Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Nghĩa tình những chuyến xe chở nước ngọt miễn phí

Tấn Đạt: Thứ năm 02/05/2024, 10:32 (GMT+7)

Vượt chặng đường dài trăm cây số, vào tận cùng con hẻm, mé sông... Các chuyến xe chở nước ngọt miễn phí cho bà con miền Tây vẫn đang ngày đêm ngược xuôi. Mạnh thường quân, nhà hảo tâm, bác tài xế... đã cùng viết lên những câu chuyện ý nghĩa về sự yêu thương và lòng trắc ẩn trong mùa hạn mặn!

Vượt đường dài hơn 100 km đến huyện Gò Công Đông, ông Nguyễn Văn Minh, 60 tuổi, ở phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, Bình Dương đã thấy 4 xe tải chở nước đậu sẵn. Có hàng trăm bà con chờ đợi, người xách can, người cầm thùng xếp hàng chờ hứng nước giữa cái nắng trưa gay gắt.

Ai nấy mồ hôi nhễ nhại, nhưng không giấu được sự trông chờ từ mỗi ánh mắt. Nơi đây là địa phương đầu tiên của Miền Tây công bố tình hình thiếu nước ngọt trầm trọng cho hàng ngàn hộ dân vì xâm nhập mặn. Nói về hành trình mỗi ngày của mình, ông Minh cho hay:

"2h chú trên Làng ĐH, xuống Gò Công là 90 cây số, tới nơi là 4h uống cafe cái 5h chú làm suốt luôn. Ăn uống không lấy tiền chú, mà chú ăn ít lắm. Chú ăn sáng rồi làm suốt luôn tới 1-2h trưa chú về lại Làng Đại học (TP. Thủ Đức, TP. HCM). Đi đi – về về là 180 cây số. Chú thấy nhịn đói được chứ nhịn khát khó chịu lắm. Thậm chí, người ta kêu chú tắm đi, chú không tắm mà về lại Làng ĐH chú tắm hồ. Phí nước lắm, nước quý hơn cái gì nữa!"

Ông Nguyễn Văn Minh ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, tháng 4.2024. Ảnh: Ngọc Ngân/Vnexpress

Ông Nguyễn Văn Minh ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, tháng 4.2024. Ảnh: Ngọc Ngân/Vnexpress

Không nhận tiền từ bà con, cũng không dám tắm tại chỗ vì “tiếc” nước ngọt cho mọi người, ông Minh cứ làm việc tù tì đến tận trưa, đến chiều về Thủ Đức tắm rồi trở lại ngay. Cứ một lát, điện thoại lại reo lên, ông Minh phải nghe liên tục. Đa số là cuộc gọi “cầu cứu” từ người già, mất khả năng vận động hoặc gia đình neo đơn chỉ có phụ nữ, trẻ con không thể khuân vác nước… Cứ như vậy ròng rã cả tháng trời, chiếc xe ba gác cũ của ông Minh sẽ chở nước cho các hộ dân heo hút nhất thuộc các xã Tân Phước, Tân Điền, Bình Ân, Kiểng Phước...

“Minh Cô Đơn” là biệt danh 20 năm qua người ta vẫn gọi bởi ông Minh sống một mình ở quanh khu vực Làng ĐH Thủ Đức, TP. HCM. Không vợ con, không nhà cửa, ông Minh thấu hiểu sự côi cút và khó khăn của những hộ dân ở nơi heo hút không tiếp cận được nguồn nước. Vậy nên, ông không ngại “làm liều” để tiếp nước ngọt cho mọi người:

"Giờ có tiền cũng không xe nào dám vô nữa. Xe ba gác cũng không dám vô sợ vô lọt sông, sát mé sông luôn mà! Có một mình chú Minh liều là chạy xe vào thôi, chú truy lùng, đi tìm hết trong hốc, trong kẹt…Ông già, bà già là tui tới tận nhà luôn. Nhớ có bà già bã khóc, nói đi xin từng can nước luôn á. Tội quá. Ráng chia đủ hết, ai cũng phải có nước, một ly cũng phải có, không bỏ ai lại đằng sau hết!"

Người dân xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đến nhận nguồn nước nghĩa tình về phục vụ sinh hoạt gia đình. Ảnh: Nhật Trường/VOV ĐBSCL

Người dân xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đến nhận nguồn nước nghĩa tình về phục vụ sinh hoạt gia đình. Ảnh: Nhật Trường/VOV ĐBSCL

Hết hạn mặn mới ngưng, đó là chia sẻ từ ông Minh. Được biết, năm trước, ông Minh từng chở nước thiện nguyện cho bà con tỉnh Bến Tre, nay ông sẽ tiếp tục hành trình về lại nơi này và thêm huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An). Khi vãn chuyến, ông Minh trở về Thủ Đức để mưu sinh bằng nghề lái xe ôm, chuyển trọ miễn phí bằng xe ba gác cho sinh viên hay bơm vá xe miễn phí cho mọi người. Lúc nào bà con “cầu cứu” vì thiếu nước thì ông lại đi.

Không chỉ Tiền Giang, hạn mặn khốc liệt còn diễn ra ở Cà Mau, Bến Tre, Sóc Trăng, ... Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, sẽ đạt đỉnh trong tháng 4-5. Vậy nên khắp miền Tây, các chuyến xe chở nước thiện nguyện từ Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM được tiếp nối bởi những mạnh thường quân, bác tài, sinh viên tình nguyện cùng các chiến sĩ, ban ngành địa phương.

Nhà có xưởng mộc nhỏ để kinh doanh, ông Lê Văn Hớn hay còn gọi là ông Ba, năm nay 54 tuổi, ở huyện Chợ Mới, An Giang thường xuyên cùng vợ của mình làm từ thiện cho bà con quanh vùng. Nghe tin bà con miền Tây thiếu nước, ông Ba mạnh dạn vào đội chở nước thiện nguyện. Thế là tạm gác công việc nhà, ông Ba kêu gọi người thân xung quanh cùng tham gia, lái xe tải vượt chặng đường xa mang nước đến cho mọi người. Trông thấy cảnh bà con vui mừng, trân quý từng giọt nước, ông Ba Hớn không khỏi xúc động:

"Thấy đứt ruột. Nước mang tới, bà con lấy can, mình xả nước cho người ta thấy vừa vui vừa tội nghiệp người ta. Mình ở đây sung sướng đầy đủ nước nôi, ở dưới bà con không có, tắm mà phải giữ nước lại để làm chuyện khác rồi tưới cây đồ."

Các nhóm thiện nguyện chở nước giúp dân Long An. Ảnh: Quang Anh/VOVTP.HCM)

Các nhóm thiện nguyện chở nước giúp dân Long An. Ảnh: Quang Anh/VOVTP.HCM)

Vì xe tải chở nước, không thể đi nhanh như thường khi, ông Ba cho hay điều khiển xe phải hết sức thận trọng. Dẫu vậy, ông Ba Hớn nói không cực, mà hành trình này chỉ toàn niềm vui và những kỷ niệm đáng nhớ. Khi được hỏi về chi phí bỏ ra, ông Ba cho hay:

"Nói chung mình cũng vui vui, cũng trông mau vượt qua lúc này mưa gió nước nôi cho người ta khoẻ. Thời gian nào rảnh xuống chạy tiếp người ta 1-2 ngày rồi về kiếm cơm ăn, rảnh xuống chạy nữa. Chi phí thì Thím Sáu (vợ của ông Hớn - PV) bã đưa, quỹ bao nhiêu bã giữ cái bã cho tiền đi làm chứ có cái Hội nào đâu (cười)."

Thương hoàn cảnh bà con vùng sâu không tiếp cận được nước sạch, bác tài Lê Văn Chế Linh cũng ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã theo chân ông Ba Hớn đi chở nước thiện nguyện. Cầm vô lăng 12 năm, anh Linh vẫn không khỏi xúc động lúc chứng kiến bà con bỏ dở việc nhà, tất tưởi mang từng thùng phi, can nước chạy đến điểm tập kết nhận nước. Vất vả đội nắng, trông chờ từng chuyến xe chở nước nhưng bà con đều san sẻ, nhường nhịn lẫn nhau:

"Cảm thấy vui chứ đâu suy nghĩ gì đâu, làm từ thiện mà người ta mượn là em đi hà. Mới mượn hôm qua mà kẹt xe đi hông được. Mừng lắm, mình thấy mà mình muốn khóc luôn á trời ơi. Người ta nói nhờ mấy anh từ thiện này chứ bình thường đâu có nước đâu. Một người lấy nước 1 ngày là xài hết 1 ngày á, chờ ngày sau nữa lấy mới có xài. Mình đâu lấy tiền công, đi vậy cái có mạnh thường quân người ta phụ tiếp mình tiền dầu, tiền ăn mình tự lo và cũng đâu có công xe gì đâu, làm phước mà!"

Các nhóm thiện nguyện chở nước giúp dân Long An. Ảnh: Quang Anh/VOV TP.HCM

Các nhóm thiện nguyện chở nước giúp dân Long An. Ảnh: Quang Anh/VOV TP.HCM

Dự kiến, hơn giữa tháng 5, khi mùa mưa đến thì hạn mặn mới kết thúc. Lúc này, hơn 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt tại miền Tây vẫn thao thức, trông ngóng từng can nước, chai nước suối được lực lượng vũ trang, Hội chữ Thập Đỏ, Sở ngành địa phương và các đội thiện nguyện hỗ trợ.

 "Giọt nước nghĩa tình", "Chung tay góp sức vì bà con miền Tây”… Những tấm băng rôn nền đỏ, chữ vàng trên các xe chở nước ngọt miễn phí vẫn nối đuôi nhau bất kể đêm ngày về ĐBSCL. Băng qua những cánh đồng nứt nẻ, những dòng kênh cạn đáy… hàng ngàn chuyến xe sẽ còn tiếp tục mang theo nguồn nước quý giá và triệu tấm lòng của người dân cả nước tiếp sức bà con vùng châu thổ Cửu Long vượt qua khó khăn trong mùa hạn mặn này.

Tấn Đạt/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn