Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Ghế ngồi chuyên dụng cho trẻ em trên ô tô: Cần lộ trình cụ thể

Hải Hà: Thứ tư 09/08/2023, 06:19 (GMT+7)

Hiện nay nhiều người rất quan tâm đến đề xuất bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô tại Dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tính khả thi của đề xuất này ra sao và cần làm gì để hiện thực hóa quy định này nếu Dự thảo Luật được thông qua?

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương về vấn đề này.

PV: Thưa ông, ông nghĩ sao về quy định cấm trẻ dưới 10 tuổi ngồi cạnh ghế lái và trẻ dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế chuyên dụng khi ngồi trên ô tô đề cập trong Dự thảo Luật ?

PGS.TS Nguyễn Việt Cường: Từ trước đến nay thì Việt Nam chưa hề có quy định liên quan đến việc vị trí ngồi của trẻ trên ô tô cũng như sử dụng các thiết bị an toàn đối với trẻ em dưới một độ tuổi nhất định. Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa vào và là một điều rất quan trọng. Bởi vì, hành khách và người lái ô tô thì đều phải thắt dây an toàn. Tuy nhiên, tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, vào cơ thể của trẻ so với dây an toàn tiêu chuẩn sẵn có trên ô tô, thì trẻ không thể sử dụng và như vậy không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, phòng những thương tích hoặc tử vong khi tai nạn xảy ra. Đây là quy định vô cùng cần thiết khi nhu cầu sử dụng ô tô ngày càng gia tăng.

ta-i-sao-khong-nen-cho-tre-em-ngo-i-ghe-truo-c-2_LZZX

PV: Thưa ông, đề xuất quy định này có phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay của Việt Nam liên quan đến trẻ em hay không và chúng ta có cần phải điều chỉnh bổ sung các quy định văn bản, các văn bản quy định liên quan?

PGS.TS Nguyễn Việt Cường: Tôi cho rằng, đối với các văn bản khác thì lần đầu tiên Việt Nam đưa ra các tiêu chuẩn về thiết bị an toàn trẻ em. Do vậy là các văn bản quy phạm pháp luật khác thì tôi nghĩ là nó cũng không có gì ảnh hưởng. Tuy nhiên, có một điểm mà tôi thấy rằng là nó chưa được thực sự là một cái quy định mang tính bao phủ nhiều phạm vi an toàn.

Trong chương quy định chung Dự thảo Luật, Điều 2 yêu cầu tất cả mọi người, kể cả hành khách và người lái xe ô tô phải đeo dây an toàn. Tuy nhiên, ngay trong điều dưới, yêu cầu là trẻ dưới 4 tuổi ngồi trong ghế chuyên dụng. Do vậy, những đứa trẻ 5 tuổi trở lên cho tới những trẻ chưa cao đến 1,35m (tương đương khoảng 10 tuổi) chưa có quy định  bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn. Đây là một khoảng trống trong Dự thảo Luật này

Tôi cho rằng, xu hướng trên thế giới và với thời gian mà chúng ta có thời hiệu chỉnh Luật, chúng ta nên chỉnh sửa và hướng tới quy định phổ biến trên thế giới hiện nay là trẻ dưới 10 tuổi chiều cao dưới 1,35m bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn chuyên dụng khi tham gia giao thông.

PV: Nếu Dự thảo Luật được thông qua, theo ông cần làm gì để quá trình thực thi được hiệu quả? 

PGS.TS Nguyễn Việt Cường: Những thiết bị an toàn tiêu chuẩn đều theo tiêu chuẩn của UN và các hệ thống tiêu chuẩn thiết bị an toàn. Toàn bộ tất cả hệ thống ô tô sản xuất hiện nay đều theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và có hệ thống chốt để cài dây bảo hiểm và cài ghế. Tất cả ô tô sản xuất hiện nay, kể cả nhập khẩu và sản xuất trong nước, đều có sẵn các chốt cài trên các phương tiện ô tô.  khi mà các gia đình mua các thiết bị an toàn chuyên dụng cho trẻ cần phải để ý xem thiết bị đó có tuân theo những tiêu chuẩn ISOFIX, UN.. ..

Quá trình triển khai Dự thảo Luật cần một lộ trình vì nó sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều các bên liên quan. Ví dụ, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của Malaysia Philipin, xây dựng lộ trình áp dụng cho trẻ nhỏ từ trước, trẻ lớn sau. Hoặc cũng có thể thực hiện lộ trình bắt đầu từ xe cá nhân và tăng dần độ tuổi các năm sau đó.Trong một vài năm thì chúng ta sẽ bao phủ cho 10 hoặc 12 tuổi.

Về phương tiện, áp dụng đối với các loại xe của gia đình trước, sau đó đến các loại xe mà mang tính chất là kinh doanh như xe taxi hoặc taxi công nghệ trong 1,2 năm.

Thứ hai, chúng ta cần phải ban hành  tiêu chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn của các thiết bị an toàn để cho các bên tham gia sản xuất, kinh doanh các thiết bị an toàn chuyên dũng, tránh việc xuất hiện hàng nhái, hàng giả hay hàng không đảm bảo chất lượng trên thị trường.

Nhìn chung, tôi nghĩ là phải có lộ trình luật từ việc áp dụng tiến độ tuổi, đến đối tượng và bao gồm cả các thiết bị từ nhà sản xuất ô tô cho tới các nhà sản xuất các thiết bị an toàn này. Tôi nghĩ, trong lộ trình trong một vài năm chúng ta đạt được độ bao phủ  sẽ tăng lên và nó sẽ đảm bảo an toàn tốt hơn cho trẻ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn