Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Hậu COVID-19, vi phạm nồng độ cồn ở Singapore tăng đột biến

Huy Văn: Thứ hai 16/10/2023, 14:00 (GMT+7)

Du lịch có dấu hiệu tốt trở lại, đồng nghĩa với nền kinh tế đêm của Singapore đang hồi phục, trở lại thời kỳ trước đại dịch. Nhưng song song với đó, vi phạm nồng độ cồn tại Singapore đang có dấu hiệu gia tăng. Do đó, lực lượng chức năng đang tăng cường tuần tra và xử lý.

 

Trong 2 tháng vừa qua, CSGT Singapore đã phát hiện và xử lý 38 vụ vi phạm nồng độ cồn, so với 85 vụ trong nửa đầu năm. Năm 2022, CSGT Singapore cũng ghi nhận 175 vụ việc liên quan tới vi phạm nồng độ cồn, mức cao nhất kể từ sau đại dịch. 2018 là năm ghi nhận có số vụ vi phạm cao nhất, 178 vụ.

Sau khi ban hành luật giao thông đường bộ sửa đổi vào năm 2019, Singapore đã tập trung nhiều hơn vào xử lý vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, lái xe trong tình trạng say xỉn, sử dụng chất kích thích, chất cấm sẽ có thể bị phạt tù tối đa 1 năm cùng với mức phạt lên tới 10 nghìn đô-la Singapore đối với người vi phạm lần đầu, gấp đôi so với trước đây.

Số trường hợp vi phạm nồng độ cồn tại Singapore đang có xu hướng gia tăng. Ảnh minh hoạ

Số trường hợp vi phạm nồng độ cồn tại Singapore đang có xu hướng gia tăng. Ảnh minh hoạ

Nhờ hình phạt răn đe nặng hơn mà số vụ tai nạn chết người liên quan tới rượu bia tại Singapore đã giảm kể từ sau 2018. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ đại dịch Covid đã khiến nhiều hoạt động giải trí về đêm tại đây buộc phải tạm ngừng. Và khi hết dịch, các hạn chế được gỡ dần, thì số vụ vi phạm lại có dấu hiệu gia tăng. Theo CSGT Singapore, số vụ tai nạn chết người do vi phạm nồng độ cồn đã tăng 25%, từ 8 vụ vào năm 2021 lên đến 10 vụ vào năm 2022. Số người bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn cũng tăng 16%, từ 1.453 người vào năm 2021 lên 1.685 người vào năm 2022.

Hiện lực lượng CSGT Singapore được trang bị nhiều thiết bị nhằm tăng tốc truy quét, phát hiện người vi phạm. Thay vì chỉ dùng máy đo nồng độ cồn truyền thống, họ được trang bị thêm một thiết bị tương tự nhưng đơn giản hơn. Thiết bị này chỉ hiển thị kết quả người được kiểm tra có cồn trong người hay không; sau đó mới sử dụng máy đo truyền thống.

Ông Alex Au, cảnh sát viên thuộc lực lượng tuần tra cho biết: “Nhờ thiết bị mới này mà khi lập chốt, chúng tôi có thể kiểm tra hầu hết các phương tiện đi qua mà không phải lo ngại về chuyện tốn kém thời gian, gây tắc đường v.v… Từ đó đảm bảo chúng tôi sẽ không bỏ xót một trường hợp vi phạm nào”.

Theo ông Aaron Buay, chuyên gia tư vấn về luật giao thông, hầu hết người vi phạm nồng độ cồn chỉ bị phát hiện và bắt giữ sau khi họ đã vi phạm, đã lái xe trong tình trạng say xỉn. Điều cần thiết là làm sao để ngăn chặn hành vi đó xảy ra.

Đã có một số đề xuất về việc áp dụng hệ thống điểm phạt tương tự như tại Úc. Tại quốc gia này, người vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt nặng hơn nếu tái phạm trong vòng 1 năm kể từ lần vi phạm luật giao thông trước. Bên cạnh đó, những người có hành vi vi phạm nồng độ cồn vào các ngày cuối tuần cũng bị xử phạt nặng hơn.

Tuy nhiên, theo Hội đồng ATGT Singapore, những hệ thống phạt như vậy dù có thể giúp ích cho cuộc chiến chống vi phạm nồng độ cồn, nhưng có thể sẽ không phù hợp với cả hệ thống chung hiện tại của Singapore bởi sự khác biệt về văn hoá, cơ sở hạ tầng v.v…

Theo Gary, một người dân Singapore, ông cho rằng luật pháp hiện tại cần phải “nghiêm khắc” hơn nữa. Ông cho biết bản thân đã từng bị tịch thu bằng lái 2 năm và bị phạt 6 nghìn USD do hành vi uống rượu lái xe. Nhưng GPLX của ông phải tới 6 tháng sau khi vi phạm mới bị tịch thu. “Thật buồn cười khi người vi phạm nồng độ cồn không bị tịch thu bằng lái ngay lập tức. Tôi thậm chí đã từng phải thúc giục nhân viên điều tra tăng tốc làm việc để đưa tôi ra toà” – Gary chia sẻ.

Một chốt kiểm tra nồng độ cồn tại Singapore

Một chốt kiểm tra nồng độ cồn tại Singapore

Một trường hợp khác là Francis, ông đã từng bị một chiếc xe khác tông từ phía sau trong khi đang trên đường lái xe đi làm. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Francis đã gọi cho cảnh sát để báo cáo vụ việc. Nhưng nhiều người cho rằng ông không nê n làm như vậy vì sẽ rất khó đòi tiền bồi thường do công ty bảo hiểm sẽ có thể từ chối chi trả tiền cho người vi phạm luật giao thông.

Hiện bên cạnh việc tăng cường thực thi pháp luật, CSGT Singapore vẫn thực hiện song song các chiến dịch tuyên truyền cộng đồng thường niên về việc không lái xe sau khi uống rượu bia. Các chiến dịch này thường được tổ chức vào trước các dịp lễ cuối năm. Theo ông Bernad Tay, chủ tịch Hội đồng ATGT Singapore, nỗ lực của cơ quan chức năng là chưa đủ mà cần sự chung tay góp sức từ cả người dân.

Còn tại Việt Nam, ngày 11/10, thông tin từ Cục CSGT, từ ngày 30/8 đến 5/10, 6 tổ công tác của Cục CSGT phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an đã làm việc, kiểm tra tại 45 tỉnh, thành, kiểm soát 150.763 phương tiện, phát hiện và bàn giao cho công an địa phương xử lý 5.284 trường hợp vi phạm.

Đối với các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, qua xác minh có 192 trường hợp người vi phạm là đảng viên, cán bộ, công chức. Những trường hợp vi phạm này, bên cạnh việc bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, lực lượng CSGT sẽ gửi thông tin vi phạm về các cơ quan, đơn vị để xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật về công chức, viên chức và điều lệ của cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang.

Theo PGS. TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, trường Đại học Y tế công cộng cho rằng, mặc dù ý thức của người tham gia giao thông đã được nâng lên đáng kể, song đa số hành vi chấp hành vì lo ngại bị phạt là chính, chứ chưa bắt nguồn từ việc giữ gìn sức khỏe của bản thân. Để tiếp nối và nhân rộng kết quả đạt được trong việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, hoạt động kiểm tra tại hiện trường vẫn cần được tiếp tục.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn