Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Giao thông

Hà Nội khẩn trương dọn dẹp, khắc phục hậu quả bão số 3

Hải Hà - Quách Đồng - Nguyễn Yên: Chủ nhật 08/09/2024, 18:20 (GMT+7)

Cơn bão số 3 quét qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đặc biệt, hệ thống giao thông bị ảnh hưởng nặng nền với các sự cố về đường xá, biển báo giao thông bị gẫy đổ, xô lệch, ổ gà, hố sụt, ngập nước...

Hiện các lực lượng chức năng của Hà Nội đang phối hợp với các bên liên quan khẩn trương dọn dẹp, cải tạo lại hạ tầng, tổ chức phân luồng giao thông,\ để đảm bảo việc đi lại thuận tiện, an toàn.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, cơn bão số 3 đã làm gãy đổ hơn 17.190 cây, 181 sự vụ gây ảnh hưởng đến hệ thống chiếu sáng công cộng, gãy cột thép, vỡ, hỏng đèn... Một số công trình bị kéo đổ do gió giật: Cổng chào trên đường Võ Nguyên Giáp - Đông Anh bị đổ; rất nhiều biển báo, cột quảng cáo, dây điện… bị đổ, đứt gẫy.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, các đơn vị duy trì cây xanh đã huy động lực lượng, với 573 người, 80 xe máy các loại, cưa máy, cưa tay thực hiện giải tỏa, thu dọn được hơn 570 cây đổ, giải tỏa hơn 500 cành gãy...

Một đại diện lãnh đạo Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, hiện các đơn vị đang tiếp tục giải tỏa các cây gãy đổ, trong đó ưu tiên giải tỏa phục vụ đảm bảo giao thông, các tuyến đường trọng điểm, trục chính:

"Đây là cơn bão mạnh nhất trong vài chục năm trở lại đây, ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Nội nên thiệt hại về cây xanh đô thị là rất lớn và có thể là lớn nhất từ trước đến nay. Công ty đang tổ chức 100% lực lượng, phương tiện, thiết bị để giải tỏa cây đổ, cành gãy ở trên tất cả các tuyến phố trên địa bàn công ty quản lý".

Ảnh: Quách Đồng

Ảnh: Quách Đồng

Về công tác chống úng ngập, toàn thành phố đã huy động hơn 2.400 người với 323 phương tiện, thiết bị bơm hút, chống ngập. Ông Trịnh Ngọc Sơn, phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội thông tin, việc thu dọn các cây xanh bị gãy đổ xuống hệ thống thoát nước sẽ cơ bản hoàn thành trong ngày hôm nay (8/9); đồng thời. đơn vị đã chuẩn bị phương án ứng phó khi hoàn lưu bão số 3, Hà Nội có khả năng mưa lớn gây ngập úng:

"Sau trận bão hôm qua thì mực nước hệ thống tăng lên rồi nên hôm nay chúng tôi khẩn trương kiểm tra và cho hạ mực nước hệ thống xuống dưới mức quy định để đón hoàn lưu bão ngày mai. Thứ hai là bảo dưỡng, sửa chữa lại các trạm bơm, các thiết bị để sẵn sàng cho ngày mai triển khai".

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, toàn thành phố có 2 người tử vong, 4 người bị thương xảy ra trên địa bàn quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm. Ngoài ra, có khá nhiều cây xanh bật gốc, đổ vào ô tô, xe máy và xe đạp gây hư hỏng nặng trên nhiều tuyến đường thuộc địa bàn quận Đống Đa, Long Biên, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Cầu Giấy…

Để đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện, Đội Cảnh sát giao thông số 4 đã bố trí lực lượng phối hợp với Thanh tra giao thông và các đơn vị sở tại quận, phường ứng trực 100% quân số trong đêm 7/9 và sáng 8/9. Thống kê ban đầu, một số tuyến đường trên địa bàn cây xanh gãy đổ nhiều như đường Lê Duẩn, Giải Phóng, Nguyễn Du, Trần Khát Chân... Thiếu tá Trần Ngọc Trung, Đội trưởng Đội CSGT số 4, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết:

"Địa bàn Đội CSGT số 4 thì cơn bão số 3 đã khiến hơn 100 cây xanh bị đổ. Đơn vị đã chủ động xác định những tuyến đường trọng tâm, huyết mạch, xuyên tâm để chủ động phối hợp với các đơn vị cưa cắt, kéo gọn vào bên phải lề đường để người dân đi lại thông thoáng nhất".

Ảnh: Quách Đồng

Ảnh: Quách Đồng

Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 9 cũng cho biết, từ sáng 8/9, Đội CSGT số 9 đã cử 2 tổ tuần tra kiểm soát trên toàn tuyến, tuyến đường 32 kéo dài từ huyện Hoài Đức cho đến huyện Ba Vì. Khi phát hiện những cây đổ chắn ngang đường hoặc sự cố của nhà dân, đơn vị đã phối hợp các cơ quan chức năng có phương án khắc phục ngay tại chỗ nên tình hình giao thông trên quốc lộ 32 khá thông suốt:

"Trên Quốc lộ 32 hiện tượng cây đổ dọc từ km35-km42 của huyện Phúc Thọ tương đối nhiều, nhưng các cây này chỉ chiếm 1/3 lòng đường quốc lộ và cũng được các Ban duy tu, Ban đô thị, công an huyện và người dân khắc phục đưa các nhánh cây, cành cây gãy cắt gọn để không ảnh hưởng đến giao thông".

Về phía ngành GTVT, ngay trong sáng 8/9, 100% cán bộ Thanh tra GTVT đã tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phân luồng hướng dẫn người dân qua các khu vực có sự cố về cây đổ, phối hợp với đơn vị cây xanh thu dọn các chướng ngại vật trên đường và dựng lại các biển báo hiệu, rào chắn công trình tại 159 vị trí.

Ông Cao Văn Hiệp, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội khẳng định mục tiêu trong ngày hôm nay khắc phục triệt để sự cố trên các tuyến đường chính:

"Lực lượng thanh tra tập trung, huy động toàn bộ phương tiện, lực lượng để khắc phục hậu quả nhanh nhất, sớm nhất, bằng mọi giá trên các tuyến đường, trục đường chính phải khắc phục trong ngày hôm nay, đảm bảo ngày mai giao thông bớt gặp khó khăn".

Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cho biết, tính đến sáng nay, trên địa bàn toàn Thành phố đã xảy ra 194 sự cố về đường bộ, chủ yếu các sự cố về cây đổ ra đường gây cản trở giao thông, biển báo gẫy đổ, xô lệch trụ mũi tên phản quang, ổ gà, hố sụt, ngập nước...

Đường gom Đại lộ Thăng Long trên địa bàn huyện hoài đức hiện lực lượng Thanh Tra GTVT huyện đã phối với lực lượng chức năng đã xử lý thu dọn các cây đổ ra đường các phương tiện lưu thông ổn định và theo hướng dẫn của lực lượng chức năng (Ảnh: Quách Đồng)

Đường gom Đại lộ Thăng Long trên địa bàn huyện hoài đức hiện lực lượng Thanh Tra GTVT huyện đã phối với lực lượng chức năng đã xử lý thu dọn các cây đổ ra đường các phương tiện lưu thông ổn định và theo hướng dẫn của lực lượng chức năng (Ảnh: Quách Đồng)

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc Ban Duy tu, Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các nhà thầu quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông và đèn tín hiệu giao thông:

"Ban Duy tu đã chỉ đạo các đơn vị nhà thầu bảo trì đường bộ và đèn tín hiệu giao thông, đường thủy tập trung khắc phục các sự cố, hư hỏng về hệ thống đường xá và đèn tín hiệu để đảm bảo ATGT cho người dân và phương tiện đi lại được ổn định, an toàn, đồng thời phối hợp với các lực lựng chức năng phân luồng giao thông tại các điểm ủng ngập".

Về hoạt động vận tải hành khách công cộng, theo Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội cho hay, sau khi đánh giá khách quan, từ 13h ngày 8/9 cả 2 tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông đều được phép hoạt động trở lại. Với hệ thống xe buýt có thể sẽ phải chờ lâu hoặc tạm thời lịch trình sẽ có thay đổi do nhiều tuyến phố cây đổ chắn ngang đường, xe buýt không thể đi được.

Ông Đào Duy Phong, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, không có thiệt hại lớn về kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy vậy, Sở GTVT Hà Nội cũng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn sớm khắc phục các sự cố để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân:

"Sở GTVT đã chỉ đạo Ban Duy tu, UBND các quận huyện khẩn trương khắc phục các tồn tại do bão số 3 gây ra và sẽ khắc phục những tồn tại của cơn bão số 3 trong thời gian sớm nhất; để đảm bảo các hoạt động đối với các tuyến vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố".

Phía trước Tổng Cục 2 trên đường Phạm Hùng, 2 cây to đổ ra đường chiếm 1 làn đường đội Nam Từ Liêm đang tổ chức phân luồng

Phía trước Tổng Cục 2 trên đường Phạm Hùng, 2 cây to đổ ra đường chiếm 1 làn đường đội Nam Từ Liêm đang tổ chức phân luồng

Về hàng không, do ảnh hưởng của bão số 3, Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài đã phải tạm ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay 14 tiếng, từ 10h sáng đến 24h00 ngày 7/9. Có 32 chuyến bay bị chậm giờ, 29 chuyến bay phải hủy. Đến gần 12h ngày 7/9, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã tiếp thu, khai thác tàu bay trở lại. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài chia sẻ về phương án, kế hoạch vận hành sau cơn bão số 3:

"Từ 00h đến 05h sáng ngày 8/9 Cảng HKQT Nội Bài đã phục vụ 109 chuyến bay trong đó có 69 chuyến quốc tế, 40 chuyến quốc nội. Kế hoạch hôm nay sẽ phục vụ 514 lượt chuyến bay theo lịch của các hãng hàng không. Theo tính toán sản lượng chuyến bay và hành khách dự tính qua Cảng sau bão đã khôi phục trở lại mức độ như thường lệ và hoàn toàn nằm trong khả năng phục vụ, năng lực thông qua của Cảng HKQT Nội Bài".

Tham dự Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì diễn ra sáng nay, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội khẳng định, Hà Nội sẽ nỗ lực khôi phục giao thông. Ngành Điện cũng đã cố gắng, cam kết khắc phục toàn bộ các sự cố. Một số huyện bị gián đoạn viễn thông đến nay đã khắc phục xong.

Hải Hà - Quách Đồng - Nguyễn Yên/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
TP.HCM nên mạnh dạn thành lập Sở chuyên trách lo chuyện cây xanh

TP.HCM nên mạnh dạn thành lập Sở chuyên trách lo chuyện cây xanh

Cây xanh là tài sản quý giá của mỗi thành phố, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hoá và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh đô thị hiện nay vẫn còn nhiều bất cập do thiếu tư duy quy hoạch tổng thể.

Lòng nhân ái nên được gửi đúng chỗ

Lòng nhân ái nên được gửi đúng chỗ

Bão số 3 gây ra những thiệt hại nặng nề, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc. Lúc này đây những tấm lòng nhân ái, của cộng đồng được thể hiện qua hoạt động quyên góp, ủng hộ. Tuy nhiên, đáng buồn thay, có những kẻ lợi dụng tình hình này để lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tài sản của người hảo tâm.

Cứu trợ bão lũ: Ứng dụng công nghệ để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm

Cứu trợ bão lũ: Ứng dụng công nghệ để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm

Hàng trăm đoàn cứu trợ tự phát từ các địa phương với hàng tấn hàng cứu trợ đã và đang lên đường. Tuy nhiên, nhiều đoàn cứu trợ tập trung ở một điểm, hàng hóa dư thừa, hư hỏng, trong khi nhiều vùng khác lại rất thiếu thốn.

Để đảm bảo an toàn khi đi lại trong điều kiện mưa lũ, úng ngập

Để đảm bảo an toàn khi đi lại trong điều kiện mưa lũ, úng ngập

Mưa lũ, úng ngập là bối cảnh người tham gia giao thông phải đối diện với nhiều nguy cơ mất an toàn. Lái xe trong điều kiện này là việc không đơn giản, ngay cả với những người cầm lái nhiều năm và có thể gây nguy hiểm nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng.

800 em nhỏ ở các Mái ấm tham gia chương trình “Nụ cười đêm trăng”

800 em nhỏ ở các Mái ấm tham gia chương trình “Nụ cười đêm trăng”

Chiều 14/9, tại Công viên Văn hoá Đầm Sen, gần 800 trẻ em từ 20 Mái ấm, Cô nhi viện, Lớp học tình thương.... cùng tham gia những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Nụ cười đêm trăng”. Chương trình do CLB Những người bạn tổ chức cùng sự đồng hành của Hội Phụ nữ Từ thiện TP.HCM.

Đằng sau những mùa mía đắng

Đằng sau những mùa mía đắng

Trong khi cả nước ghi nhận giá đường tăng cao và diện tích vùng nguyên liệu được mở rộng thì tại miền Tây, “cục diện” ngành đường khá u ám. Toàn vùng hiện nay chỉ còn 2 nhà máy đường hoạt động. Trong khi nông dân chọn chuyển đổi giống cây trồng cho kinh tế cao....

Cứu trợ thiên tai, nên làm gì và làm thế nào?

Cứu trợ thiên tai, nên làm gì và làm thế nào?

Những ngày này, nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang tổ chức các hoạt động cứu trợ người dân bị ảnh hưởng từ cơn bão số 3. Những nghĩa cử cao đẹp này đã giúp người dân và chính quyền ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai vượt qua những khó khăn ban đầu.