nhà thì tuyệt vời. Nếu lợp dầy, khít có thể cầm cự được với nắng mưa tới 9, 10 năm. Còn lợp thưa thì tệ lắm cũng phải 5,6 năm với điều kiện là không có con chuột nào làm ổ trên nóc nhà, và không có những chú “rắn rồng” chuyên tìm bắt chuột làm cho nóc nhà của ta bị tơi tả, rách nát.

Từ thời chiến tranh, dừa nước từng che chở cho những người giải phóng quân vùng Cửu Long thoát khỏi mưa bom bão đạn của kẻ thù

Từ thời chiến tranh, dừa nước từng che chở cho những người giải phóng quân vùng Cửu Long thoát khỏi mưa bom bão đạn của kẻ thù

Còn lại một kiểu lá nữa, gọi là lá “chầm cốp”, loại lá này người ta phải róc rời từng tàu lá dừa nước, phơi cho dôn dốt nắng, bẻ gập miếng lá theo quy cách 2/3 cặp vào “sống” lá mà chầm cho kết dính lại. “Sống” lá cũng bằng thân cây dừa nước. Bà Nguyễn Thị Đáu, người có hơn 20 năm chầm lá lợp nhà tại huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh cho biết:

“Lá mình phải bẻ sát tay nó mới đẹp tấm lá. Lá lợp nhà cần phải dầy mới ở lâu được, còn mỏng quá thì mau dột lắm. Chầm xong đưa xuống ghe đưa vô vùng sâu, mỗi chuyến ghe đi từ 3.000 tấm lá sẽ bỏ túi được hơn 2 triệu đồng. Tháng nào hút hành thì tôi đi 4 chuyến/tháng”.

Lá dừa nước cũng là thứ dùng để ướm chiếc bánh quê nghèo. Đó là một loại bánh được làm bằng bột gạo nắn mỏng, dính trên chiếc lá dừa nước, đem hấp chín rồi ăn với nước cốt dừa.

Khi trái vừa già tới, bổ đôi ra sẽ thấy phần cơm bên trong nõn nà

Khi trái vừa già tới, bổ đôi ra sẽ thấy phần cơm bên trong nõn nà

Bông dừa rất thơm, trổ quanh năm và đậu trái rất sai. Một buồng dừa nước có thể chi chít đến cả trăm trái. Khi trái vừa già tới, bổ đôi ra sẽ thấy phần cơm bên trong nõn nà. Cơm dừa có mùi thơm rất lạ, người ta dùng để nấu chè hay để nguyên như vậy, bỏ đường, đá vào ăn cũng ngon không kém cơm trái thốt nốt vùng Bảy Núi (An Giang).

Bập dừa nước cũng là một vật dụng hữu ích mà tuổi thơ thường tụm năm tụm bảy để tập lội. Chiều chiều, khi bìm bịp kêu nước lớn đầy sông, mỗi đứa ôm một cái bập dừa để cả đám trẻ cùng vùng vẫy, khuấy động một khúc sông quê. Nông dân hay đốn bập dừa nước để chẻ lạt làm dây cột miệng bao, dùng cho mỗi mùa thu hoạch lúa. Dây dừa nước phơi khô vừa dẻo vừa dai, buộc miệng bao thì đó hạt lúa nào rơi ra được. Lợp nhà phải có lạt buộc, có nơi người ta lợp nhà bằng lạt tre, nhưng muốn cho “đồng thanh, đồng thủ” thì người ta thường lợp nhà bằng lạt dừa nước, gọi là có tình, có nghĩa. Lạt dừa trước khi xỏ lợp phải được chuốt nhọn một đầu, đem thui trên lửa cho cứng, phần còn lại đem nhúng vào nước cho dai, không bị gãy khi cột.

Những hàng dừa nước lung linh ru mình trong nắng mới vẫn tiếp tục là điểm tựa cho những túp lều tranh ở vùng Cà Mau, Kiên Giang ngày nay

Những hàng dừa nước lung linh ru mình trong nắng mới vẫn tiếp tục là điểm tựa cho những túp lều tranh ở vùng Cà Mau, Kiên Giang ngày nay

Còn cây dừa nước non, nhọn hoắc gọi là “cà bắp” cũng có công dụng lắm. Ngày trước nghe nói khi khẩn hoang, lập ấp, cá sấu nhiều vô số kể, nhất là cá sấu hoa cà. Người ta dùng “cà bắp” để đâm vào thân thể cá sấu thì cá sấu bị khống chế ngay, càng vùng vẫy, “cà bắp” càng ăn sâu hơn. Nói như thế để cho ta thấy rằng cây dừa nước không bị chê một bộ phận nào.

Cuộc sống khá giả, người nhà quê cũng bước vào dòng chảy hội nhập. Những ngôi nhà lá mát mẻ nhưng không trụ được bền với thiên nhiên khắc nghiệt dần được thay thế bằng nhà tường bê tông, mái tôn hoặc mái ngói kiên cố. Có người xây nhà đúc hai, ba tầng thậm chí xây nhà theo kiểu biệt thự hay cung đình với những kiến trúc vẽ từ bên Tây. Bây giờ ít ai còn lợp nhà bằng lá dừa nước, nhưng những hàng dừa nước vẫn lung linh ru mình trong nắng mới, sừng sững đón sóng vỗ bờ. Tại Cà Mau, vẫn còn nhiều nhà lợp bằng lá dừa nước, khói lam chiều len lỏi qua khe hở của mái lá, phiêu diêu, lãng đãng mà thấy mát mẻ làm sao.

Từ phần lá và phần cọng dừa nước, người xưa đã đan thành tấm lợp rất gọn gàng và sắc sảo. Rồi những tấm lá ấy được chở trên những chiếc ghe, rong ruổi khắp nơi trên các con sông để bán cho hàng triệu gia đình miền Nam dùng vào việc lợp nhà

Từ phần lá và phần cọng dừa nước, người xưa đã đan thành tấm lợp rất gọn gàng và sắc sảo. Rồi những tấm lá ấy được chở trên những chiếc ghe, rong ruổi khắp nơi trên các con sông để bán cho hàng triệu gia đình miền Nam dùng vào việc lợp nhà

Nếu khéo để ý, vẫn thấy hình ảnh cây dừa nước chưa bao giờ mất đi, nhiều người ở thành thị vẫn giữ lại ngôi nhà lá để dùng làm nơi lưu trữ, nhà mát. Ðặc biệt, tại các điểm du lịch sinh thái thường dùng lá dừa nước làm nhà, chống ồn rất tốt, vừa tạo không gian mát mẻ, gần gũi với môi trường sinh thái và phục vụ khách du lịch, vui chơi, nghỉ dưỡng. Anh Ngô Hữu Thành, chủ quán cà phê Ven Sông tại TP. Cần Thơ cho biết

“Quán của anh mở được hơn một năm, thị hiếu của người miền Tây là thích mát mẻ nên người ta đến đây khen nhiều lắm. Lá này xài độ bền cũng được trên 3 năm mà quan trọng là nó mát lắm”.

Trái dừa nước ngày nay trở thành thức uống giải khát được nhiều người ưa chuộng bởi đặc tính thơm ngon. Ở nông thôn, người dân men theo rặng dừa nước mọc hoang trên các bãi bồi, đốn buồng bán trái

Trái dừa nước ngày nay trở thành thức uống giải khát được nhiều người ưa chuộng bởi đặc tính thơm ngon. Ở nông thôn, người dân men theo rặng dừa nước mọc hoang trên các bãi bồi, đốn buồng bán trái

Với diện tích dừa nước mọc hoang khắp các vùng quê ở ĐBSCL hiện nay đã tạo sinh kế cho nhiều lao động nông thôn. Trái dừa nước trở thành thức uống giải khát được nhiều người ưa chuộng bởi đặc tính thơm ngon. Nhờ đó mà nhiều hộ dân ở xã Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) có nguồn thu nhập ổn định từ kinh doanh dừa nước. Để có nguồn nguyên liệu, bà con ở “xóm dừa nước” thuê phân khu trồng dừa nước của Lâm trường Mỹ Phước với giá 10-15 triệu đồng/năm. Một số hộ khác thì đi dọc các tuyến sông ở Mỹ Tú, Mỹ Xuyên…có dừa nước mọc hoang để bổ ra bán cơm, thu nhập gần 1 triệu đồng/ngày.             

Để đối phó với tình trạng biến đổi khi hậu đang diễn ra ngày một khốc liệt, Nhà nước đã có chủ trương khôi phục lại rừng, lấy cây dừa nước làm điểm tựa. Vì rừng dừa nước không tranh chấp với đất nông nghiệp, chỉ trồng dọc bờ sông, bờ kênh, rạch, các cửa sông, bãi biển. Ước tính diện tích dùng để trồng dừa nước trên những vùng sinh thái như vậy có đến hàng triệu hecta.

Cơm dừa có mùi thơm rất lạ, người ta dùng để nấu chè hay để nguyên như vậy, bỏ đường, đá vào ăn cũng ngon không kém cơm trái thốt nốt vùng Bảy Núi (An Giang)

Cơm dừa có mùi thơm rất lạ, người ta dùng để nấu chè hay để nguyên như vậy, bỏ đường, đá vào ăn cũng ngon không kém cơm trái thốt nốt vùng Bảy Núi (An Giang)

Việc giữ lại và phát triển diện tích cây dừa nước ngoài phát huy những công năng hữu ích của nó thì còn một lẽ đó là cách thể hiện lòng biết ơn đối với người bạn thuở hàn vi. Người bạn luôn đồng hành cùng người nông dân từ thuở sơ khai quá đỗi nhọc nhằn.

Không ít lần giữa phố thị, bắt gặp hình ảnh cây dừa nước được trồng trong chậu để tạo cảnh quan, nó gợi cho người miền Tây nhớ về cái xóm nhỏ thân thương với những mái nhà nép mình bên hàng dừa nước!

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn