Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Kỳ vọng từ Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Kim Loan: Thứ sáu 05/01/2024, 08:22 (GMT+7)

Trong số nhiều dự án, mô hình sản xuất được Bộ NN&PTNT áp dụng thì Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao ở ĐBSCL đang hướng tới mục tiêu bán tín chỉ khí thải Carbon Dioxide (CO2).

Đây được xem là một sản phẩm đặc biệt của chuỗi giá trị ngành hàng lúa – gạo, là định hướng sản xuất nông nghiệp thời kinh tế xanh với dự tính sẽ mang về giá trị thặng dư hàng triệu USD.

Thị trường Carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, thông qua vào năm 1997. Theo đó, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán, cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết.

Sau khi tỉnh Quảng Bình vừa nhận 82 tỉ đồng từ việc bán tín chỉ Carbon của 469 hecta rừng thì Bộ NN&PTNT tiếp tục triển khai trên lĩnh vực trồng lúa mà Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao tại ĐBSCL sẽ bao hàm mục tiêu này. Bán tín chỉ Carbon từ việc trồng lúa như một sản phẩm giá trị gia tăng ngoài gạo.

Ông Phạm Nam Hưng - Phòng Kinh tế và thông tin Biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Thị trường Carbon được cả thể giới coi là công cụ giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả về mặt kinh tế. Nó thúc đẩy việc Chính phủ có thể điều chỉnh nguồn vốn, dòng tiền vào những công nghệ giảm phát thải, công nghệ xanh hơn."

Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được kỳ vọng sẽ nâng tầm giá trị của lúa gạo theo hướng bền vững.

Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được kỳ vọng sẽ nâng tầm giá trị của lúa gạo theo hướng bền vững.

Để giảm lượng phát thải trong trồng lúa, bắt buộc phải ứng dựng quy trình sản xuất tiến tiến. Cụ thể là mô hình 3 giảm- 3 tăng (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón và giảm thuốc trừ sâu), áp dụng quy trình canh tác 1 phải -5 giảm (phải sử dụng giống lúa xác nhận; giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát sau thu hoạch).

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho biết, sản xuất lúa hiện nay đang chiếm gần 50% lượng khí thải nhà kính, Việt Nam đang giải quyết bài toán phát khí thải nhà kính về mức thải ròng bằng “0” theo cam kết. Người dân chỉ cần làm theo các quy trình khuyến khích chắc chắn sẽ đạt được tín chỉ Carbon:

"Nông dân chúng ta rất cần cù nhưng cũng rất sáng tạo và các nhà khoa học, các nhà quản lý chúng ta tập hợp tổ chức nông dân đi theo phương án này, miễn là chúng ta có một tổ chức tập hợp được nông dân, đó chính là HTX. Tôi hy vọng rằng đây là bài học của chúng ta sẽ làm, sẽ đóng góp vào kinh nghiệm cho thế giới về vấn đề giảm phát thải cho cây lúa."

Khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật, mỗi hecta lúa có thể giảm từ 5 – 10 tấn khí thải Carbon mỗi năm, tương đương với 5 – 10 tín chỉ, thu lợi 50 – 100 USD. Nếu đạt được mục tiêu 1 hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, giá trị thu được từ việc bán tín chỉ có thể lên đến 50 – 100 triệu USD mỗi năm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhìn nhận, người dân được hưởng lợi rất lớn từ việc bán tín chỉ Carbon: "Trong đề án đến 2025 không còn rơm để đốt đồng nữa, thu gom hết 100%, như vậy vẫn còn nhiều dư địa để chúng ta đầu tư vào để thu gom, để tái tạo ra giá trị. Tôi nghĩ có rất nhiều lĩnh vực để có thể các doanh nghiệp có thể tham gia, đầu tư, ngoài ra kể cả trấu tất cả các vấn đề. Gạo thì đã có nhiều tập đoàn sẵn sàng vào để mua gạo giảm phát thải để mà tăng tỷ lệ giảm phát thải của các sản phẩm phi nông nghiệp."

Để giảm phát thải, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, ĐBSCL phải giảm lượng giống gieo sạ còn 80 kg/hecta, giảm lượng phân bón có nguồn gốc hoá học 30%; giảm lượng nước tưới 30%. Đến năm 2030, giảm lượng phân bón có nguồn gốc hoá học 40%. Bán tín chỉ Carbon sẽ giúp người nông dân có thêm nguồn thu nhập. Điều quan trọng hơn của việc đầu tư vào ngành lúa gạo là dù có bán hay không bán tín chỉ Carbon thì ngành hàng này ở ĐBSCL cũng cần phải thay đổi, phải hiện đại hoá hơn.  

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn