Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Giảm phát thải khí nhà kính từ các mô hình, dự án nông nghiệp

Thanh Phê: Chủ nhật 30/04/2023, 16:42 (GMT+7)

Ô nhiễm môi trường từ sản xuất nông nghiệp đã được nói đến nhiều nhưng để giải quyết triệt để thì vẫn còn nan giải. Hàng ngày, chất thải chăn nuôi, chất thải trồng trọt tại nhiều địa phương được xả ra môi trường đang đặt ra nhiều thách thức, nhất là làm gia tăng ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

 

"Không có nước là chết chứ không sống được. Dạng như cá dưới sông không có nước sao sống." - Đó là lời tâm sự của bà Lê Thị Mỹ Dung ở thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Nước sạch là không thể thiếu trong cuộc sống. Thế nhưng, các hoạt động hàng ngày của con người đang vô tình hay cố ý làm môi trường nước này càng ô nhiễm.

Việc sản xuất nông nghiệp nếu không kiểm soát tốt cũng sẽ mang lại nhiều tác động xấu đến môi trường. Đáng chú ý, thói quen vứt bỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trên đồng ruộng rất nguy hại. Do đó, các địa phương trong vùng ĐBSCL đã thực hiện các chương trình như: “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, Tổ thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV hay xây dựng các hố chứa vỏ chai, bao bì thuốc BVTV đã sử dụng theo đúng quy định, giúp môi trường sống thêm sạch đẹp.

Tại các nước trồng lúa, khí nhà kính chủ yếu xuất phát từ nông nghiệp. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Tại các nước trồng lúa, khí nhà kính chủ yếu xuất phát từ nông nghiệp. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, thông tin: "Lồng ghép vô mấy cuộc họp dân, những cuộc tập huấn chuyên môn hướng dẫn, khuyến cáo cho bà con đừng vứt bừa bãi mà nên thu gom lại rồi bỏ vào hố chứa, còn việc đem đi tiêu hủy là bên tài nguyên môi trường, tới lúc nào người ta có chương trình thì sẽ lại mấy hố đó đi thu gom mang đi tiêu hủy."

Một thực tế khác ở các vùng nông thôn của miền Tây, việc nuôi heo như bỏ ống để dành. Vì vậy, mỗi nhà thường nuôi từ 1-2 con heo, có hộ thì nhiều hơn. Ngoài chuyện tận dụng được thức ăn thừa của hàng xóm thì việc nuôi theo hình thức nhỏ lẻ cũng phát sinh nhiều mối lo về ô nhiễm môi trường.

Một người dân nói: "Hôi lắm, đi dọc đường cũng nghe mùi nữa. Nhìn thấy nước xanh xanh là biết nuôi heo rồi. Nước đâu có dám xài đâu, phải đi lấy nước chỗ khác về xài. Nói tới nói lui thì mích lòng bà con, mà không nói thì đâu có được."

Trước những tác động tiêu cực đến môi trường từ hoạt động sản xuất và chăn nuôi. Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng: "Thứ nhất đẩy mạnh chăn nuôi gia súc ăn cỏ, đây là đối tượng sử dụng phụ phẩm trồng trọt nhiều nhất. Cái thứ 2hailà chăn nuôi tuần hoàn, đầu ra của ngành nọ là đầu vào của ngành kia thành một chuỗi tuần hoàn, sử dụng tối đa những cái bỏ đi."

Theo Bộ NN&PTNT, ước tính mỗi năm có khoảng 160 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó, có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt; 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi; 6 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản.

Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Trần Thanh Nam, nhận định hiện nay nhiều nơi chỉ chú trọng đến tăng năng suất, sản lượng, chưa quan tâm nhiều đến xử lý nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất: "Việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và gia tăng chất thải từ chăn nuôi đang đe dọa chất lượng môi trường. Chính vì vậy, việc chúng ta triển khai các giải pháp làm sao tái sử dụng các phế phụ phẩm này trở thành nguồn nguyên liệu tái tạo, đó là việc làm hết sức cần thiết. Nông nghiệp cũng là một trong những tác nhân gây nên biến đổi khí hậu do phát thải khí nhà kính."

Có thể thấy, trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, ngoài sự vào cuộc và các giải pháp mang tính đồng bộ từ Trung ương đến địa phương thì hơn lúc nào hết mỗi người dân cần quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, giúp mỗi miền quê luôn xanh, sạch và đáng sống. 

Nhiều mô hình "nông nghiệp xanh" giúp giảm khí thải nhà kính

Lúa gạo là ngành hàng chiếm 48% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí thải mê-tan tại Việt Nam mỗi năm. Do vậy, tại vùng ĐBSCL, hàng loạt dự án triển khai mô hình canh tác lúa giảm phát thải ra đời và nhận được sự tham gia nhiệt tình của bà con.

“Ruộng lúa - bờ hoa” là mô hình đang được bà con trong HTX Thương mại Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú, ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang áp dụng. Từ ngày trồng hoa, ruộng vừa đẹp, vừa ít tốn chi phí thuốc trừ sâu.

Ông Thân Tuấn Linh, Giám đốc HTX, cho biết: "Sạ định vị khoảng 4 ký giống/1.000 mét vuông, 40 ký/ha, còn sạ lan khoảng 10 ký/công tầm lớn, riêng sạ định vị không có ngã luôn, mấy vụ trước làm dịch bệnh không có luôn do có độ thông thoáng."

Trồng hoa ở ruộng lúa thu hút nhiều thiên địch có lợi, giảm sâu rầy gây hại (Nguồn ảnh: baoangiang.com.vn)

Trồng hoa ở ruộng lúa thu hút nhiều thiên địch có lợi, giảm sâu rầy gây hại (Nguồn ảnh: baoangiang.com.vn)

Ngoài mô hình ruộng lúa bờ hoa, nông dân trong tỉnh đã dần thay đổi tập quán canh tác vì một nền nông nghiệp xanh. Canh tác hướng hữu cơ là hướng đi của HTX Gạo sạch Tân Long, huyện Vị Thủy lựa chọn.

Nói về quyết định táo bạo này, ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX, chia sẻ: "Hàng ngày những người nông dân ôm bình xịt trên đồng ruộng, hít những chất hóa học, khi sản xuất ra sản phẩm những người tiêu thụ sản phẩm đó mang độc tố trong thức ăn hàng ngày. Từ chỗ đó trăn trở của mình thấy vậy muốn tìm hướng nào đó phục vụ sức khỏe cho bà con.

Thứ hai là làm sao cho những người nông dân không còn tiếp cận chất hóa học hàng ngày trên đồng ruộng. Thứ ba là làm cho môi trường sống chúng ta xanh, sạch, đẹp thành ra tôi mới tìm ra hướng đi mới là chuyển từ vô cơ sang hữu cơ, tạo ra sản phẩm và hiện giờ sản phẩm đó là gạo sạch Vị Thủy đang có mặt trên thị trường."

Giai đoạn 2015-2022, Hậu Giang giảm phát thải khí nhà kính gần 177.000 tấn. Để có được kết quả đáng phấn khởi như vừa nêu thì trong giai đoạn 2015-2022, ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững theo các quy trình kỹ thuật tiên tiến, thân thiện với môi trường. Trong đó, có quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), dự án WB6, GIZ, FARES hay Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) có mô hình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”. Từ con số 180 - 200 kg/ha những ngày đầu tham gia dự án, đến cuối năm 2022, lượng giống gieo sạ phổ biến của nông dân trong vùng dự án chỉ còn 80 - 100 kg/ha.

Từ thành công của Dự án VnSAT, tỉnh đã tích hợp những nội dung của dự án trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Đề án phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu với kinh phí hơn 600 tỷ đồng, không chỉ hỗ trợ cho các HTX lúa gạo mà tỉnh còn thí điểm mở rộng ra một số lĩnh vực cây ăn trái, thủy sản.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho hay:

"Chúng tôi đặt định hướng trọng tâm phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thích ứng với điều kiện tự nhiên, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hiện đại, hướng tới giảm phát thải khí nhà kính."

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” đang được Bộ NN&PTNT gấp rút hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án có ý nghĩa quan trọng trong chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: "Việc sản xuất với chi phí thấp bán với giá cao hơn, ở những vùng chuyên canh sẽ tạo ra những giá trị gia tăng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính bán tín chỉ carbon, tiết kiệm nguồn tài nguyên và được xây dựng thương hiệu tạo ra giá trị. Cùng với đó những vùng nguyên liệu trồng lúa, các mô hình kinh tế tuần hoàn tái sử dụng phụ phẩm từ lúa được áp dụng. Đây chính là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao giá trị gia tăng."

Ngoài hiệu quả từ các mô hình, dự án đã và đang mang lại, thì việc cam kết mạnh mẽ của nước ta tại Hội nghị COP26 với mức đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 sẽ là tiền đề quan trọng để hướng đến nền nông nghiệp tăng trưởng xanh, bền vững, giảm phát thải.

Thanh Phê/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn