Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Sài Gòn sống và yêu: Những con đường sách

Khương An - Diễm Thúy: Thứ ba 20/08/2024, 21:13 (GMT+7)

Trong suốt chiều dài lịch sử của TP.HCM, sách báo từng là phương tiện duy nhất để tầng lớp tinh hoa và người dân tiếp cận thông tin, tri thức. Chính điều này đã tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc cho Sài Gòn với sự tồn tại của những con đường sách, chợ sách cũ trước đây.

Có một thời, những người từ phương xa khi đặt chân đến TP cũng đều ghé thăm và tìm mua sách, hòa vào văn hóa đọc thị dân nơi dây. Qua bao thăng trầm với những quy luật tất yếu của thời đại, các con đường sách đã phần nào hoàn thành sứ mệnh của riêng mình.

May mắn thay, đến nay, Sài Gòn vẫn tồn tại mô hình đường sách và hiện là một chỉ dấu văn hóa cho người dân và du khách khi đặt chân đến thành phố này.

Khi nhắc đến đường sách xưa trước năm 1975, các bậc cao niên đều nhớ đến chợ đường sách nằm phô trương, ồn ã ở góc đường Lê Lợi - Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), cặp theo Bưu điện quận 1, “ngó” sang nhà sách Khai Trí (nay là nhà sách Fahasa 62 Lê Lợi) mà các cô cậu học trò, sinh viên thường lui tới.

Theo ký ức của những người hoài niệm, nó là một chợ trời sách khổng lồ “ăn theo”, lấy nhà sách Khai Trí làm hạt nhân. Từ vài gian hàng nhỏ, thị trường sách báo cũ đã bành trướng mạnh mẽ, lấn ra lề đường cản trở lưu thông người dân qua đây.

Các đường sách, chợ sách xưa của Sài Gòn (ảnh Tư liệu)

Các đường sách, chợ sách xưa của Sài Gòn (ảnh Tư liệu)

Sau năm 1975, khu sách này bị giải tán, sau đó chợ sách Đặng Thị Nhu (quận nhất, cách chợ Bến Thành tầm 200m) được thành lập, các chủ sách cũ lại tập trung về đây. So với khu sách cũ Lê Lợi thì khu Đặng Thị Nhu có vẻ bề thế hơn, là một con đường sách nổi tiếng mà dân mê sách, các nhà văn, nhà văn hóa Hà Nội, Sài Gòn không thể không biết.

Chỉ là một con đường nhỏ dài chừng 200m vắt ngang hai đường Ký Con và Calmette, chợ sách cũ Đặng Thị Nhu ở ngay khu vực trung tâm thành phố nên lúc nào cũng mua bán sôi động. Các sạp ở đây đóng cặp vào nhau từng đôi một, chừa lối đi hẹp hai bên hông, mỗi sạp chừng 3 – 4m2. Có khoảng 100 sạp như vậy. Trong mỗi ô sạp, người chủ hàng ngồi lọt giữa những chồng sách cao lút đầu người…

Lục lọi ký ức của 40 năm trước, ông Ngô Văn Quang - sống ở Sài Gòn gần 70 năm nay vẫn còn nhớ: “Khoảng thời gian năm 1978-1980, ở mấy con đường nào cũng có bán sách hết trơn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa nè, Phát Diệm, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo nè... Với một con đường nhỏ ngay đường Ký Con cắt ngang qua Calmett, đường đó nếu là Đặng Thị Nhu thì đó, những người bán sách họ thuê nhà bán nguyên một dãy cả mấy trăm mét, có nhiều kios sách cũ nhiều lắm. Mình mua 1-2 cuốn về mình nhâm nhi coi cũng thấy thú vị.”

Qua những năm của thập niên 80, chợ sách cũ Đặng Thị Nhu cũng biến mất. Các tiệm sách theo đó tản mác và nở rộ về những con đường mặt tiền như Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận), Trần Nhân Tôn (Quận 5,10), Trần Hưng Đạo (quận 1)...

