Miễn phí wifi trên máy bay để cạnh tranh khách
Truy cập Internet trên máy bay là nhu cầu của rất nhiều hành khách. Tuy nhiên, do vấn đề kỹ thuật và chi phí tốn kém nên mức cước phí sử dụng wifi trên máy bay khá đắt đỏ và không phải hãng hàng không nào cũng có dịch vụ này.
Trong bối cảnh du lịch thế giới dần hồi phục, nhiều hãng bay đang lên kế hoạch sẽ cung cấp miễn phí wifi để cạnh tranh và thu hút khách.
Hãng hàng không Delta Air Lines của Mỹ mới đây cho biết, đang phối hợp với nhà mạng di động T-Mobile để cung cấp wifi tốc độ cao, miễn phí cho tất cả hành khách trên các chuyến bay nội địa kể từ ngày 1/2/2023, sau đó là các chuyến bay quốc tế và khu vực vào cuối năm 2024.
Với kế hoạch này, Delta Air Lines là một trong 3 hãng hàng không lớn đầu tiên của Mỹ xem việc cung cấp miễn phí wifi như một chiến lược cốt lõi nhằm thu hút và tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Theo ông Ed Bastian, Giám đốc điều hành Delta Air Lines, mọi lúc, mọi nơi, tại nhà hay công sở, kết nối Internet giờ đây được xem là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, mục tiêu của Delta Air Lines là mang lại trải nghiệm cho khách hàng ở độ cao 30.000 feet, tương tự những gì họ sử dụng trên mặt đất:
“Tầm nhìn trong tương lai của chúng tôi là tăng trải nghiệm cho hành khách đi máy bay. Internet giúp kết nối mọi người, kết nối thế giới, mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, từ lâu chúng ta biết rằng, chất lượng wifi trên các chuyến bay thường không được tốt. Có rất nhiều lý do, vì vậy trong suốt 3 năm qua, Delta Air Lines đã chi hơn 1 tỷ USD để tạo ra cơ hội này. Đó là wifi tốc độ cao, miễn phí và sẵn sàng cho tất cả mọi người”.
Theo các chuyên gia, việc truy cập Internet trên máy bay sẽ giúp giảm triệu chứng sợ máy bay của nhiều người. Bên cạnh đó, một chuyến bay đường dài sẽ trở nên dễ chịu, thoải mái hơn nếu hành khách có thể lướt web, đọc báo, xem phim hay nhắn tin với bạn bè.
Khảo sát của Inmarsat - Công ty chuyên cung cấp các dịch vụ vệ tinh di động toàn cầu, với 10.000 hành khách đi máy bay trên toàn thế giới cho thấy, 77% người được hỏi cho biết, wifi trên máy rất quan trọng với họ khi đi du lịch, tăng đáng kể so với mức 55% trong cuộc khảo sát đầu tiên vào năm 2018.
Ông Niels Steenstrup, Chủ tịch Inmarsat Aviation, nhận định: “Kết nối Internet trên máy bay không chỉ giúp các hãng hàng không thu hút được khách hàng mới mà còn giữ chân và khiến khách hàng hiện tại hài lòng. Điều này cũng là động lực để ngành hàng không nhanh chóng phục hồi. Cung cấp Wifi chất lượng cao sẽ là món ý nghĩa cho những người muốn làm việc hoặc giải trí trong khi bay”.
Tuy nhiên, tốc độ truy cập và giá cước sử dụng Internet trên máy bay là điều nhiều hành khách quan tâm. 47% người được hỏi cho biết, từng trả tiền cho dịch vụ sử dụng wifi nhưng không thể kết nối hoặc tốc độ rất chậm. Trong khi 83% cho rằng wifi nên miễn phí trên những chặng bay đường dài.
Được biết, hiện hầu hết các hãng hàng không đều tính phí khá đắt với dịch vụ wifi trên máy bay. Cụ thể, United Airlines tính 8 USD cho khách hàng thường xuyên và 10 USD cho các khách hàng khác. Trong khi Southwest Airlines áp dụng mức 8 USD với tất cả khách hàng.
Thực tế, ý tưởng đưa Internet lên máy bay đã tồn tại suốt hơn 2 thập kỷ qua với việc hãng Boeing công bố kế hoạch mang tên Connexion vào tháng 4/2000, sau đó chính thức ra mắt dịch vụ trên chuyến bay Lufthansa kết nối giữa Munich với Los Angeles vào năm 2004. Tuy nhiên, đến năm 2006, Boeing cho biết phải ngừng dịch vụ bởi kết quả không như mong đợi.
Từ đó đến nay, dù có sự ra đời của điện thoại thông minh cùng nỗ lực cải tiến công nghệ từ các nhà cung cấp vệ tinh, nhưng Wi-Fi trên máy bay vẫn chưa thực sự phổ biến bởi chi phí cài đặt rất tốn kém. Ngoài ra, chất lượng kết nối còn bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết và việc truy cập Internet trên máy bay luôn là dịch vụ đắt đỏ.
Ông Don Buchman, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc phụ trách hàng không thương mại, thuộc Công ty cung cấp dịch vụ vệ tinh Viasat nhận định: “Điểm khác biệt lớn nhất của wifi trên máy bay là sự phức tạp của yếu tố di động. Máy bay liên tục di chuyển với tốc độ cao, qua các khu vực địa lý rộng lớn, do đó đòi hỏi phạm vi phủ sóng rất nhất quán mới có thể cung cấp kết nối internet trong suốt chuyến bay”.
Tuy khó khăn, nhưng theo đánh giá của công ty nghiên cứu Verified Market Research thị trường cung cấp wifi trên máy bay là hết sức tiềm năng, có thể lên tới trên 12 tỷ USD vào năm 2030. Chính vì vậy nhiều công ty cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh, trong đó có SpaceX của tỷ phú Elon Musk cũng đang có động thái muốn tham gia vào thị trường này.
Tại Việt Nam, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên cung cấp dịch vụ Wi-Fi trên máy bay từ năm 2019. Dịch vụ Internet OnAir với tốc độ đường truyền 432 kbps được hãng hàng không quốc gia triển khai trên 4 máy bay thân rộng hiện đại Airbus A350-900.
Theo đó, hành khách sử dụng dịch vụ được khuyến cáo nên để các thiết bị di động ở chế độ trên máy bay. Khi máy bay đạt đến độ cao nhất định hành khách mới được phép sử dụng dịch vụ này.
Được biết, mức cước phí sử dụng dịch vụ dao động từ 75.000 đồng (với gói chỉ nhắn tin) tới hơn 700.000 đồng (với gói làm việc và tương tác mạng xã hội).