Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Nhân viên hàng không lo lắng vì lương thưởng hậu COVID-19

Huy Văn: Chủ nhật 19/02/2023, 11:11 (GMT+7)

Sự phục hồi của ngành hàng không và du lịch đã kéo theo sự trở lại của hàng loạt phi công, nhân viên hàng không cũng như tạo nên cơn khát nhân lực trong ngành. Tuy nhiên, dù đang thiếu nhân lực như vậy nhưng những người đang làm việc lại cho rằng thu nhập hiện tại của họ hiện không đủ.

Trong cuộc thăm dò mới đây của chuyên trang FlightGlobal và công ty môi giới việc làm hàng không Goose Recruitment, khảo sát gần 1.200 phi công, kết quả cho thấy 77% số người được hỏi hiện đã quay trở lại làm việc. Con số này tăng từ 62% trong năm 2021 và  43% trong năm 2020.

Trong 1 năm trở lại đây, các hãng hàng không đang ráo riết tuyển dụng phi công và tiếp viên khi nhu cầu đi lại đang tăng mạnh, dần về mốc trước đại dịch. Tuy nhiên, nhân lực ngành đang không đáp ứng đủ.

Ông Scott Kirby, giám đốc điều hành của hãng United Airlines cho biết: “Vấn đề hiện tại với cơn khát nhân lực của ngành hàng không, đó là bạn không thể khắc phục ngay. Cần 5-6 năm để 1 lứa nhân lực mới có thể bắt đầu làm việc chính thức, đó chính là vấn đề”.

Ngành hàng không đang vô cùng 'khát' nhân lực. Ảnh minh họa: AFP

Ngành hàng không đang vô cùng "khát" nhân lực. Ảnh minh họa: AFP

Nhưng theo FlightGlobal, số liệu chỉ ra rằng ngành hàng không vẫn đang gánh chịu tổn thương do đại dịch, dẫn tới việc phải điều chỉnh lại kỳ vọng nghề nghiệp của mình.

Theo cuộc thăm dò, rất nhiều phi công đang lo lắng về chế độ lương thưởng của họ. Hơn một nửa số phi công được hỏi cho biết họ đã không được tăng lương trong vòng 5 năm qua. 48% phi công tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết lương của họ còn bị thấp đi. Con số này là 36% với khu vực Nam Phi.

Kết quả là có đến 63% số phi công được hỏi từng nghĩ tới chuyện “nhảy việc” hoặc làm nghề khác để có thu nhập tốt hơn trong tương lai; 55% lo ngại về tính an toàn của công việc đang làm; và chỉ 45% cho biết mình sẽ khuyến khích người trẻ tuổi tham gia vào nghề, một mức thấp kỷ lục khác.

Bên cạnh đó, chuyển sang làm công việc khác cũng chưa chắc khả quan hơn. 57% số người được hỏi cho biết họ đã phải thay đổi loại hình bay do đại dịch. Con số này tăng lên tới 81% tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Một số phi công sau khi mất việc với hãng hàng không thương mại đã chuyển sang làm phi công vận tải hàng hóa, nhưng việc bay đêm quá nhiều khiến sức khỏe tụt giảm nhanh chóng.

Một phi công thì cho biết, sau khi hãng hàng không nơi ông làm phá sản, lựa chọn duy nhất còn lại của ông đó là lái chuyên cơ riêng cho một người và phải sống trong khách sạn của người đó 24/7 vì có thể bị triệu tập bất cứ lúc nào.

Chưa kể đến việc nhu cầu đi lại tăng đột biến sau đại dịch đẩy số lượng ít ỏi phi công phải làm việc quá sức. Một vài phi công chia sẻ: 

“Có những ngày tôi bay liên tục 10-11 tiếng và chỉ có khoảng 1 tiếng nghỉ giữa các chuyến”.

“Các chuyến bay hiện giờ rất khó để cất cánh theo đúng lịch. Có những lúc bạn đang chuẩn bị cho chuyến bay thì họ thông báo, chuyến này phải 1-2 ngày nữa mới cất cánh”.

Tuy vậy, tình hình tổng thể không phải quá bi quan khi nhiều phi công cho rằng, khi ngành hàng không vẫn đang hồi phục nhanh và đi cùng cơn khát nhân lực hiện tại, thu nhập của họ sẽ sớm tăng trở lại. 52% phi công cho rằng lương của họ sẽ tăng trong 2 năm tới; 32% cho rằng cho rằng lương của họ sẽ giữ nguyên.

Ông Mark Charman, giám đốc điều hành của Goose Recruitment cho rằng 2023 sẽ là một năm diễn ra nhiều cuộc đàm phán về lương thưởng nhiều hơn bao giờ hết. Sở dĩ có việc lương phi công giảm là do họ hiểu rằng việc cắt giảm chi phí của hàng không trong thời kỳ đại dịch là điều cần thiết. Đó là sự hy sinh vì lợi ích chung. Tuy nhiên, nay hàng không đã hồi phục, sự thiện chí đó sẽ sớm kết thúc.

Ảnh minh họa: Thrustflights

Ảnh minh họa: Thrustflights

Bên cạnh đó, thông thường các cuộc thăm dò như vừa nêu còn nhằm nhằm mục đích gợi ý cho các nhân lực trong ngành về việc khu vực hay thị trường nào đó đang có ưu thế hơn. Nhiều tháng trở lại đây, nhân công ngành hàng không Mỹ đã nhiều lần lên tiếng, thậm chí là đình công để phản đối lịch trình làm việc dày đặc.

Hiện nhiều hãng hàng không lớn trong khu vực Bắc Mỹ như American Airlines hay United Airlines đều đã phải cam kết tăng lương cho nhân viên. Bởi nếu không tăng lương, nhân viên sẽ đình công, hoặc tệ hơn là họ sẽ chuyển sang làm việc cho công ty đối thủ.

Theo FlightGlobal, Bắc Mỹ đang là khu vực tiềm năng khi có đến 73% phi công cho biết hiện tiền lương của họ đã được tăng. Đây cũng là khu vực đang vô cùng “khát” phi công, hứa hẹn nhiều vị trí làm việc.

Ông Scott Kirby, giám đốc điều hành của hãng United Airlines cho biết: “Chúng tôi có tới gần 100 máy bay đang không được vận hành. Chúng tôi đang cần thêm rất nhiều nhân lực nhưng việc tuyển dụng hiện vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu”.

Cũng theo ông Mark Charman, giám đốc của Goose Recruitment, thị trường lao động ngành hàng không trong thời gian này chắc chắc sẽ tăng lương để tăng tốc độ tuyển dụng. Tuy nhiên, đây chỉ là tạm thời, không phải là chiến lược bền vững. Các hãng hàng không sẽ phải suy nghĩ lại về triết lý tuyển dụng của họ, và chuyển hướng sang chú trọng vào công tác đào tạo phi công mới. Chiến lược này chắc chắn sẽ hiệu quả về lâu dài hơn là việc tiếp tục giành giật những phi công có sẵn trên thị trường.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn