

Trong chiến tranh chống Mỹ, đường Trường Sơn như một huyết quản khổng lồ “tiếp máu” từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trên mạng đường chằng chịt, vĩ đại đó; không chỉ có có đường ô tô, mà cả đường sông, đường giao liên chuyển quân từ Bắc vào Nam, đường dây thông tin, và đường ống xăng dầu.
Câu chuyện về đường ống dẫn xăng dầu - một dòng sông mang lửa, khó tin như một huyền thoại.


Đông Nam Bộ bước vào mùa khô, nắng rát và chói chang. Cựu chiến binh Điểu Mầm (nguyên Đại đội trưởng Đại đội 568) dẫn đoàn phóng viên đi theo đường tuần tra Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) thăm lại Di tích quốc gia đặc biệt Điểm cuối – đường ống dẫn xăng dầu VK96.
Người lính năm xưa, nghiêng mình trước tấm bia đá.
Len lỏi qua 500 mét đường rừng, cây cối rậm rạp xuyên vào vùng lõi của Vườn quốc gia mới vào được vị trí hố chôn bồn chứa xăng.
Nhưng, bước chân người lính già vẫn thoăn thoắt, nhanh nhẹn như thuở đôi mươi.
Với ông, rừng thiêng Bù Gia Mập đã trở thành một phần máu thịt; chở che, ôm ấp trong suốt những năm tháng chiến tranh.

Di tích quốc gia đặc biệt Điểm cuối – đường ống dẫn xăng dầu VK96 (Video: Hồng Lĩnh – Cát Trân)
VK96 còn có tên gọi khác như Ký hiệu K22, Ô 30, là điểm tập kết, trung chuyển cấp phát xăng cho các đơn vị trên các hướng chiến trường Đông Nam Bộ, bảo đảm cho các lực lượng cơ giới tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Tại di tích còn lại sáu hố chôn bồn chứa xăng (750m3/bồn chứa) và các rãnh chôn đường ống dẫn. Từ VK96, nguồn xăng dầu được bí mật vận chuyển về Tổng kho nhiên liệu VK98, VK99 (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) chỉ cách “thủ phủ” của Ngụy quyền hơn 100 km, tạo thành hệ thống đường ống xăng dầu liên hoàn Đông và Tây Trường Sơn.

Năm 1965, Tuyến vận tải chi viện chiến lược 559 chuyển lên vận chuyển cơ giới, nhằm đáp ứng nhiệm vụ chi viện cho các chiến trường miền Nam. Đảm bảo xăng dầu cho vận chuyển cơ giới trở nên hết sức quan trọng.
Sau Tết Mậu Thân 1968, Mỹ tập trung đánh phá hệ thống giao thông, đồng thời cắt đường tiếp liệu xăng dầu. Trên địa bàn Quân khu 4 và đường Trường Sơn hình thành những trọng điểm ác liệt, đặc biệt là Tam giác lửa Vinh – Nam Đàn - Linh Cảm.
Xe vận chuyển, nhất là xe chở xăng đảm bảo cho Đoàn 559 bị ách tắc, đình trệ.
Có mặt trên tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn từ những ngày đầu, ở những nơi ác liệt nhất, vào những lúc khó khăn nhất, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, Nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc Phòng), kỹ sư thiết kế, thi công tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn nhớ lại:
“Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Đoàn 559 đã phải điện về Quân uỷ Trung ương báo nếu không chuyển xăng và lương thực vào thì nguy cơ hàng vạn bộ đội, Thanh niên xung phong bị đói".
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu nói, với xe chở xăng dầu thì vượt qua trọng điểm coi như chỉ một phần nghìn tia hy vọng, vì chỉ cần trúng một mảnh bom là xe có thể bốc cháy.
Một số giải pháp cấp bách được đưa ra. Mọi thứ ống, từ ống cao su, ống chân nhà bạt, ống nhựa, ống tôn,... và kể cả ống cây lồ ô nối lại với nhau bằng săm ô tô, nhưng rồi cũng bị phá huỷ, xăng rò rỉ, tổn thất lớn.
Biện pháp huy động bộ đội kiệu các phuy xăng 100 lít, gùi xăng bằng ba lô lót ni-lông vượt qua trọng điểm vô cùng vất vả. Nhiều chiến sĩ bị thương, lưng bỏng phồng rộp.

Ảnh: Bảo tàng Hậu cần - Kỹ thuật cung cấp
Giữa năm 1967, khi tham dự cuộc tập trận của khối Vác-xa-va (Warszawa), Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện phát hiện Liên Xô có bộ đường ống dã chiến vận chuyển xăng dầu, đường kính 100mm, mỗi ống nặng 32kg, có thể tháo lắp được, có khả năng cơ động cao, nếu đưa vào tuyến chi viện có thể vượt qua sự đánh phá ngăn chặn của địch.
Chính phủ đề nghị Liên Xô hỗ trợ. Cuối năm 1967, hai bộ đường ống dã chiến dài 200 km được vận chuyển về Việt Nam. Và rồi, tuyến ống thí điểm đầu tiên mang mật danh X42 vượt qua Tam giác lửa Vinh – Nam Đàn – Linh Cảm đã thành công.
Những tư liệu quý về lực lượng thi công của Đoàn Công trường 18, với hình ảnh đồng chí Nguyễn Văn Ký - người hàn mối hàn đầu tiên vẫn còn được lưu giữ tại Bảo tàng Hậu cần - Kỹ thuật (Tổng Cục Hậu cần – Kỹ thuật).
Thượng tá Trần Thị Sâm – Giám đốc Bảo tàng Hậu cần - Kỹ thuật chia sẻ, những kỷ vật về đường ống dẫn xăng dầu đang trưng bày tại Bảo tàng là minh chứng cho tinh thần gan dạ, dũng cảm, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn; tình đồng chí, đồng đội của bộ đội hậu cần - kỹ thuật trong kháng chiến chống Mỹ.
"Những câu chuyện do các nhân chứng lịch sử kể lại, gắn liền với những kỷ vật, hiện vật đang được trưng bày, khiến tôi vô cùng xúc động. Đây là những tư liệu quý giá, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá trình chiến đấu và hy sinh của cha ông. Chúng tôi mong muốn thông qua những hiện vật này, thế hệ hôm nay sẽ trân trọng hơn những giá trị lịch sử", Thượng tá Trần Thị Sâm nhấn mạnh.

Ảnh: Bảo tàng Hậu cần - Kỹ thuật cung cấp
Những hiện vật đường ống dẫn xăng dầu tại Bảo tàng Hậu cần - Kỹ thuật (Video: Hồng Lĩnh - Lê Tùng)
Nhiều bãi đã bị bom nghiền thành bột. Nhiều chiến sĩ đã phải nằm lại. Nhưng, vượt qua sự đánh phá ác liệt của cả không quân, pháo hạm, bộ binh của địch....
Băng qua rừng già, mùa mưa lầy thụt, vượt qua cả đỉnh cao 911 mét.... Hàng nghìn ống, hàng chục tấn phụ kiện, máy móc, bể cao su... trên đôi vai chiến sĩ.
Chấp nhận các phương án mạo hiểm và khắc phục các sự cố về kỹ thuật. Hàng triệu mét khối xăng, dầu đã được cung cấp cho chiến trường miền Nam ruột thịt.
Thành công của tuyến ống đầu tiên thi công vượt Trường Sơn theo đường 12; rồi tuyến ống thứ hai vượt Trường Sơn theo đường 18 vào kho K5 ở Bản Cọ (Lào)..., thể hiện chủ trương đúng đắn, táo bạo của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần; khẳng định đường ống xăng dầu dã chiến có thể vượt qua được địa hình hiểm trở của Trường Sơn, thời tiết khắc nghiệt và sự đánh phá, ngăn chặn ác liệt của Mỹ.

Ảnh: Bảo tàng Hậu cần - Kỹ thuật cung cấp
Đại tá Nguyễn Văn Tạo, nguyên Phó Trưởng phòng Đường ống, Cục Xăng dầu 559 vẫn nguyên vẹn những ký ức khi còn là cán bộ kỹ thuật của đại đội K1, Công trường 18. Ông phụ trách thi công đoạn đầu tuyến ống từ kho Rục (Khe Ve - Quảng Bình) vượt qua núi Mã Lậu của tuyến ống đầu tiên vượt Trường Sơn theo đường 12:
“Khi thi công tuyến ống này, đang thử rửa nước chuẩn bị bơm xăng thì địch phát hiện. Đêm cuối tháng 12/1968, từng loạt bom B52 trút xuống đèo Mụ Giạ cắt ngang tuyến ống. Những ngày sau đó liên tục là các đợt bom của B52 và máy bay cường kích trút xuống trọng điểm 050-đèo Mụ Giạ.
Đá bị bóc hết lớp này đến lớp khác, đến mức đá tơi thành bột…. Lúc đó, bộ đội công binh nổ mìn phá đá tạo thành đường hào để bộ đội đường ống nối tuyến nhiều lần nhưng vẫn bị bom phá hỏng”, Đại tá Nguyễn Văn Tạo nhớ lại chi tiết.
Trước tình hình nguy cấp, thời điểm đó, Thiếu tá Mai Trọng Phước - Chỉ huy trưởng Công trường 18 (sau là Đại tá, Cục trưởng Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần) đã tìm cách hoá giải khó khăn, kể cả làm tuyến tránh, thực hiện nghi binh.
Sau ba tháng, đúng Giao thừa Tết Kỷ Dậu (16/02/1969), dòng xăng đường ống đầu tiên đã vượt qua đèo Mụ Giạ và sang đến Lào. Ngày này cũng được chọn là Ngày Truyền thống của Bộ đội đường ống xăng dầu Trường Sơn.

Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bình Phước cung cấp
Đại tá Nguyễn Văn Tạo, nguyên Phó Trưởng phòng Đường ống, Cục Xăng dầu 559 cho biết: Hệ thống đường ống xăng dầu Trường Sơn có tổng chiều dài 1.967 km, mở rộng tới gần 5.00 km, 75 kho trữ lượng 39.000 m3, hiệu suất vận hành đến năm 1974-1975 đạt tới 98,3%. Tỷ lệ sử dụng xăng đường ống tăng từ 9% năm 1969 lên 89% năm 1972-1973 và 100% năm 1974-1975.
Bằng hệ thống kho bãi cấp phát “tự chảy” trên suốt dọc Tuyến chi viện, phù hợp với cung độ xe vận chuyển, hành quân; bãi cấp phát rộng, ngay sát đường vận chuyển, có đường ra, vào độc lập, có nhiều vòi cấp phát cho các xe trên đường hành tiến.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, hệ thống đường ống Trường Sơn vận hành công suất 600-800 m3 xăng/ngày và đảm bảo cấp phát cho hơn 10.000 xe trong 1 ngày đêm.

Tìm lại những chiến sĩ cấp phát kho xăng năm xưa, chúng tôi may mắn được gặp cựu chiến binh Hoàng Văn Nhị. Những câu chuyện được kể lại sôi nổi như chính những ngày ông tham gia khảo sát tuyến đường ống:
“Người chiến sỹ lúc đó phải trực bộ đàm liên tục và không rời bỏ vị trí. Bên cạnh chúng tôi, còn có 4 chiến sỹ thường trực và những đồng chí khác đi tuần trên tuyến. Tuyệt đối không đồng chí nào được hút thuốc. Anh em ở kho cấp phát rất vất vả vì hơi xăng, đặc biệt là mùa nắng. Chúng tôi xác định, một kho xăng hàng ngàn mét khối như thế, nếu địch đánh thì như một quả núi lửa khổng lồ. Khi là một chiến sỹ cấp phát kho xăng dầu, người lính phải chấp nhận hy sinh”, ông Nhị kể lại.
Khi là một chiến sĩ cấp phát kho xăng dầu, người lính phải chấp nhận hy sinh (Video: Hồng Lĩnh - Cát Trân)

14 năm với hành trình hàng vạn hải lý, Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông đã kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Ảnh: Lữ đoàn 125 Vùng 2 Hải Quân cung cấp
Có mặt tại gia đình ông Ngô Văn Trung, Hội trưởng Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam - Quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng, cùng 5 cựu chiến binh, những người thuộc lớp thế hệ thứ 2 tham gia đoàn Tàu Không số, trực tiếp vận tải vũ khí, khí tài, xăng dầu và con người trong những năm 1970 đến 1975 để chi viện cho miền Nam, chúng tôi được lắng nghe nhiều câu chuyện lịch sử đáng nhớ.
Những chuyến tàu không số đầu tiên làm nên con đường vận tải huyền thoại trên biển trong giai đoạn 1962 -1970 chủ yếu xuất phát từ Bến K15, tại chân đồi Nghinh Phong, Phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng.
Từ sau năm 1970, hoạt động vận tải chủ yếu diễn ra ở bến K20, Đồ Sơn. Các địa điểm này được chọn làm cảng vì khi xưa là một vịnh nhỏ, được bao bọc bởi các dãy núi kín đáo, khuất gió biển, có rừng rậm che chở, đảm bảo yếu tố bí mật cho tàu ra vào, tiếp nhận hàng hoá một cách dễ dàng.
“Ngày xưa bí mật, không ai ra vào khu đấy cả, người dân không biết được. Ngày ấy ai đi chuyến nào thì biết chuyến đấy, các chú chỉ là thế hệ sau, đọc được các hồi ký của các tầng lớp đi trước và lịch sử Lữ đoàn, xuống hàng là nội bất xuất, ngoại bất nhập, cách ly ở bến, đi lúc nào không ai biết.
Ngay trong nội địa mình với nhau thì đã là tuyệt mật rồi, còn đi trên biển thì còn bí mật hơn, bất ngờ hơn”, ông Nguyễn Đình Phan, lính trinh sát đoàn Tàu Không số 125 nhấn mạnh tính bí mật tuyệt đối trước, trong, và sau mỗi chuyến tàu xuất bến.

Hành trình dài trên biển là một cuộc chiến đầy cam go và thử thách để đảm bảo được yếu tố bí mật.
Biến sự mênh mông, rộng lớn của biển cả thành lợi thế bí mật của mình, những đoàn Tàu Không số không phải vì không có số, mà là vì khả năng thiên biến vạn hóa khiến địch không thể ngờ tới.
Từ việc sơn lại tàu khi bị lộ, giả trang từ quần áo, trang phục phù hợp…, câu chuyện cải dạng trên những con tàu không số thực sự hấp dẫn và ly kỳ hơn cả những bộ phim phiêu lưu, mạo hiểm dài tập.
Các cựu chiến binh Nguyễn Đình Phan kể lại: “Cải dạng - tức là trước khi đi công tác là phải ra ngoài Vịnh Hạ Long sơn lại tàu, nếu lộ thì lại ra sơn tàu màu khác để đi.
Thứ hai là trang bị quần áo, có khi mặc quần áo bà ba, giả danh đánh cá, dân Nam Bộ. Nếu tàu mình là dạng tàu viễn dương, tàu biển thì ăn mặc quần áo chim cò của Hồng Kông, quần loe, mũ phớt, kính đen chẳng hạn. Thứ ba là trên tàu còn mang rất nhiều cờ của các nước. Ví dụ qua vùng biển này thích treo cờ Malaysia, cờ Pháp, cờ Singapore, có rất nhiều loại cờ để giả dạng.
Bí mật nữa là tất cả dụng cụ trên tàu đều không có chữ Việt Nam. Từ gói kẹo hay bao thuốc lá đều trắng hết cả, tất cả thư từ của anh em trước khi đi B có cái gì chữ Việt Nam đều phải hủy. Gọi là Không số không phải là không có số mà treo bất kể số nào, thích số nào thì treo, để đảm bảo tính bí mật”.
Chuyến tàu không số đầu tiên mang tên Phương Đông 1 chở 30 tấn vũ khí từ Hải Phòng vào Cà Mau tuyệt đối an toàn chỉ trong 9 ngày; được Đại tướng Võ Nguyên Giáp so sánh bằng 1.500 người đi đường bộ trong 5 tháng.

Những người chiến sỹ hải quân năm xưa, dù nay đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn như những chàng trai ăn sóng nói gió, hào sảng kể lại từng trận chiến trên biển mình đã tham gia, những hồi ức đẹp, về cả sự sống và cái chết đã từng phải đối mặt.
Đặc biệt là chuyến tàu xuất phát từ bến K20, Hải Phòng vào tháng 3/1975 như một hành trình nối liền những tin vui, luôn reo vang trong ký ức những người chiến sỹ trên chuyến tàu không số năm xưa.
“Lúc bấy giờ bến cảng K20 vui lắm, như hội ấy, lý do vui là thông thường tháng 2-3 biển động, sóng to, gió to, mà sao năm đấy trời lại thuận, trời yên biển lặng, đi đến đâu cá heo đuổi theo đến đó.
Chúng tôi đi vào trong đó vui lắm, bắt đầu xuống tàu vào tới Huế, đi tàu 69 chở quân vào cửa Hội An, sau đó vào Đà Nẵng tham gia diễu binh giải phóng Đà Nẵng…”, ông Ngô Văn Trung - Hội trưởng Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển toàn quốc - quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng nhớ lại.
Chúng tôi đã cùng các cựu chiến binh đoàn tàu không số trở lại Bến K15 và được ông Ngô Văn Trung chia sẻ câu chuyện của Bến Tàu Không số hôm nay.
Trước những dấu tích ít ỏi còn sót lại của cầu cảng tại bến K15 – bến xuất phát của những đoàn tàu không số đầu tiên, ông Ngô Văn Trung cho biết: “Lâu lắm rồi, từ năm 1961 đến giờ mà. Những chiếc cọc là dấu tích của cầu cảng ngày xưa.
Ngày xưa, lớp chúng tôi không đi cầu cảng này, lớp này các bác cán bộ miền Nam tập kết, được Trung ương Cục cử ra Bắc chi viện, lớp này toàn các bác đã mất rồi, nếu còn thì cũng phải 80, 90 tuổi cả rồi.
Những câu chuyện về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là những trang sử hào hùng mà chúng tôi muốn truyền lại cho thế hệ sau. Để họ hiểu và trân trọng những gì cha anh đã làm, đồng thời phát huy tinh thần tự hào dân tộc".

50 năm đã trôi qua từ ngày đất nước thống nhất, non sông một dải, và nhiều hơn 50 năm cho ký ức về bao cuộc chiến khốc liệt trên biển, những chiến sĩ của đoàn tàu không số hôm nay vẫn ngồi lại với nhau, say sưa và đầy cảm hứng ôn lại những câu chuyện lịch sử nằm lòng.
Chúng tôi thấy thật may mắn vì là thế hệ được sinh ra trong thời bình và vẫn còn cơ hội được gặp, được nghe kể trực tiếp những câu chuyện lịch sử từ các nhân chứng đã bước ra từ những huyền thoại trong sử sách như thế.
Đó là sự kết nối mạnh mẽ và sâu sắc nhất mà những câu từ, chữ viết thuật lại trên sách vở mới chỉ lột tả được phần nào. Chúng tôi tin rằng, những cảm xúc này, những âm thanh, hình ảnh trong câu chuyện hôm nay về đoàn Tàu Không số, về Bến K15-Km số 0 sẽ liên tục được kể tiếp, viết tiếp như cung đường nối dài bất tận giữa các thế hệ.

Năm 1964 - 1965, chiến trường Khu V bước vào những ngày tháng vô cùng ác liệt. Việc cung cấp vũ khí cho chiến trường này trở nên cấp bách. Trước tình hình đó, cuối năm 1964, Trung ương và Khu V chọn Bến Vũng Rô (Phú Yên) để đón các chuyến Tàu Không số tiếp tế vũ khí, hàng hoá chi viện cho các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Đắk Lắk, phục vụ chiến trường miền Nam.
Con tàu mang số hiệu 41 do đồng chí Hồ Đắc Thạnh chỉ huy đã hoàn thành nhiệm vụ mở đường, để tiếp sau đó, rất nhiều chuyến cập bến Vũng Rô thành công.

Bến tiếp nhận vũ khí hàng hóa, vịnh Vũng Rô có các lợi thế như: Đây là vịnh kín, ba bề có núi bao bọc với diện tích mặt nước 16,4km2, có thể che mắt địch; có độ nước sâu từ 1416 mét, cửa vịnh rộng 2km tàu ra vào không lệ thuộc vào thủy triều; có núi Đá Bia và Mũi Điện thuận lợi cho việc xác định vị trí để tàu cập bến; có nhiều hang đá để có thể làm kho cất dấu vũ khí hàng hóa chờ chuyển về hậu cứ; vùng giải phóng gần Vũng Rô rộng, có lực lượng vũ trang và du kích mạnh.

Trung tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh - nguyên thuyền trưởng Tàu 41 cùng Thiếu tá Ngô Văn Định, Trưởng Ban Liên lạc bến Vũng Rô - Tàu Không số, nguyên chiến sĩ Đại đội K60, đơn vị bảo vệ bến trở lại Vũng Rô.
Nơi này, vào đêm lịch sử 28/11/1964, chuyến Tàu Không Số đầu tiên mang mật danh 41 do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và Chính trị viên Trần Hoàng Chiếu chỉ huy chở theo 45 tấn vũ khí, thuốc men chi viện cho chiến trường Phú Yên cập bến an toàn.

Trung tá, AHLLVTND Hồ Đắc Thạnh chia sẻ về chiến thuật cải dạng Tàu Không số (Video: Hồng Lĩnh - Cát Trân)
“Chúng tôi chuẩn bị rất chu đáo, không để một sơ suất nào. 16/11/1964, tàu chúng tôi bắt đầu rời miền Bắc đi vào miền Nam. Do đây là bến mới, nên chúng tôi được giao nhiệm vụ, thời gian cho phép tàu vào bến khoảng từ 23 giờ đến 24 giờ và nhất thiết phải rời bến trước 3 giờ sáng”, Trung tá Hồ Đức Thạnh nói.
Trong 3 chuyến tàu Không số cập bến Vũng Rô thành công, chuyến tàu vào đêm Giao thừa, Mùng 1 Tết năm 1965 (tức ngày 2/2/1965 dương lịch) mang một ý nghĩa đặc biệt. Đó không chỉ là một chuyến vận chuyển vũ khí, mà còn là một cuộc hội ngộ đầy cảm xúc giữa những người lính tàu Không số và đơn vị đón tàu tại bến; là nghĩa tình quân dân sau hơn 10 năm xa cách quê hương.
Hồi tưởng về đêm giao thừa nặng nghĩa tình quân dân, Trung tá Hồ Đắc Thạnh kể lại, các chiến sĩ tranh thủ đón Tết ngay trên tàu, cùng lắng nghe lời chúc Tết của Bác Hồ từ radio. Và cũng trong giờ phút chia tay bịn rịn giữa người ở, người đi, một kỷ niệm khiến ông nghẹn ngào đến tận bây giờ.

Bà Nguyễn Thị Tảng, dân công bốc dỡ vũ khí tại Bến Vũng Rô xúc động, kể lại: “Bây giờ mình quần đánh địch suốt ngày đêm cũng đất, rồi mình có hy sinh đây cũng đất. Bây giờ nói với chú là nhân dân của tỉnh mình kiên trung bất khuất, tuy ăn củ sắn vậy nhưng địch tới đâu đánh tới đó nên tôi nghĩ rằng đây là nắm đất quê hương, nắm đất bằng xương, bằng máu...”
Ký ức về những trận gió mùa tràn về trong đêm dưới trời mưa phùn gió bấc vẫn còn thẳm sâu trong tâm khảm vị thuyền trưởng 91 tuổi. Hành trình vào mùa thời tiết không thuận lợi, vượt sóng to gió lớn, lách tránh các tuyến tàu tuần tiễu của địch, thử thách ý chí của các thuỷ thủ:
“Mũi Nạy và Hòn Nưa tạo thành một cửa vào Vũng Rô, bắt đầu từ đó mình cho tàu đi vào từ từ, thả trôi giữa vịnh Vũng Rô. Không bắt được liên lạc, mình phải cho người xuống xuồng, chèo vào Bãi Lau phía bên kia để rồi tìm bắt liên lạc. Sau khi bắt liên lạc xong, hai bên gặp nhau, bến và thuyền gặp nhau, lúc bây giờ ôm nhau, mừng mừng, tủi tủi", Trung tá Hồ Đắc Thạnh nhớ lại.

Liên tục rời bến - ra khơi - cập bến, với Trung tá Hồ Đắc Thạnh, mỗi chuyến đi của đoàn tàu Không số “phải chấp nhận hai lần chết”: “Một là, chấp nhận chết do bão tố. Thứ hai, là trên trời máy bay, ở dưới các loại tàu. Khi chỉ huy tàu, nỗi sợ lớn nhất không phải là quân địch, cũng không phải là sóng to gió lớn, mà sợ nhất là bản thân mình không hoàn thành được nhiệm vụ.
Trong suốt thời gian 14 năm, cán bộ chiến sĩ của Đoàn 125 Hải quân chưa bao giờ thoái thác nhiệm vụ, chưa bao giờ bị địch bắt, tù đày mà xin khai. Lòng quyết tâm, dũng cảm, hy sinh vì Tổ quốc đã có trong tim ngay từ lúc ban đầu”.
Ông Thạnh nhớ mãi buổi chiều tháng 9/1963. Khác với những bữa cơm thông thường, trong phòng ăn có treo lá cờ đỏ sao vàng và dòng chữ: “Lễ tiễn đưa tàu 54 lên đường chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam” được viết bằng mực đỏ trên giấy dó màu vàng đóng chặt vào tường, dưới lá cờ Tổ quốc.
“Những giọt nước mắt chúng tôi bắt đầu rơi. Xúc động lắm. Đồng chí Phạm Hùng bắt đầu tới ôm hôn từng người một. Cảm tưởng như đó là nguồn năng lượng của Đảng và và Nhà nước truyền vào cho tôi để tăng thêm sức mạnh, vượt qua tất cả sóng gió biển khơi, hoàn thành nhiệm vụ”, Trung tá Hồ Đắc Thạnh nghẹn ngào.

Kỷ vật ông Hồ Đắc Thạnh trao tặng Bảo tàng tỉnh Phú Yên
Trở lại Vũng Rô, nơi hai đồng đội ngã xuống, Thiếu tá Ngô Văn Định không thể nào quên giây phút tiễn biệt. Họ đã hy sinh anh dũng, bảo vệ đến hơi thở cuối cùng bến tàu, vũ khí và bí mật của con đường Hồ Chí Minh trên biển. Chính ông là người đã trực tiếp chôn cất hai người lính quê hương mình, những người đã nằm lại vĩnh viễn nơi này.
“Hai đồng chí trúng pháo của địch, cứu chữa không được và đã hy sinh”, Thiếu tá Ngô Văn Định lặng người.
Năm 2024, tròn 60 năm Bến Vũng Rô – Phú Yên đón chuyến hàng đầu tiên của tàu Không số, Thiếu tá Ngô Văn Định đã trao tặng Bảo tàng tỉnh Phú Yên một kỷ vật đặc biệt: hòn đá cuội ông đã mang theo bên mình suốt 60 năm qua, như tấm bia mộ tưởng nhớ hai đồng đội Nguyễn Ba và Lê Riều đã hy sinh đêm 15/2/1965.

“Hòn đá cuội bác Định đã làm dấu để an táng hai chiến sĩ Đại đội K60 đã hy sinh để bảo vệ bến trong đợt chuyến tàu thứ 4 mang số hiệu 143 cập bến Vũng Rô bị lộ. Ông đã thức suốt đêm để canh xác đồng đội, trong bối cảnh Vũng Rô lúc bấy giờ là rừng thiêng, núi non hiểm trở, đèo dốc và nhiều hang động, gộp đá, thú dữ...”, chị Phan Huỳnh Lệ Hằng, thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh Phú Yên chia sẻ.
Dấu tích của con tàu 143 chìm sâu dưới lòng biển (Video: Lê Biết)
Tuyến vận tải chiến lược đường biển đang hoạt động thuận lợi thì xảy ra sự kiện Vũng Rô. Ngày 01/02/1965 Tàu 143, do đồng chí Lê Văn Thiêm làm Thuyền trưởng được lệnh lên đường vận chuyển vũ khí vào Bình Định.
Sau khi xuất phát, do có nhiều tàu địch hoạt động trên biển, tàu phải vào tạm trú ở đảo Hải Nam. Ngày 10/02/1965, tàu lại tiếp tục lên đường, khi đi được nửa hành trình thì nhận được mệnh lệnh chuyển hướng vào bến Vũng Rô giao hàng. Ngày 15/02/1965, tàu cập bến Vũng Rô.
Sau khi bốc dỡ toàn bộ vũ khí trên tàu lên bờ, 3 giờ sáng ngày 16/02/1965, tàu được lệnh xuất phát, nhưng tời neo bị hỏng phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới sửa chữa xong. Lúc này trời đã sáng nên tàu không thể ra khơi được nữa đành ở lại bến. Thuyền trưởng cho tàu ép sát vào vách núi để ngụy trang trông giống như một mỏm núi nhô ra biển.
13 giờ ngày 16/2/1965, địch ném pháo mù và bom xăng, làm lớp ngụy trang trên Tàu 143 bị cháy. Tàu 143 đã bị lộ, buộc ta phải phá hủy tàu.
Sau sự kiện tàu 143 bị lộ tại Vũng Rô, địch tăng cường lực lượng hải quân ráo riết tuần tra kiểm soát nhằm ngăn chặn việc chi viện chiến trường bằng đường biển của ta. Việc vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển chuyển sang giai đoạn mới.

64 năm đã trôi qua, Trung tá Hồ Đắc Thạnh, người gắn bó cả cuộc đời mình với biển cả, đã gửi gắm những câu chuyện về hải trình cảm tử vì Tổ quốc và truyền ngọn lửa ấm cho thế hệ trẻ trong cuốn sách "Nhớ và Ghi lại".

Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam. Trên con đường này, bộ đội Hải quân, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương sử dụng nhiều phương tiện vận chuyển từ thô sơ đến hiện đại, cả tàu gỗ và tàu sắt, tàu đánh cá, tàu vận tải, hoặc cải dạng từ loại tàu này sang tàu khác để đối phó với kẻ thù.
Lộ trình vận chuyển cũng không cố định mà thay đổi theo từng chuyến, thậm chí bến mà từng chuyến tàu dự kiến cập cũng thay đổi tùy theo tình hình thời tiết, khí hậu hay tình hình địch. Điều đó minh chứng cho nghệ thuật và kỹ thuật quân sự Việt Nam trong hoàn cảnh đặc biệt của cuộc chiến tranh.

Vũng Rô, từ một chứng tích lịch sử hào hùng, nay đã trở thành một điểm đến hấp dẫn. Những con Tàu không số năm xưa đã đi vào huyền thoại. Và để tiếp nối câu chuyện ấy, rất cần thêm những điểm di tích ghi dấu con đường Hồ Chí Minh trên biển.
Ông Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhấn mạnh: “Để xứng tầm với ý nghĩa lịch sử của Di tích Vũng Rô, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo lập lại quy hoạch tổng thể khu vực này, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng bia tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Đồng thời, tỉnh cũng chủ trương khôi phục lại hình ảnh Tàu Không số, để nơi đây trở thành một điểm đến giáo dục truyền thống ý nghĩa cho thế hệ trẻ".

Chia sẻ với chúng tôi - những người trẻ thực hiện loạt bài "Cung đường thống nhất", Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu đau đáu: Hơn 700 năm rồi, câu ca tự hào chiến thắng quân Nguyên Mông “Người lính già tóc bạc/Kể mãi chuyện Nguyên Phong” vẫn còn lưu truyền.
Không biết một trăm năm sau nữa, những khúc ca hào hùng về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước liệu có còn vang trên môi hậu thế?”.
Và tôi nghĩ rằng, thế hệ sau sẽ không quên...
Cuộc chiến tranh này, không bao giờ được quên...

Thực hiện: Hồng Lĩnh – Vũ Loan - Nguyễn Yên – Lê Biết – Lê Tùng
----
Mời các bạn nghe lại Dòng sông mang lửa và những hải trình tuyệt mật trên Apple Podcast: