Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Nhà vệ sinh công cộng: Cân bằng lợi ích cộng đồng và doanh nghiệp

Thái Sơn: Thứ ba 29/11/2022, 11:17 (GMT+7)

Dù chỉ được xem là ‘công trình phụ’, nhưng trong quy hoạch đô thị, nhà vệ sinh công cộng có vai trò hết sức quan trọng. Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, do thiếu kinh phí sửa chữa, duy tu, không ít nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Hà Nội hư hỏng, xuống cấp… trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người.

Làm thế nào để xóa ‘nỗi sợ’ mang tên nhà vệ sinh công cộng, đồng thời giải quyết bài toán cân bằng giữa lợi ích phục vụ cộng đồng và đơn vị khai thác quản lý?

 

Năm 2017, với chủ trương xã hội hóa, UBND thành phố Hà Nội triển khai dự án xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng, nhằm phục vụ nhu cầu của cư dân và đảm bảo mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, đến nay chỉ chưa đầy 90 công trình trong số này được đưa vào sử dụng.

Sau gần 5 năm khai thác, nhiều nhà vệ sinh công cộng xuất hiện dấu hiệu xập xệ, xuống cấp, nhiều nơi chỉ ‘tồn tại cho có’. Một số người sau khi trải nghiệm đã ‘tự hứa’ sẽ không quay trở lại:

“Hà Nội có mấy nhà vệ sinh đâu, có nhiều nơi bẩn quá đi không được, sợ lần sau không dám vào nữa”.

“Về vệ sinh chất lượng sạch sẽ chưa được như yêu cầu”

“Theo mình nghĩ cần phải đầu tư để nâng cấp lên cho sạch sẽ. Sạch ở đây không có nghĩa là phải đắt tiền nó mới sạch. Mình làm nó đơn giản thôi nhưng mà vẫn sạch được, chi phí nó thấp thôi nhưng vẫn sạch được”.

Theo ghi nhận thực tế tại một số nhà vệ sinh công cộng hiện nay trên địa bàn Hà Nội như cạnh bến xe Mỹ Đình, đường Giáp Nhất, Dương Đình Nghệ… các công trình đã bị xuống cấp, nhiều hạng mục hư hỏng.

Cô Nguyễn Thị Hòa, nhân viên thực hiện việc cọ rửa nhà vệ sinh trên đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết:

“Nhà vệ sinh này thứ nhất là đang bị tắc sàn, sàn rửa. Tắc sàn không rửa được là rất khai chú ạ. Mới cả trên mái này bị dột, nước chảy xuống, kể cả người ta đang vệ sinh mà mưa là nước chảy xuống, bị ướt”.

Số lượng nhà vệ sinh công cộng hiện nay rõ ràng chưa đáp ứng đủ nhu cầu đối với một đô thị có xấp xỉ 8,5 triệu dân như thủ đô.

Số lượng nhà vệ sinh công cộng hiện nay rõ ràng chưa đáp ứng đủ nhu cầu đối với một đô thị có xấp xỉ 8,5 triệu dân như thủ đô.

 

Ông Hoàng Văn, Trưởng Trung tâm Điều hành sản xuất, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, hiện đơn vị đang được thành phố giao duy trì 40 nhà vệ sinh công cộng, thuộc dự án xã hội hóa do Công ty cổ phần Thương mại và truyền thông Vinasing đầu tư. Đến nay, nhiều công trình đã xuống cấp nhưng công tác duy tu, bảo trì còn tồn tại không ít bất cập.

“Các nhà vệ sinh cũng có những cái hư hỏng. Ví dụ như phần mái bong tróc, phần tiếp giáp đất cũng có những chỗ bị tắc nước hay các nhà vệ sinh vì nằm sát mặt đất cho nên cũng có những vị trí hỏng, sắt lâu ngày cũng sét rỉ. Các hệ thống két nước nhà vệ sinh, rồi các vòi, van, lavabo, hệ thống thoát nước cũng vậy, có hiện tượng rỉ, tắc và cần phải sửa chữa.

Những việc nhỏ thì công ty môi trường sẽ cho sửa chữa ngay. Ví dụ van vòi hỏng thì sửa chữa, nhưng hệ thống ống nước và hệ thống đường ngầm bên trong đòi hỏi phải có những sửa chữa lớn. Cho nên rất mong muốn công ty Vinasing có phương án sửa chữa các nhà này để đảm bảo mỹ quan đô thị”, ông Hoàng Văn cho biết.

Không chỉ xuống cấp, lạc hậu, Hà Nội hiện nay chỉ có gần 400 nhà vệ sinh công cộng, chủ yếu tập trung ở những quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Số lượng này rõ ràng là quá ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu đối với một đô thị có xấp xỉ 8,5 triệu dân như thủ đô.

Ông Hoàng Văn cho biết thêm: “Mật độ đặt nhà vệ sinh hiện nay rất thưa, trong khi đó nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh của Hà Nội cần rất cao. Vì vậy cũng có một số điểm người dân xả thải không được đẹp mắt, ảnh hưởng đến văn hóa của người Hà Nội”.

Nhiều nhà vệ sinh công cộng hư hỏng, xuống cấp nhưng công tác sửa chữa, duy tu còn bất cập

Nhiều nhà vệ sinh công cộng hư hỏng, xuống cấp nhưng công tác sửa chữa, duy tu còn bất cập

Dù chỉ được xem là ‘công trình phụ’, nhưng thực tế nhà vệ sinh công cộng có vai trò hết sức quan trọng bởi công dụng đảm bảo vệ sinh môi trường và giữ mỹ quan sạch đẹp cho thành phố.

Tại nhiều đô thị hiện đại trên thế giới, việc bố trí những công trình này sao cho dễ thấy, dễ tìm và thuận tiện với các tài xế đang tham gia giao thông, được các nhà quy hoạch đặc biệt quan tâm.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội kiến trúc sư Hà Nội chia sẻ: “Nhà vệ sinh công cộng trong thành phố là một công trình thiết yếu trong quá trình đô thị hóa. Việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng cũng thể hiện một điều rất nhân văn trong quan niệm về xây dựng đô thị, phát triển đô thị. Một đô thị quan tâm đến nhà vệ sinh công cộng cũng là quan tâm đến yêu cầu thiết yếu của con người, cũng như là một thành phố rất nhân văn và yêu con người”. 

Chia sẻ quan điểm trên, PGS. TS. Nguyễn Đinh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội nước và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để nâng cấp số lượng, chất lượng nhà vệ sinh công cộng, việc xã hội hóa là chủ trương đúng đắn, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa đem lại lợi ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, không thể trông chờ hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa.

“Việc xã hội hóa là điều rất tốt, như ở TP.HCM nơi tôi sống thì cũng có nhiều công trình nhà vệ sinh được xã hội hóa do các ngân hàng họ bỏ tiền đầu tư hoạt động rất tốt. Bởi vì thông qua hoạt động đó, người dân đô thị và bộ mặt thành phố được thay đổi. Nhà đầu tư họ cũng được quảng bá về hình ảnh thân thiện với môi trường hơn.

Cho nên ở TP.HCM, tôi thấy hoạt động xã hội hóa này đã đạt được những kết quả khá tốt đẹp. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, chúng ta không thể chỉ trông chờ vào xã hội hóa mà vấn đề này là trách nhiệm của chính quyền các đô thị”, PGS. TS. Nguyễn Đinh Tuấn nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo công tác vệ sinh, cũng như bảo trì, duy tu, chính quyền các thành phố có thể cho phép đơn vị quản lý nhà vệ sinh công cộng thu phí người sử dụng. Tuy nhiên, cần khảo sát, đánh giá để cân bằng giữa lợi ích phục vụ cộng đồng và doanh nghiệp.

PGS. TS. Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhận định: “Chúng ta phải có tính toán về lợi ích chi phí, tức là người ta xây dựng nhà vệ sinh thì bao nhiêu tiền, một ngày thu được bao nhiêu tiền, từ đó đưa ra giá cho phù hợp. Giá đắt quá thì người dân không vào, mà rẻ quá thì nhà đầu tư sẽ không có lợi nhuận.

Cho nên những nhà quản lý phải có giải pháp làm sao để cân bằng lợi ích giữa người sử dụng và người đầu tư. Thậm chí phải có những điều tra về xã hội học, và khả năng sẵn sàng chi trả của người dân là bao nhiêu. Ban hành hệ thống đơn giá thì mới có thể cân bằng được lợi ích”.

9d2f38


Cần xem nhà vệ sinh công cộng là biểu hiện của văn minh đô thị

“Hà Nội bây giờ đẹp và hiện đại chẳng kém gì Seoul, nhưng nhiều người vẫn còn thói quen xả rác và đi vệ sinh nơi công cộng” - Đây là chia sẻ của một cô bạn người Hàn Quốc với tôi trong một cuộc trò chuyện mới đây.

Lâu nay tôi vẫn thường thích được nghe những lời khen từ bạn bè nước ngoài kiểu như ‘Việt Nam của các bạn đẹp quá, tôi yêu Việt Nam’ hay ‘người Việt Nam rất hòa nhã, cởi mở, thân thiện’. Do vậy, lời nhận xét bất ngờ từ cô bạn người Hàn khiến tôi phải ‘giật mình’.

Tuy nhiên, tôi chẳng thể phản bác hay phủ nhận ý kiến này. Bởi thực tế đi dọc nhiều tuyến đường ở Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh những tài xế, từ xe máy đến ô tô, bất ngờ, vội vã dừng phương tiện ngay bên đường rồi quay mặt vào tường để ‘giải quyết nỗi buồn’ mặc cho dòng người qua lại.

Có thể nói, việc phóng uế bừa bãi ngay trên đường phố là hành vi hết sức xấu xí, phản cảm, gây mất vệ sinh môi trường cũng như văn minh đô thị. Vấn đề đó xuất phát từ ý thức chưa tốt của một bộ phận người dân, tuy nhiên cũng cần nhìn lại công tác quy hoạch các nhà vệ sinh công cộng.

Tại những đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM, nơi có mật độ dân cư tập trung đông đúc, số lượng nhà vệ sinh công cộng hiện nay là còn quá ít so với nhu cầu thực tế và phân bổ không đều. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ thấp của những công trình này khiến người dân cảm thấy e ngại khi sử dụng.

Nhiều người cho biết, khi đi ngoài đường, đặc biệt tại các quận ven đô, nếu lỡ có ‘nhu cầu’ thì cũng đành ‘bấm bụng chịu đựng’ do tìm mỏi mắt mà không thấy nhà vệ sinh công cộng. Một số khác cố vào quán cà phê hay trung tâm thương mại để ‘xin đi nhờ’ chứ không dám sử dụng nhà vệ công cộng.

Nghị định 45 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ tháng 8/2022, nêu rõ “Sẽ phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định.

Tuy nhiên, xoay quanh câu chuyện này, nhiều ý kiến cho rằng, chính vì hệ thống nhà vệ sinh công cộng chưa đáp ứng được đủ nhu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng, dẫn đến nhiều lúc người dân buộc phải “phóng uế” bừa bãi vì không có lựa chọn.

Chính vì vậy, để giải quyết những bất cập, đã đến lúc nhà vệ sinh công cộng cần được xem là biểu hiện của văn minh đô thị. Trong công tác quy hoạch, các công trình này cũng cần được xem trọng hơn.

Bởi khi số lượng nhà vệ sinh công cộng đáp ứng được nhu cầu, tình trạng phóng uế, tiểu tiện bừa bãi mới không không diễn ra, và ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, mĩ quan đô thị mới dần được nâng lên.

Bên cạnh đó, việc cân đối giữa yêu cầu phục vụ cộng đồng với quyền lợi của các đơn vị quản lý trong vấn đề xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng nhằm đảm bảo nguồn thu sửa chữa, vận hành cũng cần được xem xét một cách thấu đáo.

Thái Sơn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.