Trước khi internet xuất hiện, Sài Gòn có thể được xem là không gian văn hóa rộng lớn với “đặc sản” các hiệu sách rải rác khắp con đường của thành phố. Trẻ con thời ấy chỉ có sách là phương tiện học tập, truyện tranh là phương tiện giải trí nên phong trào cho thuê sách, truyện lúc này này rất thịnh hành. Cuối thập niên 1990 đến những năm 2000, đi đến phố nào cũng dễ dàng thấy cảnh lũ trẻ con xúm xít bên nhau tranh giành đọc một quyển truyện hay cuốn sách nào đó. ..

Giới sưu tầm, bán sách lâu đời Sài thành cũng có lời rằng, lăn lộn, thăng trầm trong nghề, họ bán sách theo tâm khảm. Bán sách không phải là một nghề nhiều tiền, nhưng sứ mệnh của nó là làm giàu tâm hồn cho người khác. Nếu bạn yêu sách, bạn sẽ nghe những câu chuyện miên man về sách, về một “văn hóa đọc”, về cái tình, cái ngóc ngách của hồn người Sài Gòn xưa và nay.

Gặp gỡ cô Chi, một chủ cửa hàng sách cũ  (quận nhất) có duyên nghề từ thú chơi sách, tâm tình: "Sách không đơn thuần như những món hàng khác mà nó phải có cái hồn gửi vào trong đó nên mình trao đổi với khách về nhưng chủ đề nào đó có thể mang lại lợi ích cho người ta. Có những quyển sách xưa giá rất cao có giá trị thời gian, có giá trị nhân văn trong đó nữa. Và có thể ấp ủ điều gì đó của cổ nhân xưa mà vắng bóng trên thị trường rất là nhiều.”

Khi inernet bùng nổ khiến thói quen tiếp cận thông tin của người đọc bị thay đổi, những con đường sách tự phát không chống lại được sự khắc nghiệt của thời gian với những áp lực về giá thuê mặt bằng, thị hiếu người đọc, đường hướng kinh doanh… nên dần lụi tàn, hiệu sách cũ và mới vắng bóng dần, độc giả yêu sách mất đi những địa chỉ quen thuộc trên hành trang tìm kiếm tri thức.

Ông Lê Huỳnh Trí, hơn 70 tuổi, người một đời gắn bó với nghề bán sách cũ bắt đầu từ thú sưu tầm sách. Ông là chủ hiệu sách Bách Hợp (Quận Thủ Đức) từng được báo chí và cộng đồng mạng kêu gọi giải cứu 10 ngàn tấn sách trong vài ngày vì chủ nhà lấy lại mặt bằng vào năm 2015.

Khi hỏi về “thú chơi duyên nghề”, ở đuôi mắt có ngày tháng xưa, ông Lê Huỳnh Trí bộc bạch: “Hồi đó chú làm ở cơ quan, lãnh lương là mua sách, nhà không trưng gì ngoài sách. Thời đó bao cấp khó khăn lắm, thành ra lãnh lương cái mua cuốn 1 phải chờ cuốn 2. Khi cơ quan giải thể thì chú nghỉ, thì ở nhà đã có quầy sách, có để chơi, rồi lấy ra bán. Thời đó cách đây 30 mấy năm chưa có mạng, các em chỉ có sách, đó là thời điểm vàng son.”

Theo quy luật đào thải bởi sự bành trướng của công nghệ thông tin, những con đường sách cứ thế dần tàn phai theo năm tháng. Nhưng nhu cầu quy hồi những giá trị thuộc về văn hóa một thời đã dẫn dắt thị trường sách cũ theo chiều hướng lạ lùng. Người già miệt mài lục tìm sách quý xưa như báu vật để đón về một di chỉ của ký ức. Người trẻ tiếp tục tìm lại sách cũ để bù đắp cho sự thiếu thốn của nền xuất bản hiện tại khi không đáp ứng đủ tư liệu mình cần…

Trên thực tế, vẫn có lượng lớn độc giả trung thành, tìm kiếm những trải nghiệm thú vị bằng việc đọc sách in. Cái cảm giác khi được lật từng trang sách vẫn còn tươi nguyên và thơm tho mùi giấy mực - chứ không phải căng mắt ra đọc trên các màn hình máy tính, mãi là trải nghiệm thú vị khó thể thay thế. Việc đọc cũng không phải là phong trào mà là nhu cầu tự thân. Thói quen đọc sách khi được gieo trồng từ thời thơ ấu, nảy mầm và trở thành khát khao tự nhiên, sẽ theo ta suốt cuộc đời.

Đường sách TP. HCM hiện nay

Đường sách TP. HCM hiện nay

Cũng tại thời điểm này, ý tưởng về một đường sách được ấp ủ, bắt nguồn từ truyền thống tôn vinh văn hoá đọc của người dân Sài Gòn và được lãnh đạo TP. HCM quan tâm. Sau nhiều thủ tục để biến ý tưởng thành hiện thực, đầu năm 2016, Đường sách TP. HCM ra đời trên con đường Nguyễn Văn Bình mát mẻ với những vòm me xanh mát. Nơi đây tập trung nhiều cửa hàng sách của các NXB, những chủ tiệm sách cũ cũng được ưu ái chi phí mặt bằng để có thể sống trọn với nghề.

Sự xuất hiện của đường sách Nguyễn Văn Bình khiến Sài Gòn như có hồn hơn, cái thiêu thiếu không tên lập tức được khỏa lấp trong lòng người Sài Gòn…  Sau gần 9 năm hoạt động, Đường sách TP.HCM trở thành điểm đến, điểm hẹn quen thuộc của người dân thành phố.

Chị Tường An hiện đang là sinh viên ĐH Hùng Vương (TPHCM), cảm nhận: “Em thấy rất yên tĩnh thích hợp đọc sách, cuối tuần em đi đọc sách để thư giãn. Không gian cây cối ở đây cũng được, nó như một bức tranh vậy. Hơn nữa vào thứ 7, chủ nhật có những buổi phỏng vấn, tọa đàm hoặc các chương trình của các trường Đại học tới. Đây cũng là một trong những điểm sinh viên của những trường xa đến đây đầu tiên đó ạ.”

BDTG 3 - DUONG SACH TPHCM 2

Tại đây, những câu chuyện lịch sử, văn hóa,... được kể trong một không gian thuần chất văn hóa chứ không chỉ giới hạn ở một khán phòng hay quán nước nhỏ hẹp nào đó. Giới làm sách và chính những cuốn sách được sống đời sống riêng biệt, xác lập vị trí trang trọng trong lòng độc giả. Còn độc giả, du khách thì được thỏa đam mê tìm tòi, đọc sách; gặp mặt tác giả, tham dự các diễn đàn văn hóa, xã hội, tham quan, chụp ảnh,…  

Chị Kiều My, hiện đang làm việc tại cửa hàng sách First New Trí Việt tại Đường sách TP. HCM, chia sẻ: “Ở đây có nhiều bóng mát nên mọi người hay ra đây đọc sách. Đối với những bạn yêu thích đọc sách thì sẽ đến đây tìm hiểu, tham quan và mua sách. Còn nhiều bạn yêu thích cái đẹp thì sẽ đi chụp ảnh, ở đây có nhiều không gian trang trí chụp ảnh. Người nước ngoài đến để tìm hiểu sách nước ngoài, đôi khi cũng tìm sách của tác giả Việt để làm quà tặng.”

Chính sự thành công của mô hình Đường sách TP. HCM đã tiếp bước cho Đường sách TP. Thủ Đức (tại đường Hồ Thị Tư) ra đời vào cuối năm 2023. Với hơn 8 tháng đi vào hoạt động, Đường sách TP. Thủ Đức từng bước trở thành điểm đến được yêu thích của người dân đang sinh sống và học tập tại TP. Thủ Đức. Dự kiến, mô hình đường sách tiếp tục được nhân rộng khắp các khu vực TP. HCM. Theo đó, phía Nam sẽ có đường sách ở Quận 7, phía Tây sẽ có không gian sách ở quận Bình Tân và phía Bắc là ở Củ Chi.

BDTG 4 - Duong sach tphcm

Những con đường sách mới chuẩn bị ra đời tiếp nối cho những con đường sách, chợ sách cũ ngày trước để chiều dài lịch sử văn hóa đọc của người dân SG được liền mạch, chưa bao giờ đứt đoạn. Sự tồn tại và phát triển của những con đường sách của thành phố như chứng minh rằng, văn hóa đọc vẫn là mạch ngầm tri thức đang chảy giữa lòng Sài Gòn và không tuột đi một cách dễ dàng trước “cơn sóng cả” của thời đại.

Sách vẫn là một chân trời văn hóa, một bến bờ tri thức nhiều người kiếm tìm. Thao tác đọc sách giống như mọi thao tác của tình yêu, nó trong veo thong thả thầm thì, nồng nàn mà không ồn ào. Dưới những vòm me xanh ấy, vượt qua phù phiếm thăng trầm đám đông, những thị dân biết đọc chẳng bao giờ là hết.

SỐNG Ở SÀI GÒN: Để cây xanh đừng trở thành hiểm họa đô thị

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh chóng, không gian đô thị ngày càng trở nên chật chội thì nhu cầu tận hưởng không gian xanh của cư dân đô thị đang ngày càng trở nên cấp thiết.

Tuy nhiên, liên tiếp những ngày vừa qua, nhiều sự cố cây xanh ngã đổ, gãy cành gây thương tích, chết người... đã và đang ám ảnh người dân về những chiếc “bẫy người” từ trên cao. Làm thế nào “để cây xanh đừng trở thành hiểm họa đô thị”?

Hinh 4

Ở một siêu đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng như Sài Gòn – TPHCM, cây xanh được xem tài sản quý giá, là “lá phổi xanh” giữa lòng đô thị nhộn nhịp. Những hàng cây xanh trăm tuổi như sao đen, me tây, kèn hồng, dầu, lim sét... cao vút, nằm trong công viên, dọc các tuyến đường như Pasteur, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), Hồng Bàng, Nguyễn Kim (quận 5), Trần Hưng Đạo (quận 1) … là “nhân chứng” cho quá trình hình thành và phát triển của đô thị Sài Gòn – TP HCM; là “ký ức”, là kỷ niệm của biết bao thế hệ người dân thành phố.

Không chỉ trở thành một phần “hồn cốt” của phố thị Sài Gòn mà hàng trăm năm qua, những hàng cây xanh rợp bóng mát, làm giảm ô nhiễm không khí, tiếng ồn, điều hòa khí hậu, làm dịu đi cái nắng nóng gay gắt... góp phần cải thiện môi trường sống cho cư dân phố thị.  

Cây xanh mang lại nhiều lợi ích to lớn, nên việc trồng, chăm sóc cây xanh đô thị luôn được quan tâm và đầu tư, nhất là ở một thành phố lớn nhưng có mật độ cây xanh thấp như Sài Gòn – TPHCM. Tuy nhiên, liên tiếp những ngày qua, trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều vụ cây xanh ngã đổ gây thiệt hại về tài sản và tính mạng người dân.

Cành cây Lim sét bị gãy nằm chắn ngang vỉa hè và làn đường Võ Văn Tần (Quận 3, TP.HCM) sáng ngày 14/8. (Ảnh: VOV.VN)

Cành cây Lim sét bị gãy nằm chắn ngang vỉa hè và làn đường Võ Văn Tần (Quận 3, TP.HCM) sáng ngày 14/8. (Ảnh: VOV.VN)

Gần đây nhất là vụ việc cành cây liêm sét trong khuôn viên Nhà khách Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quận 3, bất ngờ bị gãy, nằm chắn ngang vỉa hè, làn đường Võ Văn Tần. Trước đó không lâu, vào sáng ngày (9/8), sự cố gãy cành cây dầu cổ thụ ở công viên Tao Đàn, Quận 1 làm hai người chết, ba người bị thương…

Tất cả đã và đang gióng lên hồi chuông báo động về “hiểm họa cây xanh” đô thị, về những chiếc “bẫy người” từ trên cao...

Không khó để chỉ ra nguyên nhân của những sự cố cây xanh ngã đổ, do diễn biến thất thường của thời tiết, mưa bão, tuổi cây già “cành yếu, thân mục rỗng”…. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, về chủ quan,  việc cây xanh ngã đổ một phần là do những bất cập, “lỗ hổng” trong  công tác quy hoạch, trồng, chăm sóc và quản lý cây xanh của các địa phương, các sở ban ngành liên quan. 

Cây xanh ngã đỗ trong công viên Tao Đàn quận 1 ngày 09/08

Cây xanh ngã đỗ trong công viên Tao Đàn quận 1 ngày 09/08

Đô thị không thể vắng bóng cây xanh, nhưng cũng không thể để cây xanh tồn tại và phát triển một cách “mất kiểm soát”, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông và đe dọa tính mạng của cư dân phố thị.

Thiết nghĩ, đã đến lúc Thành phố cần có những biện pháp ứng xử phù hợp hơn với cây xanh đô thị. Cần nhanh chóng rà soát, ứng dụng khoa học kỹ thuật  để “bắt bệnh” cây xanh, kịp thời phát hiện những cây xanh có nguy cơ mất an toàn. Từ đó có hướng duy tu, chăm sóc, bảo dưỡng phù hợp cũng như ngăn ngừa những nguyên nhân làm giảm “sức khỏe” cây xanh.

Bên cạnh đó, đối với những cây xanh già cỗi, hư mục thì cũng cần có kế hoạch đốn hạ, thay mới để hạn chế thấp nhất những vụ tai nạn cây xanh. Bởi cây xanh cũng như con người, đến một độ tuổi nhất định sẽ già đi và có những hư hại, khiếm khuyết.... 

Hinh 5

Song hơn hết, vẫn là ý thức của người dân – những người hưởng lợi trực tiếp từ cây xanh, phải có trách nhiệm giữ gìn và chăm sóc cây xanh. Không được tự ý sử dụng bóng mát cây xanh để phục vụ vào việc kinh doanh, buôn bán hay có những hành vi xâm hại thân cây, rễ cây (đóng đinh, đục khoét thân cây…) vì mục đích cá nhân, làm ảnh hưởng gián tiếp đến tuổi thọ cây xanh.

Hãy ứng xử đúng mực với cây xanh, chung tay đưa Sài Gòn – TP.HCM trở thành một “đô thị xanh” phát triển bền vững, văn minh và hiện đại.  

TIN YÊU

# Chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP. HCM” do UBND TP Hà Nội và UBND TP. HCM tổ chức diễn ra từ nay cho đến hết tháng 10/2024; cao điểm từ ngày 15/8/2024 đến 25/8/2024.

Hồ Gươm lãng mạn khi mùa thu đến. Ảnh: Báo Đầu tư

Hồ Gươm lãng mạn khi mùa thu đến. Ảnh: Báo Đầu tư

Trong thời gian này, sẽ có các hoạt động tại TP.HCM như: Hoạt động trưng bày triển lãm tại Bảo tàng TP.HCM; Trưng bày “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội - Di sản cho mai sau”; Trưng bày triển lãm tranh, ảnh, tư liệu về Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Chương trình “Quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết hợp quảng bá xúc tiến du lịch liên kết Thủ đô – TP. HCM”; Quảng bá, giới thiệu sản phẩm, làng nghề, nghệ nhân trình diễn, xúc tiến du lịch liên kết Thủ đô Hà Nội – TP. HCM; … 

# Với chủ đề: "Du lịch bền vững, kiến tạo tương lai", Hội chợ du lịch quốc tế TPHCM lần thứ 18 (ITE HCMC 2024) sẽ diễn ra từ ngày 5/9 đến 7/9 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC).

Đây cũng là Hội chợ du lịch duy nhất tại Việt Nam có chương trình người mua quốc tế, Hội chợ du lịch quốc tế TPHCM lần thứ 18 dự kiến sẽ thu hút 220 người mua quốc tế đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo ra hơn 10 ngàn cuộc hẹn thương mại nhằm mang tới cơ hội trao đổi, tiếp xúc trực tiếp giữa các doanh nghiệp du lịch quốc tế vào Việt Nam theo hình thức B2B (doanh nghiệp gặp gỡ doanh nghiệp).

# Còn khoảng tháng nữa mới tới Tết Trung thu, nhiều người dân và cả giới trẻ đã đổ về phố lồng đèn trên các tuyến đường Lương Nhữ Học - Phú Đinh - Nguyễn Án, phường 11, quận 5, TP. Hồ Chí Minh để tham quan, chụp ảnh và mua sắm; góp phần tạo nên sự nhộn nhịp của khu phố này mỗi dịp Tết Trung thu cận kề.

Hoạt động trưng bày, buôn bán, tham quan phố lồng đèn diễn ra từ ngày 1/7 đến 15/8 Âm lịch hàng năm. Phố lồng đèn được mở cửa từ sáng tới tối muộn, đặc biệt khung giờ từ 19h-21h và vào cuối tuần, nơi đây thường đông nghịt người. 

Khương An - Diễm Thúy/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Cứu trợ thiên tai, nên làm gì và làm thế nào?

Cứu trợ thiên tai, nên làm gì và làm thế nào?

Những ngày này, nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang tổ chức các hoạt động cứu trợ người dân bị ảnh hưởng từ cơn bão số 3. Những nghĩa cử cao đẹp này đã giúp người dân và chính quyền ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai vượt qua những khó khăn ban đầu.

Ấm lòng hình ảnh chiến sĩ CSGT hỗ trợ các đoàn từ thiện trong mùa lũ

Ấm lòng hình ảnh chiến sĩ CSGT hỗ trợ các đoàn từ thiện trong mùa lũ

Trong dòng chảy của những nghĩa cử cao đẹp từ các đoàn cứu trợ hướng về miền Bắc. Hình ảnh các chiến sĩ CSGT thuộc Đội cao tốc số 3, Phòng 6/C08 phát nước tiếp sức, chỉ dẫn đường cho đoàn cứu trợ đã được người dân ghi lại vô cùng cảm động.

Quận Cầu Giấy (Hà Nội) dồn tổng lực khắc phục hậu quả bão số 3

Quận Cầu Giấy (Hà Nội) dồn tổng lực khắc phục hậu quả bão số 3

Nhằm khắc phục hậu quả sau bão, sáng 15/9, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 197 quận Cầu Giấy, UBND quận Cầu Giấy, Công an quận và Ban Chỉ đạo 197 các phường, UBND các phường của quận Cầu Giấy đã triển khai công tác dọn dẹp cây đổ còn sót lại trên các tuyến phố do tác động của bão số 3.

Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sinh tồn, kinh nghiệm nào cho Việt Nam?

Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sinh tồn, kinh nghiệm nào cho Việt Nam?

Đợt mưa bão vừa với nhiều điểm ngập úng, sạt lở đất đã khiến hàng trăm người tử vong. Tuy nhiên, 115 người dân ở thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai may mắn thoát chết nhờ người trưởng thôn có kiến thức và kỹ năng sinh tồn đã kịp thời vận động đưa bà con lên núi lánh nạn.

Đường phố Hà Nội vẫn ngổn ngang sau hơn 1 tuần hứng bão

Đường phố Hà Nội vẫn ngổn ngang sau hơn 1 tuần hứng bão

Sau hơn một tuần hứng chịu cơn bão số 3 hay còn gọi là bão Yagi, đường phố Hà Nội khắp nơi vẫn ngổn ngang, những gốc cây đã được cắt hết cành, thu dọn lá nhưng vẫn chưa thể di chuyển, có những phố những đống cành lá, gốc cây chất đống dưới lòng đường, vỉa hè...

Những người bảo tồn đồ chơi Trung thu truyền thống

Những người bảo tồn đồ chơi Trung thu truyền thống

Phố cổ Hà Nội có biết bao nhiêu câu chuyện mà chúng tôi muốn kể cho quý vị nghe, và hôm nay là câu chuyện về những người làm đồ chơi trung thu truyền thống.

Hậu bão Yagi: Cây xanh, môi trường tại Thủ đô được thu dọn thế nào?

Hậu bão Yagi: Cây xanh, môi trường tại Thủ đô được thu dọn thế nào?

Theo thống kê bão số Yagi đã khiến hơn 25.100 cây đổ và cành gãy trên địa bàn thành phố, trong đó, có tới hơn 24.800 cây đổ. Trong đó, nhiều cổ thụ cả trăm năm tuổi, gắn với các địa danh của thủ đô cũng bị bật gốc, gãy đổ khiến nhiều người dân tiếc nuối.