Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Hàng không Mỹ có đang dần lạc hậu?

Huy Văn: Thứ sáu 28/07/2023, 20:34 (GMT+7)

Mới đây, Cục GTVT Mỹ cho biết số lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không tại Mỹ mùa hè năm nay có thể sẽ phá vỡ kỷ lục. Điều này cho thấy ngành hàng không đã hoàn toàn hồi phục, nhưng cũng đặt ra rất nhiều thách thức với hệ thống và hạ tầng đang trở nên lạc hậu, cũ kỹ.

 

Vào hồi tháng 1 năm nay, sự cố lỗi Hệ thống Dịch vụ Thông báo tin tức hàng không của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã khiến cơ quan này phải ra yêu cầu hoãn khởi hành tất cả chuyến bay nội địa lần đầu tiên trong 2 thập kỷ.

Ước tính đã có hơn 11.000 chuyến bay bị hoãn hủy trong ngày 11/1 và 55 nghìn chuyến bay bị hoãn, huỷ trong suốt 7 tuần sau đó. Được biết hệ thống vận hành cơ sở dữ liệu cốt lõi của FAA đã được đưa vào sử dụng trong 30 năm và chưa được cập nhật trong ít nhất 6 năm.

Trước khi xảy ra sự cố, tỉ lệ khiếu nại của hành khách tăng tới 55% trong năm 2022. Điều này khiến chính quyền tổng thống Joe Biden phải tuyên bố sẽ thúc đẩy các biện pháp bảo vệ quyền lợi, cũng như bồi thường cho hành khách khi xảy ra trường hợp hoãn, huỷ chuyến bay.

Đầu năm nay, hàng không Mỹ đã gặp sự cố lớn gây ra hoãn, huỷ hàng chục nghìn chuyến bay. Ảnh: Drew Angerer/Getty Images

Đầu năm nay, hàng không Mỹ đã gặp sự cố lớn gây ra hoãn, huỷ hàng chục nghìn chuyến bay. Ảnh: Drew Angerer/Getty Images

Theo hãng tin CNN, trước tình trạng hoãn, huỷ chuyến tăng cao, ban đầu các hãng hàng không là những đối tượng chịu chỉ trích từ dư luận. Tuy nhiên, sau đó nhiều tài liệu cho thấy Cục hàng không liên bang có trách nhiệm không nhỏ, theo chia sẻ của Pete Mutean, phóng viên mảng hàng không của đài CNN: 

“Thực tế là đã có một trung tâm kiểm soát không lưu tại bang Florida, được vận hành bởi Cục hàng không liên bang đã có liên tục 7 tuần với hơn 200 ca làm việc trong tình trạng thiếu nhân viên, dẫn tới tình trạng hoãn huỷ chuyến khoảng 4.600 chuyến bay chỉ riêng trong khu vực bang”.

Ông Goeff Freeman, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Mỹ cho biết Cục Hàng không Liên bang đang không thể giải quyết các vấn đề liên quan tới quản lý hệ thống của họ, bao gồm cả về nhân sự và công nghệ lỗi thời. “FAA đang yêu cầu giảm công suất bay tại một số khu vực. Họ biết mức đầu tư vào kiểm soát không lưu, công nghệ và nhân sự đang ở dưới mức cần thiết. Và chúng ta đang phải trả giá cho điều đó” – Ông Freeman cho biết.

Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Pete Buttigieg, việc giảm công suất bay là do Mỹ đang thiếu khoảng 3.000 kiểm soát viên không lưu. Đây là những nhân sự vô cùng quan trọng khi họ có nhiệm vụ hướng dẫn máy bay ra, vào, cất, hạ cánh. Mục tiêu của FAA đến hết năm 2023 cũng chỉ có thể tuyển thêm khoảng 1.500 kiểm soát viên. Dự kiến 1.800 kiểm soát viên sẽ được bổ sung trong năm 2024.

Bên cạnh đó, FAA cho biết cơ quan này cũng sẽ dại tu toàn bộ công nghệ quản lý hệ thống, ước tính trị giá hàng tỷ USD. Với tên gọi NextGen, dự kiến hệ thống này sẽ đi vào hoạt động từ năm 2030. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về nợ trần công tại Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng tới yếu tố kinh phí, từ đó kéo dài thời gian thực hiện chương trình này.

Đó là về hệ thống, còn hạ tầng sân bay ở Mỹ cũng không khá khẩm hơn. Sân bay tại Mỹ được đánh giá là đã quá cũ kỹ, lỗi thời. Hiện trong top 25 sân bay tốt nhất thế giới, không có một sân bay nào nằm tại Mỹ. Theo mô tả của đài CNBC, trong khi sân bay các quốc gia khác ngày một tiên tiến với nhiều công nghệ hiện đại, chất lượng dịch vụ tốt thì hành khách tại Mỹ phải xếp hàng dài chờ check-in, sau đó mua một vài đồ ăn nhanh để no bụng trước khi chen chúc lên một chuyến bay mà không được cung cấp bất kỳ bữa ăn miễn phí nào.

Ông Kurt Krummenacker, Phó giám đốc điều hành tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service chia sẻ: 

“Có khoảng một nửa số sân bay tại Châu Âu được điều hành bởi tư nhân, do đó các sân bay này được đầu tư rất bài bản, trong khi sân bay Mỹ chưa làm được như vậy. Có thể nói, về khía cạnh tối đa hoá lợi nhuận thì sân bay Châu Âu đã vượt xa Mỹ”.

Sân bay JFK, New York, Mỹ. Ảnh: Business Insider

Sân bay JFK, New York, Mỹ. Ảnh: Business Insider

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo rằng việc thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng trong những thập kỷ gần đây đã cho phép các nước cạnh tranh bắt kịp Mỹ. Do đó, vào năm ngoái, chính phủ Mỹ đã thông qua Đạo luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, trong đó bao gồm nâng cấp các nhà ga sân bay, cải thiện đường băng, dịch vụ đối với hành khách và giảm lượng khí thải.

Bên cạnh đó, một mô hình khác cũng đang được tiếp cận đó là đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), có thể kể đến như dự án cải tạo sân bay LaGuardia, New York trị giá 8 tỷ USD, dự án cải tạo và mở rộng sân bay JFK trị giá 13 tỷ USD, hay dự án nâng cấp sân bay Los Angeles trị giá 14 tỷ USD.

Còn tại Việt Nam, một trong những điều kiện tiên quyết chắp cánh cho ngành Hàng không tự tin hội nhập chính là hiện đại hóa hệ thống cảng hàng không trên cả nước.  Đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 648, ngày 7/6 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quyết định số 648, mục tiêu đến năm 2030, tổng sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt khoảng 275,9 triệu hành khách (chiếm 1,5-2% thị phần vận tải giao thông và chiếm 3-4% tổng sản lượng vận tải hành khách liên tỉnh).

Quy hoạch xác định sẽ hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế ngang tầm khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP.HCM. Ngoài ra, Quy hoạch cũng xác định sẽ hình thành 33 cảng hàng không, bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế và 19 cảng quốc nội.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn