Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Người làm nên “nhãn IDO Đồng Tâm”

Kim Loan: Thứ năm 10/10/2024, 14:28 (GMT+7)

Tại xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ hiện có một vùng trồng nhãn Ido tập trung giúp mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân và nhãn trồng ở đây được nhiều người biết đến với tên gọi nhãn Ido Đồng Tâm.

Lão nông Nguyễn Văn Triều chính là người đã góp công lớn trong thúc đẩy liên kết sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và hình thành nên thương hiệu nhãn Ido Đồng Tâm. Nhờ trồng nhãn Ido, ông Triều và nhiều hộ dân tại Định Môn cũng có điều kiện nâng cao thu nhập vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.

Nằm ở khu vực ngoại thành, xã Định Môn, huyện Thới Lai có vùng nguyên liệu nhãn lớn cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu như: Công ty Cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty Vina T&T Group…

Men theo con lộ giao thông kiên cố bao trọn con kênh KH8, những vườn nhãn ido đang thời điểm dưỡng lá xanh mướt cả vùng. Ghé thăm HTX nhãn Ido Đồng Tâm, ông Nguyễn Văn Bình tất bật trộn phân bón để kịp trong buổi sáng chở vào vườn bón cho cây.

Ông Bình kể, từ những năm 2015, giống nhãn Ido trồng ở vùng đất Định Môn có ưu thế năng suất cao, giá bán lại hấp dẫn. Nhiều bà con nông dân trong vùng quyết định đầu tư, cải tạo đất và mở rộng diện tích canh tác. Từ đây, phong trào thi đua sản xuất ở Định Môn lan tỏa và trở nên sôi nổi khi địa phương bắt tay xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới: “Nhãn năm nay tuy không được ngon nhưng có năng suất là có lãi, chỉ cần giá 17.000/kg thì lời khoảng 40 triệu/ công. Nhãn thì đầy đủ nước và phân là tươi tốt. Nhãn đợt này thấy sung hơn năm trước và ước khoảng 2 tấn/công”.

Ông Nguyễn Văn Triều - PGĐ HTX Đồng Tâm đã có đóng góp nhiều để đưa trái nhãn Ido vươn ra thị trường quốc tế

Ông Nguyễn Văn Triều - PGĐ HTX Đồng Tâm đã có đóng góp nhiều để đưa trái nhãn Ido vươn ra thị trường quốc tế

Để có một Định Môn “khá giả” như hôm nay, trong hành trình xây dựng thương hiệu sản phẩm, có sự góp công không nhỏ của lão nông Nguyễn Văn Triều, Phó giám đốc HTX nhãn Ido Đồng Tâm.

Ông Triều tâm tư, trước đây gia đình ông sinh sống dựa vào cây lúa. Tuy nhiên, vùng đất này khá trũng thấp, không phù hợp cho canh tác lúa nên năng suất đạt rất thấp và giá bán lúa cũng không cao. Do vậy, dù thâm canh tăng vụ, quanh năm phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng thu nhập lại không được bao nhiêu.

Từ những năm 2014-2015, ông Triều có dịp đi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng cây ăn trái tại tỉnh Tiền Giang và đã thấy nhiều hộ dân nơi này có thu nhập rất tốt từ cây nhãn Ido. Loại nhãn Ido gần như không bị bệnh chổi rồng. Thế là giống nhãn Ido đã được đưa về trồng tại ấp Định Khánh A. Cây phát triển rất tốt, cho trái đạt năng suất, bán giá cao. Từ đó, diện tích trồng nhãn liên tục tăng và đến nay đã hình thành được vùng chuyên canh. Nhờ trồng nhãn, gia đình ông đã có thu nhập cao gấp nhiều lần so với trước đây làm lúa.

“Nếu tính một công nhãn với một công lúa thì một công nhãn cho thu hoạch gấp 5-6 lần. Trung bình từ 1,5 tấn/công, ai trúng thì 3 tấn/công. Ai mà có khoảng 5 công đất trồng nhãn thì ổn định”, ông Triều cho biết.

Mỗi năm, xã viên HTX Đồng Tâm thu lời 80 triệu đồng từ trồng nhãn

Mỗi năm, xã viên HTX Đồng Tâm thu lời 80 triệu đồng từ trồng nhãn

Với năng suất từ 1,5 – 3 tấn/công, từ năm 2015 đến nay, xã viên của HTX nhãn Ido Đồng Tâm có thể kiếm lời từ 60-70 triệu đồng/công/năm, nhất là khi trước đây nhãn Ido bán được giá lên đến 25.000-30.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn.

Còn thời gian gần đây, đặc biệt là từ sau đại dịch COVID-19, giá nhãn Ido không còn cao như những năm đầu mới trồng nhưng người trồng nhãn vẫn có thể kiếm được lợi nhuận khoảng 30-40 triệu đồng/công/năm. Mức thu nhập này đã cao hơn rất nhiều so với việc canh tác nhiều loại cây trồng khác.

Để cây nhãn Ido “bám chân” được trên vùng đất trũng thấp tại địa phương và cho những mùa quả ngọt, bản thân ông Triều cùng các hộ dân tại địa phương cũng phải nỗ lực rất nhiều trong áp dụng  khoa học kỹ thuật và các kiến thức, kinh nghiệm hay vào sản xuất. Đồng thời, quan tâm tăng cường liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ cho biết nỗ lực của HTX nhãn Ido Đồng Tâm thời gian qua: “Một số vùng nhãn Ido đã có mã cot xuất khẩu snag Nhật và Mỹ. Đây chính là cơ hội để bà con trồng nhãn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Chúng tôi đã mời gọi doanh nghiệp thu mua sản phẩm nhãn có cấp mã cot”.

Từ nhãn Ido, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ trở nên khang trang vì nhiều hộ dân vươn lên khá giàu.

Từ nhãn Ido, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ trở nên khang trang vì nhiều hộ dân vươn lên khá giàu.

Năm 2017, Tổ hợp tác sản xuất nhãn Ido Đồng Tâm ra đời, với 35 thành viên, canh tác gần 43 hecta nhãn Ido. Với vai trò làm Tổ trưởng của tổ hợp tác, ông Triều đã tăng cường liên kết giữa các hộ dân, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP. Từ sự chủ động đó, tháng 9/2019, tổ hợp tác tự tin xây dựng nhãn hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nhãn Ido Đồng Tâm.

Với nhiều hoạt động hiệu quả và thiết thực, tổ hợp tác đã thu hút được nhiều nông dân tham gia, tăng quy mô lên 39 thành viên, với hơn 147 hecta trồng nhãn. Ông Nguyễn Tấn Nhơn – Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ cho biết hướng tạo điều kiện để nhãn Ido Đồng Tâm phát triển hơn trong thời gian tới: “Chúng tôi nỗ lực kết nối, xây dựng các chuỗi mời gọi doanh nghiệp chế bến vào đây đầu tư. Thời gian qua chúng tôi đã chuẩn hóa chất lượng sản phẩm để đạt yêu cầu xuất khẩu”.

Hiện nay, trung bình sản lượng nhãn ido HTX Đồng Tâm cung cấp cho thị trường khoảng 15 tấn/hecta/năm, với giá bán dao động 18.000 - 19.000 đồng/kg, bà con xã viên thu lợi nhuận cả trăm triệu đồng. Vừa qua, thương hiệu nhãn Ido Đồng Tâm cũng đã được Hội đồng đánh giá và phân hạng OCOP TP. Cần Thơ công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Hơn ai hết, sống, gắn bó và phát triển lâu năm ở ấp Định Khánh A, xã Định Môn, ông Nguyễn Văn Triều nhận thức rõ sự thay đổi của quê hương. Từ một ấp khó khăn nhất xã, qua nhiều năm đầu tư phát triển nhãn Ido, cuộc sống người dân sung túc hơn: “Diễn biến giá nhích lên, đi hội thảo thì người ta hướng dẫn, thấy vậy bà con vui lắm. Thật ra cái chính của việc trồng nhãn này là lợi nhuận tốt nên tự nó phát triển nhanh thôi”.

Dù đã 76 tuổi, lão nông Nguyễn Văn Triều vẫn miệt mài cho trái nhãn Ido

Dù đã 76 tuổi, lão nông Nguyễn Văn Triều vẫn miệt mài cho trái nhãn Ido

Nhãn Ido trồng tại Định Môn không chỉ cho năng suất trái rất cao mà trái nhãn còn có màu sắc đẹp, trái to, cơm dày và hạt nhỏ, ăn ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện HTX Ðồng Tâm đã liên kết được với các doanh nghiệp để đưa trái nhãn Ido xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada.

Nói về tương lai khi tuổi đã xế chiều, ông Triều ước ao địa phương sớm có một khu dự trữ nông sản, trái cây của bà con nông dân sản xuất ra chưa tiêu thụ được, có thể gửi vô kho bảo quản. Thị trường cần bà con có sẵn hàng hóa bán ra thì giá trị sẽ được nâng cao. Cũng tránh được tình trạng, hàng hóa sản xuất ra ngay lúc thị trường chưa có nhu cầu cao, buộc mình phải bán với giá thấp.

Đó là kỳ vọng của lão nông đã gắn bó mấy chục năm với vùng đất khó, nay đã khá giàu.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn