Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Gói 120 nghìn tỷ cho nhà ở xã hội triển khai chậm: Một phần trách nhiệm từ người đứng đầu

Xuân Tú: Thứ sáu 13/10/2023, 05:52 (GMT+7)

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà ở dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đã được triển khai từ tháng 4/2023, đem lại kỳ vọng lớn cho người dân. Tuy nhiên đến nay sau nửa năm, tiến độ giải ngân vẫn rất chậm.

Một trong những nguyên nhân cơ bản cần phải nhìn nhận thẳng thắn là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, PV VOV Giao thông có cuộc Đối thoại với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế Học viện tài chính.

PV: Thưa ông, nếu kéo dài tình trạng chậm trễ triển khai gói 120.000 tỷ đồng cho Nhà ở xã hội (NOXH), dù với nguyên nhân khách quan hay chủ quan, thì hệ lụy có thể gây ra cho “sức khỏe” của nền kinh tế sẽ thế nào ạ?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Trong nền kinh tế quốc dân thì nguồn vốn này chủ yếu là nguồn vốn mà các ngân hàng huy động từ tiền gửi của công dân cũng như các tổ chức xã hội, và từ đó người ta mang đi cho vay. Nó là sự chia sẻ của các ngân hàng.

Đương nhiên nếu chúng ta thực hiện không tố thì thời gian trôi đi, rõ ràng tác động lan tỏa của vốn này đến nền kinh tế sẽ yếu đi và việc chúng ta đang muốn thúc đẩy tái cấu trúc thị trường bất động sản sẽ chậm hơn vì thị trường bất động sản đang thiếu nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ mà thừa nhà ở cao cấp.

Quá trình tái cấu trúc đã được diễn ra từ cuối năm 2022 đến nay và chúng ta cần đẩy nhanh hoạt động xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ thì lúc đó thị trường mới nhanh tái cấu trúc, và thị trường bất động sản mới ấm lên, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và các ngành nghề có liên quan đến lĩnh vực bất động sản mới ấm lên theo.

Ảnh minh họa: Báo Thanh tra

Ảnh minh họa: Báo Thanh tra

PV: Ông có đồng tình với ý kiến cho rằng chúng ta cần có thêm những nguồn vốn tín dụng chủ động, một quỹ dành riêng cho phát triển NOXH để giảm phụ thuộc, chờ đợi vào những sự chia sẻ của các tổ chức tín dụng?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Đương nhiên về phía Nhà nước cũng cần quan tâm để hỗ trợ về vốn cho các chủ đầu tư. Trong thực tế hiện nay các chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, thường họ đã có được các ưu tiên đất đai hay là ưu đãi xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng để thực hiện nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, rõ ràng nếu Nhà nước có thể có được những quỹ hỗ trợ cho việc xây dựng và phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thì lúc đó chúng ta có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho chủ đầu tư cũng như cho người mua nhà với lãi suất phù hợp.

Ví dụ như ngay hiện nay chúng ta vẫn đang có gói 3000 tỷ của Ngân hàng chính sách. Nhưng mà thực tế thì nó quá nhỏ so với nhu cầu của xã hội và vì thế nó cần được Nhà nước quan tâm hơn.

PV: Một trong những vướng mắc khiến các dự án NOXH được hưởng ưu đãi từ gói 120.000 tỷ chưa thể triển khai là từ phía một số địa phương, trong đó vướng mắc pháp lý, thủ tục đầu tư là lý do chính. Trách nhiệm của người đứng đầu địa phương cần thể hiện ra sao trong câu chuyện này, nhằm tránh lãng phí nguồn tiền mà chúng ta đã huy động được, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Cái đó nó rất rõ ràng, đó là Chính phủ cần kiểm tra, giám sát và đôn đốc chính quyền địa phương để họ phải có trách nhiệm hỗ trợ các chủ đầu tư trong việc khởi công xây dựng dự án cũng như phải là người xác định chủ thể được mua các dự án đó.

Từ đó, họ được hưởng các chế độ ưu đãi và khi Chính phủ đã có chương trình xây dựng 1.000.000 căn nhà ở xã hội mà những người đứng đầu các địa phương lại không nhanh chóng giải quyết các vấn đề có liên quan thì rõ ràng Chính phủ phải xử lý kỷ luật và phải có cơ chế thưởng phạt, để người đứng đầu địa phương phải có trách nhiệm hỗ trợ và họ phải thấy ý nghĩa của việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân trong địa bàn họ quản lý.

Một dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: VnExpress

Một dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: VnExpress

Đồng quan điểm về nêu cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu các địa phương, TS Đoàn Văn Báu, Vụ Trưởng Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết:

“Tôi cho rằng chúng ta phải xuất phát từ ý nghĩa của câu chuyện nhà ở xã hội. Đây là một trong những chính sách hết sức ý nghĩa, dân sinh. Thế thì nếu như chúng ta chậm trễ, thậm chí không thực hiện thì rõ ràng chúng ta có lỗi với nhân dân.

Cho nên là ở đâu, cơ quan nào, địa phương nào khi thấy những vướng mắc mà chỉ đỗ lỗi cho nguyên nhân khách quan, để mà bàn lùi thì đương nhiên cần phải nhận diện lại và cấp ủy ở đó mà trực tiếp là người đứng đầu cần phải tổ chức nhận thức, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tôi cho rằng đây là mệnh lệnh rồi, phải làm chứ không còn đường lùi, nếu có vướng thì chúng ta bàn để tháo gỡ, khó nhất là không tạo được sự đồng loạt. Nếu đã đồng thuận như vậy thì không có gì khó, chỉ khó là chúng ta ngại, sợ trách nhiệm từ đó không thực hiện.”

Xuân Tú/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn