Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Người đi bộ bị chèn ép trên chính phần đường của mình

Minh Hiếu: Thứ tư 27/07/2022, 05:45 (GMT+7)

Khuyến khích, ưu tiên đi bộ là yêu cầu cực kỳ quan trọng để thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, có một nghịch lý, người đi bộ đang bị chèn ép trên chính phần đường dành cho họ, dẫn đến nguy cơ mất an toàn và khiến họ nản lòng với xe buýt, tàu điện.

9h sáng tại đường Minh Khai, đoạn qua tòa nhà Imperia, giao thông ùn dài theo hướng đi cầu Mai Động. Như thường lệ, mỗi khi tắc đường, xe máy lại “tràn” lên vỉa hè. Những viên đá lát khấp khểnh, nứt vỡ, kêu lộc cộc không ngớt trước dòng xe tấp nập ngược xuôi.

Nghiêm Hải Minh, ở quận Hai Bà Trưng, đi bộ trên vỉa hè sau khi đi tập gym. Thay vì đi lại thong thả, Minh phải “căng mắt” để tránh những phương tiện lao như “tên bắn” trên vỉa hè.

"Không chỉ mỗi đoạn đường này, em thấy tình trạng xe máy đi lên vỉa hè rất thường xuyên. Thực sự rất là phiền, mình phải vừa đi vừa tránh. Cách đây khoảng 1 tháng, có người đi xe máy ngược chiều trên đoạn vỉa hè này luôn, đâm vào một cô đi xe buýt rồi xảy ra cãi nhau", Nghiêm Hải Minh chia sẻ.

Chỉ trong 20s của đoạn video phóng viên ghi nhận, có tới 16 lượt xe máy phóng đi ''vun vút'' trên vỉa hè đường Minh Khai. Đá lát khấp khểnh, nứt vỡ, kêu ''lộc cộc'' không ngớt

Những “trải nghiệm” về sự phiền toái và nguy hiểm cũng đến với Nguyễn Hữu Phúc, ở quận Hai Bà Trưng, khi chuyển sang đi xe buýt kể từ lúc xăng dầu đắt đỏ.

Phúc chia sẻ, phải đi bộ thì mới hiểu người đi bộ đang bị phương tiện cơ giới “chèn ép” như thế nào: "Khi em đi qua nơi dành cho người đi bộ, có vạch kẻ đường và biển báo, nhưng một số trường hợp lái xe không chịu ngường đường, bấm còi.

Em là người trẻ, đủ khả năng để phản xạ, nhưng với người cao tuổi thì nguy hiểm hơn. Ngoài ra, xe máy đi lên vỉa hè và “cày” nát đường, thậm chí gạch vỡ tạo thành những hố sâu."

Ở những nơi mà vạch kẻ đường và biển chỉ dẫn còn thiếu hoặc không rõ ràng thì người đi bộ càng cảm thấy “lạc lõng” trên phần đường dành riêng cho mình. Ông Bùi Văn Thìn, 72 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm cho biết, nhiều nút giao, như Hàng Da - Hàng Bông, sau khi thảm lại thì không còn vạch kẻ cho người đi bộ sang đường.

Dù rất cẩn thận nhưng ông Thìn vẫn nhiều lần thót tim: "Xe máy đi vụt cái thì mình cũng giật mình chứ, thậm chí xe nó ép mình, còi to. Ra đường phải kính trên nhường dưới, nhưng giờ nhiều thanh niên chỉ lo đường của họ, mình mà không chú ý là nó còn mắng cả ông già."

Xe máy ''tràn'' lên vỉa hè khi tắc đường, gây mất an toàn cho người đi bộ là tình trạng phổ biến ở Hà Nội

Xe máy ''tràn'' lên vỉa hè khi tắc đường, gây mất an toàn cho người đi bộ là tình trạng phổ biến ở Hà Nội

Điều kiện đi bộ không thuận lợi, bị nhiều phương tiện cơ giới chèn ép, thậm chí “bắt nạt”, “cướp đường” khiến ông Thìn và nhiều hành khách sử dụng xe buýt nản lòng, không ít người đã cân nhắc từ bỏ thói quen đi bộ, đi xe buýt của mình.

PGS. TS Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học Việt Đức cho rằng, giao thông bộ hành có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển đô thị bền vững, đáp ứng nhu cầu di chuyển cơ bản nhất của con người, đặc biệt là phát triển giao thông công cộng, khi 70% hành khách tiếp cận nhà ga bằng đôi chân của mình.

Tuy nhiên, trong khi nhiều nước phát triển đặt không gian bộ hành lên hàng đầu thì Việt Nam lại dường như “quên lãng”, chú trọng việc lưu thông của phương tiện, ùn tắc giao thông thì ngay lập tức nghĩ đến việc xén vỉa hè

"Phải trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Tất nhiên, chúng ta không cấm buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè nhưng phải tuân theo quy định. Bề rộng phần đường đi bộ tối thiểu phải đảm bảo 1,2 - 1,5m trở lên.

Thứ hai, xung quanh các trạm giao thông công cộng phải đảm bảo điều kiện cho đi bộ. Các vạch kẻ sơn sang đường phải được thiết kế ở một cự ly phù hợp, phải được sơn sửa đầy đủ, phải chủ động hạn chế tốc độ thông qua những gờ giảm tốc, biển hạn chế tốc độ và biển chỉ dẫn phải nhường đường cho người đi bộ.

Ở nơi có vị trí nhiều người sang đường cùng một lúc thì phải có đèn tín hiệu. Ở tuyến huyết mạch, chúng ta bố trí cầu vượt và hầm chui. Về lâu dài thì thiết kế đô thị phải tuân thủ theo nguyên tắc ưu tiên cho giao thông đi bộ và giao thông công cộng", PGS. TS Vũ Anh Tuấn nói.

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn