Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Nuôi chó dữ: Không cấm cũng chẳng quản, cộng đồng bất an đến bao giờ?

Minh Hiếu: Thứ hai 29/05/2023, 06:22 (GMT+7)

Vụ việc cụ bà ở Bình Dương bị chó Pitbull cắn tử vong mới đây tiếp tục nối dài danh sách nạn nhân của tình trạng nuôi chó dữ thiếu kiểm soát.

Pitbull là giống chó nguy hiểm bậc nhất thế giới, nhiều quốc gia đã cấm nuôi, hoặc yêu cầu nghiêm ngặt về việc nuôi có giấy phép và được huấn luyện.

Còn tại Việt Nam, quy định về nuôi chó dữ vẫn là “vùng trống”, cần bao nhiêu vụ việc nữa mới đủ sức thay đổi ý thức, trách nhiệm của chủ nuôi và quan điểm nhà quản lý?

Pitbull là giống chó nguy hiểm bậc nhất thế giới, trong khi nhiều quốc gia đã cấm nuôi hoặc có yêu cầu nghiêm ngặt, thì quy định nuôi chó dữ ở Việt Nam vẫn là ''vùng trống'' (Ảnh minh họa)

Pitbull là giống chó nguy hiểm bậc nhất thế giới, trong khi nhiều quốc gia đã cấm nuôi hoặc có yêu cầu nghiêm ngặt, thì quy định nuôi chó dữ ở Việt Nam vẫn là ''vùng trống'' (Ảnh minh họa)

Mỗi lần dẫn con đi chơi công viên, điều khiến chị Ngô Hồng, ở Đống Đa, Hà Nội cảm thấy lo lắng nhất là những con chó to không đeo rọ mõm. Nỗi bất an của chị càng lớn hơn sau liên tiếp vụ việc chó Pitbull cắn người tử vong: "Con chó Pitbull thì chị sợ lắm, không hiểu mọi người nuôi những con chó đấy để làm thú cưng hay để hãnh diện hay như thế nào, nhưng ở Việt Nam mình nên cấm loại chó đấy, đe dọa tính mạng của chủ và những người xung quanh. Các cơ quan chức năng phải kiểm tra thường xuyên và có biện pháp xử phạt răn đe".

Vụ việc chó Pitbull cắn chết cụ bà 82 tuổi ở Bình Dương ngày 17/5 vừa qua chỉ là một trong rất nhiều trường hợp thương tâm liên quan loại chó được ví như “sát thủ máu lạnh” này.

Ngày 28/8/2022, cụ bà 64 tuổi ở Thanh Hóa bị chó Pitbull của nhà cắn chết vì vô tình đá đổ bát cơm khiến nó tức giận tấn công. Ngày 22/7/2022, cháu bé 8 tuổi ở Bình Phước bị chó Pitbull cắn chết khi qua nhà bà nội chơi. Ngày 20/5/2022, nam thanh niên ở Huế bị chó Pitbull cắn tử vong khi khua tay chân trong lúc nói chuyện với người bạn là chủ chó.

Đa số người dân đều ủng hộ việc cấm nuôi loại chó dữ và dễ “nổi điên” như Pitbull để bảo vệ cộng đồng. Chị Quỳnh Hoa, ở Ba Đình, Hà Nội bày tỏ: "Hồi bé tôi từng bị chó cắn nên rất sợ chó. Cho con đi chơi, nhiều lúc chó cứ nhìn thấy trẻ con là nó lại gần thì mình rất là sợ. Tôi nghĩ là nên cấm nuôi, con Pitbull khi cắn kẻ thù thì nó sẽ cắn tới chết, kể cả có rọ mõm đi chăng nữa thì tôi thấy vẫn rất nguy hiểm".

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Hồng Thái và đồng nghiệp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện pháp luật đã có nhiều quy định về trách nhiệm của người nuôi chó như: phải đăng ký với chính quyền địa phương, tiêm phòng dại, khi đưa chó ra ngoài phải đeo rọ mõm, có xích và người dắt; bồi thường vật chất trong trường hợp chó cắn người,… được quy định tại Thông tư 07/2016 của Bộ NN&PTNT, Nghị định 04/2020 của Chính phủ, Điều 601 Bộ Luật Dân sự 2015,…

Trường hợp chó cắn người tử vong thì chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 128 Bộ Luật Hình sự 2015 với tội “vô ý làm chết người”:

Luật sư Nguyễn Hồng Thái nêu quan điểm:"Hiện tại chúng ta chưa có quy định riêng cho giống chó dữ, tuy nhiên, các quy định chung đã rõ về trách nhiệm của người sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Thứ hai, chủ vật nuôi vẫn còn chủ quan, nghĩ rằng chó nhà mình tiêm đầy đủ rồi hoặc không gây nguy hiểm. Thứ ba là chính quyền địa phương chưa thực sự sát sao, cho nên các quy định chưa được thực hiện nghiêm".

Những vụ việc thương tâm bởi Pitbull nói riêng, các loài chó dữ nói chung sẽ còn tiếp diễn nếu các cơ quan chức năng tiếp tục chậm trễ trong việc xây dựng hành lang pháp lý và thiếu quyết liệt xử lý vi phạm

Những vụ việc thương tâm bởi Pitbull nói riêng, các loài chó dữ nói chung sẽ còn tiếp diễn nếu các cơ quan chức năng tiếp tục chậm trễ trong việc xây dựng hành lang pháp lý và thiếu quyết liệt xử lý vi phạm

Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS. Lê Văn Năm, Ủy viên Trung ương Hội thú y Việt Nam cho rằng, cần sớm lấp đầy “vùng trống” trong quy định về nuôi chó dữ và đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý vi phạm để thay đổi nhận thức chủ vật nuôi: "Pitbull là giống chó dữ, trong nó còn mang nhiều tính hoang dã, nhưng nhiều người vẫn cho rằng nó là một loài chó cảnh, đây cũng là “lỗ hổng” trong quy định.

Đồng thời, việc tuyên truyền, giáo dục những người chủ nuôi chó, quan tâm chăm sóc, huấn luyện chó cũng chưa được đẩy mạnh. Tôi cho rằng nên có thông tư hướng dẫn cụ thể hơn. Những người dân chưa thực hiện được quy định pháp luật thì phải có chế tài hành chính để răn đe, bắt buộc những người nuôi chó thực hiện".

Từ góc độ chuyên môn, ThS. BS. Nguyễn Hải Đăng, Bệnh viện thú y Hải Đăng cho rằng: "Chúng ta nên cấm giống chó Pitbull này. Nuôi chó với ý thức không tốt như tại Việt Nam thì còn nguy hiểm hơn nước ngoài.

Nhiều nước đã cấm, một số nước cho nuôi thì quy định rất ngặt nghèo như hồ sơ lý lịch rõ ràng, không được cho ra nơi công cộng những dòng chó như thế này, yêu cầu những chứng chỉ, bằng cấp huấn luyện,… Nhưng dưới góc độ chuyên môn thì với tập tính của loại chó này, kể cả huấn luyện rồi cũng không biết lúc nào nó lên “cơn điên”.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, việc hoàn thiện hành lang pháp lý về việc nuôi chó dữ là cần thiết nhưng cần thời gian. Còn trước mắt, cần sự cẩn trọng của mỗi người dân và trách nhiệm của chính quyền các địa phương: "Dần dần từng bước có quy định về động vật nguy hiểm, cái này chúng tôi đã và đang tiếp thu ý kiến, tham mưu để điều chỉnh cho phù hợp. Nhưng trước mắt chúng ta phải làm tốt khâu tuyên truyền, nhất là khu vực xa trung tâm, nhận thức của người nuôi chó chưa được tốt.

Gia đình có người già, trẻ em, khu đông dân cư, gần khu vui chơi giải trí,… thì chúng tôi luôn khuyến cáo là không nên nuôi các loại chó dữ, còn đã nuôi thì phải quản lý cho thật tốt"

Cần “sợi dây xích” của nhà quản lý

Theo thống kê tại Mỹ, mỗi năm nước này có khoảng 10.000 vụ chó tấn công người, trong đó, 59% số vụ và 82% số trường hợp tử vong là do chó Pitbull gây ra.

Việt Nam cũng có khoảng 500.000 người bị chó cắn mỗi năm, và những chết thương tâm bởi Pitbull nói riêng, các loài chó dữ nói chung sẽ còn tiếp diễn nếu các cơ quan hữu quan tiếp tục chậm trễ trong việc xây dựng hành lang pháp lý và thiếu quyết liệt xử lý vi phạm trong lĩnh vực thú y.

Song hành việc tuyên truyền, xử phạt là đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức và kỹ năng của người nuôi chó (Ảnh minh họa)

Song hành việc tuyên truyền, xử phạt là đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức và kỹ năng của người nuôi chó (Ảnh minh họa)

Pitbull là giống chó có nguồn gốc từ Anh và châu Mỹ. Qua nhiều thế kỷ, nó được lai tạo để thành loài chó chiến với thân hình vạm vỡ, trọng lượng trung bình từ 30 - 40kg, rất hung dữ, hiếu chiến và lì đòn. Cơ hàm cực khỏe của nó có cấu tạo đặc biệt, đã cắn đối thủ thì không dễ nhả ra, và sự can thiệp không đúng cách càng khiến nó trở nên hung hăng hơn.

Nhiều trường hợp người nuôi Pitbull từ bé, dù chăm sóc, dạy dỗ đàng hoàng nhưng vẫn bị nó tấn công. Bởi giống chó này vẫn còn đặc tính hoang dã, dễ “phát điên” mà không thể lường trước hay kiểm soát được.
Thậm chí, một số người còn có tâm lý nuôi chó Pitbull “càng dữ càng vui”, thay vì tìm cách thuần hóa thì lại cho nó ăn thịt sống, kích thích những bản năng hoang dại nhất.

Nói vậy để thấy việc nuôi chó Pitbull trong cộng đồng không mang đến lợi ích gì, mà chỉ thể hiện sự thiếu hiểu biết hoặc tính thích khoe mẽ, tỏ vẻ “ta đây” của một số chủ vật nuôi.

Bởi nếu là người yêu chó, thích nuôi thú cưng thì có rất nhiều giống chó cảnh hiền và đáng yêu hơn, hoặc nếu chủ nhân thích sự mạnh mẽ, khỏe khoắn thì cũng có thể lựa chọn những giống chó khác (như becgie) có thể huấn luyện và phục tùng theo mệnh lệnh.

Nhiều quốc gia đã cấm nuôi chó Pitbull hoặc ban hành nhiều hạn chế như: Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore,…

Ở Việt Nam thì sao? Nuôi chó dữ có phải xin phép không? Ai có đủ điều kiện? Quản lý việc nuôi chó dữ như thế nào? Người nuôi không tuân thủ quy định thì xử lý ra sao?… Tất cả là “khoảng trống” pháp lý, dẫn đến việc Pitbull và các loài chó dữ khác được nuôi vô tư trong cộng đồng.

Người nuôi chó ở một số nước phát triển có ý thức tốt hơn, nhưng nhà chức trách vẫn chọn cấm nuôi Pitbull. Do vậy, với ý thức người nuôi chó ở Việt Nam còn hạn chế thì việc cấm nuôi tương tự là điều cần thiết.

Vì vậy, việc đầu tiên mà các cơ quan hữu quan cần làm là sớm hoàn thiện hành lang pháp lý. Hiện Cục Chăn nuôi đang xây dựng thông tư quản lý động vật để ban hành trong khoảng cuối năm nay, đầu năm sau, trong đó dự thảo đưa các loài chó dữ như pitbull vào danh mục kiểm soát đặc biệt. Động thái này có thể muộn màng sau quá nhiều vụ việc đã xảy ra, những dẫu sao “có còn hơn không”.

Cơ quan soạn thảo cần tiếp thu góp ý rộng rãi từ các chuyên gia và người dân để sớm có quy định cụ thể, chi tiết về việc nuôi các loài chó dữ. Loài nào cấm nuôi trong khu dân cư, loài nào chỉ sử dụng cho mục đích huấn luyện nghiệp vụ, thi đấu, biểu diễn xiếc, vườn thú,…? Những loài được phép nuôi thì chủ nhân cần có giấy phép và kỹ năng huấn luyện gì?

Đi kèm với những quy định là chế tài xử phạt đủ mạnh để tạo sức răn đe, trong đó, cần có những chế tài hình sự với chủ vật nuôi gây thương tích cho người khác để nâng cao ý thức. Hành lang pháp lý hoàn chỉnh là cơ sở quan trọng để các lực lượng thực thi công vụ thực hiện, hạn chế sự chống đối của chủ vật nuôi.

Khi đó có được cơ sở pháp lý thì trách nhiệm quản lý và xử lý vi phạm của chính quyền các cấp cần được nâng cao. Trên thực tế, sau nhiều vụ chó dữ tấn công người, báo chí lên tiếng, cơ quan chức năng vào cuộc thì đâu lại vào đấy, tình trạng chó thả rông không rọ mõm vẫn diễn ra tràn lan mà hiếm thấy lực lượng nào xử phạt, dẫn đến hiện tượng “nhờn luật”. Chính quyền địa phương có thể gặp một số khó khăn nhưng chắc chắn vẫn sẽ xử lý được vi phạm nếu đủ quyết tâm.

Các tỉnh thành cần coi công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực thú y như một trong những nhiệm vụ hàng đầu để đảm bảo an toàn cho người dân và là “thước đo” năng lực của chính quyền cơ sở.

Khi công tác này được chú trọng thì địa phương sẽ có được nguồn lực để duy trì lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm thường xuyên, liên tục, tạo nên “sợi dây xích” chắc chắn giữ vật nuôi không ra cộng đồng gây hại. Đi kèm với xử phạt là tuyên truyền rộng rãi về những trường hợp “nổi cộm” để tạo sức răn đe với các trường hợp khác.

Ngoài ra, ban, ngành, chính quyền các cấp cũng cần công bố rộng rãi số điện thoại đường dây nóng và các kênh tiếp nhận phản ánh, xử lý kịp thời khi có thông tin và có cơ chế bảo vệ người cung cấp, tạo sự tin tưởng trong nhân dân.

Song hành việc tuyên truyền, xử phạt là đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức và kỹ năng của người nuôi chó. Ở Australia, các bệnh viện thú y cũng mở lớp dạy nuôi chó chuyên nghiệp cho người dân. Tại đây, việc dạy chó là phụ, mà dạy người nuôi cách chăm sóc, huấn luyện chó là chính.

Đây là kinh nghiệm mà Việt Nam có thể nghiên cứu, áp dụng, từ đó giúp chủ vật nuôi có những phương pháp huấn luyện chính xác và hiệu quả với từng giống loài, hạn chế tối đa những sự cố đáng tiếc.

Và cuối cùng, để đảm bảo an toàn thì không thể thiếu tiếng nói của cộng đồng. Thay vì nể nang, chọn cách im lặng, bỏ qua vì ngại va chạm, mỗi người hãy góp ý trực tiếp với chủ vật nuôi vi phạm quy định, đặc biệt là các trường hợp chó dữ; lên tiếng phản ánh với các lực lượng chức năng để những mối nguy không còn bủa vây cộng đồng./.

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Vụ trẻ bị bạo hành ở Mái ấm Hoa hồng: Đã chuyển các bé về nơi chăm sóc an toàn

Vụ trẻ bị bạo hành ở Mái ấm Hoa hồng: Đã chuyển các bé về nơi chăm sóc an toàn

Sáng nay (4/9), báo Thanh niên có bài phản ánh về tình trạng ngược đãi trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa hồng (L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM). Những hình ảnh, clip ghi lại cảnh các em bé bị bảo mẫu đánh đập dã man tại Mái ấm Hoa Hồng đã khiến người xem không khỏi phẫn nộ.

Thêu ước mơ trên chiếc áo đồng phục

Thêu ước mơ trên chiếc áo đồng phục

Một chiếc biển hiệu nhà may quần áo trẻ em như rất nhiều cửa hàng khác trên phố Hàng Trống, nhưng đặc biệt hơn khi có dòng chữ: “Đức Hạnh: Bà Trần Thức Lễ sáng lập năm 1950” gợi cho bộ hành qua phố nhiều ký ức, hoài niệm.

Cần chế tài mạnh để trị tận gốc

Cần chế tài mạnh để trị tận gốc

Việc tịch thu phương tiện vi phạm giao thông, nhất là hành vi đua xe, lạng lách, đánh võng… đã được quy định từ Nghị định 100/2019, nghị định 123/2021 và cả Luật Xử lý Vi phạm hành chính sửa đổi 2020.

Xóm lồng đèn Phú Bình tất bật dịp Trung thu

Xóm lồng đèn Phú Bình tất bật dịp Trung thu

Càng gần đến dịp Trung Thu thì xóm lồng đèn Phú Bình, quận 11 (TP.HCM) lại càng nhộn nhịp hơn, rộn ràng hơn với những chiếc lồng đèn truyền thống được làm thủ công đón đêm hội trăng rằm.

TP.HCM trước áp lực bệnh nhân “vượt tuyến” gây thiếu thuốc, vật tư y tế

TP.HCM trước áp lực bệnh nhân “vượt tuyến” gây thiếu thuốc, vật tư y tế

Vừa qua Sở Y tế TPHCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khám chữa bệnh ngoại trú của toàn thành phố đạt hơn 20 triệu lượt khám, chưa tính lượng bệnh ở các BV tuyến Trung ương trên địa bàn thành phố (tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2023).

Ấn Độ: Liên tiếp tai nạn đường sắt vì chỉ mua mới, ít bảo trì

Ấn Độ: Liên tiếp tai nạn đường sắt vì chỉ mua mới, ít bảo trì

Dù sở hữu hệ thống đường sắt lớn hàng đầu thế giới, nhưng hình ảnh đường sắt Ấn Độ trong mắt nhiều người vốn không mấy tốt đẹp. Đặc biệt là trong thời gian gần đây, liên tiếp các sự cố, tai nạn đường sắt xảy ra tại Ấn Độ khiến làn sóng chỉ trích ngày càng dữ dội.

Sau vụ bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng: Yêu cầu xử lý nghiêm và rà soát các cơ sở chăm sóc trẻ em

Sau vụ bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng: Yêu cầu xử lý nghiêm và rà soát các cơ sở chăm sóc trẻ em

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có công điện đề nghị UBND TP.HCM kiểm tra, xác minh vụ việc xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để răn đe hành vi ngược đãi, bạo hành, xâm hại trẻ em.