Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Hiểm hoạ trong các công trường đang thi công

Chu Đức: Thứ ba 03/01/2023, 16:27 (GMT+7)

Để đảm bảo an toàn cho người lao động cũng như người dân tại trong và ngoài khu vực công trình đang thi công xây dựng, bên cạnh việc đơn vị thi công phải tuân thủ các quy định về an toàn lao động thì kiến thức và kỹ năng an toàn của người dân có vai trò cốt yếu.

Một nguyên tắc ở những công trường đang thi công là đều phải có rào chắn, đặt biển cảnh báo nguy hiểm, đề nghị người không phận sự miễn vào.

Nguyên nhân bởi bên trong công trường có vô số mối hiểm họa khó lường, đặc biệt với người bên ngoài, không thuộc đội thi công, rất khó nhận biết và phòng tránh.

Tại Việt Nam, đã từng có nhiều tai nạn xảy ra tại các công trình, hiện trường đang thi công.

Năm 2020, ở Huế, một bảo vệ tại một dự án khu đô thị, đã bước hụt chân vào thang máy đang sửa chữa dẫn tới tử vong.

Trước đó, năm 2017, 2 học sinh lớp 8 ở An Giang khi vào chơi ở khu đất nền đang bơm cát phục vụ san lấp mặt bằng xây dựng cáp treo, thì bị hụt chân xuống hố nước công trình dẫn tới tử vong.

Ngay cả những người có chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng cũng có thể là nạn nhân của một vụ tai nạn bất chợt.

Năm 2021, tại công trường thi công hầm chui ở Hà Nội, một công nhân trong quá trình đặt ống đã bị đất, đá vừa được đào lên rơi xuống phủ kín người, dẫn tới trọng thương.

Ảnh minh họa: VGP

Ảnh minh họa: VGP

Theo thống kê, có rất nhiều loại tai nạn ở công trường xây dựng, như: ngã từ trên cao; vật rơi; sụt vào hố, rãnh, hào; giật điện; hóa chất; thiết bị nặng; cháy nổ…

Để phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra, các bạn cần tuyệt đối tuân thủ các bảng, biển cảnh báo từ chủ đầu tư, nhà thầu thi công. Đừng tự ý ra vào những nơi mình không có phận sự, không am hiểu địa hình.

Nếu có công việc cần vào, bạn phải được trang bị đồ bảo hộ, có người chịu trách nhiệm dẫn đường và đảm bảo an toàn.

Khi không may lái xe lạc vào công trường, đừng cố đi tiếp. Chiếc xe của bạn có thể sập gầm, kẹt bánh trong miệng hố.

Nếu đi bộ, hãy cẩn trọng quan sát dưới chân và khoảng không gian xung quanh. Cần chắc chắn rằng bề mặt khu vực đặt chân không bị lung lay, sụt lún, phía trước và phía trên không có vật cản, vật treo khối lượng lớn.

Bạn không nên chạm vào các đồ vật như bình chứa hóa chất, sợi dây, rào kẽm, cọc thép, những vật có thể dẫn diện hoặc thiết bị, máy móc chuyên dụng.

Bạn cần quay lại đường cũ và thoát khỏi phạm vi công trường càng sớm càng tốt. Nếu bất an, lo sợ, không thể tự mình rời khỏi, hoặc tệ hơn là bị mắc kẹt, hãy gọi điện nhờ trợ giúp từ lực lượng công an, cứu hộ.

Trường hợp có công trường sửa chữa, xây dựng gần nhà, các bậc phụ huynh lại càng phải lưu tâm, để trẻ nhỏ trong tầm mắt. Với các em nhỏ, biển cảnh báo đôi khi không có tác dụng. Sự hiếu động, thiếu kỹ năng nhận biết nguy hiểm ở các em lại càng khiến nguy cơ gặp tai nạn tăng cao.

Vẫn biết, trách nhiệm chính để phòng chống tai nạn tại công trường thuộc về đơn vị thi công, chủ đầu tư. Nhưng cẩn tắc vô ưu, nếu mỗi cá nhân trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản, được hướng dẫn cụ thể và tuân thủ các quy tắc một cách an toàn, thì những câu chuyện đáng tiếc sẽ ít có cơ hội xảy ra.

Chu Đức/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn