Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thứ Năm, 17/4/2025
Thành phố tôi yêu

Nhà vệ sinh công cộng: Cần nhiều hơn, hiện đại hơn

Minh Hiếu: Thứ ba 08/04/2025, 16:22 (GMT+7)

UBND TP.Hà Nội đã có Thông báo 101 về việc nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, trong đó, yêu cầu các quận, huyện rà soát, cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh công cộng. Đây là tin vui với người dân và du khách trước thực trạng nhà vệ sinh công cộng vừa thiếu, vừa lạc hậu tồn tại trong nhiều năm qua.

Chạy xe công nghệ với phần lớn thời gian ở ngoài đường, anh Nguyễn Thế Anh, ở Đống Đa, rất hiểu nỗi khổ khi Hà Nội thiếu nhà vệ sinh công cộng. Vì vậy, anh rất kỳ vọng vào đợt rà soát, cải tạo nhà vệ sinh sắp tới:

"Nghe được tin này thì em thấy rất là vui, giúp vệ sinh môi trường tốt hơn, tránh hoặc giảm tình trạng phóng uế bừa bãi nơi công cộng. Em hy vọng trong thời gian tới sẽ mở thêm nhiều điểm công cộng để phục vụ cho người dân, cải thiện thêm trang thiết bị tại nhà vệ sinh công cộng cho sạch hơn nữa".

Nhiều nhà vệ sinh đã được cải tạo lớp vỏ thép bên ngoài cùng thời điểm nâng cấp các vườn hoa năm 2023 (Ảnh - Minh Hiếu)

Nhiều nhà vệ sinh đã được cải tạo lớp vỏ thép bên ngoài cùng thời điểm nâng cấp các vườn hoa năm 2023 (Ảnh - Minh Hiếu)

Hiện Thành phố có 351 nhà vệ sinh công cộng phục vụ gần 9 triệu dân, ít đi khoảng 50 nhà vệ sinh so với thời điểm năm 2021 mà VOV Giao thông từng phản ánh. Trong số nhà vệ sinh hiện tại, xây dựng bằng gạch là 176 công trình, kết cấu vỏ thép là 91, và 84 nhà vệ sinh do công ty Vinasing lắp đặt từ những năm 2016.

Theo khảo sát của phóng viên, nếu như các nhà vệ sinh của Vinasing được trang bị bồn cầu dạng ngồi bệt, thì nhiều nhà vệ sinh do các quận quản lý vẫn dùng bồn cầu ngồi xổm lạc hậu.

Về kết cấu bên ngoài, nhiều nhà vệ sinh đã được cải tạo lớp vỏ thép cùng thời điểm nâng cấp các vườn hoa năm 2023, như tại vườn hoa Lê Trực, Quán Sứ,… Còn tại những nơi chưa được cải tạo, như công viên Lê Nin, nhà vệ sinh vẫn lụp xụp như nhiều năm trước, lớp vỏ thép xập xệ và hoen gỉ.

Còn tại những nơi chưa được cải tạo, như công viên Lê Nin, nhà vệ sinh vẫn lụp xụp như nhiều năm trước, lớp vỏ thép xập xệ và hoen gỉ (Ảnh - Minh Hiếu)

Còn tại những nơi chưa được cải tạo, như công viên Lê Nin, nhà vệ sinh vẫn lụp xụp như nhiều năm trước, lớp vỏ thép xập xệ và hoen gỉ (Ảnh - Minh Hiếu)

Điểm tích cực là vấn đề vệ sinh cơ bản được đảm bảo, khi mỗi nhà vệ sinh công cộng tại khu vực trung tâm đều có một nhân viên của Urenco túc trực dọn dẹp. Một nhân viên dọn vệ sinh cho biết:

"Nếu là bồn cầu ngồi bệt thì trông nó lịch sự hơn, nhưng do ý thức của người dân, người ta không chịu ngồi lên bệt công cộng, người ta sẽ ngồi xổm lên bệt, rất nhanh hỏng. Nó đóng cửa vào đi vệ sinh thì mình biết sao được, nên chỉ dùng những đồ này thôi".

Về việc cải tạo nhà vệ sinh, ông Vũ Kim Ngọc, ở phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm cho rằng, không nên lấy lý do ý thức để lý giải việc không lắp thiết bị mới, hiện đại:

"Nó nhỏ hẹp và chật chội. Nó là hố xí ngồi xổm, người già ngồi rất khó khăn, và khách Tây nhìn thế là người ta sợ, không dám vào. Từ thời bao cấp để lại mà đến giờ không cải tạo thì rất là vô lý. Theo tôi, nhà vệ sinh công cộng mà mình làm hiện đại, văn minh. Mình thu phí để có người trông nom, quét dọn sạch sẽ, không sao cả, người ta sẵn sàng bỏ ra một vài nghìn ra để được ngồi cho thoải mái".

Nhiều nhà vệ sinh do các quận quản lý vẫn dùng bồn cầu ngồi xổm lạc hậu (Ảnh - Minh Hiếu)

Nhiều nhà vệ sinh do các quận quản lý vẫn dùng bồn cầu ngồi xổm lạc hậu (Ảnh - Minh Hiếu)

Theo KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, nhà vệ sinh công cộng thể hiện văn minh đô thị. Cải tạo nhà vệ sinh công cộng là cần thiết, nhưng khó hơn và cần quan tâm hơn là việc duy trì sau khi cải tạo:

"Cải tạo thì dễ thôi, bỏ tiền ra thì trong một tuần là nhà vệ sinh đẹp ngay, nhưng duy trì hoạt động mới là vấn đề quan trọng. Rà soát xem mô hình quản trị đang có vấn đề gì, đưa ra mô hình quản trị mới sẽ giải quyết vấn đề gì, rồi hẵng bỏ tiền ra làm. Chứ còn không biết ai dùng, không biết ai quản, duy tu sửa chữa thế nào,… thì e rằng cũng không có tác dụng gì mấy. Bên cạnh duy trì tốt thì phải có chế tài phạt thật nặng người đi vệ sinh bừa bãi."

Theo Thông báo 101, Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nhập khẩu, triển khai máy móc hiện đại phục vụ vệ sinh môi trường. Các quận, huyện, thị xã rà soát, bàn giao, cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh công cộng; vận động nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại mở cửa phục vụ miễn phí./.

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn