Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Hà Nội: Ngã ba Xa La còn tắc đến bao giờ?

Quách Đồng: Thứ năm 24/10/2024, 07:43 (GMT+7)

Mặc dù đại lộ Chu Văn An - Nguyễn Xiển (nay là đường Phạm Tu) đã đưa vào sử dụng gần 4 năm, song cầu vượt nút giao Xa La đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Vì sao dự án giậm chân tại chỗ lâu như vậy?

Cần làm gì để thúc đẩy tiến độ việc xây dựng cầu vượt, giải tỏa tình trạng ùn tắc tại nút giao trọng điểm này?

7h30 phút sáng, tại nút giao Phạm Tu - đường 70, mật độ phương tiện dày đặc. Xe container, xe tải nặng, xe khách nối đuôi nhau nhích từng chút một. mô tô, xe gắn máy len lỏi giữa các dòng xe tải nặng, lao lên vỉa hè.

Mặc dù lực lượng CSGT túc trực phân luồng từ sớm, song, tình trạng ùn tắc vẫn kéo dài qua cả cổng Bệnh viện K Tân Triều. Ở phía đường ngược lại, dòng xe ùn ứ cũng kéo dài tới gần cổng Bệnh viện quân y 103.

Ùn tắc tại ngã 3 Phúc La - đường 70 kéo dài qua cả điểm quay đầu trên đường Phúc La

Ùn tắc tại ngã 3 Phúc La - đường 70 kéo dài qua cả điểm quay đầu trên đường Phúc La

Hàng ngày di chuyển qua khu vực ngã 3 Xa La để đi làm, anh Phạm Văn Khuyến (ở Khu đô thị Thanh Hà – Cienco) đều phải rất chật vật để qua nút giao này. Có những khi, anh Khuyến mất cả tiếng đồng hồ mới qua được 2 ngã 3 liên tiếp tại khu vực này:

"Không cứ giờ cao điểm, mà giờ thấp điểm bình thường cũng rất tắc. Nếu vắng lực lượng chức năng thì phương tiện đan cài vào nhau và tắc bất cứ lúc nào. Thường thường em phải mất 20-30 phút mới qua được nút giao đấy. Giờ cao điểm thì có hôm em đi mất 1 tiếng đến 1,5 tiếng đến cơ quan, tầm 7 giờ em đến ngã 3 Xa La đấy, thì phải 8 giờ, hơn 8 giờ em mới qua được nút giao Xa La".

Một số người tham gia giao thông cũng phản ánh, tình trạng ùn tắc tại nút giao Phạm Tu- Xa La diễn ra rất thường xuyên:

"Quá khó khăn, đi đường tắc kinh lắm, đây kiểu như ngã 6 ngã 7. Từ đợt mở đường này ra cho thông thoáng nhưng mở không đúng".

"Đường nó đông dân số, đi lại chậm chạp hơn nhiều so với trước".

"Cũng tùy hôm, có hôm tắc nhiều, có hôm 10-15 phút. Nếu không có cảnh sát thì thường xuyên tắc".

Ông Đinh Văn Đại, Đội trưởng Đội TTGT quận Hà Đông, Hà Nội cho hay, nút giao đường Phạm Tu - Tỉnh lộ 70 thực chất có tới hai nút giao cắt tại các vị trí: ngã ba Xa La - đường 70 và điểm giao cắt với đường 70 với tuyến đường Phạm Tu. Đây là tuyến đường cho phép tất cả các phương tiện lưu thông, nên phương tiện rất đông đúc:

"Tuyến đường Phúc La – đường 70 thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt là các giờ cao điểm, từ 6h30 sáng đến 8h30, buổi chiều từ 16h30-18h. Những hôm nào mưa bão thì kéo ùn tắc rất dài".

Theo trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội, trong khi tuyến đường nối từ Vành đai 3 đến đường 70 dài 2,5km đã đưa vào sử dụng từ năm 2020, nhưng đến nay, hạng mục cầu vượt đường 70 vẫn chưa được thi công hoàn thiện. Giờ cao điểm, dòng phương tiện đổ dồn về nút giao khiến khu vực này thường xuyên bị tắc cứng:

"Chúng tôi đã bố trí lực lượng ứng trực giờ cao điểm sáng và chiều và có những lúc chốt trực cả buổi trưa vì hai ngã 3 này quá gần nhau, chỉ trong vòng 100m nên các phương tiện thường xuyên gặp ùn ứ. Để giải quyết được vấn đề này, cần phải tổ chức giao thông lại, như là hoàn thiện cầu vượt thì mới giải quyết được vấn đề".

Mố cầu trên đường Phạm Tu bị cây cối mọc um tùm, che lấp

Mố cầu trên đường Phạm Tu bị cây cối mọc um tùm, che lấp

Giải thích lý do cầu vượt nối đường Phạm Tu với đường Phúc La bị chậm chễ dài ngày, ông Nguyễn Đắc Thắng, Phòng Quản lý dự án 4, Ban Quản lý các công trình giao thông Hà Nội cho hay, vướng mắc chính là do dự án còn tồn tại 98 hộ dân xã Tân Triều, huyện Thanh Trì tại vị trí nút giao giữa đường Phạm Tu và đường 70. Mặc dù khu tái định cư cho 98 hộ dân tại xã Thanh Liệt đã hoàn thành, tuy nhiên chưa thể giao đất cho các hộ dân do UBND Thành phố chưa giao đất cho huyện Thanh Trì:

"Ban thường xuyên báo cáo Thành phố, báo cáo Sở giao thông đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Muốn giải quyết ùn tắc phải giải phóng mặt bằng xong 98 hộ dân đấy. Ban cũng đã có văn bản báo cáo Thành phố, kiến nghị huyện Thanh Trì sớm bàn giao trong năm 2024. Nếu muốn dự án hoàn thành trong năm 2025 thì phải bàn giao mặt bằng thì năm 2025 mới hoàn thành nút giao ấy được".

Ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty cổ phần Bitexco – nhà thầu dự án cho hay, đơn vị cam kết thi công hoàn thành công trình cầu vượt trước 31/12/2025 khi được bàn giao mặt bằng trong năm 2024 theo đúng kế hoạch của UBND huyện Thanh Trì:

"Nhà đầu tư rất mong muốn có mặt bằng để thi công. Theo kế hoạch, năm 2024 sẽ bàn giao, thì chúng tôi cam kết trong vòng 9-10 tháng sẽ hoàn thành. Nhà đầu tư rất mong muốn được thi công hoàn thành dự án, thứ nhất là nó tạo được hành lang thông thoáng dọc tuyến đường đó và tạo được sự thông thương cả khu vực đó".

Hai ngã 3 khu vực đường Phạm Tu- Xa La thường xuyên có rất nhiều phương tiện tải trọng lớn, ùn tắc liên miên. Ảnh: Tuổi trẻ

Hai ngã 3 khu vực đường Phạm Tu- Xa La thường xuyên có rất nhiều phương tiện tải trọng lớn, ùn tắc liên miên. Ảnh: Tuổi trẻ

Sau gần 4 năm đoạn đường Phạm Tu đưa vào khai thác, song vì vướng giải phóng mặt bằng khiến cầu vượt vẫn không thể triển khai, biến nút giao Xa La trở thành điểm nóng ùn tắc của Thành phố. Điều này đòi hỏi chính quyền Thành phố, UBND huyện Thanh Trì sớm giải quyết dứt điểm việc đền bù, giải phóng mặt bằng, để đẩy nhanh tiến độ thi công cầu vượt, giải tỏa điểm ùn tắc nghiêm trọng này.

Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông: "Đừng để giao thông bị “bóp nghẹt” vì thiếu một cây cầu".

 

Cầu vượt nút giao đường Phạm Tu - Tỉnh lộ 70 - Xa La là một hạng mục quan trọng của Dự án đầu tư đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, nối từ Vành đai 3 đến đường 70 và kết nối với đường trục phía Nam của Thành phố. Khi hoàn thành, tuyến đường được kỳ vọng sẽ giảm tải đáng kể cho các trục Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, đường 70...

Tuy vậy, trong khi tuyến đường Phạm Tu dài 2,5km đã đưa vào sử dụng từ năm 2020, nhưng đến nay, cầu vượt đường 70 vẫn chưa được thực hiện, khiến 2 ngã 3 tại khu vực này trở thành điểm nghẽn, ùn tắc liên miên.

Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do trong phạm vi dự án còn có 98 hộ dân thuộc địa bàn huyện Thanh Trì chưa di dời để bàn giao mặt bằng. Điều này xuất phát từ các vướng mắc liên quan đến quyền lợi đền bù và chính sách tái định cư. Một số hộ dân chưa đồng ý với phương án đền bù hoặc chưa tìm được giải pháp tái định cư phù hợp. Bên cạnh đó, quy trình thủ tục hành chính phức tạp và sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ quan chức năng cũng góp phần làm trì hoãn quá trình giải phóng mặt bằng.

Rất nhiều thính giả đặt vấn đề: vì sao một nút giao ùn tắc suốt ngày, suốt tháng, suốt năm mà chính quyền Thành phố có thể để tồn tại dai dẳng như thế? Vì sao có một cây cầu mà làm mãi chưa xong? Dự án được phê duyệt năm 2011, bắt đầu thi công từ 2014, nghĩa là 10 năm vẫn chưa thể giải phóng mặt bằng gần 100 hộ dân là điều rất vô lý.

VOVGT cũng đã không ít lần đề cập tình trạng ùn tắc tại nút giao này, gần đây nhất là tháng 4/2022, nhưng đến nay lý do không có gì mới.

Từ nay đến hết năm 2024 – thời hạn cuối bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thực hiện xây dựng cầu vượt chỉ còn 2 tháng, nhưng chưa xúc tiến nào của công tác giải quyết các vướng mắc. Vậy, vấn đề giám sát thực hiện ra sao? Ai chịu trách nhiệm nếu lại một lần lỗi hẹn?

Bởi vậy, để dự án xây dựng cầu vượt nút giao Xa La có thể sớm được khởi công, việc giải quyết triệt để vấn đề giải phóng mặt bằng là vô cùng cần thiết. Chính quyền Thành phố, huyện Thanh Trì cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan để triển khai các giải pháp đồng bộ, nhằm đẩy nhanh tiến độ di dời các hộ dân và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.

Để thực hiện được điều này, chính quyền cần tiếp tục đối thoại với các hộ dân trong diện giải tỏa, lắng nghe và giải quyết kịp thời những thắc mắc, nguyện vọng của họ. Việc minh bạch thông tin, tạo điều kiện để người dân hiểu rõ lợi ích của dự án không chỉ giúp người dân ủng hộ, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Việc xây dựng các phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư cần được thực hiện một cách hợp lý, đảm bảo quyền lợi của người dân. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu sự phản đối từ các hộ dân, mà còn tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống sau khi di dời. Chính sách đền bù cần được thực hiện công bằng, với mức giá hợp lý theo giá thị trường và đảm bảo người dân có thể tìm được nơi ở mới với điều kiện tương đương hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến việc giải phóng mặt bằng. Điều này sẽ giúp tránh tình trạng kéo dài thời gian thực hiện dự án do những thủ tục pháp lý không cần thiết, đồng thời tạo điều kiện để nhà thầu sớm tiếp cận và thi công công trình.

Việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và sớm triển khai thi công cầu vượt tại nút giao Xa La không chỉ giúp giảm tình trạng ùn tắc giao thông mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho khu vực, giảm áp lực giao thông tại một trong những điểm đen về ùn tắc của Thành phố.

Hơn nữa, khi giao thông khu vực xung quanh nút giao Xa La được cải thiện, các tuyến đường song song, như Ngọc Hồi –Giải Phóng, đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương cũng sẽ được giảm tải.

Việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và sớm triển khai thi công cầu vượt tại nút giao Xa La là một yêu cầu cấp thiết, không chỉ nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông mà còn tạo ra những lợi ích dài hạn cho khu vực. Bởi vậy, chính quyền địa phương cần quyết liệt hơn trong việc thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ, vì lợi ích của cộng đồng./.

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Ca đoàn Thiếu nhi và Điều ước Giáng sinh

Ca đoàn Thiếu nhi và Điều ước Giáng sinh

Tại các Giáo xứ, Ca đoàn Thiếu nhi luôn là nền tảng để các em nhỏ tiếp bước trở thành các ca viên, nền tảng đó được thể hiện mộc mạc qua những lời ca trong trẻo và những ước mơ giản dị.

Hàng vạn người trải nghiệm metro số 1 trong ngày đầu miễn phí vé

Hàng vạn người trải nghiệm metro số 1 trong ngày đầu miễn phí vé

Có mặt tại ga Bến Thành từ 6 giờ sáng, ông Nguyễn Văn Cường (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cùng các đồng đội không giấu nổi niềm xúc động. 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, giấc mơ về một hệ thống giao thông hiện đại của TP.HCM đã trở thành hiện thực khi tuyến metro đầu tiên chính thức đi vào hoạt động.

“Cạm bẫy” sàn chứng khoán quốc tế, tiền ảo, ngoại hối: Ngăn chặn từ đâu?

“Cạm bẫy” sàn chứng khoán quốc tế, tiền ảo, ngoại hối: Ngăn chặn từ đâu?

Nhiều đối tượng đã sử dụng các thủ đoạn tinh vi để mời gọi và môi giới đầu tư. Không chỉ vụ Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips) lừa đảo 5.200 tỷ đồng mà nhiều vụ việc khác chưa bị phát giác, xử lý.

Gần 150.000 hành khách trải nghiệm tuyến metro số 1 trong ngày đầu vận hành chính thức

Gần 150.000 hành khách trải nghiệm tuyến metro số 1 trong ngày đầu vận hành chính thức

Theo thông tin mới nhất từ bà Văn Thị Hữu Tâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, trong ngày vận hành chính thức đầu tiên (22.12) từ 10h-22h có 175 lượt tàu và gần 150.000 hành khách trải nghiệm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Metro số 1: Cuộc hẹn sau 17 năm

Metro số 1: Cuộc hẹn sau 17 năm

Ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành. Hàng ngàn người dân đã có mặt để chứng kiến và tham gia trải nghiệm. Đó là sự háo hức, mong mỏi, là niềm tự hào, hãnh diện khi đã thực sự “chạm” vào giấc mơ metro.

Hội chứng thù ghét đồng loại

Hội chứng thù ghét đồng loại

Những vụ án thảm khốc diễn ra trong những hoàn cảnh không ai ngờ tới đang ngày càng nhiều trên khắp thế giới đang cho thấy một sự bất an đối với giá trị nhân loại, hơn là câu chuyện của những cá nhân đơn lẻ.

Khách đi metro gấp 5 lần dự kiến, mong có sự chia sẻ với quy định đi tàu

Khách đi metro gấp 5 lần dự kiến, mong có sự chia sẻ với quy định đi tàu

Chiều 23/12, đại diện Ban Quản lý Đường sắt Đô thị và Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 thông tin với báo chí về quá trình triển khai và vận hành tuyến metro số 1 trong 2 ngày 22 - 23/12.