Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Người trẻ trồng rừng chống biển đổi khí hậu

Hồng Lĩnh: Thứ bảy 29/10/2022, 10:54 (GMT+7)

Bao năm qua, khi gặp phải tình trạng đất sạt lở, xói mòn, người dân xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang lâm vào cảnh mất nhà cửa, nước mặn tràn vào tuyến đê xung yếu Tân Thành gây ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Với mong muốn được giúp đỡ bà con vùng có nguy cơ ngập mặn cao, bảo vệ rừng và lan toả tinh thần bảo vệ môi trường tự nhiên, Câu lạc bộ Lãnh đạo doanh nhân trẻ thế giới tại Việt Nam (JCI Việt Nam), chi hội Đông Sài gòn khởi xướng dự án Blue & Greeen với sứ mệnh: “Đưa ra những giải pháp và chiến lược bền vững hoạt động tốt hơn cho môi trường”.

Những ngày giữa tháng 10, Kim Ngân – Giám đốc Dự án Blue & Green cùng nhóm bạn trẻ đội nắng giữa bãi biển Tân Thành, bên cạnh tuyến đê xung yếu để cùng chính quyền địa phương đo đạc, kiểm nghiệm những mầm đước được vun trồng hồi tháng 7/2022.

Gần 30.000 cây đước đã nhú lá non đầu tiên. Thuỷ triều rút, bước chân bên mầm lá rung rinh nhè nhẹ trước gió, Ngân không quên những tháng ngày vất vả khi vừa đặt chân đến vùng đất đã từng bị tổn thương bởi thiên tai…

"Thật sự là đất ở đây rất khó để trồng, không phải là đất màu mỡ. Và mực nước lên xuống, thủy triều cũng thất thường, nên là mọi người rất là sợ cây sẽ chết. Nhưng mà ngày hôm nay xuống, và nhìn thấy cây đã mọc lên rất là tươi tốt, được 2,3 tầng lá rồi.

Đó là dấu hiệu đáng mừng cho đội dự án rằng quyết định này của mình là đã đúng. Mình đã chọn đúng loại cây mình gieo trồng và đúng thời điểm, nên cây có thể sống được tốt như vậy…", Ngân cho biết.

Các thành viên dự án Blue & Greeen cùng chính quyền địa phương đo đạc, kiểm nghiệm những mầm đước được vun trồng hồi tháng 7/2022

Các thành viên dự án Blue & Greeen cùng chính quyền địa phương đo đạc, kiểm nghiệm những mầm đước được vun trồng hồi tháng 7/2022

Từ năm 2020 - 2021, dự án Blue & Green đã đi qua rất nhiều địa điểm, trong đó có huyện Gò Công Đông, Tiền Giang. Ngân đã phải tham vấn chính quyền địa phương, các chuyên gia khoa học nông nghiệp để có được thông tin về thổ nhưỡng, khí hậu và tìm ra loại cây cũng như thời điểm gieo trồng phù hợp.

Blue & Green quyết định gieo hạt trụ mầm để cây có thể tự thích nghi với môi trường khắc nghiệt ở đê biển Tân Thành và giảm số lượng cây chết. Khoảng thời gian đầu khi tìm hiểu, hầu như tháng nào vợ chồng Ngân cũng về Gò Công Đông để gặp bà con địa phương và trải nghiệm đời sống của bà con khi không có rừng ngập mặn bảo vệ:

"Qua những lần đi khảo sát và lắng nghe tôi mới cảm thấy đây nên là địa điểm để dự án thực hiện. Thực sự mà nói, người dân ở đây đa phần không quan tâm đến vấn đề môi trường biến đổi khí hậu, thậm chí tuyên truyền ngưng xả rác đã là điều khó, chứ đừng nói đến chuyện trồng rừng ngập mặn để bảo vệ đê.

Dự án mong muốn như ngọn đuốc dẫn đầu để mọi người tập trung chú ý để hiểu về tầm quan trọng và có thể hiểu được đã có những tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề môi trường và cấp thiết đến thế nào", Ngân chia sẻ.

Những cây đước đã nhú lớp lá non

Những cây đước đã nhú lớp lá non

Gần 2 năm đi về, các bạn trẻ có lúc cũng có suy nghĩ bỏ cuộc, vì để trồng được gần 30.000 cây ở khu vực 4.16 ha đất trống ngay dưới chân đê xung yếu không phải là chuyện dễ dàng. Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, khi tất cả mọi người trong Ban dự án đang cùng tâm sức và có kế hoạch trồng cây sớm, thì đã phải dừng lại và mất liên lạc. Nhưng động lực nào để bạn trẻ này bước tiếp?

Ngân tâm sự: "Động lực lớn nhất của tôi có lẽ là con trai của tôi. Cậu bé đã được 4 tuổi và rất thích trồng cây. Ở trên sân thượng, cháu hay trồng những cây nhỏ. Và con tôi cũng tham gia trồng những cây đước đầu tiên trên mảnh đất này.

Tôi nghĩ, vấn đề bảo vệ môi trường cần phải được bắt đầu từ những bé nhỏ, vì những việc mình làm ngày hôm nay, thế hệ mai sau sẽ thụ hưởng. Tôi hy vọng, những gì tôi cố gắng ngày hôm nay các em nhỏ sẽ được gặt hái để các em nhỏ có một môi trường sống trong lành hơn."

Dự án kéo dài 4 năm bao gồm 1 năm trồng, 3 năm chăm sóc, mỗi năm sẽ có một đợt nghiệm thu. Chính quyền địa phương bao gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND huyện Gò Công Đông, xã Tân Thành, Hạt đê điều sẽ tiến hành đo đạc đủ mật độ cây sống/ha.

Sau 4 năm, mong muốn của Ngân và dự án là khu vực này sẽ chính thức trở thành rừng phòng hộ quốc gia nhằm ngăn chặn việc khai thác rừng.

Ông Đào Minh Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông nói về ý nghĩa của dự án: "Hoạt động thể hiện sự hiểu biết của bạn trẻ trong trồng rừng, qua đó để tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức trong công tác trồng cây gây rừng. Chương trình này rất có ý nghĩa trong thời gian tới để mà mọi người cùng chung tay góp sức chống biến đổi khí hậu, nhất là đối với địa bàn Tân Thành là nơi mà thường xuyên xảy ra thiên tai triều cường cũng như là sạt lở trong thời gian qua."

Một thành viên 'nhí' của dự án Blue & Green

Một thành viên "nhí" của dự án Blue & Green

Mới ngày nào các bạn nhỏ, thành viên dự án và mạnh thường quân cùng nhau cắm cây đước đầu tiên cho đến thời điểm hiện tại ở giai đoạn 1, nhìn thấy số lượng cây đước có thể sống được hơn 90% đã là một niềm hạnh phúc của Ngân và Blue & Green.

Đó là sự khởi đầu tốt đẹp và hứa hẹn một cánh rừng đước sẽ lấp đầy những tổn thương mà thiên tai đã gây ra cho người dân nơi đây suốt bao năm qua.

Hồng Lĩnh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn