Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Giá cước vận tải biển giảm mạnh, nhưng tắc nghẽn vẫn còn

Huy Văn: Thứ hai 03/10/2022, 06:23 (GMT+7)

Ghi nhận từ đầu năm đến nay, giá cước vận tải biển đang liên tiếp giảm và được dự đoán sẽ còn tiếp tục giảm trong năm tới. Nguyên nhân có thể kể đến nhiều lí do như dịch COVID-19 được kiểm soát, tình trạng thiếu container đang dần được khắc phục v.v…

Theo thời báo phố Wall, giá cước vận tải biển đang sụt giảm trong quãng thời gian vốn là cao điểm hàng năm. Hiện chi phí vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến Bờ Tây nước Mỹ khoảng 5.400 USD/container, giảm 60% so với tháng 1. Một container vận chuyển từ châu Á đến châu Âu có giá 9.000 USD, giảm 42% so với hồi đầu năm.

Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện kéo theo tình trạng tồn đọng hàng hóa, thiếu container và gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cước vận tải biển đã tăng gấp 10 lần so với trước đại dịch. Trong một số thời điểm, các nhà bán lẻ lớn trên thế giới như Walmart đã phải thuê tàu riêng để chở hàng hóa của mình.

Giá cước vận tải biển đang giảm mạnh tính từ đầu năm tới nay. Ảnh: Marine Insight

Giá cước vận tải biển đang giảm mạnh tính từ đầu năm tới nay. Ảnh: Marine Insight

Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi khi dịch COVID-19 được khống chế và các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm để đối phó hoặc chuẩn bị trước những phương án phòng bị.

Những năm trước, khoảng thời gian này vốn là cao điểm của ngành vận tải biển khi thị trường đua nhau nhập hàng, chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ cuối năm. Tuy nhiên, năm nay hầu hết các nhà phân phối, bán lẻ lớn đã chủ động nhập hàng từ sớm để tránh gặp phải tình trạng hàng không về kịp do tắc nghẽn.

Dani Romero, chuyên gia kinh tế của trang tin Yahoo chia sẻ: “Nhiều nhà phân tích kinh tế đều đồng tình rằng, cao điểm của vận tải biển năm nay thực chất là vào mùa xuân. Một số doanh nghiệp chủ động nhập sớm, một số thì tranh thủ xả hàng tồn kho để tránh gặp phải những rắc rối như thời kỳ đại dịch. Đó là nguyên nhân khiến giá vận tải biển sụt giảm dù đang là thời điểm cuối năm”.

Theo Jonathan Roach, một nhà phân tích kinh tế tại một công ty có trụ sở ở London, Anh, bối cảnh chính trị và kinh tế toàn cầu hiện nay cũng góp một phần không nhỏ khiến giá cước vận tải giảm. Tình hình căng thẳng giữa Ukraine và Nga khiến giá xăng dầu tăng cao và lạm phát tăng nhanh. Điều này khiến nhiều người phải đắn đo hơn trong việc chi tiêu. Đi kèm với đó là nhu cầu du lịch, giải trí và dịch vụ đã phần nào thuyên giảm.

Còn theo các chuyên gia hàng hải, giá cước vận tải đang giảm và sẽ còn tiếp tục giảm bởi trong thời gian tới, hàng loạt tàu thủy cũng như container đóng mới sẽ được “xuất xưởng” để giảm áp lực đối với tình trạng thiếu container. Dự kiến mức tăng trưởng các đội tàu biển toàn cầu sẽ vào khoảng 9% trong năm 2023 và 2024.

Nhưng theo ông Goetz Alebrand, giám đốc khu vực Châu Mỹ của công ty vận tải DHL Global Forwarding, hiện còn quá sớm để khẳng định rằng tình hình vận tải biển đang tốt hơn: “Chúng ta vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi tình trạng khó khăn. Bởi chuỗi cung ứng đường biển toàn cầu rất dễ bị ảnh hưởng bởi các sự cố bất ngờ. Và rất khó để dự đoán khả năng cũng như mức ảnh hưởng của các sự cố đó lên chuỗi cung ứng.”

Ảnh: Tim Rue/Bloomberg

Ảnh: Tim Rue/Bloomberg

Theo đài CNBC, hiện tại lạm phát tăng cao, nhu cầu giảm nhưng các cảng biển ở Mỹ vẫn đang trong tình trạng tắc nghẽn, quá tải và phải hoạt động gần như hết công suất.

Ông Scott Lincicome, thành viên cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Cato Institute, có trụ sở tại Mỹ cho rằng, cảng biển của Mỹ đang hoạt động vô cùng kém hiệu quả bởi thiếu đi yếu tố tự động hóa: “Các liên đoàn lao động ở cả 2 bờ Đông, Tây của Mỹ đều rất kiên quyết trong việc từ chối áp dụng tự động hóa cho các cảng biển. Họ làm mọi cách để hợp đồng việc làm hiện tại, và cả trong tương lai sẽ không có tự động hóa, thứ mà họ cho là “giết chết” công việc của họ”.

Theo ông John McCown, chuyên gia vận tải của công ty Blue Alpha Capital, đây là lời cảnh báo về chất lượng cảng biển hiện nay ở Mỹ. Với dự đoán số lượng container chuyển tới Mỹ sẽ tăng gấp đôi trong 25 năm tới và gấp 4 lần trong 50 năm tới, ông McCown cho rằng cảng biển tại quốc gia này sẽ cần có cải tiến toàn diện:

“Nâng cấp bến cảng hay thậm chí là xây dựng thêm bến cảng mới là điều cần thiết để ngành vận tải Mỹ có thể xử lý hiệu quả số lượng container trong những thập kỷ tới. Điều này đòi hỏi sự đầu tư lớn vào hạ tầng. Nếu không, tình trạng tắc nghẽn như hiện tại sẽ còn tiếp diễn trong tương lai” - Ông John McCown cho biết.

Trở lại với Việt Nam, cùng theo xu hướng giảm, giá cước vận tải từ Việt Nam đi quốc tế cũng có ít nhiều thay đổi. Giá cước áp dụng với mỗi container 40 feet từ Việt Nam đi các cảng Los Angeles, Miami và Long Beach (Mỹ) hiện còn khoảng từ 12.000-13.000 USD, giảm khoảng 50% so với hồi đầu năm. Cước vận chuyển một container 40 feet đến Bờ Tây nước Mỹ khoảng 5.400 USD, giảm 60%. Vận chuyển một container từ châu Á đến châu Âu 9.000 USD, giảm 42%.

Dù vậy, ông Nguyễn Tương - cố vấn cấp cao Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam - cho biết hiện giá cước đã giảm nhưng vẫn cao so với thời điểm trước dịch bệnh. Phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đi bằng đường biển nên giá cước neo cao sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp trong giai đoạn cuối năm.

Còn nhiều doanh nghiệp logistics cho rằng, thị trường vận tải năm nay được kỳ vọng tăng trưởng mạnh, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia vào đội tàu chuyển hàng tuyến quốc tế.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn