Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Chuyện trò trên phố

Khi tài xế bị hăm dọa, tạt đầu để tranh giành khách

Chu Đức: Thứ năm 14/12/2023, 10:33 (GMT+7)

Gần đây, các diễn đàn tài xế trao đổi khá sôi nổi về sự việc hai chiếc xe khách tuyến cố định đánh võng, chèn ép, tạt đầu nhau vì tranh giành khách trên cao tốc Hà Nội – Bắc Giang. Thực tế, hiện tượng này xảy ra khá phổ biến với các tuyến ngắn, lộ trình dưới 200km.

Nhằm tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân cũng như cách ứng xử của người trong cuộc, VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với anh Trịnh Hữu Mạnh, lái xe chạy tuyến Giáp Bát - Triệu Sơn (Thanh Hóa), một người cũng từng bị hăm dọa, uy hiếp khi chạy xe vì tranh giành khách:

PV: Anh đã xem clip hai chiếc xe khách tạt đầu, ép nhau vào sát hàng rào hộ lan trên cao tốc Hà Nội-Bắc Giang vài ngày trước?

Anh Trịnh Hữu Mạnh: Tôi có xem đoạn clip đó rồi. Thực ra, trước đây, tôi cũng có gặp một vài lần. Còn bây giờ, xe cộ rồi hành khách cũng có thay đổi. Tuyến Hà Nội-Thanh Hóa chúng tôi cũng ít gặp hơn.

Tôi xem thì thấy cũng bức xúc với hai bên. Khách bây giờ mình phải phục vụ theo thời đại mới. Khách nhà xe nào thì nhà xe đấy đón thôi. Hỏi ý kiến họ, họ đồng ý đi xe nào thì mình để họ lên, thậm chí họ điện cho mình, lúc mình đến, họ lên xe khác thì cũng phải đồng ý thôi.

Chứ còn mình không nên làm chuyện tranh giành khách như thế, để xảy ra nhiều hậu quả không lường trước được.

Hai chiếc xe chở khách đánh võng, tạt đầu và chèn ép nhau vì tranh giành khách trên cao tốc Hà Nội-Bắc Giang

Hai chiếc xe chở khách đánh võng, tạt đầu và chèn ép nhau vì tranh giành khách trên cao tốc Hà Nội-Bắc Giang

PV: Tức là khách quen thì họ cũng đã chủ động liên hệ số điện thoại nhà xe trước khi đi?

Anh Trịnh Hữu Mạnh: Đúng rồi anh. Vì bây giờ nhà xe khác thì em không biết, chứ còn xe chạy tuyến Triệu Sơn-Giáp Bát thì thực sự bây giờ tất cả các thứ văn phòng, số điện thoại đều đặt vé trên đấy. Những chỗ nguy hiểm quá không đón được thì giới thiệu họ vào văn phòng để lên xe. Chứ giờ cũng ít đón khách dọc đường lắm.

PV: Anh có chia sẻ đã từng bị cạnh tranh thiếu lành mạnh. Cớ sự hôm đó ra làm sao?

Anh Trịnh Hữu Mạnh: Ngày trước tôi chưa đi tuyến Giáp Bát, tôi có đi một tuyến Triệu Sơn-Hải Phòng qua Quốc lộ 10, thì tôi bị rất nhiều xe chèn ép. Khách của tôi điện cho tôi nhưng có những xe đi trước hoặc đi sau thì hay chèn ép. Có một lần, tôi rất nóng, nhưng không có chuyện chèn ép nhau, tôi chỉ dừng xe xuống nói chuyện với nhau thôi. Chứ thực sự, mình cũng hiểu được mình nên làm gì lúc ấy.

PV: Họ có hành vi nào dọa dẫm anh không?

Anh Trịnh Hữu Mạnh: Cũng giống tình trạng 2 xe vừa rồi ấy. Là lên tạt đầu, chèn ép bắt mình dừng. Mình cũng xuống giải thích này kia, thì họ cũng hăm dọa mình. Người ta bảo khách là của người ta, mình không được phép đón. Sau đấy, mình cũng nói là khách có gọi điện trước, thì họ cũng không nói lại mình.

PV: Anh có tìm đến sự hỗ trợ từ công ty hay hợp tác xã để giải quyết?

Anh Trịnh Hữu Mạnh: Cũng chưa đến mức phải gọi điện nhờ can thiệp từ nhà xe. Anh em lái xe với nhau thì 9 bỏ làm 10. Cùng cảnh đi làm thuê cả. Mình gặp tình huống đấy thì cứ xuống nói nhỏ nhẹ với người ta. Đấy, khách anh ưng thì em nhường cho anh. Không cần phải nặng nề làm gì.

PV: Có vẻ anh có góc nhìn rất đồng cảm với các đồng nghiệp. Làm thế nào để anh giữ được bình tĩnh, không làm leo thang căng thẳng?

Anh Trịnh Hữu Mạnh: Nói chung, trong các tình huống này, mình còn tùy theo lái xe một. Chứ không phải lái xe nào cũng giữ được bình tĩnh đâu. Mình chỉ mong các bác tài kiềm chế thôi. Thực ra nếu trong tình huống mất kiểm soát, vẫn cần phải có cả khách, người khác can ngăn để hạ hỏa.

Anh Trịnh Hữu Mạnh, chạy tuyến Giáp Bát-Triệu Sơn (Thanh Hóa) chia sẻ, ngoài sự kiềm chế từ tài xế, giải pháp lâu dài là hạn chế bắt khách dọc đường, hạn chế bến cóc trên cao tốc

Anh Trịnh Hữu Mạnh, chạy tuyến Giáp Bát-Triệu Sơn (Thanh Hóa) chia sẻ, ngoài sự kiềm chế từ tài xế, giải pháp lâu dài là hạn chế bắt khách dọc đường, hạn chế bến cóc trên cao tốc

PV: Thực tế, hành khách hiện vào bến không nhiều. Trong khi “xe dù”, “bến cóc” dọc đường vẫn tồn tại, khiến hiện tượng tranh giành khách trở nên phức tạp. Anh có cho rằng, đây là nguyên nhân chính khiến các nhà xe cạnh tranh thiếu lành mạnh?

Anh Trịnh Hữu Mạnh: Nói đúng ra, bên xe Triệu Sơn-Giáp Bát vẫn có khách hẹn đi dọc đường. Đa số chúng tôi đều điện cho khách, giải thích cho họ về nhiều nguy cơ, rồi công an họ kiểm soát nữa, chúng tôi chỉ cho khách vào văn phòng, vào bến mua vé.

Lúc đầu khách còn đi dọc đường nhiều, còn bây giờ đã bớt 80% rồi. Tới đây, khách mà được tư vấn không hiểu không nghe thì chắc chắn chúng tôi không đón khách dọc đường.

PV: Có vẻ đấy sẽ là giải pháp mang tính căn cơ?

Anh Trịnh Hữu Mạnh: Vâng, đó là giải pháp tốt nhất cho cả khách hàng, mà cả lái, phụ xe đi trên đường sẽ an toàn hơn.

PV: Cảm ơn anh Mạnh, chúc anh lái xe thuận lợi và không bị cạnh tranh thiếu lành mạnh!

Hành vi tạt đầu xe khác để tranh giành khách dọc đường, gây mất an toàn giao thông đã được quy định mức xử phạt cụ thể theo Nghị định 100/2019. Bên cạnh sự kiểm soát, xử lý kịp thời từ phía nhà xe và lực lượng chức năng, bản thân các bác tài cũng cần hết sức kiềm chế, nhường nhịn và tôn trọng lẫn nhau, giải quyết các mâu thuẫn dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Dĩ nhiên, phòng bao giờ cũng tốt hơn chống. Các hành khách hoàn toàn có thể giảm thiểu tình huống bị động, thiếu an toàn này, bằng cách vào bến mua vé, không bắt xe dọc đường, đặc biệt là trên cao tốc.

Chu Đức/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn