Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Phiên âm hay giữ nguyên tên riêng nước ngoài trong SGK

Quang Hùng: Thứ hai 12/09/2022, 16:28 (GMT+7)

Đã có một thời gian dài, việc học ngoại ngữ là một điều xa lạ với phần đông người dân. Do vậy để giúp nhân dân tiếp cận được với những thông tin quốc tế và dễ dàng trong việc đọc, ghi nhớ chúng ta thường sử dụng cách phiên âm tên riêng, địa danh nước ngoài theo cách đọc tiếng Việt.

Mặc dù việc phiên âm hay giữ nguyên tên gốc nước ngoài đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phải suy nghĩ nghiêm túc về việc này.

Đặc biệt, hiện nay việc phiên âm tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa các cấp vẫn không hề thay đổi. Dù năm nào chúng ta cũng có đề án cải tiến, có rất nhiều chuyên gia đã đề xuất việc bỏ cách làm này và giữ nguyên tên riêng nước ngoài phục vụ việc học tập tốt hơn cho học sinh.

Muốn tìm hiểu thêm về các nhân vật lịch sử trên mạng, Minh - học sinh lớp 10 trường PTTH Chu Văn An, Hà Nội không thể tra trên mạng theo tên các nhân vật này mà em đã được học trong sách giáo khoa để bổ sung kiến thức cho mình: "Em muốn tra cứu trên mạng về những nhân vật lịch sử nhưng tra the o tên trong sách giáo khoa em đang học thì không được.

Em thường phải hỏi bố để biết tên gốc của họ rồi mới tra được, nhưng nhiều nhân vật bố em cũng không biết, mà thầy cô ở trường cũng chỉ dạy cách đọc phiên âm, nó rất khó cho việc học thêm của em".

Kiểm tra sách giáo khoa của con, chị Hiền rất ngạc nhiên khi thấy hiện nay, sách giáo khoa của con hiện nay vẫn còn sử dụng cách phiên âm tên riêng nước ngoài theo kiểu đọc như thế nào thì viết như vậy: "Tôi không nghĩ rằng bây giờ sách giáo khoa vẫn còn dùng cách phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài. Bây giờ trong nhà trường đều đã bắt buộc dạy ngoại ngữ, với trình độ của các con hiện nay đều có thể phát âm chuẩn xác tên các nhân vật lịch sử, địa danh nước ngoài rồi".

Việc phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài không giúp các con dễ dàng trong việc học mà thậm chí còn gây khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu học tập, vì các con không thể biết được tên những nhân vật hay địa danh chính xác để tìm kiếm trong các văn bản nước ngoài…

Điều đáng nói ở chỗ, ngay cả việc phiên âm tên riêng nước ngoài hiện nay cũng khá… lộn xộn, mỗi nơi phiên âm một kiểu, dẫn đến việc đọc, hiểu cũng khác nhau.

SGK hiện nay vẫn dùng cách phiên âm tên riêng nước ngoài theo cách đọc tiếng Việt

SGK hiện nay vẫn dùng cách phiên âm tên riêng nước ngoài theo cách đọc tiếng Việt

Nhìn nhận về vấn đề này, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến - Giảng viên khoa Lịch sử - trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia cho biết: Về việc sử dụng phiên âm ra cách đọc tiếng Việt cho tên riêng quốc tế, trước kia có một thời gian rất dài chúng ta sử dụng cách Việt hoá các thuật ngữ trong tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga… Và việc làm như vậy nhằm mục đích giúp người dân dễ dàng trong việc đọc tên riêng nước ngoài, tránh việc đọc không chuẩn… Trong các tờ báo, sách giáo khoa của chúng ta ngày xưa đã sử dụng rất nhiều hình thức này.

TS Đinh Đức Tiến cũng cho rằng, việc phiên âm tên riêng nước ngoài đến nay đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” của mình, và trong giai đoạn mới hiện nay, nó không còn phù hợp trong việc giảng dạy, hay dùng trên sách báo nữa.

"Tuy nhiên sang đến giai đoạn hiện nay, tôi cho rằng cách làm như vậy không còn phù hợp nữa. Thứ nhất là việc chúng ta đã phổ biến ngoại ngữ trong trường học, hầu hết học sinh cũng như các thế hệ lớn tuổi hơn đều đã biết ít nhất một ngoại ngữ…

Hơn nữa chúng ta đã có những công cụ truyền thông mở, từ tivi, đài báo, thậm chí là các công cụ trên internet… đã quá phổ biến, việc phiên âm như vậy không còn phù hợp nữa. Chính vì vậy, giải pháp tôi mong muốn đưa ra đó là chúng ta nên giữ nguyên gốc tên riêng nhân vật, địa danh nước ngoài… theo tôi cách làm như vậy phù hợp hơn, và mang tính hội nhập quốc tế nhiều hơn",  TS Đinh Đức Tiến cho biết thêm.

Rất khó cho học sinh nếu muốn tra cứu tài liệu nước ngoài theo tên phiên âm kiểu như hiện nay

Rất khó cho học sinh nếu muốn tra cứu tài liệu nước ngoài theo tên phiên âm kiểu như hiện nay

Đồng tình với quan điểm này, thầy Trần Trung Hiếu – giáo viên Sử - trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cho rằng, những danh từ tên riêng tiếng nước ngoài khi vào Việt Nam thường được Việt hoá hoặc phiên âm theo từ Hán Việt để tạo sự gần gũi và dễ hiểu cho học sinh, cho người đọc. Vấn đề này trong quá khứ và hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng trên hết chúng ta cần phải tôn trọng từ gốc khi sử dụng

"Nếu như bây giờ vẫn tranh luận, tranh cãi đúng sai thì sẽ không bao giờ đi đến hồi kết. Các cơ quan quản lý giáo dục, các nhà viết sách, biên tập khi viết nên để nguyên từ gốc và mở ngoặc cách đọc từ đó.

Tôi nghĩ rằng khi sử dụng danh từ nước ngoài trong các cuốn sách, đặc biệt trong sách giáo khoa thì nên để nguyên từ gốc và bên cạnh là cách đọc để học sinh dễ hiểu hơn…", thầy Trần Trung Hiếu nói.

Năm 2018, nhận thấy việc phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt không còn phù hợp, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới đã đề xuất thay đổi việc phiên âm tên riêng nước ngoài, nhưng việc này chỉ thay đổi được 2 năm. Sau đó theo Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư của Chính phủ thì các sách giáo khoa mới lại quay trở lại việc phiên âm tên riêng nước ngoài sang tiếng Việt, hoặc phiên âm theo kiểu gạch nối.

Ngày nay, ngoại ngữ đã trở thành 1 trong những môn học bắt buộc đối với học sinh các cấp, thậm chí là môn điều kiện để xét tuyển đại học. Điều này chứng tỏ chủ trương giáo dục của chúng ta là đẩy mạnh, tăng cường những kỹ năng cần thiết và tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên chủ động trong hội nhập quốc tế…

Đây là việc làm cần thiết, bởi thiếu ngoại ngữ, người Việt sẽ rất khó có thể tiếp cận những thông tin, văn bản quốc tế phục vụ cho việc học tập, nâng cao trình độ cũng như phục vụ cho công việc, giao lưu với bạn bè năm châu.

Việc phiên âm hay giữ nguyên tên nước ngoài vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng có lẽ để dung hoà, bên cạnh việc phiên âm, chúng ta nên viết thêm tên gốc, vừa là sự tôn trọng đối với ngôn ngữ quốc tế, vừa giúp cho những người muốn nghiên cứu, học tập thêm bằng tài liệu nước ngoài dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm thông tin.

Nhiều ý kiến cho rằng nên tôn trọng tên gốc nước ngoài, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên giữ nguyên cách phiên âm hiện nay vì tạo ra sự gần gũi, dễ đọc

Nhiều ý kiến cho rằng nên tôn trọng tên gốc nước ngoài, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên giữ nguyên cách phiên âm hiện nay vì tạo ra sự gần gũi, dễ đọc

Ông Sước Sơn là ai?

Một ngày, cậu con trai học lớp 9 của tôi chạy ra hỏi bố: Bố ơi, ông Sước Sơn là ai ạ? Ngớ người mấy chục giây, rồi lục tìm trong trí nhớ xem đó là nhân vật nào mà cuối cùng đành chịu vì không thể biết ông Sước Sơn là ông nào, ở trên phim ảnh hay là… ông hàng xóm, để giải đáp thắc mắc cho con.

Tôi hỏi lại, thế con đọc hay xem ở đâu mà có tên nhân vật đấy? - Trong sách Lịch sử ôn thi cấp 3 của con bố ạ!

Vớ vẩn, lịch sử làm gì có ông nào tên là Sước Sơn? Con lại tự nghĩ ra đấy à?

Không, thật mà, con vừa đọc xong, con còn tìm trên mạng cũng chẳng có ông đấy nên mới hỏi bố - cậu con ấm ức cãi lại bố.

Lật đật chạy vào lấy quyển sách sử của con ra xem thì hóa ra cái ông Sước Sơn đó chính là ông Thủ tướng nổi tiếng của nước Anh - Winston Churchill - tuy nhiên, sách phiên âm theo cách đọc tiếng Việt, và một vị nào đó phụ trách việc soạn sách giáo khoa đã chọn cách phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài thành ra như vậy.

Kiểm tra toàn bộ sách giáo khoa của con, tôi nhận thấy người làm sách cũng đều chọn cách phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài theo kiểu… Việt hóa như vậy và không có sách nào “mở ngoặc” viết thêm tên nguyên gốc bên cạnh phần phiên âm kia. Thậm chí mỗi sách lại phiên âm theo một kiểu dẫn tới đọc tên khác hẳn nhau.

Còn nhớ cách đây gần 30 năm, khi còn học đại học, chúng tôi đã có những bài tiểu luận rất thú vị về đề tài này. Nội dung chủ yếu vẫn là xoay quanh tranh luận về việc nên phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài hay để nguyên gốc? Thời điểm đó, các thầy giáo của chúng tôi - những giáo sư, tiến sĩ ngôn ngữ học đầu ngành, hầu hết đều cho rằng nên giữ nguyên tên riêng tiếng nước ngoài.

Bởi ngoài việc tôn trọng nhân vật, địa danh, văn hóa, tôn giáo, các quốc gia trên thế giới… còn một lý do quan trọng nữa là phục vụ cho việc tìm kiếm, nghiên cứu những tài liệu nước ngoài liên quan đến những nhân vật này.

Hơn nữa, cho đến ngày nay, trình độ dân trí đã khác xa so với nhiều chục năm về trước, hầu hết học sinh, sinh viên, thậm chí người lớn tuổi đã được tiếp cận, được học ngoại ngữ và việc phát âm tên nước ngoài không phải là điều quá khó khăn. 

Tất nhiên, vào thời điểm đó và cho đến tận bây giờ, quan điểm giữ nguyên hay phiên âm tên riêng nước ngoài vẫn còn tranh cãi…

Trở lại vấn để sách giáo khoa hiện nay. Khi ngoại ngữ là một môn học bắt buộc trong nhà trường, và thậm chí lên bậc Trung học phổ thông, việc một học sinh sở hữu tấm chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ Giáo dục có thể được xét tuyển thẳng đại học, hoặc cộng điểm ưu tiên. Thì lạ thay, ngành giáo dục vẫn giữ cách phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài theo cách đọc tiếng Việt trong sách giáo khoa.

Cách đọc thậm chí là không chuẩn, khiến học sinh và phụ huynh khi học, đọc đến nhân vật đó, chẳng thể biết nổi đó là ai? Là nhân vật quan trọng nào trong lịch sử?

Mỗi năm, ngành giáo dục lại họp hết cuộc nọ đến cuộc kia, đưa ra đủ đề án cải cách giáo dục, cải tiến sách giáo khoa. Nhưng có lẽ, đã đến lúc ngành giáo dục cần phải suy nghĩ nghiêm túc về việc trả lại cho đúng tên những nhân vật lịch sử kia cho học sinh được biết chính xác họ là ai? 

 

Quang Hùng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.