Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Lát đá vỉa hè để... trông giữ ô tô

Chu Đức - Hải Bằng: Thứ hai 14/11/2022, 06:00 (GMT+7)

Cuối năm là dịp phong trào chỉnh trang đô thị, lát lại đá vỉa hè rầm rộ triển khai. Hầu hết các vỉa hè được TP. Hà Nội cho rằng có lát đá tự nhiên độ bền 50-70 năm đều xuống cấp nghiêm trọng. Có những tuyến phố mà vỉa hè vừa lát xong đã bị các bãi trông giữ ô tô “giày xéo”.

Chính sách trông giữ ô tô trên vỉa hè có mâu thuẫn với chính sách chỉnh trang, thay “áo mới” cho vỉa hè hàng năm? Lựa chọn đá tự nhiên thay vì các vật liệu nhân tạo, tái chế có đang đi ngược lại chủ trương bảo vệ môi trường? Ai là người bảo hành, chịu trách nhiệm nếu vỉa hè hư hỏng trong thời gian ngắn?

 

Nhiều tháng nay, vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh đang được tiến hành chỉnh trang, lát lại đá. Thời gian thi công kéo dài khiến tuyến phố từng nhận danh hiệu đẹp nhất Thủ đô trở nên nhếch nhác, bụi mù.

Nhiều đoạn bị đào lên, lổn nhổn đất đá, xi măng, cống hộp, xen lẫn là những chồng gạch tự nhiên chắn ngang vỉa hè. Một số đoạn tuyến đã lát xong đá, nhưng chưa hoàn trả mặt bằng “sạch” cho người đi bộ.

Chứng kiến công trình thi công với tốc độ như “rùa bò” ngay trước cửa nhà, chị N.T.V, một tiểu thương trên đường Nguyễn Chí Thanh không khỏi sốt ruột. Việc kinh doanh của chị bị đình trệ, mặt tiền luôn cửa đóng then cài để chống bụi bẩn lọt vào bên trong.

“Đào lên rồi lại đổ bê tông 2 tuần nay không thấy làm gì. Đá chất lên vỉa hè cũng 2 tuần nay không thấy thi công, cũng không thấy công nhân làm việc gì cả. Thế là họ làm kiểu gì? Lát đá xong cũng bỏ đấy có thấy chát chít gì lại đâu. Thứ 7, chủ nhật cũng chẳng làm, đáng ra phải báo cho người dân là lịch làm thế nào đấy, làm những ngày thế nào để còn biết”, chị N.T.V nói.

Thời gian thi công kéo dài khiến nhiều tuyến phố từng nhận danh hiệu đẹp nhất Thủ đô trở nên nhếch nhác, bụi mù

Thời gian thi công kéo dài khiến nhiều tuyến phố từng nhận danh hiệu đẹp nhất Thủ đô trở nên nhếch nhác, bụi mù

Tương tự là các tuyến phố khác trên địa bàn Hà Nội cũng đang được thi công lát lại đá vỉa hè, như: Giảng Võ, Láng Hạ, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ…

Nhiều người đi bộ phàn nàn rằng, họ không thể đi lại an toàn qua khu vực. Điều bức xúc hơn cả thời gian thi công ì ạch, là việc ô tô điềm nhiên phi lên lấn chiếm không gian vỉa hè.

“Trên vỉa hè có các công trường như thế này cũng chắn hết đường của người đi bộ rồi”.

“Công trường thế này rất cản trở đường em đi. Nếu muốn đi qua thì em phải đi xuống lòng đường, các xe đi đến có thể gây nguy hiểm. Nếu em đi lên vỉa hè thì khả năng sẽ bị ngã”.

“Vỉa hè thế này rất khó khăn cho người đi bộ. Vỉa hè phục vụ cho người đi bộ trên đường, khi đỗ xe trên vỉa hè sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đá lát”

“Việc đỗ ô tô trên vỉa hè cũng là tác nhân gây ra hỏng vỉa hè”.

z3873071148568_dd0b8c83df92def61075d68285145880

Chứng kiến bãi đỗ ô tô được cấp phép trên vỉa hè phố Trần Bình Trọng, ông Trần Mạnh Đạt, cư dân phố Lê Duẩn, ngán ngầm vì bị đánh bật xuống lòng đường để đi: 

“Tải trọng hiện nay người ta chỉ đi bộ thôi, chứ không thể để ô tô hàng tấn lên được. Đá nào cũng không chịu được. Anh kinh doanh ở đây thì chưa chắc đã phục vụ cho nhà nước mà một số cá nhân, lợi ích nhóm nào đó thôi. Mà khi hư hỏng vỉa hè lại lấy thuế của dân ra để làm. Tôi thấy phi lý, nhà nước cần quan tâm vấn đề này”.

Ông Khương Kim Tạo, Nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định, việc chỉnh trang đô thị là một chủ trương đúng, việc bố trí tạm thời một số vỉa hè để nhân dân đỗ xe cũng là một giải pháp tình thế trong bối cảnh Hà Nội quá thiếu bãi đỗ xe.

Vấn đề là hiện nay, việc giám sát các đơn vị trông giữ xe đảm bảo tiêu chí về không gian, diện tích, kích thước khai thác vỉa hè lại không sát sao:

“Nếu chúng ta khai thác quá đáng, có thể nhiều vị trí chật chội mà cứ cho đỗ xe thì ảnh hưởng đến hoạt động của thành phố và giao thông động thì chúng ta nên có xem xét cụ thể để có giải pháp. Nếu nhìn bên ngoài thì có cảm giác mâu thuẫn nhau nhưng nếu chúng ta làm từng việc thật phù hợp thì khi đó sẽ không có vấn đề gì. Vấn đề của chúng ta là chỉnh trang vỉa hè chỗ nào, cách chỉnh trang, vật liệu thế nào...”

Điều bức xúc hơn cả thời gian thi công ì ạch, là việc ô tô điềm nhiên phi lên lấn chiếm không gian vỉa hè

Điều bức xúc hơn cả thời gian thi công ì ạch, là việc ô tô điềm nhiên phi lên lấn chiếm không gian vỉa hè

Ở một góc nhìn khác, ông Trần Huy Ánh - Ủy viên ban thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, không những gây mất mỹ quan đô thị, việc cho phép đỗ ô tô lên vỉa hè còn làm mất đi chức năng quan trọng của vỉa hè:

“Chức năng thiết kế vỉa hè dành cho người đi bộ. Nó có tính chất cơ lý, tiêu chuẩn kỹ thuật về vật liệu, tải trọng tĩnh, tải trọng động. Nó là không gian bố trí hạ tầng đô thị như đường dây, đường ống, cây xanh, thảm cỏ, mặt nhám để người già, trẻ em không vị vấp ngã, chức năng để người khiếm thị tiếp cận đô thị bình đẳng.

Nó có bọt xốp hỗ trợ thấm nước tự nhiên, khi hệ thống thoát nước của thành phố còn rất hạn chế. Nó còn có chức năng tích tụ hơi nước nuôi sống cây xanh. Nó có chừng ấy chức năng chứ không phải cho ô tô nặng hàng tấn đỗ lên”

Theo ông Trần Huy Ánh, những nhà quản trị đô thị tại Hà Nội cần cân nhắc chính sách cấp phép đỗ xe tạm thời trên vỉa hè. Liệu việc sử dụng một diện tích đất công cộng phục vụ nhu cầu rất cá nhân là đỗ xe có thu phí có phù hợp?

Liệu trông giữ xe có nên được xem là một dịch vụ mà xã hội phải tự vận động và cung cấp? Liệu vỉa hè sẽ mãi mãi trở thành những bãi đỗ xe “tạm thời” như hiện tại?

Vỉa hè có thể được xem như một avatar của Hà Nội

Vỉa hè có thể được xem như một avatar của Hà Nội

Hà Nội và “Avatar” vỉa hè

 

Thuật ngữ Avatar khá gần gũi với công chúng hiện đại. Trong bối cảnh hầu như mỗi người đều có một tài khoản mạng xã hội, một định danh cá nhân trên môi trường mạng, hình ảnh đại diện (avatar) luôn được chủ nhân chăm chút để tạo ấn tượng nhất có thể.

Tương tự, vỉa hè có thể được xem như một avatar của Hà Nội. Vì đập vào mắt thị dân, du khách khi tới thành phố này luôn là các công trình, đường phố và vỉa hè. Vỉa hè có mặt trong khắp các nền tảng, từ thơ ca, nhạc họa cho đến blog, vlog, nó cũng là nơi các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra bao đời, ăn sâu vào nhận thức về Hà Nội.

Vỉa hè Hà Nội không chỉ là một khái niệm, đó còn là một biểu tượng về ẩm thực, về lối sống hồn hậu, chậm rãi, gây tò mò, muốn trải nghiệm.

Duy chỉ có điều, chính quyền đô thị thành phố này lại dường như không coi vỉa hè là avatar của mình.

Khi thất bại trong triển khai quy hoạch các bãi đỗ xe, Hà Nội dùng vỉa hè làm những bãi đỗ xe tạm.

Khi lượng xe cá nhân tăng vượt kiểm soát, gây áp lực vào vùng lõi, Hà Nội tăng phí cho thuê vỉa hè.

Khi cần giải ngân, người ta nghĩ ngay tới vỉa hè. Lúc lật lớp đá cũ, lát đá mới cùng chủng loại, khi thì thay hẳn loại đá mới cho một loạt tuyến phố trung tâm, kể cả khi đá cũ vẫn đang tốt.

Khi đến kỳ cuộc quan trọng, cần biểu dương mỹ quan đô thị, các cuộc ra quân rầm rộ được triển khai, vỉa hè được hiếm hoi tận hưởng bầu không khí thông thoáng, sạch bóng hàng quán, xe cộ. Nhưng khi tan cuộc, nó lại trở lại thân phận hẩm hiu, bị lấn chiếm, bị đè nén không thương tiếc.

Vỉa hè sẽ không thể là avatar cho Hà Nội, nếu Hà Nội không coi vỉa hè đúng nghĩa là vỉa hè

Vỉa hè sẽ không thể là avatar cho Hà Nội, nếu Hà Nội không coi vỉa hè đúng nghĩa là vỉa hè

Vỉa hè được 5-6 lực lượng có trách nhiệm bảo vệ, xử lý vi phạm lấn chiếm, nhưng nó vẫn dễ dàng bị trục lợi bằng vô vàn hình thức cả công khai lẫn kín kẽ.

Vỉa hè được dành công năng thiết kế quan trọng nhất cho người đi bộ, nhưng dường như đây là hai thực thể không liên quan đến nhau. Người đi bộ bị đánh bật khỏi vỉa hè, còn vỉa hè bị vô hiệu hóa công năng.

Khi thành phố nhận thấy nhu cầu trưng dụng vỉa hè để hàng quán kinh doanh quá lớn, chính quyền đô thị thậm chí đã tính đến việc hợp pháp hóa kinh doanh trên vỉa hè.

Như vậy, cùng với hợp pháp hóa các bãi đỗ xe, vỉa hè đang dần bị tước đoạt một cách chính thức thứ tạo nên định danh cho nó.

Vỉa hè sẽ không thể là avatar cho Hà Nội, nếu Hà Nội không coi vỉa hè đúng nghĩa là vỉa hè.

Hình ảnh đại diện cho một thành phố trước tiên phải ngăn nắp, gọn gàng, được ứng xử một cách trân trọng, trong khuôn khổ pháp luật. Sau đó, việc chăm chút, trang hoàng cho nó mới trở nên có ý nghĩa.

Bằng không, vỉa hè sẽ mãi mãi chỉ là “con tin” của Hà Nội trong việc tìm kiếm các giải pháp đô thị tình thế, tạm thời và vụn vặt.

Hà Nội có coi vỉa hè là avatar của mình? Cần phải hỏi các cấp lãnh đạo thành phố nhiệm kỳ này.

Chu Đức - Hải Bằng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Bữa cơm bán trú ‘bất ổn’ ở trường chuẩn Lương Định Của giờ ra sao?

Bữa cơm bán trú ‘bất ổn’ ở trường chuẩn Lương Định Của giờ ra sao?

Sau loạt bài về câu chuyện “Quá nhiều bất ổn ở ngôi trường chuẩn” của VOV Giao thông cách đây nửa tháng, nhiều phụ huynh bày tỏ tán thành với những phản ánh là đúng sự thật, và bữa cơm bán trú của các em có chút chút cải thiện.

Hà Nội cấm phương tiện gây ô nhiễm bằng cách nào?

Hà Nội cấm phương tiện gây ô nhiễm bằng cách nào?

Chỉ còn hơn một tuần nữa, Hà Nội sẽ hạn chế phương tiện gây ô nhiễm ở một số khu vực. Tuy nhiên, quyết tâm này không dễ thực hiện khi công tác chuẩn bị chưa sẵn sàng.

Nhớ thời cà phê vợt

Nhớ thời cà phê vợt

Với những ai thích cà phê thì cà phê vợt luôn có sức hấp dẫn riêng. Không chỉ đơn thuần là một loại thức uống, mỗi ly cà phê vợt còn chứa đựng những câu chuyện và kỷ niệm khó quên của một thời đã qua.

Bếp chay 0 đồng cho bệnh nhân nghèo

Bếp chay 0 đồng cho bệnh nhân nghèo

Với tất cả tâm huyết và lòng nhân ái, suốt 2 năm qua, vợ chồng ông Mạch Phú Cường và bà Nguyễn Thị Kim Lan ở quận Cái Răng, TP. Cần Thơ cần mẫn chuẩn bị những phần cơm chay ấm nóng, mang đến cho những bệnh nhân nghèo và người nuôi bệnh tại các bệnh viện ở TP. Cần Thơ...

Hàng me thì thầm

Hàng me thì thầm

Không chỉ mang trong mình những ký ức lãng mạn với lá me bay, mà những cây me trăm tuổi còn tồn tại ở Hà Nội, còn mang trong mình nhiều câu chuyện lịch sử - xã hội đáng nhớ, đáng ngẫm.

TP.HCM muốn khai thác tín chỉ carbon từ hoạt động giao thông, cần kế hoạch tổng thể

TP.HCM muốn khai thác tín chỉ carbon từ hoạt động giao thông, cần kế hoạch tổng thể

Nhằm có thêm nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững hơn theo định hướng của Đảng và Nhà Nước, TPHCM đang chuẩn bị lộ trình nhằm tạo ra được tín chỉ carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Xe điện trẻ em vẫn 'tung hoành' ở phố đi bộ Hồ Gươm

Xe điện trẻ em vẫn "tung hoành" ở phố đi bộ Hồ Gươm

Dù đã có lệnh cấm, nhưng dịch vụ cho thuê ô tô điện, xe cân bằng và đặc biệt là xe drift, dòng xe biến tướng từ xe điện vẫn ngang nhiên hoạt động ở phố đi bộ Hồ Gươm.