Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Chuyện trò trên phố

“Nhịn” bấm còi xe

Chu Đức: Thứ ba 26/12/2023, 15:35 (GMT+7)

Tiếng còi xe chát chúa các bạn đang nghe xuất phát từ một tình huống tôi nghĩ là rất phổ biến ở đường phố Hà Nội: Khi đèn xanh còn vài giây nữa mới bật, đã có người phía sau bấm còi giục giã. Không ít trường hợp bị stress vì còi xe, thậm chí giật mình ngã ra đường vì tiếng còi quá to.

Thử tưởng tượng một ngày mà đường phố không còn tiếng còi xe thì sẽ như thế nào? Mời các bạn tìm hiểu thế giới của những người “nhịn” bấm còi xe ngay sau đây, với cuộc trò chuyện cùng anh Nguyễn Trọng Nam, cư trú tại quận Hà Đông, Hà Nội.

PV: Chào anh, tôi được biết anh đã hạn chế sử dụng còi xe được vài năm nay. Câu chuyện nào dẫn anh tới điều này?

Anh Nguyễn Trọng Nam: Thật ra mình là tài xế. Mình cũng ngẫm rồi. Mỗi người đi ô tô hay đi xe gì thì cũng đều cần còi để xin đường. Nhưng nhiều khi dùng quá thì ức chế thật. Cái xe trước, xe sau thì chỉ vô tri vô giác thôi, mình dùng quá đáng mà con người nghe một lượng quá đáng thì gây ức chế thần kinh. Từ đấy, mình bớt sử dụng còi rất nhiều, chủ yếu dùng đèn chớp đèn nháy thôi.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, những trường hợp dùng còi nhiều, gây ức chế thì cũng có lý do. Các bạn đi ra đường mà đúng làn, đúng tốc độ thì các bác tài cũng tự động chẳng dùng còi làm gì, vì nó inh ỏi.

PV: Có những tình huống bất khả kháng, bị cản trở thì mới nên dùng còi?

Anh Nguyễn Trọng Nam: Đúng rồi, tất nhiên trường hợp bất khả kháng thì mình còi 1 cái, không gí lâu. Cũng cần có cái tác động để người phía trước biết mình. Có lúc người ta đi sang đường, đi không đúng tốc độ rất cản trở làn của mình. Ô tô thì có gương không nói, nhưng đa số xe máy chả sử dụng gương nên đèn ít hiệu quả.

Anh Nguyễn Trọng Nam, tài xế taxi ở quận Hà Đông, Hà Nội cho rằng, từ ngày ít dùng còi xe, anh cảm thấy thoái mái, ít căng thẳng ức chế hơn hẳn

Anh Nguyễn Trọng Nam, tài xế taxi ở quận Hà Đông, Hà Nội cho rằng, từ ngày ít dùng còi xe, anh cảm thấy thoái mái, ít căng thẳng ức chế hơn hẳn

PV: Tôi có để ý thấy 1 tình huống các bác tài rất hay sử dụng còi một cách hùng hổ. Khi ở ngã tư, có đoạn kẻ vạch mắt võng được rẽ phải, nhưng nhiều xe máy không để ý đứng chắn hết lối rẽ đó, thì một số bác tài sốt ruột bấm còi giục giã…

Anh Nguyễn Trọng Nam: Mỗi người mỗi tính, ra đường muôn hình vạn trạng, người ra đường có người vội, cần đi nhanh, đi chậm. Hay tính cách của họ nguyên tắc thì ra đường phải đi đúng luật, chỗ rẽ thì phải cho người ta rẽ.

Ví dụ như tôi thì bấm còi nhẹ thôi, còn nếu đang tắc thì mình cũng im lặng chờ đợi thôi. Còn có những ông lại bấm còi inh ỏi, để cảnh tỉnh xe máy phía trước là biết mà nhường làn rẽ. Trường hợp họ dùng còi, rồi xuống xe sửng cồ thì lại là kiểu khác.

PV: Từ ngày anh quyết định “nhịn” bấm còi, cảm giác lái xe trên đường của anh có thay đổi như thế nào?

Anh Nguyễn Trọng Nam: Chia sẻ điều này cũng hay đấy. Việc nhịn bấm còi thì cho mình cảm giác mình nhường nhịn, cho người ta đi chậm một tí, mình đi chậm theo. Mình ít bấm còi thì cũng không có cảm giác phân đua, không cần phải giục giã họ dẹp ra cho mình đi. Mình nhường, có lẽ người ta có việc, suy nghĩ này kia thì mình cũng giảm còi. Đến đoạn nào mình vượt được sau thì vượt.

PV: Tâm thế của anh cũng sẽ không bồn chồn nữa?

Anh Nguyễn Trọng Nam: Mình nhẹ nhàng hơn, không bị căng thẳng, không bị bức xúc trong người.

PV: Thực ra chúng ta nhịn còi chứ cũng không thể nào không sử dụng đến nó một cách tuyệt đối. Theo anh, sử dụng còi xe có văn hóa nên hiểu theo cách nào?

Anh Nguyễn Trọng Nam: Nhiều khi cũng phải để ý khung cảnh xung quanh. Thời gian bấm còi, khoảng cách nữa. Ví dụ xe máy đi trước, họ đi vào làn ô tô đi chậm rất khó chịu. Thì mình bấm 1 cái để thông báo. Còn người ta vẫn chưa để ý thì mình còi thêm 1 cái nữa.

Khi đã bấm lần thứ hai thì người ta có thể ngoái lại quan sát và nhường đường. Mà bấm thì chỉ bấm 1 lần, nhẹ nhàng không cần gí, đè xuống để nó kêu một hơi dài đâu. Đôi lúc họ cũng xao nhãng trong lái xe.

Theo anh Nam, hạn chế bấm còi cho anh cảm giác nhường nhịn, bớt phân đua với người tham gia giao thông khác

Theo anh Nam, hạn chế bấm còi cho anh cảm giác nhường nhịn, bớt phân đua với người tham gia giao thông khác

Theo mình, quan trọng là ý thức ra đường phải tập trung lái xe, làn nào ra làn đó, tôn trọng người khác. Được như thế thì người ta sống nhẹ nhàng, bình thường với nhau. Có người cho rằng, sao ngồi ô tô mà cứ một chút lại bấm còi.

Thực ra, ngồi trong xe mới biết cảm giác để đảm bảo an toàn cho xe, cho người lái, hành khách, để không bị lỡ may va quệt, cán vào nhau, chứ cũng chẳng ai muốn dùng còi.

PV: Nghe anh chia sẻ, tôi cũng dần hình dung được cảm giác khi được đi trên 1 tuyến đường ít tiếng còi xe.

Anh Nguyễn Trọng Nam: Tất nhiên nó sướng, thích chứ. Ở ngoài người ta cảm nhận tiếng còi to lắm, trong xe ô tô thấy nó bình thường, còn người ta ngồi uống nước dưới đường chẳng hạn thì bực mình lắm. Chứ văn hóa giao thông mà nhiều còi thì là ít tôn trọng nhau.

Có nhiều trường hợp vô tình còi thôi, nhưng gặp ông nào cùn thì có khi cũng lời qua tiếng lại, đánh nhau.

PV: Cảm ơn chia sẻ của anh, chúc hành trình của anh sẽ bớt tiếng còi xe cùng với các bác tài khác nữa.

Có một chi tiết mà anh Nam vừa chia sẻ khiến VOVGT đồng cảm. Đó là khi các bác tài ngồi trên ô tô, đóng kín cửa kính, tiếng động khó lọt vào vì cách âm. Do đó, họ có thể không hiểu được cảm giác của người xung quanh khi nghe tiếng còi xe vừa gần, vừa kéo dài inh ỏi, rất nhức đầu và khó chịu.

Sự đồng cảm, nhường nhịn nhau cũng là tinh thần chung mà những người đang và sẽ có ý định hạn chế lạm dụng còi xe muốn hướng tới. Nếu một ngày, bạn muốn khám phá thế giới của những người như anh Nam, để tận hưởng một hành trình ít ồn ào, hãy thử “nhịn” bấm còi xe.

Chu Đức/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn